Home Xem GAME OF THRONES – BỘ PHIM THẤT BẠI TRONG ĐỀ TÀI THÙ HẬN
Xem

GAME OF THRONES – BỘ PHIM THẤT BẠI TRONG ĐỀ TÀI THÙ HẬN

Thư Sinh

06/08/2019

Trả thù từ lâu đã trở thành một đề tài quen thuộc trong văn chương cũng như phim ảnh. Thông thường, motif sẽ là một nhân vật bị một thế lực (hoặc cá nhân) tước hết mọi thứ, đẩy vào đường cùng, mất niềm tin hoặc chịu hàm oan,… từ đó bước vào cuộc đời phiêu bạt và nuôi chí trả thù. Người đọc/ xem sẽ đi theo từng bước chân của nhân vật – nạn nhân, tò mò từ lúc họ đang bình yên, giận dữ, đau khổ khi họ mất tất cả, bị kích động khi họ lên kế hoạch trả thù và cuối cùng sẽ đắc thắng khi họ giành lại được những thứ vốn thuộc về mình, nhưng cùng lúc đó, khán giả/ độc giả cũng ngậm ngùi khi nhìn lại con đường nhân vật chính đã trải qua, thảng thốt nhận ra sự thay đổi trong chính từng nhân vật. Bá tước Monte Cristo hay Ruồi trâu chính là một tác phẩm như thế, Lang Nha bảng cũng kể về một câu chuyện trả thù như vậy. Thực chất, đây không phải đề tài mới; và vì không mới, lại có quá nhiều tiền bối làm kịch bản theo một motif mà vẫn được hưởng ứng, nhiều người đã nghĩ trả thù là một đề tài dễ xơi. Tuy nhiên, để khai thác thành công và gây ấn tượng sâu sắc trong lòng người xem, đem lại dư vị tích cực trong bối cảnh này lại là một công việc hoàn toàn khó nhằn. Trên thực tế, có rất nhiều bộ phim được đánh giá cao nhưng lại thất bại trong việc thể hiện đề tài này. Điển hình có thể kể đến Game of Thrones, series phim truyền hình bắt đầu từ năm 2011, kéo dài cho đến nay (2016) của Mĩ.

Để nhìn rõ sự thất bại của các nhà làm phim, cũng như sự nhảm nhí của kịch bản, trước hết chúng ta hãy cùng tìm nguyên nhân xuất hiện ham muốn báo thù trong Game of Thrones.

Nguồn gốc của hận thù

Kết cục cuối cùng của hận thù được biểu hiện ra bằng cái chết. Đa số người xem phim đều bị che mắt bởi lượng người chết đồ sộ trong series Game of Thrones. Thậm chí, người ta coi việc có người chết trong mỗi tập, mỗi season là điều hết sức bình thường, bình thường đến mức chẳng ai còn muốn nghĩ xem tại sao nhân vật này lại chết. Dạo qua một vòng các fanpage của bộ phim hay của từng nhân vật mới thấy lí do hợp lí nhất mà khán giả hâm mộ phim đưa ra được cho nguyên nhân mỗi cái chết thường là: Vì được khán giả hâm mộ quá nên… chết! (Có lí do này là bởi cứ mỗi khi có nhân vật nào đáng chú ý xuất hiện và được nhiều người xem yêu thích, ngay sau đó nhân vật đó sẽ bị giết ngay trong phim). Tất nhiên ai cũng biết đó chỉ là lời đùa cợt, nhưng nhìn vào đó cũng đủ thấy, Game of Thrones đã khiến người xem cảm thấy bình thường đến mức gần như vô cảm mỗi khi có ai đó trong phim đi đến cái chết, bất kể đó là nhân vật chính diện hay phản diện – Những cái chết đã được dự đoán trước, nhưng không ai chịu để ý đến việc đi tìm nguyên nhân.

