Home Xem NGHỆ THUẬT ĐƯƠNG ĐẠI: RÁC, RÁC VÀ RÁC
Xem

NGHỆ THUẬT ĐƯƠNG ĐẠI: RÁC, RÁC VÀ RÁC

Minh Hùng

13/08/2019

Lời người dịch: Tác giả bài viết là Boethius, một người theo Công giáo, do đó trong bài có một số quan điểm mang thiên hướng Công giáo, tôi xin giữ nguyên nội dung đó của tác giả.

“TẤT CẢ ĐỀU LÀ NGHỆ THUẬT” Ư, THẾ THÌ CHẲNG CÓ GÌ LÀ NGHỆ THUẬT CẢ

Tất cả những tác phẩm nghệ thuật trứ danh của nền văn minh phương Tây đều dựa trên cùng một nguyên tắc cơ bản: người nghệ sĩ nỗ lực dụng công và dụng tâm, với niềm cảm hứng và cống hiến của mình cho nghệ thuật, tạo ra một tác phẩm có thể kết nối con người với Đấng Thiêng liêng. Sứ giả từ thần thánh tới theo nhiều dạng nhiều hình khác nhau, nhưng chúng đều có cùng một tiêu chuẩn.

Kitô giáo xác định chắc chắn rằng tiêu chuẩn này đến từ Chúa trời. Ngay cả những người không theo đạo Kitô cũng nhận ra rằng nghệ thuật, thứ nghệ thuật đích thực sẽ nâng tầm chúng ta lên, kết nối ta với những gì cao cả tuyệt luân, kích thích sức sống ta từ trái tim đến khối óc.

Nghệ thuật vẽ lên từ những huyền thoại, những truyền thuyết của chúng ta, về những chuyến phiêu lưu kỳ thú, những chiến công vĩ đại.

Nghệ thuật tô điểm những sự kiện quan trọng trong lịch sử, truyền tín hiệu kết nối từ thế hệ trước xuống thế hệ sau, tạo cho chúng ta sự liên tục và nhận thức rằng chúng ta có một quá khứ dài.

Nghệ thuật, những tác phẩm nghệ thuật vĩ đại chạm tới linh hồn ta một cách thiêng liêng cao cả.

Nghệ thuật đương đại chẳng làm được gì trong những điều trên. Nó thất bại toàn diện.

Không có gì thiêng liêng ở đó cả đâu.

Nó chẳng kết nối được ai tới ai.

Nó không mang theo lịch sử được nhân loại chia sẻ, nó cắt lìa hiện tại khỏi quá khứ.

Nó cố nâng sắt vụn lên thành vàng, và vùi vàng xuống đống sắt vụn.

Những lời trên chỉ là một phác thảo ngắn gọn, một tổng quan sơ lược, một cái lướt nhìn thôi, hãy ngồi cho vững và giữ những câu hỏi đang nở ra trong đầu bạn cho đến cuối bài.

Còn bây giờ, bắt đầu thôi.

Nghệ thuật Hy Lạp

 

Đây là mặt trong của một cốc rượu Hy Lạp từ thời 480 TCN, một kylix (ly với lòng khá nông và chân cao – người dịch), trong đó vẽ Hercules và Athena.

Hercules là một anh hùng, một bán thần trong thần thoại Hy Lạp, một nguyên mẫu của những phẩm chất đàn ông. Athena thì là nữ thần bảo trợ cho thành Athens, là nữ thần của sự thông tuệ, lòng dũng cảm, niềm cảm hứng và nền văn minh. Hai người/thần đứng cạnh nhau, thể hiện sức mạnh và trí tuệ. Nó có nghĩa là, khi ai đó uống nước từ cốc này, anh ta sẽ nhìn thấy hai vị ấy ở dưới đáy cốc, như một lời nhắc nhở thường xuyên rằng có nhiều thứ còn tuyệt vời hơn là đồ uống ngon lành.

Người Hy Lạp, với nền văn hóa mà chúng ta còn mang nợ rất nhiều cho đến ngày nay, có đầy rẫy những ví dụ như vậy.

Nghệ thuật thời đầu Kitô giáo

Những người theo đạo Kitô vui mừng hãnh diện vì Chúa Jesus, các tác phẩm của họ thể hiện lòng tôn sùng ấy.

jesus

Thế giới nghệ thuật Kitô giáo chịu ảnh hưởng từ hai nguồn văn hóa chính: Đế chế La Mã ở phương Đông và phương Tây.

Đế quốc Đông La Mã, sau này được gọi là Byzantium, đi theo một cách tiếp cận tượng trưng đối với chủ nghĩa tự nhiên hà khắc.Trong các tác phẩm của mình, họ sử dụng nhiều đồ khảm, tạo nên những hình ảnh nhấn mạnh vào bản chất thần thánh của chúa và các Thánh Thần.

Đế quốc Tây La Mã đi theo một trường phái tư tưởng tự nhiên hơn.

