Home Chuyên đề tháng Khi người hùng lại chính là vấn đề

Khi người hùng lại chính là vấn đề

khi-nguoi-hung-lai-chinh-la-van-de

Về Robert Muller, Greta Thunberg, và việc tìm sức mạnh từ sự đoàn kết

Khi nói đến biểu tượng cho cụm từ “đơn thương độc mã” bạn có thể sẽ nghĩ đến nhân vật người hùng trong bộ phim mới đây “Woman at War”. Bộ phim kể về một eco-saboteur (ND: người cố ý phá hoại các công trình với mục đích bảo vệ môi trường) người Iceland bắn cung siêu giỏi, với các cảnh làm nổ tung đường dây điện cao áp, cô ta nấp ở những nơi có cảnh đẹp tuyệt vời để lẩn trốn trực thăng. Nhưng trên thực tế những vụ phá hoại vì mục đích bảo vệ môi trường (eco-sabotage) nổi tiếng và hiệu quả nhất trong lịch sử quốc đảo này lại hoàn toàn không có gì là “đơn thương độc mã” cả.

Người hùng không mang tính cá nhân

Vào ngày 25/8/1970, tại một vùng thung lũng làm nghề nông dọc con sông Laxa phía bắc Iceland, những người dân đã làm nổ tung 1 con đập để tránh cho ruộng bị ngập. Sau đó, có hơn 100 nông dân đứng ra nhận trách nhiệm (hay có thể coi là công trạng) này. Và không những đã không có vụ bắt bớ nào, đập nước cũng không còn, mà người ta còn nhận thấy có những kết quả rất tích cực. Trong số các hệ quả tích cực này có việc khu vực lân cận cũng được bảo vệ, và có thêm các quy định mới cũng như việc tăng nhận thức ở Iceland về bảo vệ môi trường. Đó có lẽ là vụ phá hoại vì mục đích bảo vệ môi trường có ảnh hưởng đáng kể nhất mà tôi được biết, có thể lý do là vì hành động đó thể hiện mong muốn của nhiều người, chứ không phải chỉ của một số ít.

Chúng ta thường không thạo việc kể chuyện về cách cả trăm người đã hợp tác làm việc với nhau như thế nào. Và chúng ta cũng không giỏi hình dung được việc cứu lấy một thung lũng hay việc thay đổi thế giới thường không phải là những câu chuyện về lòng can đảm hay các cuộc chạm trán đẫm máu. Mà đó là những câu chuyện là về khả năng phối hợp, truyền cảm hứng, kết nối với rất nhiều người, và khả năng tạo nên những câu chuyện về thế giới tương lai và làm thế nào để gây dựng nên thế giới đó. Quay lại chuyện năm 1970, các nông dân kể trên đã tạo ra một vụ nổ khá hoành tráng, và phim ảnh thì thích chiếu các vụ nổ hoành tráng chả kém gì các cảnh rượt đuổi bằng ô tô. Nhưng thực tế thì vụ nổ đó chỉ là phần kết của rất nhiều các cuộc họp, mà phim ảnh thì ghét cảnh họp hành.

Halla, nhân vật chính tuổi trung niên trong phim “Woman at War”, còn là một người chỉ huy dàn hợp xướng. Khả năng điều phối để mọi người hát một cách hài hòa có nhiều điểm tương đồng với khả năng cần có để giành phần thắng trong các cuộc đấu tranh vì môi trường, chứ không giống các cuộc chiến đơn phương độc mã như trong phim. Các nhà làm phim có vẻ như đã không hiểu điều này, dù rằng trong phim vô tình đã có rất nhiều cảnh về những tấm ảnh của Gandhi và Mandela – 2 nhà vô địch về sức bền trong họp hành và thương lượng – đặt trong phòng của Halla. Có vẻ như bộ phim cũng không quan tâm khai thác đề tài về cách họp hành và thương lượng thế nào để bảo vệ sông ngòi, hải đảo, hay trái đất.

