“Boss baby” (Tên tiếng Việt: “Nhóc Trùm”) là bộ phim đáng chú ý hiện nay, không phải chỉ cho các em bé mà cho cả những người lớn như chúng ta. Tôi vẫn luôn thích thú khi xem các bộ phim hoạt hình, bởi thông điệp trong chúng không được phát biểu một cách đao to búa lớn, mà luôn ngộ nghĩnh, đáng yêu và giàu tính hình tượng: “Wall-E”, “Monster.Inc”, “Zootopia”, “Angry bird”, “Hoàng tử bé”… và giờ đây là “Nhóc trùm”.
“Nhóc trùm” vẽ ra một cách thức vận hành của thế giới trẻ con – Baby Company. Những đứa trẻ được sản xuất hàng loạt, được kiểm tra về giới tính và đặc điểm tính cách. Những đứa trẻ ngoan, dễ dàng chấp nhận các quy trình tắm rửa, dễ dàng cười khi bị “thọc léc” sẽ được chuyển đến làm con của các gia đình. Những đứa trẻ thông minh, tò mò, không cười khi bị “cù’, sẽ trở thành nhân viên văn phòng của Boss Company, và được gọi là “nhóc trùm”. Toàn bộ cơ chế này được vận hành tự động và được quản trị bởi một hội đồng “nhóc trùm cao cấp”. Những “nhóc trùm” sẽ được uống một dung dịch sữa để không lớn, mãi mãi là trẻ con. Cách thức vận hành ở Baby Company khiến chúng ta bật cười vì nhận ra rằng chúng mơ hồ giống những gì ta mường tượng về thế giới các vị thần và con người. Nhưng ở đây, thế giới các vị thần ấy lại được miêu tả là một thế giới trẻ thơ và được điều hành bởi những đứa trẻ – Một ẩn dụ thú vị về sự bất tử của các vị thần.
Cậu “nhóc trùm” nhân vật chính là một trong số các “nhóc trùm”, được hội đồng cao cấp cử đến thế giới loài người để điều tra về Công ty Cún Con – Vốn đang cạnh tranh thị phần với Baby Company. Nhóc Trùm trở thành con của gia đình Tim – cậu bé giàu trí tưởng tượng. Bố mẹ Tim là hai nhân sự quan trọng của Công ty Cún Con. Nhóc Trùm muốn qua đó thâm nhập, ngăn chặn loài cún con đáng yêu nhất chuẩn bị ra mắt thị trường. Khác với phong cách chuyên nghiệp, sẵn sàng dùng tiền giải quyết mọi vấn đề của Nhóc Trùm, Tim là một đứa trẻ sống và lớn lên bằng trí tưởng tượng và tình yêu thương. Mỗi ngày đến, Tim đều tự xây dựng cho mình một thế giới tưởng tượng của cướp biển, phù thủy, người ngoài hành tinh…v…v… ; rồi sau đó kết thúc một ngày bằng những cái ôm chiều chuộng của bố mẹ. Tim có cuộc sống hoàn hảo của một đứa trẻ. Sự xuất hiện của Nhóc Trùm đã phá vỡ trật tự cuộc sống của Tim, lôi Tim vào sứ mệnh nặng nề mà Nhóc Trùm phải thực hiện dù Tim cho rằng Nhóc Trùm đang cạnh tranh tình yêu thương với mình.
Nhóc Trùm cho Tim thấy nhiệm vụ thực sự mà cậu phải đối mặt. Một xu hướng yêu thích mới đang lên đó là “cún con”. Những cún con với hình thù đa dạng, sự dễ thương, những trò lố bịch gây cười… đang chiếm đa phần sự yêu thích của loài người. Những đứa trẻ gắn bó với trách nhiệm nặng nề đang khiến cho trẻ con không còn đứng đầu trong danh sách yêu thích nữa. Chi tiết này không chỉ khiến ta liên tưởng đến cách thức mà con người thích thú với những thứ “dễ thương”. Con người cho một thứ gì đó là dễ thương khi chúng làm họ cười (cười vì chúng làm trò ngớ ngẩn, cười vì hình thù quái dị…). Những đứa trẻ không chỉ dễ thương, để nuôi chúng, người lớn phải gánh vác trách nhiệm nặng nề. Còn những chú cún thì không. Như vậy, thay vì sinh ra trẻ em, người ta sẽ nuôi cún. Đây là một tình trạng đang diễn ra ở các nước phát triển như phương Tây hay Nhật, khi tỉ lệ tử cao hơn tỉ lệ sinh, và người ta chấp nhận tình trạng không sinh con.
