Home Xem Kaze Hikaru – Ngọn gió lý tưởng và tình yêu
Xem

Kaze Hikaru – Ngọn gió lý tưởng và tình yêu

Ở Nhật Bản, chế độ Mạc phủ những năm Bakumatsu, cuộc chiến giữa phe Duy Tân và Mạc phủ luôn là đề tài được các tác giả truyện tranh chú tâm khai thác, từ đó cho ra đời những bộ manga kiệt xuất như Rurouni Kenshin hay Sayonara Shinsengumi. Tuy nhiên, trong bài viết, tôi muốn nhắc đến một tựa manga khác – Kaze Hikaru – của tác giả Watanabe Taeko. Nếu lịch sử được phản ánh trong Rurouni Kenshin và Sayonara Shinsengumi được khúc xạ qua cái nhìn của nam giới thì với bộ truyện vẫn còn đang dang dở này, Taeko-sensei đã mở ra trước mắt tôi cả một thời kì Edo biến động thông qua cái nhìn đầy tính nữ của cô. Kaze Hikaru vì thế mà trở nên đặc biệt hơn: Nhẹ nhàng, lãng mạn, nhưng cũng không kém phần bi tráng. Đặc biệt, lịch sử mà Watanabe Taeko tái dựng không chỉ là lịch sử của nhóm Shinsengumi, mà còn là lịch sử của lí tưởng và tình yêu.
Năm 1997, Kaze Hikaru được phát hành tại Nhật bởi nhà xuất bản Shogakukan. Đến nay, truyện đã được nhà xuất bản Trẻ mua bản quyền và phát hành ở Việt Nam . Truyện kể lại quá trình Tominaga Sei cải trang nam giới, gia nhập nhóm Miburoushi (Sau này đổi tên thành Shinsengumi) để trả thù cho cái chết của cha và anh trai mình, sau đó sánh vai với các đồng đội Shinsengumi trong suốt quãng thời gian về sau. Trong nhóm, chỉ có Okita Souji là người biết thân phận thật của Sei, cũng là người Sei thầm thương trộm nhớ. Okita luôn tìm cách bảo vệ Sei, mong Sei được hạnh phúc. Lấy bối cảnh những năm cuối đời nhà Mạc, tác giả Taeko xây dựng tính cách các nhân vật, diễn biến sự kiện bám sát theo trật tự lịch sử và các thông tin được ghi chép trong sử liệu. Nhìn chung, có thể coi Kaze Hikaru là bộ truyện tranh lịch sử về nhóm Shinsengumi. Điểm khác biệt mà tác giả đem lại chính là sự xuất hiện của Sei, hay chính là sự tồn tại của yếu tố tình cảm trong tác phẩm. Chính nhờ có yếu tố ấy, thời đại Mạc Mạt đầy bão tố đã được thể hiện một cách mềm mại hơn, người hơn, nhưng cũng đau thương hơn rất nhiều.
Khi đọc, tôi đã biết đây sẽ là một trong những bộ truyện có ảnh hưởng đến suy nghĩ, tình cảm và hành động của tôi sau này nhiều nhất, cũng là bộ mà tôi yêu thích nhất. Kaze Hikaru khó có thể gây ấn tượng được bởi nét vẽ đậm, nhân vật không có ngoại hình đẹp đẽ; song nó lại dễ dàng lôi cuốn độc giả bởi vô vàn yếu tố tuyệt vời khác. Thú thực, mới đầu, tôi tìm đến Kaze Hikaru chỉ vì lời giới thiệu “Đây là một bộ truyện có nữ chính giả trai”. Lúc đó, do mới đọc xong Hana Kimi, tôi đâm ra thích thú với đề tài này. Thế nhưng Taeko cùng câu chuyện của cô đã đem đến cho tôi những cảm xúc hoàn toàn khác (so với cảm xúc tôi có được khi đọc những bộ shoujo manga khác). Từ tò mò, tôi bất ngờ, xúc động, cảm phục, dõi theo và hi vọng vào tương lai của các nhân vật; bất kể việc trong thực tế, các nhân vật đều đã chết cả rồi. Tôi thực lòng cảm thấy hạnh phúc khi Sou nhận ra tình cảm của anh dành cho Sei, thấy giận dữ khi có người nói xấu sau lưng nhóm Shinsen, và đau đến thắt lòng khi Meiko hát “Tóc đen” vào ngày tổng trưởng Yamanami tiến hành nghi lễ Seppuku… Tất cả những gì diễn ra trong Kaze Hikaru đều khiến tôi liên tưởng đến những sự kiện đã từng xảy ra tại túc xá nhóm Shinsen ngày đó. Khiến người đọc vui theo niềm vui của nhân vật, đau theo nỗi đau của nhân vật, tôi nghĩ tác giả Watanabe Taeko đã thật sự thành công khi sáng tác bộ truyện này.
Có hai điều tôi tâm đắc vô cùng, đó là vấn đề lí tưởng và tình yêu. Giá mà có thể viết về từng nhân vật, tôi sẽ dành thật nhiều cảm xúc để viết về Sei, Souji, Saitou, Hijikata hay Kondo,… Họ đã sống hết mình cho lí tưởng, trở thành ngọn gió sáng khắp kinh thành Edo như bài haiku Hijikata từng viết:
“Kaze hikaru
Makoto no hata ni
Hana goro mo”
(Wind shines
Around truth’s flag
And the symphony of flowers as well)
