Loạt phim “Xmen” hấp dẫn người xem không phải bởi những pha hành động, mà là thân phận của những kẻ dị biệt trong đám đông loài người. Hai xu hướng phản ứng của những kẻ dị biệt được thể hiện rõ nét trong hai hình tượng: giáo sư Xavier và Magneto. Một người muốn những kẻ dị biệt có thể hòa hợp với con người, một người muốn con người phải quỳ gối phục tùng những kẻ dị biệt. Cả hai đều có lý do của mình, nhưng dù thế nào, ta cũng thấy con người trong bộ phim này thiển cận và hèn kém. Chỉ có ban đầu, cuộc chiến trong “Xmen” là giữa phe của giáo sư Xavier và phe của Magneto; còn lại là cuộc chiến của những dị nhân và loài người, mà trong đó Magneto đóng vai trò như một kẻ “chống lại loài người”. Cuộc chiến này dai dẳng qua các phần của “Xmen” và thật sự được khải lộ toàn bộ trong phần mới được phát hành là “Xmen Apocalypse”.
Trong phần này, ta mới biết được rằng từ xa xưa, các Xmen đã từng cai trị xã hội loài người với cương vị là các vị thần. Mở đầu bộ phim, hình ảnh các Xmen cổ xưa đi vào trong Kim Tự Tháp Ai Cập được xây dựng một cách hoành tráng. Đứng đầu trong số “các vị thần” là En Sabah Nur, một dị nhân hùng mạnh. En Sabah Nur cùng các chiến hữu của mình đã bị loài người phản bội, giết chết và chôn vùi sâu trong đáy Kim Tự Tháp. Và đến năm 1983, hắn tỉnh dậy một cách tình cờ bởi sai lầm của cô điệp viên Moira – người trong mộng của giáo sư Xavier. En Sabah Nur trở về với xã hội loài người khi những kẻ dị biệt bị hắt hủi và truy đuổi. Lúc này, Storm phải đi ăn trộm để sinh tồn, Magneto ẩn mình làm một công nhân ở Ba Lan, Angel phải làm trò hề trong những cuộc đánh đấm mua vui… Chứng kiến cảnh tượng ấy, En Sabah Nur cảm thấy phẫn nộ vì không thể chấp nhận được thứ trật tự mà những kẻ thấp kém và hèn hạ thì cai trị, còn các tài năng dị biệt thì đối xử tàn tệ. En Sabah Nur tin rằng, các Xmen cần phải được đối xử như những vị thần và con người phải phục tùng họ.
Khi xem “Xmen Apocalypse”, ý nghĩ đầu tiên xuất hiện trong tôi là Chủ nghĩa siêu nhân mà Friedrich Nietzches nhắc đến trong “Ecco homo” và “Zarathustra đã nói như thế”. “Siêu nhân” trong quan điểm của Nietzches không phải là những kẻ có khả năng điều khiển tâm trí người khác hay điều khiển kim loại như các Xmen, mà đơn giản là những con người với tài năng và nhân phẩm vượt trên nhân loại. Những “siêu nhân” này sống trong cô độc, biết mọi thứ nhưng không thể khiến loài người có thể hiểu được, để rồi họ bị xã hội quay lưng. Nhân loại luôn độc ác với các “siêu nhân” bởi ghen tị với các phẩm chất vượt trội mà con người bình thường không thể đạt được. Đó là vấn đề được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong “Xmen”, như một ẩn ngữ cho thái độ ghê sợ của người thường với các tài năng dị biệt.
Sự liên hệ thứ hai xuất hiện trong đầu tôi là chủ trương “Tinh hoa trị” mà Aristotle đề xướng. Với Aristotle, một xã hội sẽ vận hành tốt đẹp khi những người tinh hoa nắm quyền làm chủ, chứ không phải những kẻ nhiều tiền hay nhiều quyền. Điều này được ghi lại trong tác phẩm kinh điển “Chính trị luận” của ông. Nhìn lại lịch sử loài người, không mấy khi giai cấp tinh hoa được đóng một vai trò quan trọng. Mỗi khi họ đóng vai trò quan trọng thì xã hội ấy nhanh chóng đạt được tột đỉnh của văn minh (Ví dụ như trong Kỷ nguyên vàng Islam hay thời Thịnh Đường ở Trung Quốc). Ngược lại, ở một xã hội mà giai cấp tinh hoa bị tẩy chay, bị chế nhạo, mỉa mai, thậm chí bị đàn áp và tiêu diệt, thì xã hội ấy chắc chắn bị rơi vào tình cảnh đạo đức suy đồi, kỷ cương lỏng lẻo, dân chúng ngu muội và bạo lực. Ở một cấp độ nguy hiểm hơn, khi giai cấp tinh hoa bị dồn vào đường cùng, như trong phim là Magneto bị mất cả gia đình vì sự dốt nát và thiển cận của loài người, thì một khi họ trỗi dậy, họ sẽ tận diệt loài người bằng tất cả tài năng của mình.
