Sau khoảng 3 năm làm giáo viên ở một trường tiểu học thì tôi nhận ra rằng những tri thức và kĩ năng chuyên biệt tôi được học ở trường đại học và trong cả chỗ làm không đủ để có thể làm giáo dục. Tôi cần có những cái nhìn rộng lớn hơn mang tính xã hội, triết lý để có thể tiếp cận một đứa trẻ, đồng thời, cũng cần có thêm những kĩ năng thực tế để làm ra “một cái gì đấy” – vì trường học cho chúng ta quá ít không gian để “làm” đúng nghĩa của nó. Tôi bắt đầu quá trình học tập chủ động đủ thứ. Có những môn là học vì cần cho một vài sự kiện tức thời như học đàn piano một vài bài hát, học làm vườn. Có những môn là thứ tôi thích từ trước nhưng chưa có điều kiện học như vẽ, bơi. Có những môn tôi học vì ham vui như cờ vây, đàn ukulele. Tôi cũng tham gia các khóa học ngắn hạn về xã hội.
Và chuyện xảy ra là nhiều môn học đã làm “khó” tôi một cách thực sự. Khác hẳn với những năm tháng tôi ngồi trên ghế nhà trường và học hành “cho xong” cũng có thể lên lớp, đỗ đại học, tốt nghiệp. Tôi nói đùa với bạn bè đồng nghiệp là vũ trụ cho tôi trải nghiệm làm một học sinh “dốt”.
Học piano thì tôi không thể kết hợp đàn hai tay trái – phải: “phải chăng não bộ của tôi đã mất dần sự tinh nhạy?”.
Học bơi thì việc kết hợp các thao tác lại thành một chuỗi thống nhất ở dưới nước gần như bất khả. Tôi bơi được một vài nhịp thở là phải đứng lại. Những người bạn đồng thời là những giáo viên có kinh nghiệm bảo tôi “Chị thả lỏng đi”. Và tôi càng trở nên căng cứng. Tôi nhận ra nỗi sợ nước của tôi lớn đến như nào.
Tôi bỏ dở việc học ukulele vì không đủ yêu thích để tiếp tục; bở dở việc học cờ vây vì tôi gần như “mù” các thế cờ, các nước đi để chiếm đất, hay cảm giác ù tai mỗi khi thầy hỏi “vì sao bạn đi cờ vào vị trí đó?”…
Vài năm trôi qua từ những ngày tôi bắt đầu hành trình tự học ngoài trường học. Ngoài trường học theo nghĩa là trường học phổ thông lẫn trường học mà tôi làm việc (tôi muốn nhấn mạnh là ở trường học mà tôi làm việc, tôi cũng đã tìm thấy những người thầy của mình và luôn biết ơn họ). Có những lĩnh vực tôi đã học lại, đã có những cải thiện, có những điều làm tốt hơn như đàn piano, như bơi. Có những lĩnh vực tôi chấp nhận sự bỏ cuộc (tạm thời tới lúc này) như đàn ukulele, như cờ vây, chạy bộ.
Và việc học khó khăn, làm một người học “dốt”, ngược lại, đã cho tôi nhiều suy tư hay thậm chí là những góc nhìn mới mẻ về nhận thức trong lĩnh vực giáo dục.
Mỗi khi định bỏ cuộc hay ra quyết định từ bỏ việc học lĩnh vực gì đó, tôi đều tự vấn bản thân về việc như vậy có phải là thiếu ý chí, thiếu trách nhiệm… Khá nhiều những nghi ngờ xuất hiện. Nhưng để cho thời gian làm việc của nó, như trên đã nói, có những môn tôi đã quay trở lại học khi có cơ hội. Mùa hè năm trước tôi đã chơi được một bài đàn bằng cả hai tay do người cháu 7 tuổi của mình dạy. Và cháu tôi đã quyết định tiếp tục việc dạy đàn cho tôi như tôi đề nghị.
Vậy, có quá vội vàng, khi ta gán cho một đứa trẻ những nét tính cách như thiếu kiên trì, dễ nản trong khi chỉ cho nó một hạn hẹp thời gian 1 tuần học, 1 kì học, 12 năm học. Vậy những điều ta nói về học tập suốt đời là đang nói dối? Và mọi cánh cửa học tập sẽ thực sự đóng lại sau khi tốt nghiệp cấp ba, đại học. Đứa trẻ thôi học vì nó thiếu kiên trì, hay vì ta gán mác cho nó như vậy nên nó biến điều đó thành sự thực?
