Là một trong những họa sĩ vẽ tranh phong cảnh vĩ đại nhất của nước Nga, Isaac Levitan (1860 – 1900) đứng trên ranh giới giữa tranh hiện thực và tranh tượng trưng. Ở thế kỷ 19, cuộc sống thật không hề dễ dàng đối với những người Nga gốc Do Thái như gia đình ông. Dù người cha Ilya Abramovich là người có học vấn với mảnh bằng từ Yeshiva, ông chỉ có thể làm một gia sư ngoại ngữ ở Moscow để tạo ra một nguồn thu nhập ít ỏi cho vợ và bốn người con của mình. Niềm ham thích nghệ thuật của con trẻ được Ilya khuyến khích, và cả hai con trai đều đăng ký vào trường hội họa, điêu khắc và kiến trúc Moscow: người anh Adolf, nhập học năm 1871, và người em Isaac, vào năm 1873. Người mẹ mất năm 1875 khi Isaac mới mười lăm tuổi, và hai năm sau khì người cha cũng qua đời sau cuộc vật lộn dài với chứng bệnh sốt phát ban. Lũ trẻ thành người vô gia cư, thường ngủ tại Trường Hội họa Moscow. Hội đồng giảng viên đã sắp xếp một học bổng với khoản trợ cấp nhỏ để giữ Isaac ở lại trường học. Một trong các giáo sư của Isaac, ngài Alexei Savrasov, nhận anh vào học việc và cấp cho anh một chút tiền. Ở tuoir mười bảy, Isaac vừa thấu nỗi khổ mồ côi, vừa trải nỗi sầu nghèo túng. Sinh ra từ những trải nghiệm ấy, các tác phẩm của ông mang một phẩm chất sầu muộn đặc biệt không thể lầm lẫn, và tranh của ông cũng được gán nhãn là tranh “phong cảnh tâm trạng” (tả cảnh ngụ tình). “Trong suốt cuộc đời, ông dễ gặp trầm cảm và thậm chí từng hai lần cố gắng tự tử. Levitan cũng bị bệnh tim, khiến sức khỏe ông suy yếu và gây ra những cơn đau nhức nhối trên khắp thân thể. Người ta tin rằng những nỗi đau trong đời được thể hiện trên các tác phẩm của anh.
“Evening Bells,” 1892
Cùng năm người cha qua đời (1877), Levitan lần đầu trưng bày tác phẩm của mình ở một cuộc triển lãm cùng nhóm the Wanderers (Peredvizhniki)[1] ở Moscow. Anh giành được hai huy chương bạc và cũng lần đầu nhận được sự chú ý từ phía truyền thông. Trong suốt giai đoạn này anh thường vẽ ở vùng ngoại ô Moscow, nơi anh bắt đầu có được một nhóm các nhà sưu tầm trung thành. Nga hoàng Alexander II ra lệnh loại bỏ tất cả những người Do Thái sống ở các thành phố lớn trên khắp nước Nga sau vụ ông bị ám sát hụt vào tháng Năm năm 1879. Tuy nhiên, các quan chức đã thuận theo những áp lực gây ra bởi các nhà sưu tập tranh Levitan, và cả những người thầy cô dạy anh, do đó anh vẫn được cho phép trở lại Moscow. Thầy dạy giới thiệu anh với Hoàng tử Vasily Dolgorukov Stripen. Vận hội lần đầu gõ cửa vào năm 1880 khi bức tranh Levitan vẽ năm 19 tuổi, Autumn Day, Sokolniki, được nhà sưu tầm nghệ thuật nổi tiếng Pavel Tretyakov tìm mua.