Nhìn một cách tổng thể, những cái chết, hoặc nhẹ hơn là sự tra tấn dã man trong Game of Thrones đều ít nhiều liên quan đến hận thù (Cái chết vừa là khởi đầu, vừa là điểm kết thúc của mỗi cuộc báo thù). Khal Drogo bị phù thủy dùng mưu giết hại vì ông đã tàn sát ngôi làng, giết hết cả người thân, hàng xóm của bà phù thủy. Những đứa trẻ nhà Stark nung nấu ý chí trả thù nhà Lannister và các bên liên quan bởi chính vì những con người đó mà nhà Stark tan đàn xẻ nghé, bố bị chém đầu, mẹ và anh trai, chị dâu bị giết chết ngay trong chính đám cưới, Sansa bị đẩy vào trò chơi của bọn nắm quyền lực chính trị và trở thành nô lệ tình dục của tên tâm thần Ramsay Bolton, Arya bị truy đuổi từ hết nơi này đến nơi khác, ngày đêm lẩm nhẩm tên của những kẻ sau này cô sẽ giết. Trong 7 gia tộc, nhà Stark được “ưu ái” cho nhiều kịch bản trả thù nhất, nhưng cũng là nhà phải chịu nhiều mất mát nhất.

Soi chiếu vào motif trả thù ở trên, có thể thấy phần lớn các nhân vật trong Game of Thrones có cùng xuất phát điểm với các nhân vật trong các tác phẩm khác, đều là những người bị tước đoạt khỏi tay mình hạnh phúc, sự bình yên, tình yêu, niềm tin,… Đó đều là những điều giản đơn, không vướng chút “bụi bẩn” của những mưu đồ chính trị hay tham vọng bá quyền, nhưng lại là những điều mà khi mất đi, người ta sẽ cảm thấy đau đớn, hụt hẫng nhất. Nắm được điểm này, bộ phim đã hấp dẫn được hàng triệu người xem trên toàn thế giới; kích thích ham muốn tò mò, sự tức giận và vô vàn những cảm xúc tiêu cực khác khi khán giả theo dõi bước đường của các nạn nhân bị đẩy vào tình huống phải – báo – thù. Từ đây, báo thù trở thành nhiệm vụ lớn lao nhất, vĩ đại nhất, một loại nhiệm vụ tối thượng mà cả nhân vật và người xem đều hướng tới.

Tuy nhiên, nguồn gốc lòng hận thù của Game of Thrones không chỉ dừng lại ở việc nhân vật “chính nghĩa” bị biến thành nạn nhân, đẩy vào hoàn cảnh không nơi nương tựa. Game of Thrones còn kích sự thù hận lên cao điểm bằng cách xoáy sâu vào cảnh tra tấn dã man của vài tên đầu sỏ với những lần quay trực diện. Hình ảnh máu me bạo lực đập thẳng vào mắt người xem, tác động mạnh đến tinh thần và thể trí của mỗi người. Những hình ảnh bạo lực không chỉ khiến bộ phim trở nên đen tối, bẩn thỉu, điên loạn, chúng còn gây ám ảnh đến khán giả. Để rồi mỗi khi dừng lại trước những cảnh bạo lực ấy, người ta bị kích động từ từ, vừa để quen dần, vừa để không ai “bất ngờ” khi các nhân vật “chính nghĩa” cũng hành động theo cách như vậy. Và thế là bộ phim đưa ra được một lí do hợp lí: Phải ác với kẻ ác. Nhưng lí do ấy có chấp nhận được không?

Từ sự mất nhân tính trong hành vi trả thù trên phim

Như đã trình bày ở trên, trả thù là motif quen thuộc, và chúng ta đã thấy nó thông dụng ngay ở việc soi xét lại nguồn gốc xuất phát của lòng thù hận. Tuy nhiên, khác với những tác phẩm có cùng motif, Game of Thrones lại bày ra một cách thức báo thù vô cùng độc ác.

Bá tước Monte Cristo trong bộ tiểu thuyết cùng tên giành lại những gì đã mất bằng cách lên kế hoạch cụ thể cho việc trốn khỏi nhà tù, vạch trần bộ mặt giả dối của những kẻ hãm hại mình, kết thúc cuộc đời tên vu khống trong một trận đấu kiếm công khai và công bằng tràn đầy tinh thần hiệp sĩ chân chính.

Ruồi Trâu trong Ruồi Trâu trả thù bằng cách dùng ngòi bút đanh thép của chính mình để đập tan những bức tường hữu hình và vô hình đang giam hãm con người.

Mai Trường Tô đứng đầu Lang Nha bảng lật lại án oan về quân Xích Diễm, lần lượt hạ gục từng bên liên quan nhưng không ép ai vào con đường chết.

Phải nhìn trong timeline như vậy mới thấy được sự bệnh hoạn, tàn độc cũng như sự mất tính người trong cách các nhân vật của Game of Thrones dùng để báo thù.