Lí tưởng trong Kaze Hikaru đôi khi được dùng với ý nghĩa “tinh thần samurai”, chỉ những người trung thành với Shogun, dũng cảm, trọng danh dự. Theo tôi, lí giải ý nghĩa của “lí tưởng” như vậy vẫn chưa đầy đủ. Thực chất, Shinsengumi là một đội cảnh sát, có nhiệm vụ bảo vệ trật tự trị an khu vực. Họ phò tá Shogun chứ không phải Thiên Hoàng, họ sống và chiến đấu, cháy hết mình trong mọi cuộc chiến. Người đời sau từng đánh giá Shinsengumi là một đội quân khát máu với những luật lệ hà khắc, những võ sĩ giết người không gớm tay. Phải vậy không? Khi Okita mỉm cười khi xuống tay giết sư phụ Serizawa, tôi cũng đã nghĩ như cách nghĩ của một người đời sau. Sei trách Souji cũng vì cách nghĩ của người ngoài cuộc như vậy. Trời mưa tầm tã, người đọc chỉ nhìn thấy một Souji đang cố gắng gượng cười. Máu và nước mắt bị mưa gột sạch.
“Là đúng hay sai, hãy để hậu thế phán xét. Chỉ có đìều, nếu hậu thế nói sư phụ Kondou sai thì tôi cũng sẽ bị phán xử. Niềm tin mà tôi hiểu chính là như vậy”.
Toàn bộ lí tưởng của Okita Souji gói gọn trong một câu nói ấy. Cho đến giờ, hình ảnh Okita không ngần ngại khẳng định lẽ sống của anh trong đêm mưa ấy vẫn chưa bao giờ phai nhạt trong tâm trí tôi. Lí tưởng của người võ sĩ nhiều khi nói ra chỉ đơn giản như vậy, nhưng để thực hiện được luôn cần sự quyết đoán và cố gắng không ngừng. Đôi khi, cần thiết cả việc tự biến mình thành ác quỷ.
Tôi vẫn nhớ, có 3 người được/ bị so sánh với ác quỷ: Hijikata, Souji và Sei. “Phó cục trưởng ma quỷ” Hijikata là người đã đưa Shinsengumi vào quy củ với 5 điều luật, một người mà sau này, hậu thế đã kháo nhau rằng chỉ cần nhìn thấy thôi là trẻ con đã bật khóc. Hijikata nóng nảy, nghiêm khắc, kỉ luật, nhưng ai cũng phải công nhận rằng Shinsengumi phát triển được chính là nhờ một tay anh gây dựng. Souji là tên ác quỷ giết người mà mặt không hề biến sắc. Còn Sei lại được ví với “Atula đẹp hơn hoa” sau sự biến Ikedaya. Ba con quỷ ấy đều có cùng một điểm chung: Niềm tin vào người lãnh đạo. Hijikata và Souji thề trung thành với Kondo Isami chứ không phải với Shogun (Điểm khác biệt so với tiêu chí “tinh thần samurai” đã nêu ở trên), Sei lại thề trung thành với Souji. Cả ba người, vì chiến đấu cho niềm tin của bản thân mình mà không ngại trở thành quỷ dữ. Saitou từng nói: “Samurai là sĩ binh, vì có những thứ cần bảo vệ nên có bị gọi là ác quỷ cũng không màng”. Như thế cũng coi như một cách để khẳng định, lí tưởng của samurai là bảo vệ thứ cần bảo vệ, dựa trên cơ sở niềm tin tuyệt đối của bản thân. Đối với tôi, họ trở thành anh hùng được lưu danh sử sách không phải vì họ giỏi kiếm thuật, càng không phải vì họ đã chiến thắng trong các trận chiến; họ là anh hùng, đơn giản vì họ có đủ can đảm để sẵn sàng sống bằng niềm tin. “Lí tưởng” mà tất cả các nhân vật trong Kaze Hikaru xoay quanh chính là niềm tin, lòng chân thành ấy. Chữ “Thành” (誠) được thêu trên cờ hiệu của Shinsen cũng có ý nghĩa như vậy (chữ không phải ý nghĩa “trung thành” như nhiều người nhầm tưởng).
Khi lí tưởng là niềm tin, hơi thở của cả một thời đại được phả vào tác phẩm Kaze Hikaru. Khi tình yêu thành lí tưởng, nhịp đập trong lồng ngực người mình yêu trở thành động lực sống và chiến đấu cho những người phụ nữ thời Mạc Mạt. Sei chính là một ví dụ điển hình. Gia biến, trà trộn vào túc xá Mibu để trả thù, song khi trả thù xong lại không biết đi đâu về đâu. Cuộc sống phía trước của Sei chỉ còn có Okita. Tình yêu trong truyện là một tình cảm rất khác, bởi chỉ riêng khoảnh khắc rung động của một trong hai nhân vật thôi cũng đã đủ khiến độc giả thót tim rồi. Mối quan hệ giữa Souji và Sei vắng những lời lẽ yêu thương, thiếu cả những động chạm xác thịt; nhưng nó vẫn thật ngọt ngào và ấm áp khi Souji đấu kiếm trong đêm trăng để giành lại Sei, khi anh nghe xa xa tiếng Sei gọi vọng lại trên chiến trường, khi Sei trở thành ngọn cỏ để chỉ đường cho gió,… Từ đầu đến cuối, Souji đã là một ngọn gió tự do, cố gắng thổi mạnh để đưa cánh diều – sư phụ Kondo lên cao mãi. Tình cảm của Sei gần gũi nhưng cũng cao thượng bởi cô không hề muốn ngọn gió ấy trở thành vật sở hữu của riêng mình, không hề muốn bản thân trở thành nhân tố cản trở sự nghiệp, lí tưởng của người cô yêu. Sei mang trong mình những cảm xúc rất thật của một cô gái mới chớm bước vào tình yêu, cũng biết giận, biết