Người hùng thực sự giỏi kết nối

Các thay đổi tích cực của xã hội thường đến từ việc kết nối với những người sống xung quanh một cách sâu sắc hơn là từ việc vượt trội hơn họ, từ các hành động được phối hợp hơn là hành động đơn độc. Các phẩm chất cần có lại thường là các đức tính hay được gắn với nữ giới hơn là nam giới, gắn với mọt sách hơn là với vận động viên. Cụ thể là khả năng lắng nghe, tôn trọng, kiên nhẫn, thương lượng, chiến lược, và khả năng dẫn dắt câu chuyện. Nhưng chúng ta lại thích những người hùng đơn độc và xuất chúng, những tình huống đẫm máu và sức mạnh của gân cốt, hoặc chí ít là ta được bảo là vậy. Đến nỗi mà chúng ta không biết những thay đổi thường xảy ra như thế nào, và vai trò của chúng ta trong quá trình ấy như thế nào, hay việc những người bình thường có vai trò quan trọng như thế nào. Tôi hay liên hệ tới câu nói của Bertold Brecht rằng thật không may cho vùng đất nào cần những người hùng, nhưng tôi dần nhận ra rằng thật đáng tiếc cho những nơi mà dân chúng nghĩ là mình cần một người hùng, hay không biết rằng mình đang có rất nhiều người hùng rồi mà không biết họ trông như thế nào.

Phim “Woman at War” sau đó đã lái câu chuyện sang một hướng khác, bởi vì dù gì thì nhân vật chính ở đây cũng là một người phụ nữ, mà đã là phụ nữ làm việc công thì thói thường sẽ gặp phải các xung đột cá nhân. Cũng giống như các bộ phim khác, nó chỉ chú trọng các chi tiết cá nhân. Nó cho rằng chúng ta làm việc gì cũng chỉ vì mục đích cá nhân, còn bài toán khó về vấn đề trái đất đang bị phá hủy thì cứ tan biến dần. Nó giống như phim “The Hunger Games” (Trò chơi sinh tử), trong đó có những cảnh lật đổ chế độ cũ một cách đẫm máu, và xạ thủ Katniss Everdeen thì rất giỏi bạo lực. Nhưng đạo diễn phim lại không thể tưởng tượng được việc thiết lập nên một chế độ khác, hay việc thực hiện các hoạt động chính trị cùng với một tập thể những người có khả năng và không thối nát. Vậy nên, trong kết cục buồn tẻ của “The Hunger Games”, Everdeen bỏ đi và lấy chồng sinh con tại một nơi hoang dã cô quạnh như “ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên” vào thời kỳ sau thảm họa hạt nhân. Hay nó cũng giống với cái kết “về vườn” mà Voltaire nhắc đến trong cuối truyện “Candide”.  Và nhân vật xạ thủ của chúng ta cũng tan biến dần vào cuộc sống gia đình trong phần kết của phim “Woman at War”.

Ngoài các vấn đề cá nhân, tôi cũng còn quan tâm đến các vấn đề khách quan. Bởi vì tôi tin rằng những vấn đề được cho là khách quan này có khả năng nuôi dưỡng tâm hồn, lòng yêu thương và những cảm xúc sâu lắng nhất của chúng ta, bởi những gì sâu lắng cũng bao la. Chúng ta cần có hy vọng, mục đích sống, và phải tham gia vào một cộng đồng rộng hơn gia đình hạt nhân của mình. Sự kết nối này vừa làm cá nhân ta cảm thấy mãn nguyện, và vừa là cách để chúng ta thực hiện những gì cần phải làm. Hình tượng người hùng đơn độc đưa một nhân vật ra ánh sáng sân khấu, nhưng cũng đẩy những người còn lại vào phía sau cánh gà, chôn vùi trong cuộc sống gia đình hoặc một cuộc đời thụ động.

Chuyên gia pháp lý và nhà văn Dahlia Lithwick có kể với tôi về hồi bà chuẩn bị viết về những nữ luật sư đã đấu tranh và chiến thắng trong nhiều vụ kiện chính phủ Trump về quyền dân sự trong vài năm qua. Lúc đó có không ít người đã khuyên bà chỉ nên tập trung viết về Ruth Bader Ginsburg thì hơn. Đã có rất nhiều phim ảnh sách báo và cả một trào lưu áo phông, cốc sứ có hình ảnh Ginsburg, và những yêu cầu viết sách kia muốn thu hẹp trọng tâm vào một siêu sao nổi tiếng. Tuy nhiên, Dahlia trong cuốn sách sắp tới này lại muốn mở rộng nội dung để kể về những nhóm nữ luật sư khác ít được nhìn nhận hơn.

