Home Xem HÀNH TRÌNH CỦA KUBO – HÀNH TRÌNH TÂM LINH
Xem

HÀNH TRÌNH CỦA KUBO – HÀNH TRÌNH TÂM LINH

Bảo Khanh

05/03/2019

Tựa phim ‘Kubo and the Two Strings’ vốn dĩ có ngụ ý riêng, không hiểu sao các nhà biên dịch Việt Nam lại đổi thành ‘Kubo và sứ mệnh samurai’, chỉ thể hiện được chưa đến 1/3 thông điệp phim. Câu hỏi đầu tiên này nảy ra trong đầu mình khi bắt đầu xem phim chừng mươi phút.
Nếu bạn muốn chớp mắt, hãy chớp mắt ngay bây giờ!
Phim hay đến ám ảnh.
‘The Two Strings’– nghĩa là 2 dây, là nói về cây đàn Shamisen (nguyên có 3 dây) của Kubo, về cuộc sống chỉ có 2 mẹ con, về hình tượng gia đình khiếm khuyết chức năng, về cha và mẹ, về tính âm và dương, nam và nữ, về khái niệm an toàn vào ban ngày và nguy hiểm rình rập trong màn đêm, về 2 cõi người và thần tiên, về ký ức và thực tại, về thông tin và kết quả, về phiền não và an lạc, về rất nhiều cặp phạm trù nhị nguyên nữa mà mình có thể nghĩ đến, và nhận ra tính nhị nguyên khiến ta nhìn thế giới thiên lệch, đánh mất tính đa dạng và tinh tế của tạo hóa vốn cần đến thuyết tam tài của phương Đông mới có thể cảm nhận được.
Những thông điệp, hình ảnh ẩn dụ trong phim lẫn hình ảnh tả thực về văn hóa Phù Tang truyền thống quả thực là một kiệt tác của hãng Laika.
Trên hết, những bài học từ phim là điều đáng suy ngẫm nhất.
Lòng trắc ẩn (Compassion) là sợi chỉ xuyên suốt mạch phim, mong manh nhưng len lỏi một cách kiên cường, như tiếng đàn Shamisen khoan nhặt đầy ám ảnh. Thoạt tiên, tình yêu được mô tả trong ‘Kubo & the Two Strings’ (KTS) mang sắc thái tình mẫu tử, tình đồng chí, tình thân gia đình đồng đạo, cả tình yêu đôi lứa, thể hiện cả hai cực yêu và hận, thậm chí lãng quên. KTS lần nữa khẳng định trái ngược với yêu không phải là hận. Thế nên, hình phạt tàn khốc nhất không phải là tước đi người yêu, càng không phải khả năng yêu, mà chính là ký ức, về tình yêu và tất cả những cảm xúc do tình yêu mang đến. Càng về sau, tình yêu trong phim KTS dần chuyển sang sắc thái tình yêu cái Tôi đối lập với tình yêu đồng loại bao dung và trắc ẩn. Khoảnh khắc mẹ Kubo nói ‘Không, ông ngoại không ghét con. Ông ngoại yêu con. Ông ngoại chỉ muốn con giống ông ngoại mà thôi!’làm mình giật mình thảng thốt. Khi ta yêu một ai đó, ta yêu người đó như họ là hay ta yêu vì họ là tấm gương phản chiếu bản thân ta? Ranh giới này mong manh hơn cả một sợi tơ. Và, ngay lúc đó, mình tự hỏi bản thân ba mình có ghét mình không hay cũng chỉ là muốn mình giống ba, như mình vừa cảm thấy vừa ghê sợ chính điều đó? Đây vẫn còn là câu hỏi mình chưa biết cách hỏi, nên chưa có lời giải, vẫn ám ảnh mình như một lời nguyền. Đoạn kết, khi Vua Mặt Trăng ‘chuyển hóa’ thành ông già mù bị mất ký ức, những người dân ở ngôi làng bị chính ông tàn phá, tiêu diệt vẫn dung chứa ông, ‘kể’ về ông như một người thân mà họ đã và sẽ ở cùng, yêu thương đùm bọc sum vầy, bất chấp tàn tích ngổn ngang trong lòng lẫn vương vãi trước mắt. Lòng trắc ẩn này cho mình thêm niềm tin vào cõi Ta Bà, rằng mọi thực thể tồn tại hay ý niệm xảy đến đều có cơ duyên, và mọi thứ đều đáng được yêu, được dung chứa, được tôn trọng bất chấp quá khứ và nguồn lực. Lòng trắc ẩn này chính là cội nguồn của sự tử tế, của tính nhân văn, của tình yêu vô điều kiện, của tôn chỉ ‘building a relationship that heals’ mà mình tin tưởng và theo đuổi.