Autumn Day. Sokolniki. 1879
Trong suốt 10 năm học tập ở trường Hội họa Moscow (1873 – 1883), có hai người thầy gây nhiều ảnh hưởng đến sự phát triển của Levitan nhất, là Vasaly Polenov và Alexei Savrasov. Những năm tháng học đường, anh thường đến căn nhà thôn dã của Vasily Polenov ở ngoài Moscow. Ở đó, cùng với người bạn Konstantin Korovin, anh đã vẽ ra những bức tranh màu nước. Đó trở thành một thời gian của tình bạn nồng ấm, cũng là nơi những bức tranh phong cảnh trữ tình yên ả của Polenov tác động tới chàng trai trẻ Levitan. Một ví dụ cho loại phong cách này, ta có thể thấy trong bức tranh Autumn Day. Sokolniki, ở đó có người phụ nữ vô tư dạo bước nơi thôn quê. Alexei Savrasov sớm bảo trợ cho Levitan và giữa họ duy trì tình thân cho đến khi Savrasov mất năm 1897. Suốt năm cuối học tại trường, Levitan trở nên thoái chí và không đến lớp nữa. Dù cho Savrasov bị sa thải do chứng nghiện rượu, Levitan vẫn tiếp tục tìm đến ông để xin lời khuyên. Vào năm 1883, Levitan đã sẵn sàng tốt nghiệp và hy vọng nhận được tấm bằng “hạng nhất” cho một trong những bức tranh phong cảnh đẹp nhất của mình. Savrasov đã viết vào mặt sau bức tranh “Big Silver Medal” và ký vào tấm bằng của Levitan. Không may, hội đồng tốt nghiệp của nhà trường đã nhìn thấy bình luận của người giảng viên cũ bị cách chức, và họ trao cho Levitan một tấm bằng “nghệ sĩ hạng thường”. Tuy nhiên, điều đó chẳng thể cản đường nghệ sĩ! Khoảng mùa xuân năm 1884, nhóm Wanderers trao cho Levitan toàn bộ quyền thành viên chính thức trong nhóm của họ, và tranh của anh cũng thường được trưng bày tại Cộng đồng yêu nghệ thuật Moscow. Vào năm 1885, Korovin giới thiệu Levitan với Saava Mamontov, một nhà hảo tâm và cũng là ông trùm ngành đường sắt. Levitan cùng Korovin hợp tác cùng nhau vẽ lại cảnh buổi trình diễn opera riêng của Mamontov. Khoảng năm 1889, Levitan quay lại điểm xuất phát của mình và bắt đầu dạy vẽ tranh phong cảnh ở trường Hội họa Moscow.
“Eternal Peace,” 1893-1894
Levitan du ngoạn khắp nước Nga vào những tháng mùa hạ và mùa thu, nghiên cứu vẽ ngoài trời trong hầu hết thời gian trưởng thành của đời mình, rồi quay trở lại Moscow để vẽ những bức lớn hơn trong suốt những tháng mùa đông và mùa xuân. Vào năm 1886, ông đến thăm Crimea và để lại câu nói còn được lưu truyền mãi: “Tối qua tôi đã leo lên vách đá và nhìn xuống biển cả từ đỉnh cao đó – tôi bắt đầu thấy thổn thức dữ dội và òa khóc – đó là cái đẹp vĩnh cửu, đó là nơi con người cảm thấy mình hoàn toàn, hoàn toàn vô dụng!” Là trò cưng của Savrasov, Levitan mở rộng trải nghiệm trữ tình với thiên nhiên từ người thầy mình, và chuyển nó sang một chất mới, anh tạo ra những phong cảnh với một “bầu không khí” thưởng ngoạn trầm ngâm và thanh thản. Anh thích nhất là cảnh sắc nên thơ của rừng và những nơi thôn dã. Những cảnh đồng cỏ, thiếu vắng sự hiện hữu của con người, là điểm đặc trưng trong tác phẩm của anh. Dù những tác phẩm sau này của ông gần gũi hơn với trường phái Ấn tượng, sắc màu anh chọn thường thâm trầm và thể hiện sự ảnh hưởng từ Savrasov. Bức tranh “Eternal Peace” (1893 – 1894) là đại diện tiêu biểu cho các tác phẩm của Levitan. Với người xem tranh nghiệp sư, đó chỉ là một bức phong cảnh, một hòn đảo nhỏ ở phía trước và một dải nước lớn choán hết tầm mắt. Nhưng với ai cảm được cái chạm nên thơ của Levitan, sẽ nhìn thấy bằng con mắt khác. Đây là bức tranh về một nhà thờ cô quạnh nơi mỏm đảo bơ vơ. Nếu bạn nhìn kỹ hơn căn nhà thờ ấy, bạn sẽ thấy một ánh sáng lập lòe nhỏ nhoi của đời sống, còn bên ngoài là vài nấm mộ nhỏ nhoi khiêm nhường. Levitan nói cho ta biết đời người hóa ra phù du đến nhường nào. Hòn đảo mang hình một mũi tàu đang nhích dần đến đất liền. Khoảng trời mở ra rộng lớn biểu tượng cho thiên đường trên cao, giờ ngập đầy mây và kỳ cục thay không hề được phản chiếu nơi dòng chảy phía dưới. Bức tranh phản ánh nỗi sầu muộn của Levitan, sự nhỏ nhoi của con người trước trời xanh vô hạn. Trời không hiện bóng trên dòng nước cho ta biết Levitan không có niềm tin vào chính trái tim và cảm xúc của mình. Toàn bộ tác phẩm của Levitan đều thể hiện rõ ràng chủ đề về sự vĩnh cửu, ngay cả trong biểu hiện nhỏ nhất, khiêm tốn nhất của nó. Năm 1896, tới thăm Phần Lan, Levitan đã nói, “Vĩnh cửu, cái vĩnh cửu đầy hăm dọa, nơi các thế hệ đắm xuống, và nhiều thêm các thế hệ sẽ cùng đắm xuống… Kinh hoàng thay, đáng sợ thay!”