Điều này cho thấy vấn đề người hùng đơn thương độc mã không chỉ xuất hiện trong phim ảnh mà còn cả ở ngoài đời, trên tin tức và cả trong lịch sử, còn được gọi là Thuyết người hùng trong lịch sử. (Ngoài ra còn có Thuyết kẻ ác trong lịch sử, ví dụ như việc tập trung vào Trump đã cho phép bỏ qua lịch sử phá hoại và dối trá của cánh hữu từ bao đời nay). Việc tập trung vào Ginsburg đồng nghĩa với việc cho rằng một cá nhân kiệt xuất, nắm quyền tối thượng, là nhân vật quan trọng nhất. Còn việc kể về những luật sư khác lại cho thấy sức mạnh dàn trải, quyết định của các tòa án khắp nơi đều quan trọng, và các luật sư thắng kiện và những người dân ủng hộ họ cũng đều đóng vai trò quan trọng.

Niềm tin cho rằng số phận của chúng ta do một thế lực ở trên cao nắm giữ thật ra đã được lồng ghép vào rất nhiều câu chuyện. Ngay như những quyết định của tòa án tối cao về quyền được kết hôn hay quyền phá thai thường phản ánh những chuyển dịch về giá trị trong xã hội cũng như những cuộc bầu cử thẩm án. Những chuyển dịch to lớn này thường là kết quả của rất nhiều hoạt động không được nhìn nhận. Ngay cả nếu như bạn chỉ quan tâm đến cuộc sống cá nhân, bạn cũng phải nhìn nhận những đấu tranh chung về quyền được kết hôn, được nhận mức lương đủ để sống, nhận bảo hiểm y tế, giáo dục, nhà ở, và nước uống. Và nếu bạn là một trong 82 người bị thiêu sống trong vụ cháy Paradise năm ngoái thì ảnh hưởng của chính sách công lại là một cái gì đó rất cá nhân.

Phải chăng chúng ta đã mệt mỏi với những người hùng?

Chúng ta yêu thích những người hùng, những siêu sao, và những kình địch của họ, nhưng tôi không chắc mình đang nói đến ai khi dùng từ “chúng ta” ở đây. Có vẻ như “chúng ta” ở đây là những kẻ nắm giữ quá nhiều các câu chuyện của ta, những kẻ thường ở vị trí đặc quyền và có niềm tin nhiệt thành vào giới tinh hoa, thường là tầng lớp được cho là sẽ sản sinh ra những người hùng và những ngôi sao. Có một bài hát cồn cào của Liz Phair mà tôi luôn nghĩ tới mỗi khi nhắc đến các người hùng. Cô ấy hát rằng: “Anh ta chỉ là một người hùng trong một dãy dài các người hùng/Kiếm tìm cái gì đó hấp dẫn để cứu vớt/Người ta bảo rằng anh đến trên thùng xe bán tải/Và anh sẽ không rời đi cho đến khi bạn ghi nhớ tên anh.”

Bài hát cho ta một cái nhìn sắc bén hơn về người hùng như những kẻ tìm kiếm sự chú ý, tìm kiếm sự nổi tiếng, kẻ phá đám, và ít nhất là ám chỉ một kẻ phá rối giả danh là người giải quyết vấn đề. Và có lẽ xã hội chúng ta đã bắt đầu cảm thấy chán các người hùng, và nhất là nhiều người trong chúng ta cảm thấy chán những gã đàn ông da trắng tự kiêu rồi. Ngay cả ý tưởng rằng chỉ có duy nhất một giải pháp, nó đầy kịch tính và nằm trong tay một vĩ nhân nào đó, đã chối bỏ sự thật là giải pháp cho các vấn đề thường có nhiều mặt đan xen và được tìm ra qua các cuộc thương lượng. Giải pháp cho vấn đề biến đổi khí hậu là trồng cây, nhưng còn là nhanh chóng chuyển tiếp ra khỏi việc dùng nguyên liệu hóa thạch, và cả việc sử dụng năng lượng hiệu quả, những thay đổi đáng kể về thiết kế, và hàng tá các mặt khác về đất trồng, nông nghiệp, vận tải, và cách các hệ thống vận hành. Không có giải pháp duy nhất mà chỉ có các mảnh ghép tạo thành một giải pháp, mà đúng hơn là tạo thành một cách điều chế vấn đề biến đổi khí hậu.

