Home Chơi Tại sao bạn nên vẽ tranh thay vì chụp ảnh

Tại sao bạn nên vẽ tranh thay vì chụp ảnh

Minh Hùng

03/09/2018

Mỗi khi bắt gặp một thứ gì thú vị, một cảnh nào tươi đẹp, trong con người xuất hiện động lực thôi thúc muốn đoạt lấy và lưu giữ nó – nghĩa là, trong thời đại ngày nay, chúng ta sẽ thường rút điện thoại ra và chụp ảnh.
Dù giải pháp trên trông có vẻ cũng lý tưởng, nhưng có hai vấn đề lớn khi ta chụp ảnh. 
Thứ nhất, khi đã rút điện thoại lên chúng ta dường như bận rộn chụp ảnh đến quên mất việc chiêm ngưỡng thế giới tươi đẹp từ ban đầu đã quyến rũ ta. 
Thứ hai, bởi vì ta đã an tâm rằng những bức ảnh đã được lưu giữ chắc chắn trong điện thoại của mình, chẳng mấy khi ta sẽ tìm đến mà ngắm chúng nữa, dù ta cứ chắc mẩm rằng một ngày nào đó ta sẽ làm.
Những vấn đề này xuất hiện đầy rẫy trong đời sống hôm nay, như một hệ quả của những chiếc điện thoại nhỏ xinh trong túi. Nhưng thực ra vấn đề này đã được lưu tâm ngay từ buổi đầu của lịch sử ngành nhiếp ảnh, khi mà kích cỡ trung bình của một chiếc máy chụp ảnh to ngang với một chiếc đồng hồ cổ. 
Người đầu tiên để tâm đến là John Ruskin, một nhà phê bình nghệ thuật người Anh. Là một người ưa du lịch, ông nhận ra rằng hầu hết khách lữ hành đều cùng thực hiện một công việc ảm đạm là cố để tâm ghi nhớ mọi cảnh đẹp họ thấy. 
Ông lập luận rằng con người có xu hướng thiên bẩm: chú ý đến cái đẹp và ham muốn sở hữu nó, có nhiều cách biểu hiện cả tốt lẫn tệ.cho ham muốn này. Tệ nhất thì người ta mua quà lưu niệm hoặc chụp ảnh. Nhưng trong mắt Ruskin, có một thứ ta nên làm: cố mà vẽ lại những điều thú vị tươi đẹp mà ta nhìn thấy, bất kể ta có chút tài năng vẽ vời nào hay không.


John Ruskin, John Everett Millais, 1853-54.

Trước khi nhiếp ảnh ra đời, người ta thường vẽ tranh nhiều hơn bây giờ. Đó là điều bắt buộc cần thiết. Nhưng đến giữa thế kỷ 19, ảnh chụp đã giết chết tranh vẽ. Vẽ tranh trở thành một việc mà chỉ họa sĩ mới làm, thế nên Ruskin – một người cổ vũ nhiệt thành cho tranh vẽ, và cũng là kẻ thù của máy ảnh – đã dành ra bốn năm cho một cuộc chiến dịch vận động con người quay trở lại với việc vẽ. 
Ông viết những cuốn sách, diễn thuyết, tài trợ cho các trường nghệ thuật, nhưng ông không thấy nghịch lý nào trong khi nhấn mạnh rằng cuộc vận động của mình không hề làm người ta vẽ tốt hơn: “Con người ta ai sinh ra cũng là nghệ sĩ cả, như con hà mã sinh ra đã là con hà mã vậy thôi, bạn chẳng thế tự biến mình thành một con hươu cao cổ được.”
Theo Ruskin, việc vẽ tranh sẽ mang lại lợi ích cho mọi người, kể cả khi người vẽ không có xíu tài năng nào, bởi nó dạy ta cách nhìn: quan sát một cách có chủ tâm thay vì nhìn lướt qua một cách vô tâm. Trong quá trình dùng tay tái hiện lại những gì sẵn ở trước mắt ta, một cách tự nhiên ta tiến từ vị trí một người quan sát thờ ơ lên thành một người thấu hiểu sâu sắc từng phần của đối tượng.

Ruskin nghiên cứu hình cây trong bức tranh Crossing the Brook của Turner.

Ruskin buồn vì hiếm người biết cách để tâm đến tiểu tiết. Ông than phiền về chứng mù lòa và vội vã của du khách hiện đại, đặc biệt là những người luôn tự hào rằng họ đã đi vòng quanh châu Âu trong một tuần trên tàu hỏa (dịch vụ được Thomas Cook cung cấp vào năm 1862): 

“Không đổi chỗ trong một trăm dặm một giờ sẽ khiến ta khỏe mạnh hơn, hạnh phúc hơn và thông tuệ hơn chút ít. Luôn có nhiều thứ trên đời mà người ta sẽ không thể đến xem, bởi bước chân con người chậm chạp. Nhưng khi đi thật nhanh, họ cũng đâu có nhìn ngắm được tốt hơn. 
Điều quý giá từ những chuyến đi là cảnh vật và suy tư, không phải là tốc độ. Viên đạn bay nhanh là chuyện chẳng lành, và con người đích thực cũng vậy, chẳng có hại gì khi đi chậm rãi, bởi vì vinh quang không phải là ở việc đi, mà ở việc sống.” 

