Home Xem Phim hoạt hình “Hoàng Tử Bé” – “Vấn đề không phải trưởng thành mà là lãng quên”
Xem

Phim hoạt hình “Hoàng Tử Bé” – “Vấn đề không phải trưởng thành mà là lãng quên”

Tất cả những ai đã từng say mê ‘Hoàng Tử Bé” của nhà văn Saint Expéry thì chắc chắn sẽ không thể có một cuộc sống bình thường và nhạt nhẽo. Những người ấy sẽ không bao giờ trưởng thành theo cách bình thường mà luôn giữ tâm hồn trẻ thơ. Theo thời gian, chúng ta có thể lớn lên, quên dần cảm xúc lần đầu đọc cuốn sách này bởi có hàng trăm hàng nghìn quyển sách khác nói những lời đao to búa lớn, nhưng “Hoàng Tử Bé” sẽ vẫn ở trong sâu thẳm tiềm thức của chúng ta, nhắc nhở chúng ta về những điều không bao giờ quên: chúng ta đều là linh hồn độc nhất ở trên những hành tinh độc nhất.
Những bức tranh đáng yêu, những câu văn bay bổng như cõi mộng của Saint Expéry là một thách thức với bất cứ ai làm phim. Không ai dám kỳ vọng rằng ai đó có thể truyền tải được màu sắc ngây thơ và mơ màng của “Hoàng Tử Bé”. Đạo diễn Mark Osborne đã thực hiện cuộc mạo hiểm này, như thể là một hành trình đi tìm Hoàng Tử Bé giữa sa mạc người cô đơn. Bộ phim không làm chúng ta thất vọng bởi không chỉ gợi nhắc lại những ký ức đẹp khi chúng ta đọc “Hoàng Tử Bé” lần đầu mà còn chia sẻ với chúng ta cuộc đấu tranh của những con người cô đơn chống lại đám đông, chống lại sự kỳ quặc của người lớn. Lồng giữa nguyên tác là câu chuyện của chúng ta, những điều chúng ta phải đối mặt: là một đứa trẻ độc nhất hay là một người trưởng thành như đám đông.
Bộ phim bắt đầu bằng một cô bé được sắp đặt để “trở thành một người lớn vĩ đại” với những kế hoạch được sắp xếp từng giờ, từng phút bởi mẹ mình. Cô bé xuất hiện như một học trò hoàn hảo và xuất sắc, đủ điều kiện để vào Werth Academy (Điều kỳ lạ là các nhân vật trong phim đều không có tên mà trường học lại có tên), nhưng đến khi bị đặt câu hỏi “Con muốn làm gì khi trưởng thành”, cô bé đã lúng túng và ngất xỉu. Có phải chúng ta đều gặp rắc rối khi đối mặt với câu hỏi này?
Mẹ cô bé đưa cô tới một vùng ngoại ô, nơi đó cô tách biệt và phải đối mặt với “Kế hoạch đời mình” do mẹ cô lên thời khóa biểu và quản lý. Nhưng rồi, cô gặp ông phi công già kỳ quặc và cô đơn bị hàng xóm ghẻ lạnh. Ông phi công đã kể cho cô về Hoàng Tử Bé. Chính là câu chuyện được kể trong tiểu thuyết của Saint Expéry. Câu chuyện được kể với hình thức tranh giấy cắt và những trang truyện với hình vẽ từ nguyên tác. Đạo diễn khéo léo chọn lọc lại những đoạn đối thoại quan trọng đã từng khiến chúng ta hoài nghi về cuộc đời của mình.
Các bạn có nhớ câu chuyện về những con cừu. Hoàng Tử Bé muốn ông phi công vẽ cho cậu một con cừu. Nhưng cho dù ông phi công vẽ con cừu như thế nào, dù béo, dù gầy, dù già, dù non, cậu cũng không vừa ý. Cậu chỉ vừa ý khi nhìn thấy một cái hộp. Cái hộp chứa con cừu mà cậu mong muốn. Con cừu không đơn thuần là sản phẩm của trí tưởng tượng và một cái hộp có thể cho phép cậu bé tưởng tượng ra hàng vạn con cừu. Câu chuyện này là đại diện cho một lối tư duy. Xã hội công nghiệp đòi hỏi tư duy phân tích rõ ràng và cứng nhắc, con cừu phải hiện hữu và đếm được, con cừu phải theo khuôn mẫu. Hoàng Tử Bé không vừa lòng với con cừu cụ thể, không dễ dàng chấp nhận các khuôn mẫu. Hoàng Tử Bé thích những con cừu mang tính tượng trưng, thích sự gợi mở, sự không khuôn mẫu, không giới hạn. Và đó là thứ tư duy của thi sĩ, của tính thơ, của trí tưởng tượng không biên giới. Bằng tư duy của Hoàng Tử Bé, chúng ta không nhìn vạn vật như vẻ bề ngoài của chúng mà nhìn vào phần vô hình của chúng. Và tương tự như vậy, tại sao chúng ta phải muốn một tương lai cụ thể trong khi có thể có vô vàn tương lai cho chính mình.