Levitan dành năm cuối đời sống trong nhà nhiều người bạn ở vùng ngoại ô ngoài Moscow. Ông không bao giờ kết hôn, dù ta biết rằng ông gặp một số rắc rối ái tình với phụ nữ đã có chồng. Vào tháng 5 năm 1900, ông bị cảm và quay trở lại Moscow, nơi bà Turchaninova chăm sóc cho ông. Levitan mất vào ngày 22 tháng 7, để lại 40 bức vẽ chưa hoàn thành và 300 phác thảo. Một tuổi thơ thiếu đói, một cuộc đời đầy rẫy phiền lo làm sức khỏe ông yếu đi nhanh chóng bởi bệnh suy tim. Bất chấp ảnh hưởng từ căn bệnh nan y, những tác phẩm cuối đời ông mang nhiều ánh sáng hơn, phản ánh sự thanh bình và vẻ đẹp vĩnh cửu của thiên nhiên nước Nga. Một trong những bức vẽ cuối đời ông, “Lake Russia”, được coi như còn dang dở. Bức tranh mang những hình ảnh kết tập từ thiên nhiên Nga, những nghĩ suy cuối đời của người nghệ sĩ và cả cảm xúc của ông về nước Nga đất mẹ. “Hay-Making” được coi là bức vẽ cuối cùng của ông. Isaac Levitan trao cả trái tim và tâm hồn ông cho tác phẩm và tên tuổi ông sẽ mãi mãi gắn liền với truyền thống tranh phong cảnh nước Nga.
Cathy Locke
Nguồn: Musings on art
Dịch: Minh Hùng
Về tác giả:
Cathy Locke là một họa sĩ đạt giải thưởng, một giảng viên, một người viết có tác phẩm xuất bản về chủ đề nghệ thuật nước Nga giai đoạn thế kỷ 19 và 20. Hàng năm, vào mỗi mùa hè, cô tổ chức các cuộc tham quan nghệ thuật ở nước Nga. Cô cũng là biên tập viên của trang Musings-on-art.org.
Nguồn tham khảo:
Tretyakov Gallery Magazine: Isaac Levitan’s Life and Work Timeline
By Margarita Chizhmak, Article: HERITAGE, Magazine number: Special issue. ISAAC LEVITAN
https://www.tretyakovgallerymagazine.com/articles/isaac-levitan/isaac-lev… Tretyakov Gallery Magazine: On Levitan’s Landscapes and the Levitan Exhibition By Lydia Lovleva, March 2010
https://www.tretyakovgallerymagazine.com/img/mag/2009/1/004-017.pdf
Russiapedia: Prominent Russians: Isaac Levitan
https://russiapedia.rt.com/prominent-russians/art/isaac-levitan/
[1] The Wanderers thành lập năm 1863là một hội nhóm tập hợp một số nghệ sĩ hiện thực nước Nga với mục đích chung là tăng cường hợp tác trong việc chống lại những hạn chế trong lĩnh vực học thuật.