Phair không phải là người phụ nữ đầu tiên châm chọc hình tượng người hùng. Ursula K. Le Giun đã viết: “ Khi đang lên kế hoạch viết cuốn sách “Three Guineas”, Virginia Woolf có viết một tiêu đề trong cuốn sổ của mình, “Thuật ngữ”. Bà đã nghĩ đến việc sửa lại tiếng Anh theo một phương thức mới, nhằm viết nên một câu chuyện khác. Một từ trong danh sách thuật ngữ này là từ “chủ nghĩa anh hùng”, được định nghĩa là “chứng ngộ độc bô-tu-lin”. Và người hùng, theo từ điển của Woolf, được định nghĩa là “một cái chai”. Người hùng như một cái chai lọ, một sự thẩm định lại giá trị rất sát sao. Còn giờ tôi lại đề xuất cái chai lọ là người hùng.”

Trên đây là trích đoạn từ bài tiểu luận nổi tiếng năm 1986 của Le Guin mang tên “The Carrier Bag Theory of Fiction” (Thuyết cái túi). Trong đó, bà nhắc đến việc tuy rằng thức ăn của người tiền sử chủ yếu đến từ hoạt động hái lượm, là hoạt động thường do phụ nữ làm, nhưng việc săn bắn mới là thứ gây kịch tính cho các câu chuyện. Và bà cũng đưa ra luận điểm rằng người ta thường nghĩ các công cụ đầu tiên của loài người là những thứ vũ khí sắc nhọn gây chết chóc, nhưng chính những vật đựng đồ (vì thế mới có đoạn châm biếm về cái chai lọ được trích phía trên) lại là công cụ xuất hiện có lẽ sớm hơn và quan trọng hơn, với ẩn ý về giới tính/bộ phận sinh dục.

Việc săn bắn là hoạt động mang đầy kịch tính, với cao điểm là lúc một mũi tên đâm trúng con mồi. Trong khi đó, một nhóm phụ nữ lượm hạt thì lại chả có kịch tính, cao điểm, hay trọng tâm nào. “Tôi đã nói là khó có thể viết một câu chuyện hấp dẫn về việc chúng ta đã đánh bật hạt lúa ra khỏi vỏ như thế nào, nhưng tôi không nói là không thể làm được việc đó” Le Guin tuyên bố ở phần cuối bài viết của mình. Gần đây tôi mới đọc được là trong cộng đồng người Iban ở Borneo, nam giới giành địa vị bằng việc săn đầu người, còn nữ giới bằng việc dệt vải. Săn đầu người rõ ràng là kịch tính hơn, nhưng dệt vải lại là một hình thức kể chuyện, với việc kết hợp các phần và nguyên liệu thành một cái gì đó hoàn toàn mới.

Nhân nói về phụ nữ, tôi xin nhắc đến một loại thuốc mới cho bệnh trầm cảm sau khi sinh (PPD). Một số chuyên gia đã chỉ ra rằng “các bà mẹ và những người ủng hộ phụ nữ nên cân nhắc xem loại thuốc đó có phải là loại băng bó tạm thời cho một vết thương lớn hơn do nước Mỹ gây ra cho các bà mẹ không. Tỷ lệ mắc bệnh PPD sẽ thay đổi ra sao nếu chúng ta thực hiện các chính sách hỗ trợ cha mẹ, ví dụ như: hỗ trợ trông trẻ, nghỉ sau sinh có hưởng lương, và các hình thức chăm nom sức khỏe tập trung vào lựa chọn của các bà mẹ về cách sinh đẻ và thời gian sau sinh? Việc dồn hết tính phức tạp của quá trình phụ nữ thích nghi sau khi sinh vào thành một căn bệnh tâm thần đã bỏ qua những yếu tố văn hóa tạo khiến bố mẹ trẻ sơ sinh cảm thấy bị bỏ rơi”. Nghĩa là chúng ta cần hàng ngàn hành động tử tế và kết nối, hơn là cần những loại thuốc tiên làm tê nỗi đau do sự thiếu vắng những hành động này.