Con người thực chất là thực thể trần tục nhất, yếu ớt nhất đồng thời cũng kiên cường nhất, và đương nhiên là phức tạp nhất vì mang trong tâm hồn đủ mọi cung bậc cảm xúc hỉ nộ ái ố nên trải nghiệm mọi phiền não, khổ đau lẫn hạnh phúc trong cõi Ta Bà. Chính vì thế, làm người trong nhân gian chính là trải nghiệm gây tò mò nhất, bị cấm đoán nghiêm ngặt nhất, và hình phạt gánh chịu nếu vượt cương giới cũng tàn khốc nhất, đồng thời sự thỏa mãn dù trong khoảnh khắc, như con người, vẫn được cho là đáng trải nghiệm nhất. Trong khi đó, cõi tiên lại ‘thuần khiết’đến độ đơn sắc, hoàn hảo và… vô cảm. Ừ thì không có mắt, không có ‘cửa sổ tâm hồn’ để thu nạp phiền não hay đau khổ, không có chết chóc, chỉ có sự thanh trừng những gì ‘không hoàn hảo’ để giữ sự bất tử (immortal) trường tồn, và đảm bảo tính vô hạn (infinite) của Tiên giới. Mình tưởng tượng một cõi tiên trắng xóa đến vô cực, những vị tiên thánh giống nhau, phải giống nhau, một gam cảm xúc được ‘chuẩn hóa’ bởi giáo chủ. Đặc biệt, triết lý cốt lõi của tiên giới cực đoan là diệt trừ mọi hỉ nộ ái ố, đề cao tính xuất thế, bất chấp hậu quả của sự tham pháp là ‘bị mù’. Mô típ này có thể bắt gặp ở rất nhiều phim và truyện, kể cả Đông lẫn Tây, đề cập đến nỗi ám ảnh phải đảm bảo tính thuần khiết của giống nòi dẫn đến diệt trừ khác biệt, cùng với sự xuất thế cực đoan dẫn đến trốn tránh thực tại, mắc kẹt trong chính ảo tưởng ‘an lạc’ một cách vô hồn, chơi vơi, chỉ biết đến thông tin mà không nhìn thấy giải pháp, mãi mãi là hình nộm và phương tiện cho ‘pháp’ chứ không hề chạm được Niết Bàn. Lần nữa, phim KTS khẳng định tính hữu hạn, vô thường của mọi thứ, kể cả Niết Bàn. Hạnh phúc bao gồm cả phiền não. An lạc có thểđến từ một cuộc chia lìa. Cái ‘ởđây và bây giờ’ chính là cái đáng quan tâm nhất, có thể nắm bắt nhất, và quan trọng nhất.
Triết lý cốt lõi, hay tư tưởng chủ đạo của bất kỳ học thuyết, trường phái, tôn giáo nào cũng có lý lẽ và giá trị riêng, không thể phán xét đúng sai, tốt xấu, thiện ác. Thế nên luôn cần đến phạm vi để hiểu khái niệm. Đồng thời, chính những kẻ thừa hành mới thêm sắc thái và cảm xúc cho tư tưởng, người đại diện tôn giáo chỉ là hiện thân của tư tưởng chứ không phải là tư tưởng. Vua Mặt Trăng đại diện cho tư tưởng Thần giáo của xứ Phù Tang, hay Samurai, Ninja là những chi phái tư tưởng và lối sống khác nhau góp phần tạo nên văn hóa Nhật Bản độc đáo. Bản chất tư tưởng là trung tính, nhưng những Samurai thừa hành có khi vẫn mang tiếng bạo tàn thuần dương, còn hành tung của các Ninja thì hầu hết nhuốm màu thần bí, ma thuật thuần âm. Bởi vậy, định kiến luôn dẫn đến yêu ghét, đố kỵ và nỗi sợ hãi tình yêu đích thực, vì tình yêu đích thực tràn đầy lòng trắc ẩn. Bằng con mắt của tình yêu đích thực, ta có thể nhìn thấy chính mình được toàn vẹn (the Quest) thông qua sự hòa hợp với kẻđịch và hóa giải hận thù, xóa nhòa mọi cương giới.
