Home Học Con đường Viết của tôi (6): Diễn đạt loằng ngoằng và sự suy thoái của tư duy

Con đường Viết của tôi (6): Diễn đạt loằng ngoằng và sự suy thoái của tư duy

Các bạn click vào để đọc thêm:  “Con đường viết của tôi” 
Walt Whitman nói: “Nghệ thuật của nghệ thuật, niềm vinh quang của sự biểu hiện, ánh thái dương của vẻ đẹp ngôn từ, chính là sự mộc mạc”. Thơ Walt Whitman quả thực là một điển hình cho tiếng lòng được cất lên như nó vốn là. Tôi thích thơ ông chính ở điểm ấy. Nhưng tôi cũng rất thích các tác giả có lối diễn đạt kỳ lạ hoặc những ngôn từ bay bướm như Oscar Wilde, Mikhail Prisvin hay C.S Lewis… Nhìn qua, tưởng như đó là hai lối diễn đạt đối lập nhau, nhưng không, chúng không hề đối lập. Trên thực tế, chúng đối lập với thứ diễn đạt loằng ngoằng và vô nghĩa mà ngày nay đang thịnh hành không chỉ ở các văn bản tiếng Việt mà cả ở các văn bản ngoại văn.
Trước khi nói về cái sự “diễn đạt loằng ngoằng”, ta phải trở lại những chức năng căn bản của viết. Bản chất hành vi “viết” là để lưu trữ và truyền đạt thông tin. Thông tin này có thể là sự mô phỏng thế giới bên ngoài (các hợp đồng, các sự kiện lịch sử, các văn bản pháp luật, các nghiên cứu, các tin tức…v…v…), cũng có thể là sự mô phỏng của thế giới bên trong (các chiêm nghiệm triết lý, các thang bậc cảm xúc, các ám ảnh, các ước mơ và hy vọng…v…v…). Ngôn ngữ là một hệ thống hình chiếu của thế giới tâm trí vốn dĩ rất phức tạp của xã hội loài người. Xã hội càng mở rộng các phạm vi của đời sống vật chất và tinh thần thì ngôn ngữ càng đa dạng. Hành vi viết cấu trúc các ngôn từ theo cách người viết tiếp nhận và xử lý thông tin của thế giới bên ngoài và thế giới bên trong. Cho nên “viết” chính là biểu hiện của quá trình “tư duy”.  Một sự “diễn đạt loằng ngoằng” là thể hiện cho cái “viết” hỗn loạn, hay nói một cách khác là sự tư duy thiếu rõ ràng.
“Diễn đạt loằng ngoằng” có rất nhiều cấp độ, mỗi cấp độ lại tương ứng với một kiểu khiếm khuyết của tư duy. Một khi tư duy không rõ ràng sẽ dẫn đến việc viết thiếu hệ thống, ngôn từ bóng bảy không hợp với bối cảnh, thông tin sắp xếp lộn xộn.
Thứ nhất phải kể đến việc sử dụng ngôn từ bóng bảy không hợp với bối cảnh. Các từ ngữ được ra đời gắn liền với sự mô phỏng thế giới bên trong và bên ngoài của con người. Có những từ rất đơn giản để mô phỏng những vật thể hoặc hành vi hiện hữu, ví dụ như “cái bàn”, “con mèo”, “ngôi nhà”, “khóc”, “đánh nhau”, “mặt trời”…v…v… Nhưng cũng có nhiều từ dùng để mô phỏng những thứ nội tâm phức lạp như “buồn rầu”, “cô đơn”, “khoái lạc”… Phức tạp hơn thế nữa là các chiêm nghiệm siêu hình và trừu tượng như “nhận thức”, “tâm thức”, “sự thông thái”, “tình yêu”, “nhân tính”… Không thua kém, các từ nhằm mô phỏng mối quan hệ trong xã hội con người và thế giới tự nhiên cũng vô cùng phức tạp như “tình yêu”, “quốc gia”, “pháp luật”, “lòng thương xót”, “nghệ thuật”…v…v… Ở nhóm từ mô phỏng thế giới hiện hữu, người viết ít khi dùng từ sai với bối cảnh. Nhưng với các từ thuộc nhóm nội tâm, nhóm chiêm nghiệm siêu hình trừu tượng và nhóm mô phỏng các mối quan hệ trong xã hội con người và thế giới tự nhiên, thường xuyên bị dùng sai với bối cảnh. Việc dùng sai các từ này thường là do người viết không nắm rõ được nghĩa của từ biến chuyển ra dòng thời gian cũng như được quy ước theo cách hiểu phổ thông được ghi lại trong từ điển. Họ dùng từ theo thói quen được hình thành từ môi trường thông tin họ thường xuyên tiếp xúc. Nhiều người cho rằng từ ngữ chỉ là từ ngữ, sai chút có sao đâu hoặc quy chuẩn phổ thông thay đổi theo dòng thời gian, cần gì phải quan tâm. Hệ lụy của việc này đó là dẫn đến việc người đọc tiếp nhận sai ý nghĩa mà người viết muốn truyền đạt. Những người sử dụng từ ngữ một cách vô ý thức thường không có thói quen tư duy làm sao để người đọc hiểu đích xác được điều mình đang viết, hoặc nguy hại hơn, họ thậm chí còn không hiểu mình đang viết gì mà chỉ tuôn trào các dòng ngôn từ được lắp ghép với nhau trong tâm trí mà thôi.