ghen, biết tự ti trước những người phụ nữ xinh đẹp khác; nhưng cô cũng khác biệt vì cô không hề đòi hỏi một sự đáp trả nào từ phía Okita. Nguyện vọng cả đời của Sei không phải là được cưới Okita, cùng anh sống hạnh phúc dưới một mái nhà; mà là được cùng Okita chiến đấu, được bên cạnh anh vào những lúc anh cần người bên cạnh nhất, có thể dùng hết sức lực mà bảo vệ anh. Tình yêu Sei dành cho Okita đã không đơn thuần là tình yêu của một người phụ nữ nữa, bởi tình cảm ấy cũng đã nhuốm cả lí tưởng, niềm tin của người võ sĩ trong đó rồi. Nói theo cách của Osho, đây chính là thứ tình yêu có thể tạo ra sự tự do, và tình yêu cũng chính là sự tự do. Sei thành thật với tình cảm của cô, thành thật với cả những suy nghĩ ích kỉ trong cô. Nếu lí tưởng của Okita là niềm tin với sư phụ Kondo, thì tình yêu lại là lí tưởng lớn nhất đời Sei. Cô sẵn sàng làm tất cả, chỉ cần người cô yêu thương còn sống. Okita chọn con đường võ sĩ để phụng sự Kondo Isami, Sei chọn trở thành samurai bởi cô muốn sánh vai cùng Okita trong mọi cuộc chiến. Cả hai người bọn họ đều chiến đấu, chỉ khác là Okita chiến đấu để bảo vệ niềm tin với sư phụ Kondo, còn Sei lại chiến đấu để bảo vệ sự tự do dành cho Okita.
“Người con gái chạm tay vào cửa Phật, vì còn đầy cuồng khí niềm tin nơi con đường võ sĩ nên quay đầu về lại chốn hồng trần. Thanh kiếm bảo vệ thứ cần bảo vệ và tình yêu nàng dành cho Người nay đã hóa vĩnh viễn cùng núi sông”
Còn tên ngốc Okita Souji thì sao?
Okita ngốc nghếch mãi vẫn không nhận ra tình cảm của chính mình. Anh quan tâm, chăm sóc Sei mà lại cứ nghĩ rằng mình chỉ đang chăm sóc một cậu em trai. Không biết bao nhiêu lần Souji làm Sei nổi cáu, chẳng phải vì anh đáng ghét vô tâm, mà vì lúc nào anh cũng lo nghĩ nhiều quá, tự dằn vặt bản thân nhiều quá… “Nếu Sei có mệnh hệ gì, thì tất cả là do lỗi của tôi…”. Luôn bao bọc, che chở Sei mà bản thân lại không nhận ra, thương Sei từ bao giờ mà không biết; Souji trở thành nhân vật nam chính ngốc nhất những cũng đáng yêu nhất trong lòng tôi. Tên ác quỷ sẵn sàng cười khi giết người ấy cuối cùng cũng đã thành thật với lòng mình, khóc khi nhìn thấy Sei quay trở lại túc xá Shinsen. Nếu vẫn nghĩ do nhìn Sei đáng yêu mà nước mắt trào ra được thì Sou thật ngố; nhưng rõ ràng sâu thẳm trong lòng, lúc đó anh biết anh đã yêu Sei mất rồi. Người võ sĩ từng thề với trời xanh rằng suốt đời sẽ không yêu nữa nay đã tìm thấy người con gái của cuộc đời mình. Và cái cách Souji đối diện với tình cảm ấy khiến tôi thấy ấm lòng biết chừng nào. Khi Souji tự nhủ, anh nhất định phải bảo vệ Sei, tôi đã biết được rằng dù lịch sử có diễn ra theo cách nào đi nữa, họ vẫn đã có những ngày tháng đẹp nhất đời tại Shinsengumi.
“Trước đây chỉ có nỗi hoảng sợ khi phải đối mặt với chuyện yêu thương một người. Và giờ thì xin cảm tạ trời đất đã bao bọc đứa trẻ đó, và cho đến ngày hôm nay tôi vẫn còn sống. Tất cả đều do định mệnh sắp đặt…”
Phải rồi, cảm tạ trời đất đã để hai người gặp được nhau…
Cảm tạ trời đất đã để lí tưởng và tình yêu trở thành cơn gió tự do và ngọn cỏ xanh mãi vươn mình theo gió…
Dưới góc nhìn của một người phụ nữ, lịch sử thời Mạc Mạt hiện lên vừa có nét hào hùng, vừa mang không khí bi tráng của thời đại, lại vừa lãng đãng, dịu nhẹ như một cơn mưa xuân. Nếu bạn đọc mới chỉ biết đến Shinsengumi qua diễn biến những trận chiến hay qua vài dòng tiểu sử của từng nhân vật nòng cốt trong trang sách của một vài sử gia nào đó thì quả thật là một thiếu sót lớn, bởi đó chỉ là những gì các nhà nghiên cứu viết lại, và họ thường cố gắng gạt bỏ cảm xúc chủ quan của những con người từng sống và chiến đấu tại thời kì đầy biến động kia trong các công trình nghiên cứu của mình. Để biết về quá khứ Nhật Bản, hãy đọc sách lịch sử, nhưng để hiểu về con người và thời đại Nhật Bản, hãy tìm đến truyện tranh. Watanabe Taeko, bằng trí tưởng tượng, bằng tình cảm chân thành của một người phụ nữ, và bằng trách nhiệm chân chính của hậu thế, đã đem đến cho tôi một cái nhìn đồng cảm hơn, một cảm nhận sâu sắc hơn về Shinsen, về Edo trong thời Bakumatsu, về tinh thần của người võ sĩ…

