Bài viết này giới thiệu về cơ sở dữ liệu của cuộc khảo sát giá trị toàn cầu, nhằm giúp các nhà nghiên cứu và sinh viên hiểu tổng quan về cuộc nghiên cứu và một số cách sử dụng dữ liệu.
Đôi nét về cuộc khảo sát giá trị toàn cầu:
Cuộc khảo sát giá trị toàn cầu (World Value Survey, viết tắt: WVS) là một dự án nghiên cứu khám phá giá trị, niềm tin, góc nhìn, quan điểm của con người và ảnh hưởng của chúng tới tình hình chính trị xã hội của các quốc gia trên thế giới. Cụ thể hơn, WVS đo lường và phân tích: mức ủng hộ cho dân chủ, độ thân thiện với người nước ngoài và người dân tộc thiểu số, mức ủng hộ cho bình đẳng giới, vai trò của tôn giáo và sự thay đổi mức độ sùng đạo, ảnh hưởng của toàn cầu hóa, thái độ về công việc, gia đình, môi trường, chính trị, hình ảnh quốc gia, văn hóa, sự đa dạng của xã hội, mức hạnh phúc cá nhân.
WVS là một trong những dự án nghiên cứu xã hội có quy mô lớn nhất thế giới. Cuộc khảo sát được bắt đầu vào năm 1981, trải qua 6 vòng thu thập dữ liệu 1981-1984, 1990-1994, 1995-1998, 1999-2004, 2005-2009, 2010-2014. Phạm vi nghiên cứu liên tục được mở rộng: Ở vòng đầu tiên, nghiên cứu chỉ thu thập mẫu từ 20 quốc gia, chủ yếu là quốc gia phát triển, còn qua sáu vòng, nghiên cứu đã thu thập mẫu từ khoảng 100 quốc gia và vùng lãnh thổ (chiếm khoảng 90% dân số toàn cầu; Việt Nam là một trong số các quốc gia có trong cuộc nghiên cứu). Trong mỗi đợt, tại mỗi quốc gia, có khoảng 1000 người trưởng thành (18 tuổi trở lên) được chọn ngẫu nhiên để trả lời phỏng vấn.
WVS và các thông tin liên quan có thể được truy cập miễn phí tại trang https://www.worldvaluessurvey.org/ . Để tải dữ liệu, bạn cần vào mục Data & Documentation, chọn tiểu mục Documentation / Downloads, rồi chọn Longitudinal data. Ở đây bạn có thể chọn định dạng dữ liệu tùy theo phần mềm xử lý dữ liệu của bạn: R, SAS, SPSS, STATA. Sau đó bạn điền thông tin cá nhân và tải dữ liệu. Tiện lợi hơn, bạn có thể phân tích dữ liệu ngay trên website bằng cách vào mục Data& Documentation, tiểu mục Online Analysis.
Một số phát hiện lý thú về Việt Nam từ WVS:
Người dân Việt Nam được xuất hiện trong hai vòng nghiên cứu 1999-2004 và 2005-2009. Trong vòng 99-04, 1000 người tham gia phỏng vấn, trong vòng 2005-2009, 1495 người tham gia phỏng vấn. Nội dung phỏng vấn bao gồm quan niệm của người Việt về cuộc sống, gia đình, công việc, chính trị xã hội, tôn giáo và đạo đức, hình ảnh quốc gia, cùng các thông tin nhân khẩu học. Sau đây tôi xin được phân tích một số biến trong dữ liệu phỏng vấn người Việt Nam, với mục đích chỉ ra một vài cách các nhà nghiên cứu và sinh viên có thể sử dụng WVS.