Dù vậy, ở cả hai bên, những tác phẩm nghệ thuật đều được hoàn thành như một hình thức ca tụng Chúa và niềm tin của họ. Nghệ thuật nâng linh hồn lên tới những gì cao rộng lớn lao hơn, đưa họ vượt khỏi đời sống tâm thường, hướng về phía Chúa. Những tác phẩm tuyệt vời nhất đều thật thần thánh.

Tôi sẽ bỏ qua nhiều thế hệ tuyệt vời. Tôi phải báo với bạn rằng tôi phải tăng tốc. Nhưng để nhanh chóng lưu giữ chút hương vị tuyệt vời của thời đại, hãy nhìn qua bức tranh sau đây của Raphael vĩ đại:

Nghệ thuật đương đại

Nào, giờ thì hãy nhìn vào đây. Đây là một cuộc đảo chiều tất cả những gì từng là nghệ thuật.

Đây là một trong những mẩu rác rưởi được coi như tác phẩm nghệ thuật được biết đến nhiều nhất. Nói nó là một trò đùa đi, tôi tạm hiểu được. Còn nói nó là tác phẩm nghệ thuật, thôi cho tôi xin!

Mọi thứ đang dần tệ đi…

Thay vì nâng linh hồn lên, thay vì khuyến khích người xem hướng mắt lên cao rộng, nghệ thuật đương đại ru người xem bằng những lời dối trá nhỏ xinh về giá trị tự thân thổi phồng như bong bóng. Nó nhấn người xem đắm vào đống bùn và tuyên bố rằng không có gì vượt qua nó. Nó không nâng ai lên nữa, mà kéo tụt xuống. Nó không còn mang tính thiêng nữa, mà thô bỉ và tầm thường. Qua rồi cái thời người nghệ sĩ được thử thách để nâng cao kỹ năng, kỹ thuật của mình thông qua nỗ lực quyết tâm để vinh danh và ca tụng thần tính trong tác phẩm của mình; nghệ thuật đương đại khinh miệt kỹ năng và sự cần mẫn, nó chẳng đòi hỏi gì ngoài một nỗ lực hờ hững để thỏa mãn tính ham của lạ và tâng bốc bản ngã luôn tham lam không đáy. Nghệ thuật đương đại kéo tụt con người xuống, và cùng rơi xuống với con người, là thiên nhiên.

Nghệ thuật xuống dốc…

Đây là bức tranh “The Bridge at Villeneuve-la-Garene” của Alfred Sisley, một bức tranh đẹp theo phong cách Ấn tượng. Họa sĩ mô tả khá chân thực thiên nhiên, và những nỗ lực của nghệ sĩ là thể hiện vẻ đẹp ấy trong tâm tưởng anh ta.

Dù bạn có ưa phong cách Ấn tượng hay không, Sisley vẫn thể hiện được kỹ năng của mình. Tác phẩm của ông không nhiều màu sắc thần thánh như của những danh gia tiền bối, nhưng ông vẫn còn gần gũi với thực tế hơn so với những gì được trình bày dưới đây.

Hãy cùng nhìn vào đống lộn xộn này. Nó giống như một bản nháp thô sơ, một bài luyện tập của người học việc, một tác phẩm không thể hiện được kỹ năng hay tay nghề gì của một nghệ-sĩ-chưa-thành đang làm bẩn tấm toan vẽ bằng trình độ thấp kém và thái độ làm việc tệ hại của mình.

Nếu đó là điểm thấp nhất ta phải trải qua, thì có lẽ chúng ta có thể đã thở phào, chúng ta có thể sẽ gượng dậy. Nhưng chủ nghĩa hậu hiện đại sẽ còn tống vào lịch sử cả một đống rác nữa, và chúng ta chẳng thể làm gì ngoài chỉ tay vào đống ấy mà cười.

Nghệ thuật xuống dốc sâu hơn nữa…

Người Đức đi tiên phong, họ đã nhân đôi được sự ngu ngốc và phát triển chủ nghĩa Biểu hiện.

Cùng nhìn qua ví dụ này nhé: một bên là Ấn tượng, còn một bên là Biểu hiện.

Rõ ràng là trong thế giới nghệ thuật, thứ gì đó đã đi trật đường ray.

Thay vì sáng tạo những tác phẩm sẽ nâng dậy tinh thần con người, chỉ ra những vẻ đẹp của tự nhiên, hay mang đến những cái đẹp thiêng liêng, nghệ thuật đương đại ấn đầu bạn vào một đống phân và yêu cầu bạn tìm ra điều thần thánh cao cả trong nó.

Đó không phải là nghệ thuật, đó là phong trào phá quấy được dựng lên thành nghệ thuật bởi một đám thù ghét cái đẹp.

Nghệ thuật vẫn rơi và chưa nhìn thấy đáy…

Jackson Pollock là ví dụ điển hình về thứ phi nghệ thuật được dựng lên thành tuyệt tác của sự gian trá tinh vi.

Caravaggio_-_Cena_in_Emmaus

 Pollack

So với bức Supper at Emmaus, bức của Pollack chỉ như những vệt màu bắn tung tóe trên toan vẽ, như thể ai đó vô tình làm văng sơn lên đó vậy.

Chẳng ai có thể tình cờ làm đổ sơn vẽ để rồi có được một bức tranh của Caravaggio cả.