Đây cũng là một đặc điểm của văn hóa tôn thờ chủ nghĩa cá nhân và người hùng. Chúng ta thường cho rằng tất cả vấn đề đều do cá nhân gây ra, và vì thế chúng có thể được giải quyết bằng các trách nhiệm cá nhân, hoặc bằng các loại thuốc giúp chúng ta chấp nhận những gì chúng ta không thể thay đổi, trong khi thực tế là các vấn đề có thể được giải quyết, chỉ là không phải bằng cá nhân các bạn. Cách suy nghĩ đó đã làm mất đi khả năng thay đổi sâu rộng, và sự truy cứu trách nhiệm đối với những kẻ có thế lực đã tạo nên và hưởng lợi từ những hệ thống kìm kẹp và gây hại con người. Lối suy nghĩ theo hướng đổ lỗi cho cá nhân và muốn cá nhân thay đổi này được sinh ra là để bảo vệ hiện trạng, như việc muốn các cá nhân phải thích nghi với sự bất công, sự nghèo đói, hay sự ô nhiễm môi trường.

Người hùng không thể giải quyết được những vấn đề xã hội

Những vấn đề lớn nhất của chúng ta sẽ không được giải quyết bởi các người hùng. Nếu được giải quyết thì đó là nhờ những giải pháp đến từ những phong trào, những liên minh, xã hội dân sự. Ví dụ như phong trào về biến đổi khí hậu trước nhất là một nỗ lực tập thể, và nếu như những cá nhân như Bill McKibben có trở nên nổi bật thì ông ta chủ yếu được biết đến với vai trò là người đồng sáng tạo một tổ chức hoạt động toàn cầu về khí hậu, với hệ thống khắp 188 quốc gia, và là người liên tục kêu gọi “Hành động có hiệu quả nhất mà cá nhân bạn có thể làm về vấn đề biến đổi khí hậu, đó là dừng việc hành động như một cá nhân”. Và ông ta thường nói về một cuốn sách đã có ảnh hưởng lớn tới mình từ rất lâu, “The Pushcart War”, cuốn truyện cho trẻ em từ năm 1964. Đây là câu truyện về những người bán hàng xe đẩy đã tự tổ chức để chống lại việc xâm lấn của đám lái xe tải trên đường phố New York. Và, xin tiết lộ cái kết là họ đã thắng.

Tôi đã suy nghĩ những điều này khi nghĩ về Greta Thunberg, một phụ nữ trẻ đến từ Thụy Điển rất đáng chú ý, người đã thúc đẩy hoạt động chống biến đổi khí hậu trên toàn cầu. Nhưng sự tập trung mọi chú ý vào cô ấy có thể đã làm che khuất rất nhiều thanh niên đáng chú ý khác đã dũng cảm đứng lên bày tỏ quan điểm của mình về biến đổi khí hậu. Lời nói của cô có trọng lượng vì chúng ta đã đáp lại, và chúng ta đã đáp lại một phần cũng do báo đài đã nâng cô lên cao hơn hẳn những thanh niên đi trước cô. Và họ đã nâng cô lên bởi vì bằng cách nào đó, biến đổi khí hậu đã bắt đầu được quan tâm hơn, phong trào về biến đổi khí hậu đã bắt đầu có khí thế hơn, mà có lẽ cũng do công sức của hàng nghìn hàng triệu người không bao giờ được nhắc đến. Cô ấy đã bắt đầu hành động một mình, nhưng là ở nơi công cộng, không phải bí mật, và vì thế hành động của cô có thể được nhân rộng ra cho nhiều người hơn nữa.