Các bạn có nhớ những hành tinh mà Hoàng Tử Bé đã đi qua? Nơi một ông vua cô đơn cai trị hành tinh chỉ có một mình, nơi một gã khoác lác thích được tán dương bởi không ai cả, nơi gã Doanh Nhân đếm sao miệt mài lao theo những gì mình sở hữu và đồng thời cũng bị sự sở hữu sở hữu chính hắn.. Và gã Doanh Nhân trở thành nhân vật phản diện trong cả bộ phim. Cuộc đối thoại của Hoàng Tử Bé và gã Doanh Nhân trên hành tinh của hắn là căn nguyên để tạo dựng thế giới của những người trưởng thành kỳ quặc và cuộc phản kháng của trẻ thơ.
“Ta sở hữu những vì sao. Ta quản lý chúng.Ta đếm đi đếm lại chúng.
“Sở hữu ngôi sao giúp gì được cho ông”
“Chúng giúp ta giàu có”
“Giàu giúp ông được gì?
“Mua những ngôi sao khác nếu có người tìm thấy. Cộng với tất cả những thứ ta có thể mua được.”
“Những người lớn nhất định là những người hoàn toàn kỳ quặc”
Và Doanh Nhân đã thống trị thế giới. Doanh Nhân kiến tạo một thế giới toàn người lớn với những tòa cao ốc, những quy trình làm việc, những thúc ép trưởng thành. Doanh Nhân đã mua tất cả những ngôi sao trong vũ trụ, sở hữu chúng, biến năng lượng của các ngôi sao ấy thành nguồn nhiên liệu nuôi hệ thống. Ai đó có thể hiểu ngôi sao đại diện cho tự nhiên bị chiếm lĩnh và khai thác. Tôi thích hiểu rằng những ngôi sao ấy đại diện cho linh hồn của chúng ta. Linh hồn của chúng ta bị giam giữ bởi cái hệ thống của những kẻ tham lam, những kẻ như Doanh Nhân. Doanh Nhân biến ông vua, gã khoác lác, và rất nhiều người khác trở thành nô lệ. Và bạn hãy nhìn xem, bạn có phải một linh hồn đang chờ bị tan biến và trở thành đám đông?
Hoàng Tử Bé cũng không ngoại lệ. Sau khi xuống Trái Đất, gặp con rắn, gặp con cáo, gặp ông phi công, cậu đã thiết tha trở về. Câu đã nghe lời con rắn, để con rắn cắn với hi vọng có thể từ bỏ thể xác, để được nhẹ nhàng bay về với bông hồng đặc biệt nhất trên thế gian của cậu. Cuốn tiểu thuyết kết thúc ở đấy. Nhưng trong bộ phim, đó là điểm thắt nút quan trọng. Con rắn với lời dụ dỗ nguy hiểm như con rắn trong vườn địa đàng đã đẩy cậu vào một hoàn cảnh khác. Đã biết bao nhiêu người muốn được giải thoát, muốn được bay lên cao… và thực tế chỉ là dối trá. Sau khi để con rắn cắn, Hoàng Tử Bé bị đưa đến thế giới của Doanh Nhân và trưởng thành, và trở thành một ngôi sao bị giam trong hệ thống, với cái tên Mr Prince.
Ông phi công già sau nhiều chục năm không biết điều này. Ông vẫn tin rằng cậu đang ở trên hành tinh của cậu và những con cừu đã ăn hết những rễ cây bao báp. Nhưng đó chỉ là vấn đề đức tin, ông phi công dám tin tưởng, nhưng không dám bay lên cao vô tận để tìm Hoàng Tử Bé. Chỉ có cô bé với niềm tin và cả sự hoài nghi, bằng dũng cảm và cả tình yêu dành cho ông, đã dám vứt bỏ mọi thứ an toàn và thứ tương lai đã được sếp sẵn, để lên đường tìm Hoàng Tử Bé. Và cô đã tìm được cậu khi cậu đã quên bản thân mình, trở thành một kẻ thua cuộc trong hệ thống, và cậu đã trưởng thành.
Chúng ta giữ niềm tin thôi không đủ, chúng ta cần khám phá, chúng ta cần hành động bằng cả trái tim. Trái tim sẽ giúp chúng ta nhận ra ông vua ẩn trong người gác thang máy. Chúng ta nhận thấy gã khoác lác đằng sau tay cảnh sát giữ trật tự – đại diện cho các chính trị gia tỏ ra oai vệ, uy nghiêm, và công chính để lấy sự ủng hộ của người dân. Hành trình đi tìm Hoàng Tử Bé không phải chỉ là hành trình giải cứu những ngôi sao bị giam giữ bởi gã Doanh Nhân mà là cuộc chiến không khoan nhượng của cô bé chống lại tất cả những gì khuôn mẫu, những tương lai định sẵn, những thứ được dạy dỗ để biến cô thành một phần của hệ thống.