Chỉ có ý thức độc lập, tự chủ mới giữđược cho một đối tượng tồn tại và tiến hóa, còn những phiên bản méo mó lệ thuộc sẽ bị loại trừ. Mình ngộ ra bài học này khi con gái hỏi tại sao Vua Mặt Trăng ác nhất mà được sống, còn 2 dì của Kubo lại phải chết? Cảm ơn con vì đã đặt câu hỏi đúng, nên mẹ và con nhận được câu trả lời đúng. Vua Mặt Trăng được sống, thực chất là được ‘chuyển hóa’, bởi vìông cần học bài học dung chứa của nhân gian, đó là nghiệp của ông vì khi còn là Vua Tiên giới, ông luôn căm ghét và muốn diệt trừ tính trần tục của nhân gian. Còn 2 dì của Kubo chỉ là một phần của Vua Mặt Trăng, kể cả mẹ của Kubo, là kẻ thừa hành, là phương tiện hành pháp của Vua Mặt Trăng, hoàn toàn không có chủ kiến. Nên trong cuộc chiến sinh tồn khốc liệt, những phiên bản cứng nhắc và rập khuôn, thiếu linh hoạt tự chủ sẽ bị đào thải trước tiên.
Hãy tỉnh thức, vì khi anh mạnh lên, nguy hiểm cũng sẽ nhiều hơn. Tạo hóa vốn luôn có cách cân bằng mọi thứ. Phim KTS có nhiều chi tiết ngụ ý về luật bù trừ của tự nhiên một cách thâm thúy, thậm chí hết sức mỉa mai. Khi Kubo lớn lên, mẹ sẽ mất ký ức nhiều hơn. Khi Kubo biết mình có nhiều nguồn lực nội tại, Khỉ sẽ yếu đi, Bọ sẽ chểnh mảng hơn khi nhớ ra những kỹ năng mình từng có và lòng hận thù sẽ làm cho 2 dì lẫn ông ngoại truy sát quyết liệt tàn khốc hơn. Thật đáng sợ khi các nhà làm phim KTS nhấn mạnh vào chi tiết cảm xúc duy nhất của tiên là giận dữ. Giận đến cuồng nộ vì sợ sự tạp nhiễm giống nòi. Giận đến độ cắt xẻo một phần của chính mình, biến linh hồn mình thành quỷ dữ. Và tạo hóa chọn cách giải quyết thô sơ, nguyên thủy nhất là ‘trả về mo’ tất cả thái cực quá độ ấy. Một sự chuyển hóa khốc liệt không khoan nhượng. Vua Tiên thành người, già, mù và không có ký ức. Tiên nữ tinh tế và thanh thoát thành Khỉ, nghiêm nghị, thực tếđến mức khắc nghiệt. Samurai hùng dũng can trường thành Bọ cánh cứng, lúc nào cũng lăng xăng lố bịch, sơ sẩy. Phải chăng chỉ có con người là thực thể gần giống với khái niệm Ego nhất, linh hoạt nhất, nên mới tồn tại được trong cõi Ta Bà? Tuy nhiên, con người vốn được cho là sinh vật yếu ớt mong manh, nên cần học cách mượn nguồn lực ban sơ của tạo hóa để sinh tồn trước khi tìm được bản thể của chính mình. Nguồn lực ban sơ đó được thể hiện qua ẩn dụ về 3 món bảo bối của samurai vĩđại mà Kubo phải đi tìm và hợp nhất: Kiếm Bất Khả Phá, Giáp Bất Khả Nhập và Mũ Bất Khả Công. Đây chính là một trong những ẩn dụ thâm thúy tuyệt vời nhất của phim KTS, được xây dựng công phu và sống động từ kịch bản đến tạo hình, lồng tiếng. Đầu tiên, Kiếm Bất