Thứ hai, những câu văn dài dòng nhiều vế là một sự thể hiện cho việc thiếu khả năng tư duy phân loại thông tin. Những câu văn rất dài, “dây cà ra dây muống”, vế này ngoằng vào vế kia, thường được viết bởi những người không có thói quen sắp xếp các thông tin thành từng mảng khác nhau theo trình tự, mà muốn trong một câu thể hiện cả hệ thống thông tin phức tạp. Nói vui, họ không biết đặt dấu phẩy và dấu chấm đúng chỗ. Người đọc khi đặt các văn bản như vậy thường sẽ không thể biết được trong một câu văn dài dằng dặc đó, đâu là chủ thể tạo ra hành động và đâu là hành động (tức chủ ngữ và vị ngữ). Đây là hiện trạng lỗi tư duy khi viết thường thấy ở người viết hiện nay khi người viết không được học hành tử tế về ngữ pháp tiếng Việt. Thậm chí, trong nhiều văn bản tiếng Anh (có thể cả với tiếng Đức và tiếng Pháp), lối diễn đạt loằng ngoằng này được ưa chuộng như một điển hình của lối viết hàn lâm. Thật là khổ cho những dịch giả phải dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt. Không rõ họ có quá choáng ngợp trước nền văn minh phương Tây mà tôn sùng lối viết này hay chăng?
Thứ ba, “diễn đạt lằng ngoằng” còn được thể hiện ở những bài viết thiếu tính hệ thống, tức là thông tin không được sắp xếp có trình tự, ý trên ý dưới trùng lặp nhau, đang viết ý nọ lại xọ sang ý kia. Người viết những văn bản này không trải qua quá trình xử lý thông tin. Bản chất quá trình xử lý thông tin là tìm ra các mối tương quan giữa các thông tin và nhóm thông tin với nhau. Các thông tin chưa qua xử lý thường thiếu tính chính xác, không liên kết với nhau. Người viết dựa trên thông tin chưa qua xử lý thường không hiểu vấn đề mình định viết mà hoàn toàn bị lái hướng bởi các định kiến và cảm xúc. Các thông tin tìm kiếm được từ thế giới bên ngoài được lắp ghép vô tội vạ vào các định kiến và dòng cảm xúc của người viết, bất kể đúng sai. Người đọc khi gặp phải những văn bản như thế này sẽ có hai loại phản ứng. Đối với những người viết thiếu hệ thống nhưng kém khả năng diễn đạt, người đọc sẽ cười khảy bỏ qua để tìm bài viết thú vị hơn. Đối với những người viết thiếu hệ thống nhưng biết nhiều thủ thuật diễn đạt, người đọc rất dễ bị lôi cuốn và bị đưa vào mê hồn trận của người viết. Người đọc một khi đã mắc kẹt tại đây, sẽ bị tẩy não dễ dàng và bị đồng hóa trở thành kệ người tư duy loằng ngoằng khác. Những văn bản mang tính tuyên truyền thường xuyên có lối “diễn đạt loằng ngoằng” này.
Thời đại của Internet, ai cũng có thể trở thành tác giả mà không cần trải qua quá trình biên tập và thẩm định, là một cơ hội hiếm có cho những lỗi sai căn bản trong diễn đạt mà tôi vừa kể trên. Đi kèm với các lỗi sai trong diễn đạt này là một sự suy thoái trong tư duy. Người ta không cần phải tư duy rõ ràng rành mạch nữa, không cần phải sắp xếp thông tin trong văn bản sao cho người đọc có thể hiểu được điều mình viết ra nữa. Người ta chỉ cần bắn lên thế giới ảo bất cứ cái gì xuất hiện trong não trạng hỗn loạn của mình và khoác cho nó những mỹ từ như “sáng tạo”, “hậu hiện đại”, “tự do biểu đạt”…
Quay trở lại với điểm tôi đề cập ở phần mở đầu của bài viết. Thế nào là “sự mộc mạc”. “Sự mộc mạc” trong diễn đạt không phải là sử dụng các ngôn từ thô lậu, mà là sử dụng những ngôn từ đúng đắn để diễn đạt đúng bản chất của vấn đề, không nói quá lên cũng không giảm bớt đi. Môi trường sống của một nhà văn như thế nào sẽ được phản ánh trung thực qua văn bản của mình. Một nhà văn thích sử dụng các ngôn từ đơn giản như đời sống thường ngày vốn là những nhà văn lăn lộn vào cuộc sống để trải nghiệm. Một nhà văn thích sử dụng các ngôn từ bay bổng, giàu hình ảnh, vốn là những nhà văn sống chậm rãi và chìm đắm trong thế giới nội tâm và siêu hình. Nhưng dù như thế nào, văn bản của họ là một thể thống nhất các hình chiếu mô phỏng cho cả thế giới bên ngoài và thế giới bên trong của họ. Một nhà văn lớn, họ chủ động với hành vi viết của mình, chứ không để các hình chiếu của thế giới định hình bản thân họ.
Hà Thủy Nguyên
Các bạn có thể tham khảo Online Workshop CÁC NGUYÊN TẮC VIẾT CĂN BẢN
https://foxstudy.info/product/cac-nguyen-tac-viet-can-ban/

