Nhân dịp phim “Joker” ra rạp, xem lại “Gotham”
Nếu ai đã xem các chùm phim điện ảnh “Batman” và “The Dark knight” thì hẳn sẽ khó bỏ qua TV series “Gotham” của DC . Cũng vẫn chủ đề được xoáy sâu trong những phim về Batman, “Gotham” tiếp tục đặt ra những câu hỏi về cái ác và công lý. Hãy chú ý, không phải là cái thiện, mà là công lý.
Nhân vật trung tâm của “Gotham” không phải là chàng Bruce Wayne giấu mặt mà là anh chàng cảnh sát James Gordon. Lúc này Bruce Wayne còn nhỏ và mới trải qua cú shock về cái chết của bố mẹ. Gordon mới về làm việc tại sở cảnh sát, đã nhận xử lý vụ án mạng vợ chồng nhà Wayne – một sự vụ không cảnh sát nào dám nhận.
Tình trạng của sở cảnh sát: Tất cả đều thờ ơ với các trọng án, vì thủ phạm đều là các trùm xã hội đen, hoặc những kẻ tâm thần sẵn sàng “xử đẹp” các cảnh sát dám tiếp nhận vụ án. Gordon ban đầu không có bất cứ sự giúp đỡ nào ngoài cảnh sát Harvey Bullock – một người cũng chẳng hào hứng mấy với nhiệm vụ “trông trẻ”, tức coi chừng Gordon. Harvey Bullock là đại diện cho một cảnh sát đã sụp đổ niềm tin vào công lý và chỉ muốn bảo toàn mạng sống của mình. Bullock buộc phải chịu sự kiểm soát của các trùm xã hội đen và luôn tìm kẽ hở sinh tồn giữa mạng sống và trách nhiệm công lý. Những cảnh sát lựa chọn lối đi như Bullock không phải lúc nào cũng giữ mình được vậy, họ hoặc là mất mạng hoặc là hoàn toàn trở thành tay sai đắc lực cho tội ác.
Gordon là một luồng gió mới làm thay đổi sở cảnh sát. Không ai ám ảnh thực thi công lý và pháp luật bằng anh, ám ảnh tới nỗi trói buộc những cảnh sát đang lững lờ như Bullock phải chọn phe, trở thành người ủng hộ và giúp đỡ anh, dù cho niềm tin vào chính nghĩa chẳng còn là bao. Gordon chọn trở thành biểu tượng của công lý và chính nghĩa cho Gotham, để có thể mang tới “ngày mới”, để trở thành chỗ dựa tinh thần cho Bruce Wayne (dù rằng sau này ảo tưởng trở thành chỗ dựa của Gordon đã đổ vỡ, và đôi lúc Gordon lại tìm sự nâng đỡ tinh thần từ chính Bruce Wayne để tin tưởng hơn vào con đường mình chọn).
Nhưng “ngày mới” ấy không đến theo những gì Gordon muốn. Sự thật là “ngày mới” không phải là sự kết thúc của quyền lực tội phạm, mà là những tên tội phạm điên rồ hơn, hung bạo hơn, bất chấp pháp luật hơn. Thứ mà Gordon tưởng là cuộc chiến giữa chính nghĩa và cái ác thực chất lại trở thành cuộc chiến giữa cái ác và cái ác mà kẻ ác nào nắm giữ chính nghĩa trong tay thì kẻ đó giành chiến thắng. Giết chết một Gordon quá dễ dàng đối với các thế lực tội phạm, hơn cả thế, tội phạm muốn bẻ gãy chính nghĩa của Gordon, để Gordon phải bị đồng hoá, phải trở thành một trong số chúng. Bẻ gãy chính nghĩa của Gordon là bẻ gãy thành trì cuối cùng của pháp luật tại Gotham.
Tại sao pháp luật lại quan trọng đến vậy?
