Home Chưa phân loại Các loại bánh ngày Tết

Các loại bánh ngày Tết

Book Hunter

08/02/2015

Bánh chưng, bánh tét, bánh dày, xôi và cốm Bánh tét là một lễ vật được làm theo tín lý phồn thực của cư dân nông nghiệp, cụ thể là cư dân cấy (tỉa) lúa (nếp). Phải chăng, tín lý phồn thực có tuổi đời cổ xưa hơn quan niệm về “trời tròn đất vuông” của sự tích bánh dày và bánh chưng?…

Sự tích suy nguyên về bánh chưng và bánh dày mà ngày nay chúng ta đều biết và xác tín là do Tiết Liêu/ Lang Liêu – một trong các người con của vua Hùng – làm ra là câu chuyện được ghi chép trong Lĩnh Nam Chích Quái (thế kỷ XV). Truyện kể rằng: Sau khi vua Hùng Vương phá được giặc Ân, nhân quốc gia vô sự, muốn truyền ngôi cho con, bèn triệu hai mươi vị quan lang và công tử lại mà phán rằng: “Ta muốn truyền ngôi cho kẻ nào làm ta vừa ý, cuối năm nay mang trân cam mỹ vị đến để tiến cúng tiên vương cho ta được tròn đạo hiếu thì sẽ được ta truyền ngôi”. Thế là các con đều đua nhau đi tìm của ngon vật lạ khắp trên cạn dưới bể, nhiều không sao kể xiết. Duy có vị công tử thứ 18 là Tiết Liêu, bà mẹ trước kia vốn bị vua ghẻ lạnh, mắc bệnh mà chết, tả hữu ít người giúp đỡ, khó xoay xở, nên đêm ngày lo lắng, mộng mị bất an. Một đêm kia mộng thấy thần nhân tới nói rằng: “Các vật trên trời đất và mọi của quý của người không gì bằng gạo. Gạo có thể nuôi người khỏe mạnh và ăn không bao giờ chán, các vật khác không thể hơn được. Nay đem gạo nếp làm bánh, cái hình vuông, cái hình tròn để tượng trưng hình đất và trời rồi dùng lá  bọc ngoài, ở trong cho mỹ vị để ngụ ý công đức sinh thành lớn lao của cha mẹ”. Tiết Liêu tỉnh dậy, mừng rỡ mà nói rằng: “Thần nhân giúp ta vậy!”. Nói rồi bèn theo lời dặn trong mộng mà làm, chọn thứ gạo nếp trắng tinh, lặt lấy những hạt tròn mẩy không bị vỡ, vo cho sạch, lấy lá xanh bọc chung quanh làm hình vuông, cho trân cam mỹ vị vào bên trong để tượng trưng cho việc đại địa chứa chất vạn vật rồi nấu chín, gọi là bánh chưng. Lại lấy gạo nếp nấu chín, giã cho nát, nặn thành hình tròn, tượng trưng cho trời gọi là bánh dày. Đến kỳ, vua vui vẻ truyền các con bày vật dâng tiến. Xem qua khắp lượt, thấy không thiếu thức gì. Duy có Tiết Liêu chỉ tiến dâng bánh chưng và bánh dày. Vua kinh ngạc mà hỏi, Tiết Liêu đem giấc mộng thuật lại. Vua đem nếm, thấy ngon miệng không chán, hơn hẳn các thức của các con khác, tấm tắc khen hồi lâu rồi cho Tiết Liêu được nhất. Đến ngày Tết, vua lấy bánh này dâng cúng cha mẹ. Thiên hạ bắt chước (1).

Câu chuyện này có một số chi tiết cần phải xem xét:

1. Trước hết, khái niệm “trời tròn đất vuông” vốn có nguồn gốc từ Trung Quốc (2). Từ thế kỷ thứ X, An Nam dần dần thoát ly khỏi uy quyền phương Bắc, và đến triều Lý (1009-1225), nước Đại Việt mới thực sự là một quốc gia độc lập. Phật giáo được coi là quốc giáo, Tăng lữ tham gia vào hàng ngũ quan lại, và một số vị vua thời Lý, Trần đã tự mình đứng ra thành lập các tông phái, thiền phái (Lý Thánh Tông mở phái Thảo Đường, Lý Cao Tông tự xưng là Phật, Trần Nhân Tông là sơ Tổ Trúc Lâm yên Tử, được tôn là Điều Ngự Giác Hoàng). Tuy vậy, về mặt quản lý nhà nước, do tiếp nhận văn hoá phương Bắc, nước Đại Việt độc lập vẫn tổ chức theo quan niệm vương quyền Nho giáo. Ngoài các khái niệm Thiên Vương, Phật-Vua, vẫn còn thừa nhận khái niệm Thiên Tử (Ông vua Con Trời). Như vậy, vua vẫn phải lưu tâm đến việc tế cáo “Cha Trời, Mẹ Đất” cũng như phong thần các xứ (Thiên Tử phong bách thần) để tỏ rõ uy quyền với các thần linh trong nước. Đàn Xã Tắc lập năm 1048 và đàn Viên Khâu (Gò đất hình tròn, theo nguyên tắc đàn xây ở phía Nam kinh thành để tế trời, gọi là đàn Nam Giao), đàn Vu ở phía Nam kinh thành được nhắc tới vào các năm 1137-1138 (3). Nói chung, việc tế Trời-Đất đến thời Lê mới thực sự hoàn bị theo nghi lễ Nho giáo. Song kể từ thế kỷ XI, việc dựng đàn tròn, đàn vuông để tế “Cha Trời, Mẹ Đất” đã cho thấy khái niệm “trời tròn đất vuông” đã tồn tại trong nếp nghĩ của người dân nước ta từ lâu

2. Các tác giả Lĩnh Nam Chích Quái sau đó đã khuôn công năng của hai loại bánh này vào việc cúng tổ tiên, tôn vinh chuẩn mực hiếu đạo, một giá trị luân lý cốt lõi của Nho giáo; để vua Hùng nói: “Tiến cúng tiên vương cho ta tròn đạo hiếu”, và cuối truyện xác định: “Đến ngày Tết vua lấy bánh này dâng cúng cha mẹ. Thiên hạ bắt chước…”.  Tục cúng bánh chưng, bánh dày vào ngày Tết được mô tả từ câu truyện này, về sau được xác tín là tập tục ra đời từ thời Hùng Vương.

Nhưng Tết, xét từ nguyên uỷ là lễ thức, lễ hội được tiến hành sau mùa gặt hàng năm hay bắt đầu mùa gieo cấy. Thời điểm này tùy thuộc vào điều kiện khí hậu và tập quán canh tác của mỗi tộc người. Tết như vậy có chức năng kép: tạ ơn thần linh và tổ tiên về kết quả vụ mùa đã qua và cầu mong kết quả cho vụ mùa năm tới. Nói chung, các cư dân nông nghiệp luôn tiến hành một loạt nghi lễ theo các tiến trình phát triển của cây lúa. Với những lễ vật tương ứng. – Lúa vừa chín tới: lễ cúng ăn cốm. – Lúa chín gặt: lễ cúng cơm mới. – Gặt xong đưa vào kho: lễ mừng lúa mới, với lễ vật là các thứ chế biến từ gạo tẻ và nếp như: cơm, xôi, bánh…

Cốm là lễ vật phổ biến trong lễ cúng mừng lúa lúc đã cứng hạt. Cốm là sản phẩm chế biến bằng cách rang lúa nếp, giã cho dẹp lại và sàng sảy để bỏ trấu đi. Dữ liệu của nhà dân tộc học Từ Chi viết về loại cơm chul (cơm chùn), lễ vật trong dịp Ăn cơm mới của người Mường, tuồng như đã hé mở cho chúng ta biết về nguyên ủy của cốm: lúa gặt về còn ướt sũng, không có thời gian phơi khô, mới được làm thành lễ vật dâng cúng ngay để mọi người bắt tay vào gặt. Chỉ còn một cách là đem “rang” (có hạt bung ra) rồi giã nhẹ để tách vỏ. Gạo đó chế thành cơm chul (4). Lúa nếp rang nở bung ra mà người miền Bắc gọi là bỏng thì ở Trung Bộ (kể cả Nam Bộ) gọi là nổ. Bánh nổ là lễ vật truyền thống vào dịp Tết ở Trung Bộ, và nổ là lễ vật bắt buộc trong nhiều đám cúng việc lề ở Nam Bộ. Phải chăng đó là di duệ của cốm, và xa xưa hơn là cơm chul?