Thế nên ông đi thật chậm rãi thong thả, và khuyên chúng ta dành nhiều thời gian hơn để ngắm nhìn, chiêm ngưỡng những điều kỳ thú, kể cả những thứ nhỏ bé đơn giản nhất. Những bức vẽ của ông như minh họa cho điều này.

Ruskin nghiên cứu lông ngực của chim công, 1875.

Hãy thử nghiệm xem ta đã quen với việc vội vã chạy đua đến mức nào: ta có cảm thấy thật khác thường và có hơi nguy hiểm không nếu ta dừng lại bên đường và nhìn ngắm một chỗ thật lâu, đủ để một người vẽ ký họa có thể vẽ lại nó. Ít nhất cần mười phút hoàn toàn tập trung để vẽ một cái cây, thế mà một cái cây đẹp xinh nhất cũng chẳng mấy khi kéo được khách bộ hành dừng lại quá một phút.
Tổng kết lại những nỗ lực của mình trong bốn năm giảng dạy và soạn sách vẽ, Ruskin đã viết một đoạn thật hay, đáng để ta trích lại toàn bộ và đọc thật chậm:

“Hãy để hai người cất bước đi dạo, một người giỏi ký họa, còn một người không chút hứng thú với nghệ thuật này. Hãy để họ cùng đi xuống một đường xanh bóng cây, hai người này sẽ nhận thức quang cảnh xung quanh một cách hoàn toàn khác nhau. Một người sẽ nhìn thấy con đường và cây; anh ta biết cây thì màu xanh, anh không nghĩ gì thêm về nó; anh thấy nắng, nắng làm lòng người ấm áp vui vẻ; hết! Còn người vẽ ký họa thấy gì? Đôi mắt anh đã quen với việc kiếm tìm cội nguồn của cái đẹp, và thâm nhập vào những phần vi tế nhất của vẻ đẹp. Anh ngước nhìn lên, quan sát tia nắng vãi rơi nhỏ giọt xuống chòm lá sáng màu trên đầu, làm không gian bên dưới ngập đầy sắc xanh ngọc lục bảo. Anh ta sẽ nhìn đây đó có một nhành cây hiện ra giữa tán lá, anh sẽ thấy ánh sáng xanh ngọc của rêu, và cả những mảng địa y kì quái nhiều màu, trắng và xanh, tím và đỏ, tất cả trộn lẫn và hòa điệu vào nhau làm nên một món phục sức cho cái đẹp. Rồi đến cái thân cây sần sùi, đến cái rễ xoắn như đang vòng ôm bằng những đoạn uốn mình như rắn ở bờ dốc, nơi đầy cỏ hoa nhiều màu sặc sỡ. Không đáng ngắm nhìn sao? Nếu bạn không phải một người vẽ ký họa, bạn sẽ đi lướt qua con đường cây xanh, và khi về đến nhà, bạn chẳng có gì để nói, để nghĩ về nó cả, dù bạn đã đi qua một con đường đẹp đẽ đáng yêu nhường ấy.”

Bài gốc: https://www.theschooloflife.com/thebookoflife/why-you-should-stop-taking-pictures-on-your-phone-and-learn-to-draw/
Minh Hùng dịch
Bài đã đăng trên Ipick.vn

“Đất” của Lý Trực Sơn: Tự nhiên trừu tượng

Họa sĩ Lý Trực Sơn đến với sơn mài để chạm tới những đường cong siêu thực của thực tại, một giai đoạn của sự tròn đầy. Nhưng viên mãn không phải là điều một nghệ sĩ đeo đuổi, ông đã “nở trong hư không” với giấy dó và màu nước, kết hợp giữa những vết loang tự nhiên của vật liệu đầy biến ảo với những xuất thần của cái nhìn thế giới: trừu tượng. Trừu tượng luôn biểu hiện những cái ẩn tối
Xem

TÂM LÝ HỌC TRONG HỘP BÚT CHÌ MÀU

Giống như những nốt nhạc góp lên dãy phím đàn, hay những chữ cái tạo thành bảng chữ cái, màu sắc cũng góp phần dựng xây lên cảm xúc của chúng ta. Chẳng phải ngẫu nhiên mà trong tiếng Anh, tên của màu sắc cũng dùng để miêu tả tâm trạng, như trong cách nói “feeling blue” hay “seeing red”.  Mỗi sắc màu kết nối một cách tinh tế với một mạng lưới những trải nghiệm, những liên kết. Một số màu kết nối đến

Minh Hùng

05/03/2019

“Nghệ thuật và Vật lý” – Một tiến trình tương tác thay đổi tư duy của Văn minh phương Tây

Tên sách: Nghệ thuật và Vật lý – Những cái nhìn tương đồng về không gian, thời gian và ánh sáng Tác giả: Leonard Shlain NXB Tri Thức – 2012 Số trang: 562 trang Tiến trình của sách: Tác giả đưa ra sự tương đồng của Vật lý và Nghệ thuật về mặt Không gian – Thời gian – Ánh sáng. Mỗi khi một nhà khoa học nghi ngờ về thực tại và tìm được cách lập luận hoặc minh chứng cho điều họ suy