Home Ngẫm MỆNH VÀ CẢI MỆNH

MỆNH VÀ CẢI MỆNH

Con người ta ai cũng có “mệnh” của mình! Họ thường nói vậy. Nhưng cái mệnh này là do ai sắp đặt, ai bày vẽ nên? Tất cả đều vô hình. Có tôn giáo cho là Thượng Đế, có tôn giáo cho là các vị thần, lại có niềm tin cho rằng những sự việc xảy đến với một người là một chuỗi xác suất của tự nhiên. Dù tin hay không, ta vẫn bị chi phối bởi một định mệnh mà không dễ để thay đổi nó theo ý mình. Và liệu rằng cái ý mình ấy cũng là một số mệnh đã được sắp xếp hay chẳng? Thế nên con người mãi cứ nghịch lý… Nhận thức rằng mình chỉ là diễn viên trên sân khấu của số phận nhưng lại không làm cách nào mà thoát được. Ấy là bởi người đời ít ai hiểu được cơ chế của mệnh quy định lên chúng ta.

Chúng ta thường tin rằng chúng ta chỉ có một thứ mệnh, thứ mệnh ấy quy định suy nghĩ, hành vi, các vận may cũng như tai họa đến với chúng ta. Dần dần, chúng ta đồng nhất mệnh được quy định cho chúng ta với chính bản thân chúng ta, rồi tin chắc chắn rằng đó là cuộc đời ta phải sống, phải tuân thủ, không thể thay đổi. Nhưng cơ chế của mệnh phức tạp hơn thế. Mệnh được chia ra làm ba loại, tạm gọi là Thiên mệnh – Địa mệnh – Nhân mệnh.

Nhân mệnh chính là các thói quen, các kỹ năng, các sở thích, các quan niệm được lưu lại từ các kiếp trước và được xây đắp thêm ở kiếp này. Nhân mệnh này là thứ chúng ta tin rằng đó là cá tính của chúng ta, là điểm riêng biệt là ta có thể nhận diện mình với đám đông. Điều này cũng không sai. Thế nhưng, nó là thứ mà ta có thể dễ dàng thay đổi thông qua quá trình quan sát tâm và rèn luyện tâm.

Địa mệnh là duyên nợ của các mối quan hệ mà chúng ta đã tương tác từ kiếp trước và kiếp này. Những duyên nợ này bằng một cách bí ẩn nào đó đã trở thành các sự kiện xảy ra với cuộc đời của ta. Thế nhưng, không phải tất cả các mối quan hệ kiếp trước đều sẽ tái hiện trong kiếp này, mà nó được chọn lọc để tạo nên số phận.

Thiên mệnh có cơ chế phức tạp hơn. Người nào phụ thuộc vào một hệ thống tôn giáo và tín ngưỡng thì những thứ ấy trở thành thiên mệnh của họ. Hoặc khi họ tin tưởng một điều gì đó là tốt đẹp để hướng tới thì điều đó cũng là thiên mệnh chi phối họ. Có thể có một hệ thống thiên mệnh chi phối con người. Thiên mệnh này có thể ảnh hưởng đến địa mệnh và nhân mệnh. Tuy nhiên một số ít người đặc biệt với sức mạnh tinh thần to lớn, không chịu khuất phục, tự do tự tại, có thể tạo ra thiên mệnh riêng cho mình và tự đặt cho mình cái sứ mệnh đến với thế giới. Nhưng thiên mệnh không phải lúc nào cũng tốt, lựa chọn thiên mệnh sai lầm (hoặc bị một thiên mệnh sai lầm chi phối) có thể đưa ta vào một chuỗi các suy nghĩ, hành vi tệ hại và nhận những hậu quả đáng buồn.

Một điều đáng chú ý là, nhân mệnh – địa mệnh – thiên mệnh không phải lúc nào cũng đồng nhất với nhau như người ta vẫn tưởng. Đôi khi một người có nhân mệnh và thiên mệnh tốt nhưng lại bị rơi vào địa mệnh rất tệ hại. Lại có lúc những người nhân mệnh chẳng ra sao, tiểu nhân, hèn hạ, bỉ ổi lại được một thứ thiên mệnh đang thắng thế dẫn dắt vào thứ bố cục địa mệnh tốt đẹp. Điều này không phải đơn thuần do “ăn ở” như người ta vẫn nói mà đơn giản là một thủ thuật sự phân bố phúc và họa trong chuỗi duyên nợ mà thế lực vô hình nào đó đã sắp xếp. Nếu bạn tin có thế lực vô hình, bạn sẽ hiểu rằng thế lực ấy can thiệp vào vận mệnh của ta.