Cô bé đã được đề cử cho giải Nobel Hòa bình, giải thưởng này đôi khi cũng được trao tặng cho một nhóm, nhưng thường là cho một cá nhân đại diện nào đó. Một số người trong số đó đã tranh thủ dùng bài phát biểu của mình khi nhận giải để xóa bỏ huyền thoại về người hùng, họ đã cảm ơn những người đồng hành cùng họ, hoặc tự nhận mình là một thành viên của một bộ tộc, một liên minh, hay một phong trào. Ada Limon, khi nhận giải Nhóm bình luận sách quốc gia dành cho thể loại thơ vài tuần trước, đã phát biểu “Chúng ta viết cùng với sự giúp đỡ của nhiều thần hộ mệnh. Riêng cá nhân tôi chưa bao giờ một mình làm nên chuyện cả, và chưa bao giờ một mình viết nên một bài thơ nào”. Tiếp đó, bà đã đọc danh sách nhiều người đã giúp đỡ bà, có vai trò quan trọng với bà, hoặc những người đã không có cơ hội sáng tác thơ.

Một vị tướng sẽ chả làm được gì nếu không có quân đội, và các thay đổi xã hội cũng không do các vị tướng hay các đội quân tạo ra, vì những nhân vật xuất chúng thường khiến người khác hành động một cách tự nguyện chứ không phải bằng mệnh lệnh. Chúng ta nên gọi họ là chất xúc tác thay vì gọi họ là những nhà lãnh đạo. Martin Luther King không phải là toàn bộ Phong trào Dân quyền, cũng như Cesar Chavez không phải là Phong trào Nông dân. Việc nhầm lẫn họ với những phong trào kia thực chất là đang chối bỏ sự công nhận về nhiều mặt mà họ đáng được hưởng, nhưng quan trọng hơn, nó đã không cho chúng ta những hiểu biết sâu sắc tại thời điểm mà chúng ta cần hiểu chúng nhất. Những hiểu biết đó bắt đầu từ việc hiểu về sức mạnh nội tại và kết thúc bằng việc hiểu làm cách nào để thay đổi xã hội.

Sau việc công bố bản báo cáo được nhiều mong đợi của Robert Mueller, nhiều người cho ta thấy rằng việc mong Mueller có thể như vị thánh George đâm chết con quái vật cặn bã là cách để rũ bỏ trách nhiệm và lẩn trốn nghĩa vụ của mỗi người chúng ta. Lithwick là người miêu tả rõ nhất về thái độ này vào một tháng trước khi cuộc điều tra kết thúc: “Có vẻ như hầu hết mọi người đều có thái độ cho rằng miễn là trên đời có một ai đó có khả năng Làm Gì Đó, còn lại tất cả chúng ta có thể được tự do chối bỏ trách nhiệm. Và hiện giờ có vẻ như người được cho là có thể Làm Gì Đó là Robert Mueller.” Có các nhà lãnh đạo thì sẽ sinh ra những người theo chân họ, và những người theo chân là những người đã chối bỏ phần nào quyền được suy nghĩ và hành động theo ý mình. Thật không may cho mảnh đất nào mà dân chúng đùn đẩy trách nhiệm cho một người hùng.

Các câu truyện theo lối phim hành động thường có một người phi thường đứng đầu, khiến cho những nhân vật xung quanh trở thành một loạt những người từ vô dụng cho tới lơ ngơ cho tới xấu xa, cộng thêm vài nhân vật hơi có ích bên cạnh. Không có nhiều phim về một phong trào tập thể vĩ đại, đây là điều mà tôi nhận thấy khi viết về những gì xảy ra khi thảm họa ập đến – cháy, lũ lụt, các đợt nóng, các trận bão không lường, những tai họa mà chúng ta sẽ thường xuyên gặp phải một khi biến đổi khí hậu chiếm thế. Các bộ phim về thảm họa thường bắt đầu bằng một sự xáo trộn cuộc sống hằng ngày – một ngọn tháp trở thành địa ngục lửa trên cao, một sao băng tiến về phía trái đất, và trái đất thì rung chuyển – và mọi việc sẽ được giải quyết ổn thỏa với kịch bản mang tính gia trưởng, kiểu như một người hùng xuất hiện cứu lấy những phụ nữ yếu thế và triệt hạ kẻ xấu. Quyền gia trưởng được sử dụng làm giải pháp cho thảm họa, hoặc như một loại thuốc mê làm ta yên tâm cho dù thảm họa đang xảy ra.