Nếu theo sát tiến trình của các tội phạm tại Gotham, ta sẽ thấy rằng các nhà làm phim cho rằng cái ác có sẵn trong mỗi con người, và nó chỉ đợi thời cơ để đâm hoa kết trái. Cái ác sẽ lớn mạnh trong môi trường bạo lực, vô chính phủ, gian dối, tham nhũng và thiếu thốn tình thương. Cái ác như một thế lực vô hình chi phối và đưa đẩy con người vào tội lỗi, cho dù là một người bình thường hay một người thực thi công lý.
Những kẻ ác huyền thoại trong thế giới comic của Dc đều xuất hiện: gia đình Falcom, Fish Mooney, Penguin, Doll Maker, Mad Hatter, Hugo Strange, The Riddler, Jerome (nguyên mẫu truyền cảm hứng cho Joker sau này)… Kẻ ác ở Gotham có nhiều khuôn mặt, nhiều trạng thái và nhiều đẳng cấp:
Loại ám ảnh nhất là những kẻ tâm thần. Những kẻ tâm thần mất khả năng tiết chế hành vi của bản thân, họ không có nỗi sợ pháp luật, mà chỉ hoàn toàn hành động theo điều thôi thúc bên trong. Họ coi cái ác không phải do hoàn cảnh xô đẩy mà là một lý tưởng sống, là biểu hiện cho tự do được là chính mình. Hãy nhìn The Riddler Nygma. Hắn vốn là một nhân viên mẫn cán của sở cảnh sát, một người tỉ mỉ và thông minh, nhưng hắn luôn hành xử kỳ quặc, và có phần bị rối loạn đa nhân cách. Thế nhưng, khi giết người và hoàn toàn trở thành tội phạm, hắn lại tỉnh táo, sắc lạnh, tự tin hơn bất cứ kẻ nào khác, và trạng thái rối loạn nhân cách hoàn toàn biến mất. Trạng thái ấy chỉ quay trở lại khi Nygma tiếp tục chối bỏ bản thân mình và đổ vỡ bởi tình yêu tan vỡ, bị phản bội, lừa dối. Hoặc như Mad Hatter, hắn luôn coi cái ác là sức mạnh, là nấc tiến hoá cần thiết, là “tipping point” khi con người vượt qua nỗi sợ hãi của mình. Nhưng ám ảnh nhất có lẽ là Jerome. Jerome điên loạn một cách đầy cảm hứng, hắn truyền thông, hắn thúc đẩy, hắn hô hào… chỉ để đám đông thấy cái ác là điều tuyệt diệu, hắn coi việc con người giết chóc và hành hạ người khác là sự thức tỉnh. Hắn – như thể chúa hiện thân cho cái ác. Một đêm Jerome hoành hành là một đêm kinh hoàng của Gotham. Những kẻ “thức tỉnh” ấy, phần nhiều đều là những kẻ thất bại trong cuộc đời, thất bại tới mức chuyển hóa nỗi đau thành cơn điên loạn che mờ mọi dạng cảm xúc khác. Ta sẽ thấy những kẻ này tràn ngập Gotham. Họ là sản phẩm lỗi của một xã hội vắng bóng chính nghĩa và tình người.
Loại tội phạm tham quyền lực là loại tội phạm mang nhiều ẩn dụ chính trị, nói thẳng thừng, đó là những chính trị gia điển hình. Họ sẵn sàng phạm tội để đạt mục đích, để nắm toàn bộ quyền lực của Gotham. Đó là những Falcon, những Fish Mooney, những Galavan, những Penguin. Penguin là nhân vật phản diện trung tâm của thế giới Gotham. Khác với những kẻ ác khác, hắn biết trân trọng điều tốt đẹp, và thay vì muốn bẻ gãy Gordon, hắn muốn cùng Gordon cai trị Gotham, phân chia hai nửa thiện ác. Hắn ý thức được khía cạnh bệnh hoạn tâm thần của mình, chọn được vào bệnh viện tâm thần Arkham để bảo toàn mạng sống, và tận dụng sự bệnh hoạn như một thú vui. Hắn, rốt cuộc đã tiến xa trên con đường chính trị hơn kẻ ác khác, hắn chớp thời cơ trở thành thị trưởng, hắn biết vận động đám đông dân chúng vốn xuất thân từ tội phạm. Hắn cho những tên tội phạm một mác mới: người dân. Nhìn cuộc đời “lên voi xuống chó” của Penguin, ta thấy như được xem lại con đường trở thành những tội phạm đầy quyền lực mà trước đó đã cai trị Gotham.