Khi xem các loại tử vi từ Đông sang Tây, chúng ta chỉ xem được một phần nhân mệnh và địa mệnh mà thế lực vô hình đã sắp đặt cho ta. Thường khi làm con người, một xu hướng tính cách nào đó trong nhân mệnh sẽ được đẩy lên để đồng bộ với địa mệnh đã sắp đặt. Do đó, xem tử vi không cho ta thấy được toàn bộ nhân mệnh và càng không thể thấy được thiên mệnh. Khi xem kinh Dịch hay Tarot cũng chỉ cho ta thấy được cái địa mệnh của ta. Biết như vậy thì biết để làm gì?

Phàm là người, ai chẳng có ham muốn cải mệnh của mình để tránh họa gặp phúc. Thứ mà họ muốn thay đổi ấy là thay đổi địa mệnh, thứ được một thế lực vô hình nào đó sắp xếp nên dựa trên chuỗi duyên nợ nhiều kiếp của chúng ta. Thế là họ khấn vái thần thánh những mong thần thánh can thiệp được, tức là họ mượn lực từ thiên mệnh để thay đổi địa mệnh. Những trò cúng sao giải hạn, nghi lễ trả nợ tiền duyên, di tinh hoán số đều là như vậy cả. Lại có người những mong tu luyện để có thể thay đổi được số mệnh của mình, mang đến điều tốt đẹp cho người thân và xung quanh, điều này tức là họ gia tăng sức mạnh của nhân mệnh với sự hỗ trợ của thiên mệnh để mong cải được địa mệnh. Thế nhưng, đến Mục Kiền Liên, đại đệ tử của Đức Phật cũng không cải được địa mệnh của ông ta, tại sao bạn nghĩ rằng bạn có thể?

Cố gắng mở rộng nhân mệnh của mình, thoát khỏi sự áp đặt một xu hướng tính cách của bản thân do số phận quyết định, chỉ là bước đầu của cải mệnh. Khi ta hành xử khác đi so với quy định, các chuỗi duyên nợ cũng dần dần theo đó mà thay đổi. Đây là lý do khiến cho một số người tu hành bậc cao rất khó đoán biết sự kiện đến với họ. Thế nhưng, cho dù họ thay đổi bản thân mình đến đâu, họ vẫn cứ bị chi phối bởi các duyên nợ. Muốn cải mệnh thật sự, người tu luyện còn phải chủ động khuyến khích những người trong mối quan hệ của mình cũng phải thay đổi nhân mệnh của họ. Như vậy cũng không đủ, họ còn phải tự tạo thiên mệnh cho mình chứ không chấp nhận sự chi phối thiên mệnh của kẻ khác. Thế nên, con đường cải mệnh dài lâu và khó khăn, cũng ít người dám bước chân và đi trên con đường ấy.

Nhưng cải mệnh đến đâu thì cũng khó thoát được cái chết, chỉ là chết sớm hay chết muộn mà thôi. Cái chết là sự chấm dứt của địa mệnh nhưng nhân mệnh thì còn mãi, thiên mệnh là thứ ta có thể lựa chọn lại. Cái chết, đôi khi là cách để ta trưởng thành hơn, để ta trở về với con người thực của mình, vượt ra khỏi vòng chi phối của các thế lực vô hình. Nên nhìn cái chết như một cơ hội chứ không phải sự đau đớn.

Hà Thủy Nguyên

CƠ CHẾ CỦA NHỮNG LỜI TIÊN TRI

Nhu cầu biết trước về một tương lai có thể xảy ra luôn kích thích trí tò mò của con người, bởi thế quyền năng tiên tri là điều được ngưỡng vọng vào bậc nhất trong lịch sử nhân loại. Thế nhưng, cơ chế để hình thành nên một lời tiên tri không giống nhau, hay nói một cách khác cơ cấu của từng hệ thống quyền năng tiên tri khác nhau rất nhiều. “Tiên tri” có nghĩa là “biết trước”. Chữ “tri”, theo Từ