(Tiếp nối bài viết “Chúng ta – Thế hệ lạc lõng” https://bookhunter.vn/chung-ta-mot-the-he-lac-long/ )
Thế hệ chúng ta, những người được sinh ra vào cuối thập kỷ 80 và đầu thập kỷ 90, là một thế hệ lạc lõng. Một thế hệ được sinh ra và lớn lên giữa một bãi hoang tàn của thế giới. Nhiều người đi trước sẽ nói rằng họ đã hi sinh cho thế hệ chúng ta, chúng ta đã có một đời sống sung túc và yên bình. Điều đó đúng, nhưng họ đã lầm lẫn trong khái niệm về hạnh phúc, sung túc và yên bình không phải là điều mang đến cho chúng ta hạnh phúc. Và cho dù chúng ta bằng mọi cách hét thật to để mong họ lắng nghe, họ vẫn lẳng lặng không thừa nhận chúng ta, họ cho rằng chúng ta kém cỏi, ham chơi, thờ ơ với thời cuộc, trôi theo cuộc sống sa đọa…
Những tin tức trên báo chí và truyền thông là những gì họ nhìn thấy, nghe thấy. Một mô tả rõ ràng về thế hệ chúng ta: Những đứa trẻ ngu dốt về kiến thức, những đứa trẻ suốt ngày cắm mặt vào máy tính chơi điện tử, những đứa trẻ chơi bời thác loạn… Họ quên mất rằng ai là người cố truyền đạt kiến thức trong sự bất lực không cần quan tâm chúng ta có thích thú hay không, ai là người thiết kế nên những trò chơi bời sa đọa rồi tuyên truyền về chúng, trục lợi từ chúng… Mỗi khi chúng ta sai lầm hay vấp ngã, họ chỉ biết chê bai, họ chỉ nhìn thấy những thứ họ tin là đúng, họ không biết ẩn đằng sau tất cả những điều ấy là gì.
Các bạn của tôi, tôi biết các bạn cô đơn trong gia đình, các bạn bị giam hãm trong nhà trường và phải chịu đựng mọi định kiến của xã hội. Đời sống khắc nghiệt không cho các bạn điều kiện để thực hiện những điều các bạn muốn, không cho các bạn thỏa mái mơ mộng khi còn là trẻ nhỏ, không cho phép các bạn được tự do bộc lộ cảm xúc của mình; thế nhưng khi chúng ta càng cố chứng tỏ mình một cách manh động, khi chúng ta phản ứng đầy xung đột, khi chúng ta gào thét những mong họ nghe thấy… chúng ta càng chứng minh rằng những điều họ nói là đúng. Nền văn minh đề cao vật chất và chủ nghĩa tiêu dùng với hàng hiệu, rượu bia, thuốc lá, vũ trường, ma túy… là sản phẩm do những người đi trước chúng ta tạo nên, và họ dùng tất cả những thứ ấy để mê hoặc chúng ta, dẫn dắt chúng ta đi vào một lộ trình đã được thiết kế. Các bạn càng tách xa chúng, các bạn càng thoát khỏi sự ảnh hưởng của thế hệ cũ. Đâu đó trên thế giới, nhiều bạn trẻ không thể chịu đựng được thế giới đang tan rã và đổ nát này, không chịu đựng lối sống của những xác chết biết đi, họ đã từ bỏ cuộc sống văn minh, họ đau đớn chìm vào sự trống rỗng miên viễn, thậm chí họ đã tự tử để kết thúc mọi mối dây ràng buộc… Họ không ngu muội, họ không bị xúi bẩy, họ là những người dũng cảm không chấp nhận hòa mình vào đám đông vô thức do thế hệ cũ tạo nên, chỉ là họ quá cô đơn không thể nghe thấy một tiếng nói giống họ cũng đang cất lên ở đâu đó.