Khả Phá (Sword Unbreakable) là bảo bối được phát hiện sớm nhất. Kiếm, theo Tarot, chính làý nghĩ, niềm tin. Mọi sự manh nha đều cần cóý niệm khởi sinh. Kiếm đến từý, tư tưởng này cũng được bắt gặp trong nhiều phim kiếm hiệp phương Đông. Kiếm được tìm thấy trên hộp sọ của một bộ xương samurai khổng lồ biểu tượng cho tinh thần samurai bất diệt dù thời đại samurai thống trị Nhật Bản đã suy tàn. Chi tiết có rất nhiều kiếm giả vỡ vụn trước khi tìm được kiếm thật nhắc mình nhớ có rất nhiều niềm tin phi lý cần được nhận diện vàđả phá trước khi ta đủ tỉnh thức để giữ chánh niệm. Không những thế, chánh niệm là định lực cần phải giữ trong từng sát na, vì kiếm luôn có nguy cơ bị văng mất khỏi tay, và khi mất kiếm, Kubo hoàn toàn mất phương hướng, chơi vơi hớ hênh trước kẻ thù. Tiếp theo, Giáp Bất Khả Nhập (Breastplate Impenetratable) là ẩn dụ cho sự bảo vệ đến từ gia đình, là nguồn lực của cha mẹ truyền cho ta bất chấp hiểm nguy đến tính mạng. Và đúng là tình thương của cha mẹ dành cho con cái quả ‘bất khả nhập’đôi khi chính là cái bẫy chính cha mẹ và ta vôý tạo ra, trong phút xao lãng hay sợ hãi. Nhãn uyển thôi miên chính là cái hố của si do tình thương mù quáng, tỷ như sự chạy trốn tuyệt vọng của mẹ Kubo, sự cực đoan của lòng yêu cháu ngoại. Tình thương sinh ra mong cầu, mong cầu dẫn đến hành vi chiếm hữu. Cuối cùng, và thú vị nhất, chính là Mũ Bất Khả Công (Helmet Invunerable). Bảo bối này tượng trưng cho điều gì, mình chưa gọi tên được, chỉ cảm nhận được sâu sắc đặc tính của nó. Sau khi ý niệm đã manh nha, được trợ lực bằng mong cầu và nguồn lực ngoại tại, đến lúc tác ý phải hóa thành. Sự chuyển hóa này thường xảy ra vào cuối hành trình, và cần đi rất xa, trả giá đắt nhất để cóđược nó, bởi vì nó quan trọng nhất, mang lại sức mạnh/ma thuật ghê gớm nhất, khiến ta toàn vẹn nhất. Vậy mà, Mũ Bất Khả Công lại ở ngay trước mắt Kubo trong một thời gian dài mà cậu không biết đến, không nhận ra. Lạ hơn nữa, điều quý giá nhất mà Kubo khắc khoải đi tìm, và khoảnh khắc đạt được điều đó khiến Kubo, hay ta, cảm thấy mãn nguyện, tưởng mình toàn năng. Nhưng, ngay sau đó, điều ta đánh mất đầu tiên cũng chính là thứ ta nhọc công tìm kiếm nhất. Kubo bịđánh rớt mũ rất nhanh sau khi đội vào, và liên tục trượt ngã khi tiếp tục sử dụng nguồn lực bên ngoài, dùđó là di sản thừa kế của cha mình, vị samurai vĩđại nhất. Chỉ đến khi Kubo giác ngộ. Kubo không phải là samurai. Kubo là con lai giữa samurai và tiên. Kubo biết đàn Shasimen, biết kể chuyện bằng origami thần sầu quỷ khốc. Giây phút Kubo lột bỏ giáp, vứt kiếm, cầm đến cây đàn Shasimen, se 3 dây đàn từ‘sợi kýức’ và bắt đầu gảy đàn, sự trưởng thành của Kubo thật sự diễn ra. Anh hùng vì biết mình, dám là chính mình. Anh hùng dám trân trọng quá khứ, ý thức hiện tại, tương lai sẽ là sự tiến hóa và tình yêu.