Kết thúc season 6, công chúng hả hê trước sự trở lại của nhà Stark. Người ta sẽ còn nói nhiều về cuộc “comeback” này với hai cái chết mà Sansa và Arya gây ra.

Sansa bắt được Ramsay Bolton – đứa con hoang của phương Bắc, người chiếm thành Winterfel và đối xử với Sansa như một loại sextoy – và trói hắn trong ngục tối. Cái chết của Ramsay được dựng trong một không gian hôi thối bẩn thỉu, và rồi cách hắn chết cũng bẩn thỉu và hôi thối: bị chính con chó săn của mình ăn thịt. Sansa mỉm cười khi cảnh tượng đó xảy ra, và season 6 khép lại. Đối với đông đảo khán giả, cái chết của Ramsay là điều họ đã trông mong từ lâu lắm, bởi Ramsay là tên bệnh hoạn, dã man, lại luôn vui sướng trước sự dã man mà hắn gây ra. Việc Ramsay chết trong nhà ngục tối tăm, ẩm ướt, bị chó cắn nát mặt, da thịt bị gặm nhấm dường như là kết quả có thể đoán được, nhưng rõ ràng đó là điều không nên xảy ra, nhất là đối với Ramsay.

Arya cũng giết được toàn bộ những đứa con của người đàn ông đã góp phần hạ sát anh trai, chị dâu và mẹ cô trong Đám Cưới Đỏ. Nhưng cách trả thù của Arya lại khiến người xem ghê sợ. Cô giết những đứa con và chế biến thành món ăn đem lên cho người bố đen đủi, sau đó giết luôn ông bố.

Về cơ bản, có thể xem cả hai lần trả thù của hai cô con gái nhà Stark này đã thành công trong việc giết người, nhưng chỉ giết người thôi. Hận thù làm đầu óc họ mụ mị, họ không nghĩ được đến cái gì khác ngoài việc làm sao để ra tay một cách tàn độc nhất, dã man nhất và hả hê, thống khoái nhất. Và quả thật, Sansa và Arya đã làm được điều đó. Kẻ thù của họ kẻ chết không toàn thây, kẻ chết trong hoảng loạn và ghê tởm. Thế nhưng chúng ta không thể phủ nhận một điều, cách thức báo thù của hai cô gái này đều có gì đó bất thường. Nói trắng ra là mất nhân tính.

Dường như Game of Thrones không kéo người xem vào trò chơi vương quyền như tên gọi của nó, mà nó kéo tất cả vào cuộc rượt đuổi không có điểm dừng của lòng thù hận, những hành vi mất tính người và của những người ủng hộ cho trò đuổi bắt ấy.

Đến cuộc “lên đồng” của những con zombie khát máu

Toàn bộ phần trên tập trung tái hiện lại nguyên nhân có sự thù hận và cách thức trả thù của phần lớn các nhân vật trong Game of Thrones. Đến đây, chúng ta hãy cùng nhìn lại phản ứng của khán giả khi phần 6 của bộ phim kết thúc, cũng là khi nhà Stark giành lại được thành Winterfell.

Theo quảng cáo, Game of Thrones là bộ phim khắc họa cuộc tranh giành quyền lực của 7 gia tộc chính trong 7 đô thành của vùng đất Westeros. Từ góc độ này, có thể xem đây như một series phim chính trị. Tuy nhiên, nhìn vào những âm mưu, thủ đoạn và diễn biến trong suốt 6 season phim, người ta nhận ra Game of Thrones quá đơn giản để là một bộ phim chính trị. Mới đâu, Game of Thrones thu hút người xem bởi thực tại rộng lớn của Westeros, những khả năng hoạch định được các mưu đồ nhằm tranh giành ngôi báu sắt. Thế nhưng càng về sau, bộ phim càng bị đẩy sâu vào thực tại được nhìn qua một lớp màng lọc có tên: Trả thù. Mà sự trả thù này khác hẳn với motif trả thù quen thuộc trong truyền thống. Xuyên suốt 60 tập phim chỉ toàn những cảnh bạo lực, làm tình, khỏa thân, tra tấn đẫm máu, lòng thù hận,… Hầu hết mối quan hệ giữa các nhân vật đều được xây dựng dựa trên một hay nhiều yếu tố đó gộp lại, nhưng lại được phủ lên trên bằng tấm áo giáp của tinh thần chiến binh và văn hóa Bắc Âu.