Đừng tuyệt vọng, bởi vì đã có rất nhiều người như chúng ta trước đây. Họ cũng lạc lõng giữa thời đại của họ, họ bất lực trong việc thay đổi thế giới thế nên đã truyền đạt lý tưởng về một thế giới tốt đẹp hơn đến chúng ta. Và giờ đây, những con người lạc lõng ấy ngày càng đông, chúng ta đã có thể lắng nghe được tiếng gọi của nhau ở mọi ngóc ngách trên thế giới. Chúng ta biết rằng những suy nghĩ của chúng ta không hề bệnh hoạn và ngớ ngẩn, chúng ta có thể tự hào về việc chúng ta khác biệt với cả một hệ thống cũ kỹ và vững chắc. Nếu bạn có thể nhìn một cách tổng thể toàn bộ bức tranh chuyển đổi này, bạn sẽ thấy rằng chúng ta là nhân tố xây dựng một hệ thống mới mẻ hơn, thích hợp hơn với sự thay đổi của thời đại. Chúng ta lạc lõng, sở dĩ vì chúng ta là những kẻ đột biến để thế giới tiến hóa lên một mức cao hơn.
Mọi thứ của thế giới cũ đang trên đà đi xuống cực điểm. Chiến tranh đã và đang tàn phá thế giới nhân danh những mục đích cao đẹp, môi trường bị hủy hoại, nhiều nguồn tài nguyên đang dần cạn kiệt, con người không thể tìm được sự kết nối cảm xúc thuần khiết với nhau mà mọi mối quan hệ đều dựa trên lợi nhuận. Con người từ một sinh vật chính trị biến đổi thành một sản phẩm có thể mua bán và trao đổi. Các hình tượng của niềm tin cũ đã sụp đổ rồi. Đức Phật Thích Ca, chúa Jesus, tiên tri Mohamed… đã không thể cứu chúng ta; các triết gia như Lão Tử, Khổng Tử, Socrate, Plato, Aristote, phong trào Khai Sáng, Nieztches, Hegel, Marx… tất cả bọn họ cũng không cứu được chúng ta. Không còn giá trị nào là đáng tin nữa! Tôn giáo, chính trị, giáo dục và ngay cả cái thế giới tiêu dùng của những nhà tư bản dựng nên… tất cả chỉ là những ảo ảnh lừa mị để dẫn chúng ta đi theo lâp trình của trật tự thế giới.
Chúng ta nhớ ơn những người đi trước vì họ đã giữ cho chúng ta an toàn và cho ta điều kiện để tồn tại, chúng ta phải nhớ ơn họ vì họ đã sinh ra chúng ta. Nhưng chúng ta phải hiểu rằng xây dựng thế giới chứ không phải tàn phá thế giới là trách nhiệm của họ, và họ đã không thể hoàn thành được chỉ vì họ bị cuốn theo guồng máy cũ, vì thế giờ đây đó đã là trách nhiệm của chúng ta. Một thế giới mới cần được xây dựng trên nền thế giới cũ để bắt đầu cho một kỷ nguyên mới của chúng ta và con cháu chúng ta. Quy luật tự nhiên là mọi thứ khi rơi xuống tận cùng thì những gì đủ mạnh sẽ trở thành nhân tố để vượt lên. Thật mệt mỏi khi được sinh ra trong thời kỳ chuyển giao này nhưng cũng thật tự hào khi ở trong đó, bởi chúng ta đóng vai trò như những người xây dựng trong khi đám đông vô thức của hệ thống cũ đang tự tiêu diệt chính nó.
Và thưa các bậc tiền bối đi trước, xin các vị hãy lắng nghe chúng tôi. Có thể những lời tôi nói với các vị là một sự vô ơn, cực đoan và nông nổi, nhưng nếu không như thế thì làm sao gây chú ý cho các vị trong thời đại hỗn loạn thông tin này được! Sự vận động của thế giới là không thể tránh khỏi và chúng tôi mong sao các vị đừng dùng những chuẩn mực của thế hệ mình để xét đoán chúng tôi. Chúng tôi cũng như các vị, chúng ta đều đang sống trong một thế giới suy tàn, chúng ta thừa mứa vật chất nhưng thiếu thốn tinh thần, chúng ta thừa thãi bản năng nhưng thiếu thốn tình yêu, chúng ta cuồng vọng mà không có niềm tin trong sáng. Các vị hãy thử nhớ lại tuổi trẻ của mình, tuổi trẻ với sự khát khao lý tưởng, không thể chấp nhận một thế giới lộn ngược các giá trị, và các vị đã phẫn nộ như thế nào? Và các vị được dậy rằng đời sống cảm xúc chỉ mang lại thất bại, những gì trong trí tưởng tượng chỉ là trò trẻ con vô giá trị, các vị bị buộc phải sống đời sống thực tế và bị cài cắm bởi các mục đích do hệ thống cũ tạo ra. Dần dần, các vị đã quên rằng các vị từng có thời giống chúng tôi. Nếu các vị thất bại với hệ thống cũ, tại sao còn muốn lôi chúng tôi vào đó. Nếu các vị thành công với nó, vậy còn có ý nghĩa gì khi muốn chúng tôi lặp lại con đường các vị đã đi.