TIÊU CHUẨN CỦA MỘT BÀI ĐIỂM SÁCH CÓ GIÁ TRỊ

Trong một thị trường sách rộng lớn với sự phát triển đa dạng, vàng thau lẫn lộn, thì hệ thống điểm sách trở nên vô cùng hữu ích với người đọc. Những bài điểm sách (cả sách hay và sách dở) đều giúp người đọc lựa chọn cho mình những cuốn sách phù hợp. Tuy nhiên, việc điểm sách cũng có thể trở thành công cụ cho các chiêu bài PR hoặc những bài viết mang tính vùi dập một tác giả hoặc một xu

Con đường Viết của tôi (1): Viết cho mình hay viết cho người

Đọc thêm về chùm bài “Con đường Viết của tôi” tại đây: https://hathuynguyen.com/tag/con-duong-viet-cua-toi/ Tôi bắt đầu viết những bài thơ đầu tiên hồi lớp 3. Hồi đó tôi thường hay đi loanh quanh tìm lá cây, đem về ép, rồi viết những câu thơ vịnh loài cây ấy. Lên lớp 6, tôi bắt đầu viết tiểu thuyết đầu tiên, đó là một truyện khoa học viễn tưởng. Lúc đó, tôi nhìn lại những bài thơ viết hồi lớp 3, thấy ấu trĩ quá, nên vứt

MUỐN VIẾT TỐT, HÃY ĐỌC ĐÚNG VÀ VIẾT ĐÚNG

Việc dạy và học văn vô trách nhiệm ở các cấp học đã tạo ra nhiều thế hệ trẻ thiếu những nền tảng căn bản của viết và đọc hiểu. Người ta đã khoác cho môn văn trong nhà trường không ít các nhiệm vụ vĩ đại được tô vẽ bằng các mĩ từ, thế nhưng, nhiệm vụ căn bản nhất là giúp học sinh đọc hiểu các hình thức văn bản và nắm vững các quy tắc trong việc viết thì lại không hề

CON ĐƯỜNG VIẾT CỦA TÔI (5): SÁNG TÁC VĂN CHƯƠNG NHƯ HÀNH TRÌNH KHÁM PHÁ THẾ GIỚI TÂM TRÍ

Các bạn có thể đọc cả chùm bài “Con đường viết của tôi” Ngày nay, văn chương không còn được ưa chuông nhiều nữa. Văn chương trở thành thứ vô dụng, đặc biệt là ở nước ta, bởi nó không mang lại nhiều tiền bạc và danh vọng. Văn chương chỉ còn là đam mê hoàn toàn rất cá nhân đến từ những ai muốn vượt trên đời sống tầm thường này để đi sâu khám phá thế giới tâm trí của mình. Đó là

Con đường viết của tôi (3): Sự “hay” muôn vẻ, chi bằng cứ đúng lòng mình

Các bạn click vào để đọc thêm:  “Con đường viết của tôi”  “Hay” là một khái niệm rất chung chung. Đọc một áng văn tuyệt mỹ, anh bảo hay, tôi bảo dở, âu cũng là lẽ thường tình. Hay dở cũng như xấu đẹp, tùy vào trình độ cao thấp, và thói quen tư duy của người tiếp nhận. Bàn về lẽ hay dở, tôi đặc biệt tâm đắc với lời than của Hàn Phi Tử hơn hai ngàn năm về trước: “…lời nói thuận