Một phần của vấn đề, ta dễ dàng truy ngược lại tới lý thuyết của chủ nghĩa Marx, một lý thuyết đơn giản đến đáng kinh ngạc nhưng mắc kẹt trong mớ bòng bong ngôn ngữ học thuật cao siêu. Nói cho ngắn gọn thì nó thế này: bắt gập bất kể điều gì đúng đắn và thông thường, hãy phê bình nó. Hãy trút giận vào nó. Ném tất cả những gì bạn muốn vào nó. Rên rỉ về sự bất bình đẳng, phàn nàn về hệ thống quyền lực, chế nhạo về ý thức hệ. Điều duy nhất bạn không được làm là thử kết nối tâm hồn con người với thứ gì cao hơn đời sống thường nhật, vốn bị bao quanh bởi tính ghen tị và sự yếu đuối, bị giới hạn bởi tinh thần tệ hại bị phá hoại bởi những ảnh hưởng ma quỷ.

Một trợ lực khác góp thêm vào cuộc kéo đổ nghệ thuật vào trong mớ thô tục vô nghĩa, đó là việc rền rĩ lên cái việc “tự thể hiện mình”.

Trẻ con thì mới tập “tự thể hiện mình”. Người lớn sẽ học, sẽ cố gắng trong khó khăn, sẽ nỗ lực rồi thất bại, sẽ làm chủ và mài giũa kỹ thuật cũng như phong cách.

CẢM NHẬN CỦA BẠN CHẲNG QUAN TRỌNG ĐẾN THẾ ĐÂU.

tracey-emin-my-bed

Tính tự mãn tự luyến đã giúp Tracey Emin tạo nên “tác phẩm” My Bed. Chẳng có gì ngoài rác rưởi, những họ vẫn một mực khẳng định rằng đó là hình thức biểu đạt cao nhất.

So sánh với những tác phẩm hàng đầu được tạo tác bởi những con người kính Chúa trong nhiều thế kỷ trước, tôi tưởng như con người hiện đại đang cố bán một chiếc sandwich vừa bẩn thỉu vừa dở ẹc cho một người sành ăn, và luôn miệng quảng bá rằng nó vừa có hương vị thơm ngon lại vừa tốt cho sức khỏe.

Nghệ thuật, với chức năng của nó để hướng linh hồn con người đi lên, đã bị lật ngược và kéo tụt linh hồn con người đi xuống. Nghệ thuật đương đại nhấn đầu bạn vào đồng phân và nói với bạn rằng đó là thực tế.

TA PHẢI LÀM GÌ BÂY GIỜ?

Đầu tiên, hãy nhận thức được rằng chúng ta đang bị lừa phỉnh. Những gì còn lại của nghệ thuật đương đại hiện nay chẳng còn là nghệ thuật nữa rồi. Đó là mặt trận tâm lý – tinh thần hướng đến linh hồn con người.

Thứ hai, hãy tìm kiếm và hỗ trợ cho những lựa chọn thay thế. Dự Án Đổi Mới Nghệ thuật có thể không hiểu hết được những thành phần tinh thần, nhưng mọi tác phẩm ở đó vẫn còn nhìn nhận ra được thực tế và ở đó, những kỹ năng có được nhờ khổ luyện, những kỹ thuật biểu hiện thực tế một cách chân thật vẫn còn được định hướng đúng đắn.

Thứ ba, hãy mạnh dạn cười rộ lên trước mỗi tác phẩm đương đại bừa bãi, lố bịch và vô nghĩa: “Aha, hoàng đế cởi truồng kìa!”

Thứ tư, hãy tạo ra những tác phẩm của riêng bạn, không vì lý do nào khác, bạn sẽ biết cách trân trọng những đóng góp từ các bậc thầy nghệ thuật.

Nghệ thuật, khi nó phát huy chính xác chức năng của mình, là một phần của đời sống tâm hồn con người. Chúng ta đã mất đi nền tảng, đúng vậy, và thứ nghệ thuật mới dựng lên chắc chắn là của Kẻ Thù. Điều đó càng làm cho cuộc chiến tinh thần này thêm đáng giá.

Chúng ta sẽ lấy lại vị trí xứng đáng của nghệ thuật trong nền văn minh phương Tây.

Bài gốc: Men of the West

Tác giả: Boethius

Minh Hùng dịch

TỪ BAO GIỜ NGHỆ THUẬT HIỆN ĐẠI KHÔNG CÒN ĐEO ĐUỔI CÁI ĐẸP?

Lý tưởng sáng tạo về việc chối bỏ cái đẹp không bắt đầu cùng với chủ nghĩa hiện đại, mà bắt đầu khi nghệ thuật đặt niềm tin vào báo chí. Cái đẹp là ý tưởng nguy hiểm nhất trong nghệ thuật. Nó cũng là ý tưởng nguy hiểm nhất trong cuộc đời nữa. Nó làm khổ sở và gây nhầm lẫn, nó kích động và nghiền nát tâm can.  Cái đẹp đã được tôn thờ như là thứ giá trị nghệ thuật cao nhất,

Minh Hùng

15/08/2019