Nếu các vị yêu thương chúng tôi, xin các vị hãy để chúng tôi được tự do với những suy tưởng, những lối sống của mình. Nếu các vị có trách nhiệm với chúng tôi, xin các vị hãy tạo dựng những nền tảng vững chắc để trên đó chúng tôi có thể học tập, nghiên cứu, thực hiện những lý tưởng chúng tôi mong muốn. Làm ơn, đừng cài cắm điều gì vào đầu chúng tôi thêm nữa, đừng lên giọng phán xét chúng tôi, cũng đừng biến chúng tôi trở thành những quân cờ để thực hiện những mục đích chưa đạt được của các vị. Với chúng tôi, chỉ tình yêu thương và tinh thần trách nhiệm là đủ. Và nếu chúng tôi có vô tình không biểu lộ sự đáp lại tình yêu đó của các vị thì các vị cứ yên tâm rằng tất cả tình yêu và tinh thần trách nhiệm đó chúng tôi cũng sẽ chia sẻ lại cho thế hệ tiếp theo, như một sự “đền ơn nối tiếp”. Hãy để chúng tôi được là chính chúng tôi, chúng tôi xây dựng thế giới theo ý chúng tôi mong muốn, và nền tảng tư tưởng để duy trì nó chỉ đơn giản chỉ dựa trên tình yêu thương và trách nhiệm.
Và hỡi những người bạn của tôi, dù bạn đang ở đâu, bạn đang làm gì, dù bạn có ở cùng thế hệ với tôi hay ở thế hệ trước đó hoặc sau đó, nếu những điều tôi đang nói đây là cùng một suy nghĩ với bạn, xin hãy cùng lên tiếng. Nhưng lên tiếng thôi chưa đủ, sau đó bạn cần suy nghĩ. Hãy thử suy nghĩ xem sau tất cả những tuyệt vọng, cô đơn, lạc lõng… sau tất cả sự phẫn nộ… chúng ta sẽ làm gì cho thế giới chúng ta đang sống. Tôi mong sao chúng ta có thể tách ra mọi tư tưởng tôn giáo hay chính trị, mọi sự ràng buộc về đời sống tiêu dùng, chỉ trong giây lát thôi chúng ta có thể nhận thấy được chúng ta cần làm gì cho đời sống này. Internet – một sản phẩm quan trọng của thế hệ trước giờ đây đang thể hiện tính hiệu quả mạnh mẽ trong quá trình tạo nền tảng cho thế hệ chúng ta để đẩy chúng ta đến gần nhau hơn. Tôi muốn nói rằng chúng ta không đơn độc, chúng ta có nhau, chúng ta có cùng ý tưởng rằng con người đơn thuần là con người, không phải sinh vật chính trị, không phải những con chiên, không phải kẻ tử vì đạo, không phải những người tiêu dùng. Và tôi mong sao các bạn có thể lột bỏ mặt nạ của mình, cùng đứng dậy trải nghiệm cuộc sống, rồi cùng nhau chung tay tạo dựng một thế giới mới xanh hơn, thịnh vượng hơn và yêu thương hơn.