Trước cái chết của Ramsay và bữa điểm tâm thịt người của Arya, cái làm người ta ghê sợ không phải việc cách thức giết người quá kinh tởm, mà là việc khán giả ai ai cũng vui sướng và thỏa mãn. Từ bao giờ mà việc giết người một cách man rợ lại được tung hô nhiều đến vậy? Có phải đó là vì kẻ thực hiện là những kẻ mang danh “chính nghĩa”? Người xem kháo nhau rằng cuối cùng thì “ngày phán xét” ấy cũng đến, Ramsay chết thê thảm và bữa điểm tâm kia xứng đáng để bù đắp cho những người đã khuất tại Đám Cưới Đỏ. Khán giả sung sướng vì mong muốn bấy lâu đã trở thành sự thật: Cái chết xứng đáng đã đến với kẻ ác.

Một vài người cho rằng kết cục của những tên phản diện (thực chất là không đứng cùng phe) đều là do nhân quả. Trước đó bọn chúng đã phạm quá nhiều tội ác, vì thế cho nên không cần thương xót đến chúng làm gì, vì thế nên chúng cuối đời chúng càng thảm hại lại càng tốt; và do tất cả những gì chúng đã gây ra trước đó, nên việc chúng lãnh nhận hậu quả chết chóc đẫm máu là việc hết sức bình thường. Diễn biến bộ phim đã bình thường hóa các sự kiện theo cách đó. Người từng là nạn nhân cười hả hê, khán giả cũng vỗ đùi hả hê. Không ai để ý đến một điều, chính vì đã hành động theo cách ấy mà những đứa trẻ nhà Stark đang dần bị đồng hóa, dần bị kéo vào vòng xoáy trả thù bất tận. Người ta không thể ngăn máu của kẻ thù vấy bẩn đôi tay mình, cũng như không thể ngăn bản thân dần biến thành đồng loại của kẻ thù khi để hận thù che mắt, rồi lại sử dụng chính sự bệnh hoạn, tàn ác, vô nhân tính của kẻ thù để tiêu diệt chúng. Kẻ thù vốn không phải từng cá nhân, mà là tất cả những gì xấu xa len lỏi vào trong đầu óc, từ đó quyết định hành vi ứng xử của mỗi người. Theo cách đó, bọn thô bỉ và bệnh hoạn không chết, chúng chỉ đang chuyển hóa từ Ramsay sang một cơ thể khác. Và ai biết, cơ thể đó là ai?

Rõ ràng, người xem đã dần bị thô bỉ hóa khi thỏa mãn với những cảm xúc kia. Không còn lòng thương, không còn kinh sợ, chỉ còn chết mê chết mệt những cảnh xác thịt, những lần trả thù đầy bạo lực và quay ra cắn xé chính những ai nói ra điều đó. Đạo đức, luân lí, những chuẩn mực và nguyên tắc bị thay thế bởi sự vô luân, vô nhân tính và không chuẩn mực. Thất bại trong việc xây dựng một bộ phim chính trị, Game of Thrones chạy theo lối cũ khai thác những hình ảnh bạo lực và đề tài thù hận. Và hình như đề tài này lại khiến bộ phim thu được rating cao hơn. Tuy nhiên, thành thật mà nói, Game of Thrones cũng đã thất bại nốt trong việc thể hiện đề tài quen thuộc này. Những cảnh sex, bạo lực, tra tấn,… trong phim đã ảnh hưởng đến tâm lý của người xem, khiến suy nghĩ trở nên lệch lạc và tinh thần suy giảm. Nếu trong những tác phẩm kinh điển khác, người đọc/ xem có cơ hội nhận ra rằng trả thù là nước đi cuối cùng, và hành động ấy cũng khiến bản thân người trả thù vấy bẩn thì với Game of Thrones, người ta mong muốn báo thù nhiều hơn hòa giải, người ta khao khát bạo lực, thỏa mãn dục tính nhiều hơn tình yêu, và bá nghiệp đế vương chẳng qua chỉ là trò chơi cho những kẻ mất luân thường đạo lí.

Một bộ phim kích thích lòng thù hận ở con người, cổ súy cho những điều vô luân. Vậy thì có lí do gì để tiếp tục xem?

Nguyễn Hoàng Dương