Cơm là lễ vật bắt buộc trong lễ cúng cơm mới của nhiều tộc người, và cũng là lễ vật của nhiều lễ cúng khác. Tuy nhiên, vì sự bình dị của nó mà cơm không được người ta coi là lễ vật thực sự như xôi. Rõ ràng trong nếp nghĩ phổ biến của nhiều tộc người, xôi là lễ vật bởi nó phải có trong các cuộc lễ mà hiếm hoi trong bữa ăn thường ngày. Gạo nếp quý hiếm hơn gạo tẻ, và vì có hương thơm nên được chọn làm lễ vật dâng cúng. Nói chung, gạo là thức ăn chính của con người nên nó có ý nghĩa thuộc về nghi lễ. Lúa gạo luôn được coi là có nguồn gốc thiêng liêng, là hạt ngọc trời; nó biểu trưng cho sự sung túc, sự sinh sản dồi dào, nhờ trời mới có và sự thanh khiết nguyên sơ. Người Thái đồ, nấu xôi có nhuộm màu: xôi đỏ tượng trưng cho Mặt Trời, xôi vàng tượng trưng cho Mặt Trăng (Tết Cầu mùa: Xíp Xì)(5). Người Nùng làm xôi bảy màu để “tượng trưng cho chặng đường lịch sử bảy tháng đầy ý nghĩa trong một năm đất trời xoay chuyển, nhưng gắn liền với lịch sử dân tộc” (mỗi màu tượng trưng một tháng, từ tháng Giêng đến tháng Bảy)(6). Cơm cúng đơm vào chén, bát, thậm chí còn nèn, gọi “chén cơm in”. Còn xôi đơm ra đĩa hay mâm, phổ biến từ “mâm xôi”, luôn gợi cho ta hình ảnh của một sự vun cao lên tròn trịa và sung mãn, biểu thị cho sự phồn thực.

Từ xôi đến bánh dày chỉ là một bước ngắn: lấy xôi nếp giã nát ra và vun lên thành mâm bánh dày. Loại bánh làm bằng nếp như vậy vẫn là lễ vật “thanh khiết nguyên sơ” như xôi. Với người Chăm, lễ vật trong Tết Rija Nưga của họ có xôi, bỏng (nổ) và bánh đúc(7). Với người Dao, trong Tết nhảy của họ có lễ vật không thể thiếu là bánh bằng bột gạo nắn tròn, treo tòng teng trên những cây mía đặt ở gian giữa bàn thờ Bàn Vương(8). Đó là hai ví dụ về hai loại bánh “tròn đầy”, thuộc thứ lễ vật được chế biến bằng bột gạo có phần kỳ công hơn bánh dày. Bánh dày không chỉ là đặc sản của người Việt, mà nó còn là thứ lễ vật bắt buộc, đã thành tục lệ trong văn hóa của nhiều tộc người. Tết của người H’mông là một ví dụ: “Bánh dày là hương vị không thể thiếu, một biểu tượng trên bàn thờ tổ tiên trong ngày Tết của người H’mông”(9). Ở người H’mông Hang Kia, Pà Cò cũng có truyền thuyết suy nguyên về bánh dày của dân tộc mình. Nội dung truyền thuyết hoàn toàn khác với sự tích bánh chưng bánh dày của người Việt, mà chủ ý là nói về nguồn gốc lúa nếp: ông Tổ người Hmông lấy được từ xứ sở của người tí hon dưới lòng đất, và hàng năm, người Hmông làm bánh dày để tưởng nhớ tổ tiên và tạ ơn con chim đại bàng đã cứu ông Tổ mình ngày xưa(10). Một tập tục liên quan đến loại bánh dày này là trong mấy ngày đầu năm phải ăn bánh dày trắng, tuyệt đối không được nướng bánh dày. Nếu nướng, người H’mông cho rằng năm đó nương rẫy sẽ bị hạn hán(11). Điều này cho chúng ta thấy: bánh dày theo quan niệm của người H’mông là biểu thị nương rẫy, là đất, nói rộng ra là “không gian sinh tồn” .