Hà Thủy Nguyên
Chắc các vị đã giải phóng ta cho rằng họ là cứu tinh của đất nước này, không có họ thì cuộc sống không còn ý nghĩa
Hôm nay mới ngồi đọc lại bài viết này. Bài viết thể hiện được nhiệt huyết của tác giả, nói ra được những bức xúc, những sự thật đang diễn ra mà các thế hệ trước có thể không biết hoặc không quan tâm. Nhưng dự tích tụ dồn nén này đang gặp phải những bức tường vô hình, nên chưa biết lối thoát về đâu ? hay đúng hơn là sẽ khơi dòng chảy về đâu để những tích tụ kia trở thành những động lực tích cực phát triển xã hội, trước khi nó có thể biến thành một căn bệnh mãn tính.
Bức tường vô hình ở đây thể hiện ở đoạn cuối khi tác giả viết :chúng ta có cùng ý tưởng rằng con người đơn thuần là con người, không phải sinh vật chính trị, không phải những con chiên, không phải kẻ tử vì đạo, không phải những người tiêu dùng. Tác giả hoang mang không biết con đường của thế hệ 80,90 này thế nào ? Tác giả muốn thế hệ 80,90 tự tạo thế giới của mình , thì có ai cấm đâu ? Nhưng trước hết thì hỡi thế hệ 80,90 : các bạn phải hình dung được thế giới mà các bạn muốn tạo ra là thứ gì ? Và có đủ dũng khí và năng lượng để theo đuổi việc đó đến cùng ? Có thể tác giả đang ấp ủ những ý tưởng về một thế giới mới khác biệt với những gì đã có trong vài trăm năm gần đây, nếu có thì đợi những bài viết tiếp theo để xem thế giới đó thế nào ? Chứ những bài viết hiện tại chỉ dừng lại ở việc trình bày được những bức xúc của tác giả và một nhóm người.
Đây là một bài sưu tầm mong các bạn 80,90 luôn vững tin và không đi vào con đường ảo vọng.
NHỮNG ĐIỀU SỈ NHỤC VÀ CĂM GIẬN (phiên bản 2013 – sưu tầm)
Một đất nước có quá nhiều kẻ ngụy biện
Đưa những tư tưởng rỗng tuếch đến xâm lăng
Cho những cuộc tự sướng bằng bút chiến
Đẩy con em vào vòng mê muội
Những điều sỉ nhục và căm giận
Một xứ sở
Quán café lớn hơn thư viện
Một dân tộc có nhiều kẻ được đi học là vô dụng nhất thế giới
Có những mảnh bằng như bùa ma dán vào đầu cha mẹ
Có những quan niệm
Có tự mổ bụng cũng không sạch hết nỗi nhơ
Một đất nước
Sau bao nhiêu năm vẫn trong cơn mê muội
Nhà ở thừa nhưng lại rất thiếu
Tạo ra nhiều quần áo nhưng vẫn nhếch nhác
Ốm vào viện lo lắng hơn nằm nhà
Vẫn còn những kẻ ngu đần, lười biếng ngồi trên đống vàng
Nỗi sỉ nhục buốt lòng
Khi thấy bố mẹ ta 50 tuổi còn phơi phới
Đã than già : ôi sắp được về hưu
Khi thấy lũ trẻ ngày càng điên cuồng
Khi giới trí thức già trẻ tụt quần nhau tự sướng
Già thì nói với nhau lời hoa mỹ trống rỗng
Trẻ thì văng tục một cách cao ngạo
Đám trí thức không khác một đạo quân ô hợp
Khinh mọi người và tự khinh mình
Như chính ta đã gây ra mọi việc
Và tất cả không cách nào cứu vãn
Nỗi sỉ nhục ngập tràn trái đất
Khi lẽ phải thuộc về bọn ngu đần
Những nền văn minh chạy theo dục vọng
Những thằng người ngu xuẩn trà đạp lên máy móc thông minh
Đi suốt một ngày
Giữa rác rưởi và chất phác ngây ngô
Luôn thấy bị ném sự giả tạo lên mặt
Nói làm sao được những lời yêu
Hà Thủy Nguyên
22:52 1/09/2013Cảm ơn bạn đã nhiệt tình commnet! Sắp tới trước mắt Book Hunter sẽ đưa ra một số giá trị mới cho hệ thống mới. Rất mong bạn đón đọc.