Tôi hoàn toàn đồng cảm với nhân vật Magneto, ngay từ những phần đầu tiên, khi ông ta đóng vai trò như một nhân vật phản diện – một nhân vật phản diệt chỉ nói lên sự thật. Magneto là nạn nhân của tất cả những trò hèn hạ của loài người khi họ đối xử với các tài năng. Được tôi rèn trong nỗi đau ấy, ông ta mong muốn thiết lập lại trật tự mới. Tôi cũng rất đồng cảm với giáo sư Xavier, người luôn muốn dùng sự ôn hòa để giải quyết vấn đề với niềm tin rằng chỉ cần tìm ra điểm tốt là cả hai bên loài người và dị nhân có thể cùng nhau bắt tay. Nhưng với nhân vật mới xuất hiện trong phần này là “vị thần” En Sabbah Nur, tôi thật sự cảm thấy phân vân. Rốt cuộc, thứ trật tự như chủ nghĩa nô lệ mà hắn đã từng thiết lập chỉ dẫn đến những cơn ấm ức của đám người thường và sự hủy diệt. Vậy thì đó có thể coi là một hình thức “Tinh hoa trị” được không? Nếu bạn theo dõi nhân vật này từ đầu phim, bạn sẽ thấy rằng hắn mạnh lên bằng cách mượn sức mạnh từ những người hắn lựa chọn để nhập xác. Hắn tìm mọi cách để cướp tài năng của giáo sư Xavier, hắn mượn tay Magneto để thôn tính thế giới. Giai cấp tinh hoa không hành xử như vậy. Hắn là một ẩn dụ cho những kẻ thích khoe mẽ quyền năng trục lợi được nhờ tích hợp với người khác. Bản thân hắn không có tài năng gì nổi trội, chỉ bằng những lời thuyết giáo và thứ sức mạnh tích hợp để thuyết phục kẻ khác. Tôi thấy ở nhân vật này thấp thoáng hình ảnh của các giáo chủ, các tu sĩ, các kẻ cuồng tín tâm linh thích lải nhải về ngày tận thế, vô chính phủ và các quyền năng. Lời lẽ của hắn rất lôi cuốn, nhưng nếu bạn nhìn thẳng vào những sự thật diễn ra, bạn sẽ thấy bạn chỉ là một quân cờ trong tay hắn. Và Magneto đã tỉnh ngộ khỏi cơn cuồng sát để nhìn nhận lại rằng kẻ thù của ông ta không phải chỉ có loài người mà còn cả những kẻ vĩ cuồng chỉ biết ăn bám vào tài năng của kẻ khác.
Dù lên án En Sabbah Nur thế nào đi nữa, có một điều chúng ta không thể chối cãi được trong xu hướng phim năm 2016, đó là các “siêu nhân”, có thể hiểu như giai cấp tinh hoa, đang phải đương đầu với sự lên án của loài người. Từ “Batman VS Superman” cho đến “Civil War”, đều là câu chuyện về những người hùng bị xã hội loài người buộc tội tẩy chay, ép họ vào tình thế các người hùng phải quay sang chém giết nhau. Tình trạng này thực ra đã được đưa ra trong “Watchmen” hay các tập trước của “Xmen” rồi, nhưng vì một lý do nào đó vấn đề được đặt lại một cách dồn dập trong năm 2016. Thậm chí, một bộ phim hoạt hình rất thú vị là “Zootopia” cũng đặt ra mâu thuẫn giữa thú săn mồi và con mồi với tình thế con mồi tìm mọi cách để lật đổ thú săn mồi và chiếm quyền cai trị. Tôi băn khoăn, không rõ đó có phải là những dồn nén mà các nhà làm phim của Mỹ đang chờ được bung ra trước kỳ bầu cử Tổng thống hay không, nhưng những điều họ đặt ra cũng chính là tình trạng hiện đang diễn ra ở Việt Nam.
Tại Việt Nam, tất cả những tài năng khác biệt sẽ không có nhiều cơ hội để thể hiện khả năng. Tài năng của họ, hoặc sẽ bị lãng phí vào những công việc vô bổ không thể phát huy, hoặc bị đè nén vì cho là dị thường, hoặc thậm chí là bị vứt bỏ vào quên lãng. Những gì tâm thường sẽ được tung hô, được ca tụng. Những gì đáng tội nghiệp sẽ được bảo bọc và ve vuốt. Và ở đây, người ta nói với nhau đúng cái câu giống như trong truyện của Azit Nexin: “Chúng ta không thể thành người được đâu!”
Hà Thủy Nguyên