3. Nói chung, bánh dày là một lễ vật được hình thành trong một quá trình nhất định, khuôn theo một tâm thức thuần khiết từ quan niệm thiêng về gạo (tẻ và nếp) của cộng đồng các cư dân trồng / tỉa lúa. Nó vừa là nhân vừa là quả của nền văn hóa lúa; ở đó, nó là biểu tượng của tín lý phồn thực hơn là tín lý tư biện về vũ trụ. Điều này cũng có phần tương tự đối với cái bánh chưng. Xét về chất lượng, nội dung thì bánh chưng và bánh tét là một, chúng chỉ khác nhau ở hình thức: một là hình vuông và một là hình ống-dài. Rảo qua các dữ liệu dân tộc học, chúng ta thấy bánh chưng có ở người Việt miền Bắc, người Mường (gọi là pênh pang), người Thái (gọi là kháu tốm kích), người Tày, người Khmú (gần như bánh chưng tròn của người Tày)… Bánh tét có ở người Việt miền Trung, miền Nam, người Thái (cũng có bánh tét gọi là kháu tốm boóng cựa), người Hrê (gọi là bánh mau nhich), người Kadong, người Xinh mun… (12). Có thể nói, bánh chưng và bánh tét cùng tồn tại trong đại gia đình các dân tộc ở nước ta, thậm chí cụ thể ngay trong từng tộc người (Thái, Việt…). Vấn đề đặt ra là tại sao cùng là một thứ chất liệu mà gói theo hai kiểu (thậm chí là ba kiểu – nếu kể thêm bánh ú, gói theo kiểu bánh ít “nóc chùa”) để làm gì, và kiểu nào ra đời trước? Bánh chưng được gói theo hình vuông, tượng trưng cho trời (Lĩnh Nam chích quái). Bánh tét gói theo hình ống, tròn, dài, biểu tượng sinh thực khí nam, bản nguyên sức mạnh của sự sinh sản(13). Trong thời gian điền dã ở vùng Khmer Nam Bộ, tôi được một vị à-cha (thầy lễ) nói nhỏ vào tai rằng bánh tét là “cái đó của Preah Ầy-Xô” (Preah Ầy-xô là thần Siva).  Bánh tét là một lễ vật được làm theo tín lý phồn thực của cư dân nông nghiệp, cụ thể là cư dân cấy (tỉa) lúa (nếp). Phải chăng, tín lý phồn thực có tuổi đời cổ xưa hơn quan niệm về “trời tròn đất vuông” của sự tích bánh dày và bánh chưng?…

Huỳnh Ngọc Trảng

“Luân lý học” và “Chính trị luận”

Luân lý học và Chính trị luận vẫn là hai công trình tiêu biểu nhất của Aristotle. Người ta đã nói rằng Luân lý học vẫn là bàn đạp tốt nhất để nghiên cứu các câu hỏi và vấn đề nan giải về luân lý. Dù rằng câu trả lời của Aristotle có thể vấp phải sự phản đối từ nhiều người, thì những câu hỏi mà ông nêu ra vẫn còn nóng hổi trong thời đại này như chúng đã từng. Mục đích của
XemYêu

Đại Ngư Hải Đường: Duyên nợ đến từ trái tim

“Đại ngư Hải đường” lấy ý tưởng từ giấc mơ của đạo diễn Lương Toàn 12 năm về trước. Lúc đầu, từ giấc mơ này, đạo diễn đã làm phim ngắn “Đại Hải” và chiếu trên mạng. Sau sự thành công của phim ngắn, Lương Toàn đã nỗ lực để hoàn thiện duyên nợ của anh với giấc mơ năm nào qua “Đại ngư Hải đường” và ra mắt khán giả trong năm 2016 này. Tôi xem “Đại Ngư Hải Đường” sau khi nghe ca

Văn hóa hưởng lạc của nhà Nho tài tử Việt Nam (6): “Làm cây thông đứng giữa trời”

(*) Tiêu đề trích thơ Nguyễn Công Trứ c. Ngông nghênh: Nhắc đến nhà Nho tài tử, không thể không kể đến thái độ ngông nghênh, khinh thế ngạo vật của những con người nhận thức rõ tài năng của bản thân trước thời thế này. Vậy, họ thể hiện sự ngông của bản thân như thế nào? Chúng ta hãy bắt đầu với Nguyễn Khản, quan đại thần dưới thời chúa Trịnh Sâm. Khi làm quan, Nguyễn Khản thường xin phép nghỉ ở nhà.

Đạo không lối vào nhưng thế giới hiện đại vẽ ra muôn lối vào

Năm 12 tuổi, tôi lang thang trong những tiệm sách ngổn ngang thượng vàng hạ cám ở phố Đinh Lễ trong trạng thái mông lung và thôi thúc. Chẳng có một bậc thầy để hướng dẫn, chẳng có một chuyên gia để hỏi han, chỉ có sự khuyến khích của bố mẹ tôi rằng tôi có thể mua bất cứ cuốn sách nào tôi muốn. Có lẽ, khi vô định, chẳng động cơ, lại là cách đưa tôi đến với điều cần được biết trong

BÀN VỀ HAM MUỐN NỔI TIẾNG

Không phải lúc nào chúng ta cũng dễ dàng mà thú nhận chuyện xấu hổ này với bạn bè. Nhưng, kín đáo thay, ý niệm về việc trở thành một người nổi tiếng có ma lực thật mãnh liệt. Danh tiếng luôn mang một sức hấp dẫn sâu sắc bởi dường như đồng hành với nó là những lợi ích đáng kể. Tưởng tượng mà xem, khi nổi tiếng, danh tiếng đón rước bạn mọi nơi bạn tới. Mọi người sẽ nghĩ tốt về bạn