Cảm ơn NTP vì đã giới thiệu một bài thơ rất hay và tuyệt vời, có đôi khi không cần nói nhiều, nếu chúng ta hoang mang và cảm thấy mờ mịt trong cuộc sống, thì chỉ đơn giản vì chúng ta chưa đủ mạnh mẽ để theo đuổi lý tưởng của mình, mà thậm chí có khi ta còn chẳng biết lý tưởng ở đâu.
1. Thế giới hoang tàn là do cách nhìn. Thời đại này là hoang tàn theo nghĩa bóng. Tuy nhiên, điều này chỉ diễn ra ở các nước thứ ba. Cụ thể, trong bài viết này là Việt Nam.
2. Thế hệ đi trước không quan tâm thế hệ sau nghĩ gì, làm gì… Bởi đơn giản, tất cả những gì họ làm là để thỏa mãn thú vui và đạt được mục đích nào đó của họ.
3. Thế hệ nào cũng có nhiệm vụ thời đại của mình, và sẽ luôn phải đấu tranh để giàn lấy quyền thực hiện nhiệm vụ đó.
Thực ra chủ đề này không hề mới, đã – và có lẽ sẽ mãi mãi như vậy, những người trẻ tuổi (và có suy nghĩ) cảm thấy lạc lõng! Thế 4x – 5x đã từng kêu lên “lũ chúng ta lạc loài đầu thai nhầm thế kỷ…”, ở phương Tây thế hệ 3x cũng vậy – có thể thấy trong dòng văn chương hiện thực hoặc Chủ nghĩa hiện sinh sau Thế chiến 2, và có tìm nhiều những ví dụ xa hơn nữa, nhưng tâm trạng này chỉ được công khai khi những người trẻ tuổi có chỗ (báo chí – văn đàn) để cất tiếng nói, còn xa hơn ta chỉ thấy xung đột thế hệ thông qua những lời chê trách của thế hệ đi trước với thế hệ đi sau, đã được ghi nhận từ thời…Aristotle !
Vậy các bạn không … lạc lõng đâu !
Một người thuộc thế hệ 6x.
Em rất tâm đắc với bài viết này của Chị, vì chính em là một người trẻ luôn cảm thấy lạc lõng trong chính gia đình mình từ hồi đi học, khi đi làm còn thấy cô đơn hơn vì chứng kiến nghịch lý xã hội và bị giam cầm bởi những định kiến, chỉ trích khi mình đi tìm những giá trị nhân văn cổ xưa.
Nói thiệt đọc bài này mình nghĩ tới hồi xưa học Mác – Lênin, nhiều cái sai rành rành và đã lỗi thời nhưng vẫn còn dạy. Nhìn xung quanh mọi người cắm cúi ghi chép, thấy mà nản. Rồi cũng thi qua nhưng chỉ ước một điều là ông Lênin hay Mác sống dậy để chửi cho cái bọn vô sĩ một trận vì tội đầu độc nhiều thế hệ một cách ép buộc.
Đồng tình với ý kiến của bạn NTP! Bài viết chưa chỉ rõ được sự lạc lõng vì những cái gì cụ thể. Hô hào chung chung, không thấy có mô hình, chiến lược gì khả dĩ làm kim chỉ nam cho hành động của thế hệ trẻ… Thế hệ 8X, 9X, 10X… biết làm gì theo lời hiệu triệu này nhỉ?!!!
Con người cảm thấy cô độc giữa nhịp sống hối hả của cuộc đời. Người thì chọn cách trơ lì ra, người lại chọn cách thu mình trong vỏ ốc. Dù là chọn cách này hay cách khác thì họ cũng chỉ muốn được sống thật với chính mình. Chẳng ai muốn giả tạo cả, chỉ là do cái xã hội được gắn mác “phát triển” này đẩy đưa người ta phải như vậy….
Chị ơi, em muốn tìm gặp chị tận mặt và cám ơn chị quá!
@Nguyễn Cường Không hẳn vậy ; đơn giản là họ nắm lấy thời cơ của họ và phải giữ lấy quyền lực đó- chuyện tất nhiên. Niềm tin là con cháu trực hệ họ cũng được sung sướng nhưng đến như vài đời sau nữa thì chưa biết- ấy thế nên các con họ đều được gửi đi xa- buồn cười thật- cứ như là chơi trò ai ném bóng cao hơn.
