ANN ARBOR – Giải Nobel Kinh tế năm 2019 được trao cho Abhijit Banerjee, Esther Duflo và Michael Kremer cho công trình của họ về phương pháp tiếp cận đói nghèo. Theo quan điểm của Hội đồng Nobel, ứng dụng của thử nghiệm ngẫu nhiên có kiểm soát (RCTs) trong kinh tế, một phương pháp lấy từ khoa học y tế, để kiểm tra xem liệu một sự can thiệp nhất định có thật là “tăng khả năng chống nghèo đói toàn cầu một cách đáng kể” hay không.
Thế nhưng, trong khi có người hoan hô việc tìm thấy giải pháp mới cho một vấn đề cũ thì cũng có người nghi ngờ liệu việc “chia nhỏ vấn đề lớn thành các vấn đề nhỏ dễ giải quyết” như lời của Hội đồng Nobel có thực sự đem lại ích lợi gì trên quy mô lớn không. Ấy thế mà chẳng hiểu sao cuộc tranh luận này lại vắng mặt Trung Quốc, nơi chiếm tới 70% lượng giảm nghèo toàn cầu từ những năm 80, là trường hợp thành công nhất trong lịch sử hiện đại.
Qua hơn 4 thập kỷ, hơn 850 triệu người ở Trung Quốc đã thoát nghèo. Như Yao Yang từ Đại học Bắc Kinh đã nói rõ rằng điều này “chẳng cần tới RCTs”, cũng như chẳng cần bố thí cho người nghèo, mà là nhờ có sự tăng trưởng thần tốc cấp quốc gia.
Từ khi Đặng Tiểu Bình triển khai “Cải cách và Mở cửa” năm 1978, Trung Quốc đã theo đuổi công nghiệp hóa tập trung xuất khẩu, tự do hóa khu vực tư nhân, thu hút đầu tư nước ngoài và tạo điều kiện cho giao thương toàn cầu. Với hàng triệu nông dân bỏ đất vào nhà máy, họ kiếm được tiền, tích lũy và gửi về nuôi con em đi học. Việc này cùng với sự bùng nổ doanh nghiệp tư nhân đã góp phần tạo nên tầng lớp trung lưu lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, điều mà Yao không nhận ra đó là, số liệu thoát nghèo ấn tượng đó đi kèm với hai vấn đề nghiêm trọng: tham nhũng và bất bình đẳng. Khi Tập Cận Bình lên nắm quyền năm 2012, Hệ số Gini của Trung Quốc (chỉ số tiêu chuẩn để đo bất bình đẳng thu nhập, với mức 0 đại diện cho bình đẳng tối đa và 1 cho bất bình đẳng tối đa) nằm ở mức 0.47, cao hơn Anh và Mỹ. Một khảo sát hộ gia đình Trung Quốc cho thấy hệ số này còn cao hơn, đến 0.61, gần “sánh vai” với Nam Phi.
Chỉ cần một cơn thủy triều để nâng được nhiều thuyền, nói thế nhưng sẽ có thuyền cao thuyền thấp. Nghĩa là, trong khi có hàng triệu người Trung Quốc được nâng vượt mức đói nghèo thì một số ít được phóng thẳng đến ngưỡng cửa sang giàu. Đấy không phải vấn đề vận may hay tinh thần khởi nghiệp gì cả, dù cũng có vài đại gia Trung Quốc đi lên bằng sự chăm chỉ và dám chấp nhận rủi ro, nhưng nhiều người giàu có bằng cách thông đồng với quan chức nhà nước để trao đổi lợi ích qua đường hối lộ.
Thấy được rủi ro từ việc gia tăng bất bình đẳng và chủ nghĩa thân hữu ngày càng lan rộng, Tập Cận Bình đã triển khai hai chiến dịch đồng thời. Một chiến dịch thề thốt loại trừ đói kém ở nông thôn trước 2020, sử dụng biện pháp giảm nhẹ đói kém “có mục tiêu”, ví dụ như số lượng việc làm và trợ cấp phúc lợi. Chiến dịch còn lại hướng tới việc xóa bỏ tham nhũng. Dưới sự lãnh đạo của Tập Cận Bình, hơn 1.5 triệu quan chức, kể cả vài người kỳ cựu của Đảng Cộng Sản Trung Quốc (CPC), đã bị kỷ luật.