Sự tò mò là cội nguồn của tiến hóa. Vì tò mò nên thử. Vì thử cũng là thật, nên khi hành trình tiến hóa đã khởi động thì cách duy nhất là hòa theo con tạo xoay vần, thuận theo lẽ tự nhiên. Kết quả là phần thưởng hay hình phạt còn tùy góc nhìn và thời điểm.
Phá luật, đôi khi là cần thiết, để có thể tiến hóa. Nếu mẹ Kubo không phá luật thì bà không được biết rằng cõi Ta Bàđẹp vàđáng trải nghiệm dường nào (và có lẽ chúng ta cũng chẳng có phim này để xem nhỉ :). Nếu Kubo không phá luật ‘an toàn vào ban ngày’, hành trình trưởng thành của cậu sẽ chẳng bắt đầu. Nếu Kubo không bỏ qua lời mẹ căn dặn về truyền thuyết ba bảo bối của cha để lại, không buông bỏ di sản quá khứ không khớp với bản thân mình, không chấp nhận mình mang dòng máu lai, mình không là một Samurai, thì sự chuyển hóa thật sựđể trưởng thành-là-chính-mình vẫn không xảy ra.
Đặt câu hỏi đúng vô cùng quan trọng. Nếu bạn biết cách hỏi, bạn sẽ có được câu trả lời đúng. Và cơ hội để hỏi trôi vút qua theo từng sát na, câu trả lời vì thế cũng chuyển hóa vô thường. Phân đoạn Kubo và Khỉđối đáp nhau trong hang nhắc mình nhớ đến những session với therapist đã lãng phí vì tính ham đấu lý, những cơ hội học hỏi chưa tận dụng vì thiếu kỹ năng lẫn can đảm đặt câu hỏi, những khoảnh khắc mà câu hỏi bật lên nơi mình chợt khiến mình thảng thốt, và… ngộ, đơn giản mà sâu sắc tận cùng. Lịch sử chính là một câu chuyện, sự thật được kể lại không phải hiện thực thực.
Mọi câu chuyện đều có hồi kết. Sự kết thúc này chính là điểm khởi đầu của một câu chuyện khác. Hai khoảnh khắc kết thúc và bắt đầu hành trình đều khởi đầu từ cuộc trò chuyện của Kubo với linh hồn thông qua cái lồng đèn. Đây cũng là hai cảnh khiến mình xúc động nhất. Cảnh đầu là Kubo nói chuyện với cha, lần đầu tiên ‘trực tiếp’, và bất thành. Mình nghe được tiếng nói ấm ức lo âu sợ hãi của đứa trẻ bị cha-mẹ-hóa trong một gia đình khiếm khuyết chức năng, của đứa trẻ hoài nghi về kýức mơ hồ và hiện thực chông chênh, về tương lai mù mịt quá tầm nhận thức lẫn kiểm soát, về nỗi khao khát được yêu thương, ôm ấp vỗ về, được vui chơi hồn nhiên, được động viên và bảo ban theo sức của một đứa trẻ. Kết phim, vẫn là Kubo nói chuyện với hai cái đèn lồng, chứa linh hồn của cha mẹ, hiển hiện thành mẹ tiên với Hanzo vĩ đại (không phải Hanzo-hình-nhân-giấy) khắc sâu vào tâm khảm của những ai đã làm cha mẹ, hay từng là một đứa trẻ bị tổn thương. Rằng, dù con đã trưởng thành về trí lực, đã hoàn thành sứ mệnh anh hùng, phần con trẻ trong con vẫn cần đến cha mẹđể có thể kể câu chuyện đẹp hơn, dễ dàng hơn. Rằng, phải chi cha mẹ chỉ cho con biết con phải làm sao đểđi xuyên qua miền Viễn Địa với cây đàn Shasimen đủ 3 dây, chứ không phải tự lớn và xuyên qua mất mát một mình… Khúc ca cuối cùng vẫn là khúc ca bi tráng nhất, đáng nhớ nhất. Kubo với cây đàn Shasimen 3 dây, với nghệ thuật kể chuyện hư ảo và origami sống động sẽ mở ra một thế giới khác, nơi có cả quá khứ, hiện tại và tương lai được tưới tẩm bằng tình yêu, hy vọng và lòng trắc ẩn.
Bảo Khanh