Câu chuyện của Hoàng Tử Bé mà ông phi công kể cho cô đã đánh thức cô khỏi vòng xoáy đưa đẩy cô làm người trưởng thành. Nhưng rồi chính hành động quyết liệt chống lại hệ thống của cô lại giúp Hoàng Tử Bé nhớ được mình là ai. Đó là cách chúng ta gợi nhắc cho nhau về chính bản thân mình. Chúng ta có thể trưởng thành, chúng ta có thể quên, nhưng chỉ cần chúng ta có trái tim, chúng ta sẽ hiểu được những điều mà mắt thường không thể nhìn thấy.
Nếu cuốn truyện “Hoàng Tử Bé” trở thành Kinh Thánh của mỗi đứa trẻ, dẫn dắt những linh hồn thơ ngây vượt qua sa mạc khô cằn của Trái Đất, thì bộ phim này là lời Tân Ước thúc đẩy chúng ta hành động “Hãy gõ cửa rồi cửa sẽ mở, hãy tìm rồi sẽ thấy” (Thánh đồ Paolo). Không phải thứ tìm kiếm tôn giáo vĩnh hằng, mà là tìm kiếm chính bản thân mình giữa đám đông trưởng thành, tham lam và vô nhân tính. Không phải tự cô lập mình đeo đuổi ký ức và giấc mơ mà là dũng cảm đứng dậy chống lại tất cả những kẻ nào dám giam cầm linh hồn mình, những kẻ muốn thâu tóm thế giới. Và đó chính là Khải huyền cho thế giới người lớn nhạt nhẽo và vô vị.
Và hơn cả thế là ẩn ngữ của lời của ông phi công “Vấn đề không phải trưởng thành mà là quên nó”. Chúng ta không ngại trưởng thành. Chúng ta không mãi mãi làm đứa trẻ con như Peter Pan, nhưng chúng ta có thể trưởng thành theo cách chúng ta muốn trong từng giây từng phút của cuộc đời. Bởi tương lai được chứa trong cái hộp đóng kín, chúng ta có thể lựa chọn cho mình bất cứ điều gì chúng ta muốn. Một người dám sống từng giây từng phút cho chính mình chứ không phải cho mong muốn của người khác, lý tưởng của người khác, không theo trình tự mà hệ thống và đám đông sắp đặt, là một người không quên… Người ấy sẽ luôn giữ mãi cái nhìn trẻ thơ, tình yêu và tính độc đáo… Người ấy biết rằng Hoàng Tử Bé có trong mỗi chúng ta, chúng ta chỉ cần hành động…
Đây là một bộ phim có thể khiến bạn khóc, nếu bạn còn sở hữu linh hồn của mình, và mang máng nhớ con người thuở xa xưa.. Bạn sẽ khóc khi nhận ra cuộc chiến của mình trong đơn độc chống lại thế giới đám đông ngoài kia. Bạn sẽ khóc khi nhớ ra đâu đó trong cuộc đời mình, mình đã gặp ông phi công và phớt lờ ông, để ông chết trong cô đơn. Bạn sẽ khóc khi nhận ra sau khi mình thức tỉnh, thế giới đã bị ăn mòn bởi những cây bao báp xấu xí, chỉ vì bạn đã lạc lối một thời gian quá dài. Và hoàng hôn đến, không phải để kết thúc, mà để hồi sinh…Đã lâu lắm rồi người ta làm một bộ phim vừa có thể khiến bạn bật cười vì sự ngộ nghĩnh, lại vừa khiến bạn khóc trong sự chiêm nghiệm sâu sắc một cách hồn nhiên.
Không đao to búa lớn, không cách tân hình thức, không quằn quại đau khổ, không cười cợt sôi động… “Hoàng Tử Bé” là một khoảng lặng “mang mang thiên cổ sầu” giữa thế giới ồn ào và vội vã như vẻ đẹp man mác của ánh hoàng hôn. Đôi khi ta cần một chút buồn, bởi chính nỗi buồn đã cứu rỗi nhân loại khỏi sự điên rồ và ngớ ngẩn.

Hà Thủy Nguyên

Không có đứa trẻ bên trong…

Khi ấy, các môn đệ lại gần hỏi Ðức Giêsu rằng: “Thưa Thầy, ai là người lớn nhất trong Nước Trời?” Ðức Giêsu liền gọi một em nhỏ đến, đặt vào giữa các ông và bảo: “Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ em, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời. Vậy ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời. Còn ai tiếp đón một em nhỏ

TÁC GIẢ “HOÀNG TỬ BÉ” ANTOINE DE SAINT-EXUPÉRY NÓI VỀ VIỆC MẤT MỘT NGƯỜI BẠN

Không thể nào tạo ra những người bạn cũ ngay tức thì. Không gì có thể sánh được với kho báu của những ký ức chung, những thử thách đã cùng nhau chịu đựng, những cuộc cãi vã và làm lành và những cảm xúc khoáng đạt. “Hãy suy nghĩ kĩ về việc bạn có nên kết bạn với một người hay không,”Seneca khuyên chúng ta xem xét tình bạn thật và giả, “nhưng khi bạn đã quyết định coi anh ta là bạn, hãy