Trong thần thoại Bắc Âu, “Ragnarok” là cái tên dành cho một cuộc chiến lớn đã được báo trước giữa hai phe: Odin và các vị thần – Loki cùng sự hợp tác từ Surt và lũ quái vật. Ragnarok nổ ra 100 ngày sau khi ba sự kiện: Sự ra đời 3 đứa con của Loki, Cái chết của thần Balder, Fimbulvetr lần lượt kết thúc. Một cuộc chiến được xem là điểm kết thúc cho thế giới cũ, mở ra một thế giới mới cho những sinh vật tồn tại sau này. Dần dần, theo biến chuyển của từ nguyên, “Ragnarok” trở thành tượng trưng cho sự tàn phá, ngày tàn của những vị thần. Và mặc dù khác diễn biến, song đối với “Thor: Ragnarok”, ta có thể thấy hình ảnh tượng trưng đó vẫn được duy trì ý nghĩa cũ. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng đã có một sự thay đổi trong cách nhìn nhận “Ragnarok” từ nhà làm phim.
Bỏ qua sự dài dòng quá đà ở hành tinh Sakaar, những câu đùa được thêm thắt vào quá nhiều khiến bộ phim đôi chỗ trở nên nhạt nhẽo, Thor 3 vẫn là một siêu phẩm cực kỳ đáng xem trong những ngày cuối thu này. Sẽ chẳng còn mối tình lãng mạn giữa vị thần Bắc Âu với một cô gái cư dân Midgard nữa, chẳng còn những trận đánh kề vai sát cánh cùng Avengers, càng không có anh chàng thần sấm lúc nào cũng tỏ ra nghiêm túc. Xem Thor 3, tức là bạn đang xem một bộ phim về cách thần Thor “trưởng thành, trách nhiệm, là chính mình”. Bố qua đời, búa Mjolnir bị bóp nát, bản thân bị Thần Chết chóc Hela đá khỏi Asgard, bị bắt làm đấu sĩ tại một hành tinh xa xôi cách quê nhà cả nửa vòng vũ trụ, Thor dường như chẳng còn gì (Thậm chí đến bộ tóc còn bị cắt cụt lủn). Quả thực, cho đến quá nửa, bộ phim vẫn chưa đem lại được cho tôi ấn tượng nào đặc sắc. Ý tưởng về “chiếc áo không làm nên anh hùng” đã quá quen thuộc từ thời Iron Man 3 đến giờ. Thế nhưng, từ thời Iron Man 3 đến giờ, chưa khi nào ta lại có thể được nhìn thấy một Thor bị dần cho tơi tả, đến mức chán nản mà phải thốt lên rằng Mjolnir đã bị phá hủy và tôi sẽ khó mà làm gì được nữa. Một vị thần đầy tự tin cũng có lúc mất niềm tin vào chính mình. Tại sao?
Tôi không nói búa Mjolnir không mạnh, cũng không hề cho rằng Thor không là gì khi mất búa. Nhưng kể từ khi Thor xuất hiện và chiến đấu, Mjolnir đã luôn là biểu tượng dành cho sức mạnh thần thánh cũng như độ dẻo dai, bền bỉ của Thor. Mjolnir đã không còn là một vũ khí bình thường nữa, mà đã là một người bạn chiến đấu, và trong một vài trường hợp, nó còn đại diện cho ý chí của Thần Sấm. Vậy nên khi nhìn thấy biểu tượng sức mạnh của mình bị hủy diệt một cách dễ dàng, Thor chán nản và mất tự tin cũng là điều dễ hiểu.
Tuy nhiên, về giá trị của Mjolnir, Odin đã đưa ra một lời giải thích tuyệt vời: Mjolnir chỉ là thứ để con có thể tập trung sức mạnh vào đó. Đến đây, ta lại phải đặt ra câu hỏi: Có (những) gì giúp khẳng định Thor là ai? Sở hữu búa Mjolnir ư? Hay là “con trai của Odin”? “Người mạnh nhất Avengers”? “Lord of Thunder”? Trong phim, xuất hiện rất nhiều từ, cụm từ được dùng để gọi Thor, và ngoại trừ cái tên, chỉ có duy nhất một cụm từ là chính xác: God of Thunder. Thor đã sửa tất cả những ai gọi anh là “Lord”. “Hạt giống” của Thor, sức mạnh của Thor vốn không ở trong cây búa. Cây búa chỉ là một công cụ để sức mạnh được dồn nén và phát tiết ra ngoài. Lúc đầu, Thor không hiểu điều ấy. Chúng ta cũng không hiểu điều ấy. Phải đến khi đứng trước bờ vực sống chết, Thor mới nhận ra sức mạnh của Thần Sấm không đến từ thứ vũ khí anh ta sử dụng, mà bắt nguồn từ chính bản thân con người anh ta. Và thực tế là, Thor hùng mạnh nhất và tỉnh táo nhất khi đã nhận ra nguồn sức mạnh của chính mình.
Ragnarok thực chất không chỉ là một sự kiện mang tính tận thế, nó còn là một thử thách dành cho Thor. Trong phim, Thor chưa khi nào đưa ra quyết định một mình. Khi thì hành động cùng Avengers dưới sự dẫn dắt của Captain America, khi thì nhận sự trợ giúp và quân sư từ Jane và ông tiến sĩ. Chỉ đến lúc này, là người đứng đầu Asgard, thủ lĩnh team “báo thù”, Thor buộc phải quyết định. Lao đầu chiến đấu đến cùng bất kể có bị đập bao nhiêu lần (sau khi “giác ngộ” sức mạnh)? Hay là lùi một bước để nhìn lại bản chất của Ragnarok và xâu chuỗi những sự kiện từ phút khởi đầu?
Ragnarok là một điểm kết thúc đã được báo trước, là sự tiền định cho một cuộc chiến hủy diệt chắc chắn sẽ xảy ra. Thật ra, điều cần thiết ở đây chỉ là xác định đối tượng cần được cứu, “Asgard”, là gì. Giống như phát hiện ra bản chất của Thần Sấm không nằm ở cây búa Mjolnir, cuối cùng Thor cũng nhận ra “Asgard không phải một nơi chốn, Asgard là một dân tộc”. Và cũng vào lúc ấy, Thor mới thật sự có một kế hoạch cho team của mình.
Toàn bộ 2 tiếng rưỡi bộ phim là sự thay đổi của Thor – Thần Sấm. Từ một kẻ tự tin thái quá vào Mjolnir, hành động vô kế hoạch, giờ đây anh ta đã biết rõ sức mạnh của bản thân và tự lên kế hoạch để phối hợp cùng đồng đội, chuẩn bị thoái lui, biến giấc mơ của Surtur thành sự thật, chuyển Ragnarok từ một biến cố bất ngờ trở thành một sự kiện nằm trong dự liệu. Ragnarok vì thế cũng có thể coi là dấu mốc cho sự biến đổi để cho ra mắt một Thor mới, một vị thần sấm sét biết mình là ai, biết mình làm gì, và biết đâu là cái mình cần bảo vệ.
Nguyễn Hoàng Dương