Một điểm đặc biệt của loại cún con đáng yêu nhất, đó chính là chúng sẽ không lớn, mãi mãi giữ hình dáng ban đầu, và tất cả chúng đều giống nhau. Loại cún con này giống như một loại hàng hóa sản xuất hàng loạt, dễ dàng thay thế và được lập trình để có tình trạng hoàn hảo nhất. Ta dễ thấy loại hàng hóa này ở các siêu thị, khi mọi mặt hàng đều phải đạt chuẩn về hình dáng và tình trạng. Thậm chí, sản phẩm biến đổi gen ra đời một phần cũng để đảm bảo rằng tất cả các mặt hàng thực phẩm bày bán trong siêu thị phải giống nhau như một. Ông chủ của Tập đoàn Cún Con cũng từng là một nhóc trùm đã bị gạt bỏ bởi hội đồng vì trở nên già đi, và vị vứt xuống làm con của một gia đình nông dân. Ông ta muốn trả thù Baby Company bằng những con chó mãi mãi không lớn, tức đưa quyền năng kỳ diệu này ở thế giới của “các vị thần” đến với người trần. Nếu chúng ta nhìn thẳng thắn, chúng ta sẽ thấy rằng, không phải Baby Company là chính nghĩa còn Công ty cún con là phi nghĩa. Chúng giống nhau về bản chất. Chúng đều sản xuất hàng loạt, tạo ra các khuôn mẫu giống nhau và thải loại những gì không đạt chuẩn.
Chứng kiến những gì diễn ra ở công ty Cún con, trải qua cuộc phiêu lưu vui vẻ cùng cậu bé tưởng như yếu đuối – Tim, Nhóm Trùm dần dần nhận ra thứ cậu cần không phải là trở thành Nhóc Trùm cao cấp với phòng riêng và bô đi ỉa riêng mà trước giờ cậu vẫn mư ước. Cậu nhận ra rằng tình cảm đích thực giữa anh em trai, một gia đình thật sự khi mọi người yêu thương nhau bằng cả trái tim mới là điều đáng để sống. Từ bỏ vị trí của một Nhóc Trùm cao cấp, cậu trở về với thế giới loài người, với gia đình Tim để được lớn lên và già đi. Tới đây, bộ phim không còn là những ẩn dụ về nền kinh tế mà còn là ẩn dụ về việc điều gì là đáng giá với con người. Người với người có lẽ được tạo ra cùng một cách thức, nhưng những thang bậc tình cảm mà chúng ta phải đối diện, sự lớn lên và già đi gắn liền với các trải nghiệm, đã khiến chúng ta khác nhau.
Tôi không cho rằng thông điệp của bộ phim này là tình cảm gia đình, mà hơn thế nữa là tình cảm chân thật của con người. Nhóc Trùm không quá gắn bó với dòng máu của mình – tức bố mẹ, bởi với ý thức của một đứa trẻ biết mọi bí mật, gia đình ấy chỉ đơn giản là một vai trò đã được sắp sẵn. Người cậu thực sự gắn bó là Tim, ngươi đã sẵn sàng liều mạng vì cậu, người đã cho cậu biết sự tuyệt vời của cuộc sống hồn nhiên, người đã cho cậu thế giá trị đích thực của “yêu bằng cả trái tim”. Và tôi cho rằng tình cảm chân thực mới là điều quan trọng nhất. Một điểm thú vị nữa, dù đã hiểu sâu sắc được ý nghĩa của tình cảm, cậu vẫn không thay đổi lối sống “con nghiện công việc” của mình và luôn dùng tiền giải quyết mọi vấn đề. Tôi đã mỉm cười khi nghĩ tới điều ấy: những gì thay đổi thật sự sâu sắc sẽ đến tở bên trong chứ không phô diễn ở bên ngoài.
Tóm lại, phim đáng yêu, gây hài tự nhiên, nhiều ẩn dụ về ý nghĩa, rất đáng để chúng ta đi xem dù bạn là trẻ con hay người lớn. Và nếu bạn là một người yêu thú cưng, có lẽ sau khi xem phim xong cũng phải tự vấn rằng, liệu chúng ta có phải chỉ là “consumer” của một xu hướng hàng hóa nào đó?
Hà Thủy Nguyên