Tôi bắt gặp bộ tranh “The Diversity of Nature” (Tạm dịch: Thiên nhiên muôn vẻ) của Jacqueline Secor trong nỗ lực đến tuyệt vọng để tìm một bức tranh thật đẹp minh họa cho tính phồn thực trong thơ Hồ Xuân Hương. Trước đó, tôi chưa hề gặp được tính phồn thực mà Hồ Xuân Hương phơi bày trong các câu thơ như “Cửa son đỏ hoét tùm bum nóc, Hòn đá xanh rì lún phún rêu” hay “Một lạch Đào Nguyên suối chửa thông” của bà. Tôi chỉ gặp những bức tranh nhạt nhẽo với cơn khát dục thô lậu hoặc những bức tranh thiếu nữ khỏa thân phô đường cong thể hiện cho nỗi thèm thuồng da thịt của đấng mày râu.
Ấy thế mà tôi lại gặp tính phồn thực bản nguyên ấy trong tranh của Jacqueline Secor.
Jacqueline Secor là một nữ họa sĩ đương đại, hẳn thế! Nhưng dường như chị chẳng quan tâm lắm đến những thứ được coi là thủ pháp hay xu hướng đương đại, và càng chẳng quan tâm đến thứ khái niệm hậu hiện đại mang tính nhất thời. Jacqueline tuyên bố rằng chị tìm về những giá trị nguyên thủy cổ xưa.
Trên website của Jacqueline Secor có ghi:
“Tác phẩm của tôi chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi nghệ thuật tiền sử. Bản chất của nghệ thuật nguyên thủy xa xôi nhưng thân thuộc, đại diện cho man dại, quá khứ và hiện tại, tước bỏ tất cả những gì không cần thiết và gợi lên ý nghĩa của nhân loại trong thiên nhiên. Các nền văn hóa xuất hiện, bị phá hủy, và sau đó được thay thế bằng những nền văn hóa mới. Chúng ta cứ như một giống loài đang lạc lối ngày càng cách xa cội nguồn của mình, và tôi e rằng khởi nguồn sơ khai của chúng ta đang bị lãng quên.”
Với nguồn cảm hứng ấy, Jacqueline Secor đã tạo nên bộ sưu tập tuyệt mỹ “Thiên nhiên muôn vẻ” với những bức tranh vẽ âm đạo.
Những ý tưởng cho bộ sưu tập “Thiên nhiên muôn vẻ” đến với chị trong quãng thời gian Jacqueline Secor chuyển từ Bắc California đến thành phố Salt Lake, Utah. Lúc bấy giờ, chị cảm thấy bất an và xấu hổ về ngoại hình của bản thân bởi dường như các phụ nữ ngoan đạo tại Utah đều tuân thủ theo định nghĩa “hẹp” về “hoàn hảo”. Bứt phá khỏi vẻ đẹp hoàn hảo ấy, và hơn cả thế, biểu hiện cho sự nổi dậy tính nữ chống lại Nhà Thờ (Jacqueline Secor đã rời khỏi Nhà Thờ), chị đã vẽ âm đạo phì nhiêu, phồn thực, ngập tràn hoa lá, rong rêu, vỏ ốc và bươm bướm, với các sắc màu thiên nhiên hoang dại.
Một điều thú vị là, khi Secor chia sẻ những bức tranh vẽ âm đạo đầu tiên của mình với bạn bè và gia đình, chị đã rất ngạc nhiên khi họ gửi lại cho cô những bức ảnh chụp cơ thể của mình để chị sử dụng làm chủ đề cho các bức tranh của mình. Trong lần trả lời trang Huffpost vào năm 2017, Secor cho biết:
“Họ nói rằng nhìn thấy những bộ phận cơ thể thân thiết nhất của họ được thể hiện trên vải đã giúp họ đối phó với những bất an thầm kín của chính mình.”
Với động lực ấy, Jacqueline Secor đã tiếp tục vẽ âm đạo nguyên thủy của thiên nhiên.
Nếu gương mặt và vóc dáng tạo ra vẻ bề ngoài để phụ nữ để giao tiếp với xã hội, không, nói chính xác hơn là để “gợi dục”, thì sâu kín trong họ luôn muốn che dấu âm đạo của mình, không phải chỉ với người ngoài, mà còn với chính mình. Phụ nữ, chẳng mấy ai dám đối mặt với âm đạo, và chẳng bao giờ dám tự hào về âm đạo, đương nhiên, cũng không tìm hiểu về nó.
Tranh của Jacqueline Secor vẽ âm đạo như những kẽ nứt của đất đá, nơi dương xỉ, rêu và hoa cỏ dại mọc lên tươi tốt. Sức sống nở bừng từ bên trong lòng đất – từ sâu thẳm của âm hộ. Không phải những đứa trẻ được sinh ra mà là sự sống được sinh ra. Hang động, vực thẳm…, ấy chính là âm đạo – nơi cái đẹp nảy mầm. Lỗ đất, ấy chính là âm đạo – nơi cỏ cây đâm chồi. Thiên nhiên nở bừng từ những vết nứt tưởng như không hoàn hảo, tưởng như là tội lỗi ấy.
Thiên nhiên không phải thế giới phẳng. Thiên nhiên luôn lồi lõm đa tầng. Chỉ cái chết mới phẳng. Hoàn hảo là một tình trạng chết, nên sự bất hoàn ẩn chứa trong mình cả tổn thương và sự phục hồi.
Bởi thế, “Thiên nhiên muôn vẻ” của Jacqueline Secor không phải chỉ là những bức tranh vẽ âm đạo. Đó là một bộ sưu tập chân dung nguyên thủy ở mỗi người phụ nữ mà trong đó mỗi người phụ nữ đều là một nữ thần thiên nhiên mang lại sự sống từ chính nỗi đau.
Hà Thủy Nguyên