Mỗi ngày học mà tôi thấy “bất lực” với chính mình, may thay, lại là cơ hội để tôi đồng cảm với các em học sinh của mình. Tôi thường tự nhận hoặc được phân công hỗ trợ các em học sinh gặp khó khăn trong học tập, hoặc cả đối với các em có khó khăn về mặt hành vi hay cảm xúc xã hội. Đạo đức của một con người, đạo đức nghề nghiệp giữ tôi có những ứng xử cố gắng không làm tổn thương thêm các em. Tôi bằng những kinh nghiệm chuyên môn của mình để cùng các em gỡ dần những khó khăn. Bản thân tôi chưa bao giờ thấy chán việc nhận hỗ trợ ngoài giờ học.
Nhưng, giờ đây, tôi nhìn các em như tôi nhìn chính mình chật vật trước bàn cờ vây. Tôi hiểu ánh mắt ấy, cái nắm chặt tay ấy, sự ngơ ngác trên khuôn mặt…
Và điểm chuyển đổi lớn lao, đó là tôi tự hỏi chính mình “Có ai đó “dốt” không”.
Có thể giáo dục bây giờ chúng ta đã có những mĩ từ thay thế, không ai bị gọi là dốt, kém, ngu ngốc… một cách trực diện. Nhưng những thang điểm đánh giá, những xếp loại, những cuộc thi luôn có cách để phân loại một nhóm học sinh thành những người kém cỏi.
Bạn đạt điểm 6 trong kì thi cuối kì môn tiếng Anh tức là cuối năm học, bạn thuộc nhóm không được ghi nhận gì cả vì tiêu chí đưa ra là tất cả các môn đều phải 7 điểm trở lên mới là hoàn thành. Tại sao một nền giáo dục toàn diện được phép vì một môn học chưa hoàn thành để gán TOÀN THỂ một con người thành chưa hoàn thành?
Một người không giỏi tiếng Anh thì có nghĩa là họ “dốt”/”kém”.
Và chiếc nhãn này theo chúng ta từng kì học, năm học… dần dần ta tin rằng mình “dốt” lúc nào không hay. Từ việc không đạt kết quả như tiêu chuẩn trong một lĩnh vực thành việc ta không có khả năng học tập.
Tôi bắt đầu đi sâu hơn vào việc lí giải những cơ chế khiến người ta khó tiếp cận với lĩnh vực học tập đó. Từ những thứ có thể nhìn thấy ngay như không có động lực học tập bên trong.
(Điều này dễ thấy lắm, ta cứ hỏi bất kì ai đó việc họ có thích học … không? Vì sao họ học?)
Tới những thứ sâu xa hơn như việc học gặp trở ngại là những nỗi sợ, những ám ảnh có khi nhận thức được, có khi vô thức. Với tôi chính là quá trình học bơi. Hóa ra, lần rớt xuống ao năm tôi 6, 7 tuổi lại trở thành nỗi sợ sâu sắc đến vậy. Dần dần, tôi quyết định mình không cần học bơi, không cần phải bơi “giỏi” nữa, tôi chỉ muốn được thoải mái trở lại khi ở dưới nước, vì tôi thích nước. Tôi bây giờ đã có thể đối diện được với nỗi sợ khi ở dưới nước, quan sát nó và để nhịp tim của mình bình thường trở lại mỗi khi cảm thấy chân không còn chạm đáy.
Neo mình vào những trải nghiệm chân thực với quá trình khó khăn khi tự học đó, tôi cũng thoái mái hơn đón nhận các em mà phụ huynh gửi tới vì “không theo kịp trường học”. Có những em phát âm sai vì giai đoạn học phát âm các em gặp vấn đề về tai; có những em không học được môn toán theo kiểu logic, lí giải nhưng có thể thực hiện được bằng cách lặp đi lặp lại thành kĩ năng; có em khi học chữ cái và đánh vần thì nếu ta hỏi chữ a, b, c… em có thể chỉ được đúng phần lớn chữ cái, nhưng đưa chữ cho em và yêu cầu tự phát âm thì em không nhớ hoặc lẫn lộn…
Tất nhiên, như tôi đã viết ở trên, tôi gọi mình “dốt” là câu đùa nhại. Tôi không nghĩ bản thân mình như vậy. Tôi cũng không nghĩ các em như vậy. Tôi nghĩ các em gặp khó khăn ở đâu đó.
Nhưng, thậm chí, gần đây, khi có nhiều hơn cơ hội để làm việc cá nhân và hỗ trợ các em thời gian dài hơn (vài ba năm), tôi còn không nghĩ, chưa chắc, đó là khó khăn của các em mà tôi đã dạy. Não bộ của chúng ta làm việc theo những cách khác nhau. Và nếu, các em được học theo những cách/chương trình thuận lợi cho cách thức vận hành riêng biệt đó thì “khó khăn” có cơ hội để xuất hiện không?
Nguyễn Bích Thủy