Về mức độ hạnh phúc của người dân: Dữ liệu phỏng vấn năm 05-09 cho thấy, Việt Nam nằm trong top các quốc gia có chỉ số hạnh phúc cao nhất thế giới, với điểm số 84, ngang bằng với Úc và Phần Lan. Quốc gia có điểm số hạnh phúc cao nhất thế giới là New Zealand, 94 điểm. Điểm hạnh phúc của Việt Nam cao hơn người làng giềng là Trung Quốc, điểm số 54. So sánh dữ liệu của vòng 99-04 và vòng 05-09 cho thấy điểm số hạnh phúc của Việt Nam nhìn chung không có thay đổi lớn, nhưng tỉ lệ chọn các phương án có thay đổi đáng kể: số người chọn rất hạnh phúc đã giảm đi, trong khi số người chọn khá hạnh phúc lại tăng lên. Sự thay đổi này có thể thấy được ở một số quốc gia khác như Iran, Trung Quốc, Chile, nhưng lại không thấy được ở quốc gia như Úc, Nhật, Peru, Anh. Điều này cho chúng ta nhiều chủ đề nghiên cứu như: Liệu đặc tính của quốc gia, hay sự phát triển về kinh tế, xã hội có ảnh hưởng tới mức độ hạnh phúc của người dân quốc gia đó không? Nếu có thì ảnh hưởng ra sao?….
Biểu đồ: Tỉ lệ các câu trả lời của người Việt Nam về mức độ hạnh phúc cá nhân, Nguồn: WVS vòng 99-04 và 05-09.
Về quan điểm đối với mục tiêu hàng đầu của đất nước, dữ liệu phỏng vấn năm 2005-2009 cho thấy người Việt Nam ưu tiên giữ gìn trật tự trong quốc gia hơn các mục tiêu khác. Có tới 57% số người được hỏi chọn phương án này, trong khi đó chỉ có 20% chọn mục tiêu quốc gia là tạo cơ hội cho người dân có thêm tiếng nói, 15% chọn kiềm chế sự gia tăng của giá cả, 5% chọn mục tiêu bảo vệ quyền tự do ngôn luận. Việt Nam đứng trong top 10 quốc gia ưu tiên phương án giữ gìn trật tự quốc gia nhất, cùng với các quốc gia như Ghana, Thái Lan, Indonesia, Hungary…. Người Trung Quốc cũng ưu tiên ổn định và trật tự quốc gia nhất, nhưng chỉ có 38% chọn phương án này. So sánh dữ liệu vòng 99-04 và 05-09 cho thấy số người ủng hộ trật tự cho đất nước đã tăng lên, trong khi đó số người ủng hộ tăng tiếng nói người dân giảm đi. Từ những thông tin này, chúng ta có thể nghiên cứu về tương tác giữa thể chế chính trị, độ phát triển của quốc gia và mục tiêu của người dân, hay những yếu tố như thu nhập, giáo dục, giới tính ảnh hưởng tới quan điểm về mục tiêu đất nước ra sao…
Biểu đồ: Tỉ lệ các câu trả lời của người Việt Nam về mục tiêu hàng đầu của quốc gia. Nguồn dữ liệu: WVS vòng 99-04 và 05-09
Về mức độ sẵn sàng chiến đấu vì đất nước: Với câu hỏi khảo sát: “Bạn có sẵn sàng tham gia chiến đấu trong một cuộc chiến tranh vì đất nước của bạn”, Việt Nam là một trong 5 nước có chỉ số trả lời đồng ý cao nhất (vòng 99-04 là 94%, vòng 05-09 là 89%). Mức này cao hơn so với các quốc gia như Trung Quốc (vòng 05-09 là 79.7%), Mỹ (vòng 05-09 là 60.9%), Anh (vòng 05-09 là 50.4%). Từ thông tin về số người sẵn sàng chiến đấu vì tổ quốc, chúng ta có thể tìm mối liên hệ giữa thể chế, tư tưởng, tôn giáo, kinh tế với tâm lý đón nhận chiến tranh và bảo vệ tổ quốc của người dân.
Tóm lại, WVS là một trong những nghiên cứu rất hữu ích đối với các nhà nghiên cứu xã hội học, chính trị, và sinh viên tại Việt Nam và các quốc gia trên thế giới. Nghiên cứu này cho phép chúng ta có cái nhìn xác thực hơn về quan điểm người dân trên thế giới, cách họ đánh giá cuộc sống của họ cũng như môi trường và con người xung quanh. Cơ quan quản lý WVS đã công khai dữ liệu tại website https://www.worldvaluessurvey.org, đồng thời cung cấp công cụ phân tích dữ liệu trực tuyến tiện lợi cho người sử dụng.
Nguyễn Phương Mạnh