Một trong những niềm vui mà bài hát của Liz Phair mang lại là việc nhận ra chủ nghĩa người hùng chính là một thảm họa. Tôi đã nhận thấy một điều trong quá trình nghiên cứu viết sách “A Paradise Built in Hell” (Một thiên đường xây nên từ địa ngục) xuất bản năm 2009. Đó là việc các chính quyền thường hành xử yếu kém khi xảy ra thảm họa, một phần vì họ cho rằng dân chúng sẽ hành động sai trái trong tình huống vô chính phủ khi có thảm họa. Vì thế họ thường biến các hoạt động cứu trợ nhân đạo thành những hoạt động kiểm soát cứng rắn, nhằm bảo vệ của cải và trật tự xã hội hơn là để bảo vệ nạn nhân của thảm họa. Nhưng những dân thường lại hay hành xử rất nhân đạo, tìm cách giải cứu, chăm sóc nhau, và cùng tồn tại. Họ kết nối với nhau qua những cách mà thường ngày họ không có được, và đôi lúc họ thấy rằng sự kết nối đó mang lại những giá trị và ý nghĩa sâu sắc. Và rồi những câu chuyện về cuộc đời họ và về những người họ đã gặp đem lại cho ta cảm giác ấm áp.

Vậy là tôi đã tìm ra trong những thảm họa một cửa sổ soi chiếu những điều mà rất nhiều người chúng ta mong muốn nhưng không có được, một nhu cầu chúng ta không nhận ra hoặc không biết gọi tên. Quả thật không có nhiều bộ phim nói lên được thứ tình cảm rộng lớn này, thứ tình cảm mà tôi cho là tình yêu thương những người cùng cảnh ngộ, cảm giác thấy được ý nghĩa, mục đích, sức mạnh, cảm giác thuộc về một cộng đồng, một xã hội, một thành phố, một phong trào. Tôi đã nói chuyện với những người sống sót sau vụ 9/11, sau trận bão Katrina, tôi đã đọc những mẩu chuyện về những thảm họa trước kia, và nhận thấy rằng cảm xúc thường nổi lên trong thảm họa, và rằng người ta chộp lấy chúng một cách ngấu nghiến.

William James đã viết về trận động đất năm 1906 ở San Francisco như sau: “Hẳn là những điều bất hạnh xảy ra thường có thể làm chúng ta đau đớn đến nhường vậy là bởi vì chúng làm ta cảm thấy cô đơn đến nhường nào.” Ví như khi mất nhà, tôi sẽ cảm thấy mình không còn thuộc về nhóm người có cuộc sống ấm êm, nhưng nếu tất cả đều mất nhà trong vụ động đất thì chúng ta lại cảm thấy cùng cảnh ngộ. Một trong những câu nói tôi yêu thích nhất từ một người sống sót sau vụ động đất năm 1906 là: “Khi mà các vụ nổ mìn khiến buổi đêm trở nên ầm ỹ, làm mọi người lo lắng không ngủ được, thì các cô gái hoặc vài người tị nạn bắt đầu chơi đàn piano, và Billy Delaney cùng một vài người khác bắt đầu hát; tiếng đàn hát làm cho nơi đó trở nên khá đầm ấm và thân thiện, cho dù nơi đó chỉ là một vỉa hè cạnh trường cấp 3, và toàn bộ thị trấn xung quanh chúng tôi đang cháy sáng.”