Kinh nghiệm của Trung Quốc cho ta nhiều bài học quan trọng về phát triển kinh tế. Cho người mới bắt đầu, trong khi RCTs và các chương trình mà nó nhắm tới có thể đóng vai trò quan trọng trong xóa đói giảm nghèo, phương pháp hiệu quả nhất trên diện rộng vẫn là phát triển kinh tế. Như Lant Pritchett từ đại học Oxford cho thấy, không nước nào từng đạt mức mà trên 75% hộ gia đình chi xài trên 5.5$ mỗi ngày nếu thu nhập trung bình chưa vượt 1045$ mỗi năm.
Đã vậy thì bất kỳ ai muốn giảm nghèo diện rộng đều nên tìm hiểu những nguồn lực nào sẽ phát triển kinh tế, ví dụ như nghiên cứu lịch sử, kinh tế chính trị, giao thương quốc tế, và tư duy hệ thống (liên kết các bộ phận của chiến lược phát triển). Nếu RCTs tương đương với “hệ thống ống nước” theo lời của Duflo và Banerjee, thì tư duy hệ thống chính là bắt tay vào việc lên sơ đồ và đại tu mạng lưới thoát nước. Tóm lại, chúng ta không thể chỉ nhìn một cái cây mà không thấy cả khu rừng
Bài học thứ hai chính là tăng trưởng và công bằng có lẽ không phải lúc nào cũng đi đôi. Các chương trình phúc lợi và dịch vụ công như giáo dục và chăm sóc sức khỏe là cần thiết để phân bổ đồng đều lợi ích từ phát triển kinh tế. Chính tại đây, ta có thể áp dụng công trình thắng giải Nobel, với RCTs được dùng để đánh giá hiệu quả của các chương trình can thiệp theo mục tiêu.
Cuối cùng, công tác quản trị cũng cần ứng biến. Trái với ý kiến của Yao Yang rằng nhờ “tư vấn của các nhà kinh tế cổ điển”, Trung Quốc mới đạt thành công về kinh tế, nước này thật ra đã bất chấp vượt qua nhiều quy định chính sách tiêu chuẩn – đáng nói nhất chính là niềm tin rằng dân chủ kiểu Tây là cần thiết để đi lên.
Điều đó không có nghĩa là việc cai trị độc đoán đã tạo nên sự thịnh vượng của Trung Quốc như nhiều người lầm tưởng. Dưới chế độ độc tài của Mao, Trung Quốc đã phải gánh chịu những hậu quả thảm khốc, bao gồm cả nạn đói hàng loạt trong thời kỳ Đại Nhảy Vọt. Bí mật thực sự đằng sau sự vận động của nền kinh tế Trung Quốc là “ứng biến theo chỉ đạo”: thử nghiệm chính sách tại địa phương dưới sự hướng dẫn từ các chỉ thị của chính quyền trung ương.
Tóm lại, chìa khóa để xóa đói giảm nghèo là tăng trưởng về mọi mặt. Để đạt được mục tiêu này, cần có sự kết hợp của các biện pháp chính sách vĩ mô để thúc đẩy phát triển quốc gia và các chương trình vi mô giải quyết các điểm yếu cụ thể. Các nền kinh tế mới nổi cũng phải điều chỉnh các chiến lược phát triển của mình trước những thách thức của thế kỷ 21, đặc biệt là chuyển đổi công nghệ và các mối đe dọa khí hậu. Điều này đòi hỏi một loạt các nghiên cứu và công cụ chứ không thể cậy nhờ phép thần thông.
Yuen Yuen Ang
Yến Nhi dịch
Tìm hiểu thêm về chìa khóa xóa đói giảm nghèo của Trung Quốc qua cuốn sách Trung Quốc thoát khỏi bẫy nghèo như thế nào của tác giả Yuen Yuen Ang – giáo sư Khoa học Chính trị tại đại học Michigan, Ann Arbor.
Cùng tham gia sự kiện Read&Chat giao lưu với tác giả Yuen Yuen Ang về cuốn sách Trung Quốc thoát khỏi bẫy nghèo như thế nào do Book Hunter tổ chức, diễn ra vào 19h30 ngày 4/4/2023.