Mình cũng căm lắm cái sự bảo thủ và thiếu hiểu biết về thế giới đến thờ ơ của các thế hệ đi trước, nhưng mình tin chuyển năng lượng của sự căm hờn thành hành động càng sớm càng tốt là việc nên làm 🙂 Bài của bạn đọc xả trét lắm 🙂
Gửi chị Hà Thủy Nguyên,
Đây có lẽ là một trong những bài viết em cảm thấy tâm đắc nhất khi đọc. Em là một sinh viên, đã từng căm ghét bản thân vì không thể uốn mình theo những quy định của trường học, những quy tắc của xã hội. Nhưng sau khi nhận ra tất cả những điều ấy đều ngớ ngẩn và dối trá, em lại khao khát biết bao được thoát khỏi cái vòng vây ấy. Đi đến đâu, em cũng là người một mình không làm theo quy tắc, là tâm điểm của những lời chỉ trích, của hình phạt, là đối tượng “cá biệt”. Em cảm nhận rõ sự bức bối mà em và những người cùng thế hệ phải chịu. Bài viết này đã cho em thêm niềm tin và sức mạnh để bứt phá. Nó nói hết tất cả những điều em suy nghĩ mà không diễn đạt thành lời. Em xin phép được chia sẻ bài viết này với các bạn của em. Em cảm ơn chị 🙂
Những năm 70, khi mẹ tôi ra bắc học đã thấy nguy hại của thời kỳ đấu tố khiến toàn bộ giá trị tư tưởng đảo lộn hết: con tố cáo cha, gọi những người đáng bậc ông bà bằng mày tao… Mấy chục năm sau, các vị quan chức chạy chọt tìm cách đưa lũ con cháu bất tài đi du học theo kiểu cha truyền con nối như thời phong kiến. Nó phá vỡ và sai lệch hẳn giá trị ban đầu của chủ nghĩa Marx và tư tưởng HCM. Nói thanh niên không tin, thanh niên hư hỏng… Các bác có làm gương không mà bảo người ta hư? Thậm chí hết nhiệm kỳ vẫn còn ôm khư khư cái ghế chuyển sang đơn vị khác để ôm lấy chức giám đốc trưởng ban…
Người có tài thật họ yên hưởng tuổi già, chỉ có kẻ bất tài mới lo sợ nên tìm cách ôm ghế, tính toán cho con cái nối nghiệp. Nếu có vấn đề gì xảy ra, đừng đổ lỗi cho thanh niên bất tài, lực lượng bên ngoài phá hoại mà chính do đám con cháu dốt nát lên nối nghiệp.
Một bài viết rất hay rất thẳng thắn , tôi không thấy 1 sự e dè nào của tác giả khi viết . Cảm ơn tác giả tôi cảm thấy phần nào mình đỡ mệt mỏi và lạc lõng . Thật sự tôi rất căm ghét kiểu ‘xác sống biết đi’ trong xã hội này
Không chỉ là lạc lõng với thế hệ trước, mà còn lạc lõng giữa những đồng trang lứa và các thế hệ đàn em. Hàng trăm người bạn ở quê, khi học xong chỉ cố tìm được việc gì ổn định, mấy ai có ước vọng lớn lao, nghĩ về việc thay đổi thế giới và ngay cả khi đọc bài viết này, họ cũng chẳng thể thấu hiểu. Khi xem phim “Dị biệt” – Mình đã nhìn thấy phần nào hình ảnh của chính mình ở cô gái thủ lĩnh. Theo đuổi sự chính trực dường như là điều lạ lùng trong xã hội này. Mình từng muốn chết đi như Khuất Nguyên, để không bị hiện thực xã hội thay đổi, vì mình nhìn thấy bản thân đang gào thét, giẫy dụa, tuyệt vọng, nếu cứ thế thì sẽ tẩu hỏa nhập ma mất.
Không ngờ lại có kẻ yếu đuối bệnh hoạn thế này trời ạ! làm gì mà đến nỗi bị tẩu hoả nhập ma dở điên, dở khôn, dở dại vậy con ơi! tội nghiệp quá!
Mong rằng con sẽ sớm vượt qua cửa ải này mà thành người bình thường.