Xem

“Angry bird” – Văn hóa chim, văn minh lợn – Thân thiện và hợp tác

Tôi không quá thích thú với trò chơi “Angry Bird”, nhưng tôi thích ý tưởng về một con chim giận dữ. Xã hội có quá nhiều sự ngọt ngào giả dối, quá nhiều những gương mặt an phận, giống như Facebook có nút “Like” mà không hề có “Hate”. Cuối cùng “Angry Bird” cũng đã vượt lên khỏi màn hình smartphone để lên màn ảnh, và bộ phim còn được Chủ tịch Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon công khai PR.  Việc ông Ban Ki
Xem

Xem “Nhóc Trùm”, nghĩ về sự khác biệt và sản xuất hàng loạt

“Boss baby” (Tên tiếng Việt: “Nhóc Trùm”) là bộ phim đáng chú ý hiện nay, không phải chỉ cho các em bé mà cho cả những người lớn như chúng ta. Tôi vẫn luôn thích thú khi xem các bộ phim hoạt hình, bởi thông điệp trong chúng không được phát biểu một cách đao to búa lớn, mà luôn ngộ nghĩnh, đáng yêu và giàu tính hình tượng:  “Wall-E”, “Monster.Inc”, “Zootopia”, “Angry bird”, “Hoàng tử bé”… và giờ đây là “Nhóc trùm”. “Nhóc trùm”
Xem

Zootopia – Ẩn ức bình đẳng trong thế giới lý tưởng

Bộ phim “Zootopia” đã trình chiếu hơn 1 tháng nay và nhận rất nhiều lời khen về nội dung dễ thương, hài hước, hình ảnh thiết kế đẹp. Qủa nhiên, “Zootopia” là một tác phẩm kỹ lưỡng trong từng thước phim và chắc hẳn số tiền đầu tư cũng không nhỏ. Nhưng tôi tin, các nhà làm phim của Mỹ không đầu tư rất nhiều tiền bạc và công sức chỉ để làm mộ tác phẩm “dễ thương” hay “đẹp”, bộ phim luôn có thông
XemYêu

Đại Ngư Hải Đường: Duyên nợ đến từ trái tim

“Đại ngư Hải đường” lấy ý tưởng từ giấc mơ của đạo diễn Lương Toàn 12 năm về trước. Lúc đầu, từ giấc mơ này, đạo diễn đã làm phim ngắn “Đại Hải” và chiếu trên mạng. Sau sự thành công của phim ngắn, Lương Toàn đã nỗ lực để hoàn thiện duyên nợ của anh với giấc mơ năm nào qua “Đại ngư Hải đường” và ra mắt khán giả trong năm 2016 này. Tôi xem “Đại Ngư Hải Đường” sau khi nghe ca