Nguyễn Hoàng Dương

THE PROMISED NEVERLAND – KHI CHẲNG CÓ MIỀN ĐẤT HỨA TRÊN ĐỜI

Tôi đọc liền một mạch 36 chương “The Promised Neverland” trong một buổi chiều. Ấn tượng đầu tiên đến từ nét vẽ của họa sĩ Posuka Demizu. Đường nét đậm nhưng không làm mất đi sự thông thoáng, phần phông nền cũng được khắc họa khá chi tiết. Trại mồ côi nơi những đứa trẻ sinh sống tràn ngập ánh sáng, tiếng cười và niềm vui. Từ góc nhìn của nhân vật chính Emma, nơi đó chính là Thiên Đường, là nhà, là gia đình của

Lịch sử hình thành và phát triển của truyện tranh Nhật Bản (manga)

Truyện tranh đã rất quen thuộc trong đời sống hàng ngày của các bạn 8x, 9x, thậm chí là cả các bạn... 10x. Nhắc đến truyện tranh, người đọc sẽ nghĩ đến những Thủy thủ mặt trăng, One Piece, 7 viên ngọc rồng, Dấu ấn rồng thiêng, Conan, Nhóc Maruko, Shin cậu bé bút chì... Gần đây hơn, khi các phim bom tấn siêu anh hùng phủ sóng trên màn ảnh, thì truyện tranh phương Tây cũng gần gũi hơn với các bạn độc giả