Tôi không biết Billy Delaney hay các cô gái đã hát về những điều gì, hay những câu chuyện mà những người gặt lúa đã kể cho nhau nghe trong lời văn của Le Guin. Nhưng bản thân tôi cũng có một hình ảnh ẩn dụ (metaphor), như một cái túi để mang đồ đi xa hơn. Từ “metaphor” còn có nghĩa đen là mang cái gì đó đi xa hơn, với chức năng cơ bản của ngôn ngữ là để lan tỏa, và ngôn ngữ là những chiếc lưới mà chúng ta dệt nên để chứa đựng ý nghĩa. Jonathan Jones, một nghệ sĩ người dân tộc Wiradjuri/Kamilaroi ở Úc, có một tác phẩm sắp đặt. Đó là một vòng hình số 8 vô hạn, làm bằng các vật được gắn lông, treo trên một bức tường uốn cong của Triển lãm nghệ thuật đương đại châu Á Thái Bình Dương được tổ chức 3 năm một lần tại Brisbane. Hình tượng này miêu tả đám mây chim sáo, hiện tượng một số chim rất lớn bay thành đàn và thay đổi đội hình liên tục, lúc phình ra, lúc co lại, dịch chuyển liên tục, với những con chim bay lên lượn xuống cùng nhau mà không hề có sự va chạm hay tách khỏi đàn.

Từ xa, tác phẩm của Jones trông như làm từ những con chim, nhưng lại gần ta thấy đó hóa ra chúng là những công cụ truyền thống bằng gậy và đá có gắn lông chim – những công cụ đang bay. Những chiếc lông này được đóng góp bởi những người đã hưởng ứng lời kêu gọi hỗ trợ từ nghệ sĩ, một dạng đám mây của những người thu nhặt lông chim. “Tôi quan tâm đến ý tưởng về tư duy tập thể”, nghệ sĩ cho hay. “Cách mà những tập hợp và những sự sắp xếp được tạo ra trên bầu trời có thể giúp chúng ta dần hiểu về cách chung sống ở đất nước này, cách làm việc cùng nhau, cách tất cả chúng ta tự coi mình là người dân Úc. Và ta hiểu ra rằng mỗi chúng ta đều có những ý tưởng nho nhỏ riêng của mình, và những ý tưởng bằng một cách nào đó có thể tìm đến nhau để tạo nên một điều gì to lớn hơn.”

Vậy còn những đám mây người thì sao? Tôi nghĩ đó chính là những người dân tí hon của thành phố “Ai đó” trong truyện “Horton nghe thấy một Ai đó”. Họ đã thấy rằng nếu tất cả bọn họ đều đồng thanh nói to lên thì tiếng nói đó sẽ đủ to để cứu lấy ngôi nhà của họ. Và tôi nghĩ đó chính là một triệu rưỡi những thanh niên khắp thế giới đã tham gia biểu tình về biến đổi khí hậu vào hôm 15/3 này, là những liên minh do các dân tộc bản xứ dẫn đầu, nhằm ngăn chặn các đường ống dẫn dầu ở khắp Canada, là những luật sư và những người đã tập trung tại các sân bay trên khắp nước Mỹ vào ngày 29/1/2017 để biểu tình chống lại luật cấm người Hồi giáo.

Đó cũng chính là hàng trăm người đã có mặt ở Victoria, BC để bảo vệ một nhà thờ Hồi giáo của thành phố trong buổi cầu nguyện hôm thứ 6 ngay sau vụ xả súng ở Christchurch, New Zealand. Jessica, em họ tôi, là một trong số đó, và em đã viết sự kiện này đã làm em cảm động đến thế nào: “Vào cuối buổi cầu nguyện, khi người trong nhà thờ tỏa ra đường phố, không khí như trong một đám cưới, một bữa tiệc chúc mừng tình yêu và niềm hạnh phúc. Tất cả mọi người đều bắt tay, ôm hôn và chúc nhau những điều tốt lành – người Hồi giáo, Do Thái, Cơ đốc, đạo Sikh, Phật giáo, người vô thần…” Chúng ta không có đủ các tác phẩm nghệ thuật để cho ta thấy và trân trọng những đám mây người này, ngay cả khi chúng luôn có mặt quanh ta, ngay cả khi chúng đang thực hiện những công việc quan trọng nhất trên thế giới này.

Nguồn: Rebecca Solnit

Dịch: Nguyễn Phương Anh