Loại thứ ba đầy nghịch lý, chính là những người muốn bảo vệ thành phố. Gotham tồn tại một hội đồng kín để gìn giữ trật tự của xã hội. Nhưng để đảm bảo trận tự ấy, không việc ác nào hội đồng này không làm. Hội đồng kiểm soát cả những kẻ tâm thần và các chịnh trị gia. Thứ hội đồng này muốn bảo vệ không phải là người dân mà là quyền lợi và khối tài sản lâu đời của các gia tộc sáng lập. Những người như Gordon và cậu bé Bruce Wayne đứng giữa ranh giới mong manh giữa quyền lợi của người dân thành phố hay trật tự của thành phố. Tâm lý và hành động của Gordon và Bruce Wayne luôn diễn biến rất phức tạp, dựa trên rất nhiều tính toán. Những quyết định của họ là để giải quyết bài toán lớn của Gotham và đa phần những suy tính ấy đều “thân bất do kỷ”.
Và tới đây, pháp luật trở nên cần thiết. Pháp luật hạn chế cái ác. Một người thực thi công lý nếu không có pháp luật thì sẽ trở thành tội phạm, giống trường hợp cảnh sát trưởng Barnes (một vị cảnh sát trưởng rất sắt đá trong trừng trị tội phạm nhưng về sau đã trở thành siêu tội phạm) và Harvey Dent (trong “The Dark knight”, công tố viên luôn bảo vệ chính nghĩa nhưng quá chán nản với hệ thống hành pháp tới mức tự mình hành pháp). Theo các quy định pháp luật, công lý, tiếc thay lại được thực hiện nửa vời. Mọi kẻ tội phạm đi tù hay bị nhốt tại bệnh viện tâm thần Arkham đều trở nên nguy hiểm hơn. Nhưng nếu cảnh sát thẳng tay thực thi công lý bằng hành vi nổ súng thì cảnh sát tự nuôi trong mình mầm mống cái ác và trở thành một trong số các thế lực tội phạm núp danh nghĩa chính quyền.
Nổ súng hay không nổ súng, đây là câu hỏi lớn với ngành cảnh sát Hoa Kỳ khi đối mặt với tội phạm. Trong nhiều năm nay, các vụ cảnh sát tuỳ ý nổ súng bắn nghi phạm đã gây phẫn nộ trên cộng đồng mạng, và là ví dụ điển hình cho hành vi vi phạm nhân quyền trầm trọng. Yếu tố này đã được khai thác rất khéo léo trong “Gotham”. Không phải là những lời hô hào về bảo vệ nhân quyền, “Gotham” đặt một câu hỏi khác: Nếu cảnh sát dùng cái ác để tiêu diệt cái ác thì điều gì sẽ xảy đến với nhân cách của cảnh sát, điều gì sẽ xảy đến với pháp luật và công lý cần được thực thi?
Một điều đáng tiếc của Gotham, đó là khía cạnh pháp luật lại không được khai thác đủ sâu, mà chỉ được đề cập tới chung chung, nhập nhằng với đạo đức. Điều ấy khiến bộ phim quay cuồng trong tiếng cười điên loạn của tội phạm và gương mặt khá thốn của Gordon. Các nhà làm phim của DC quá say sưa với sự điên rồ của những tên tội phạm tâm thần, mà quên mất rằng những tội ác khủng khiếp nhất tạo ra môi trường nuôi dưỡng cái ác lại nằm ở sự vờ vịt thiện lương.
Một điểm thú vị về cái tên Gotham: Gotham là viết tắt của “Goat home”, nghĩa là chuồng dê. Dê là biểu tượng của quỷ dữ, đại diện cho Satan, cho tội ác. Từ thế kỷ 11, những nhóm người nhỏ thờ dê đã phát triển mạnh tại các đô thị, thậm chí còn là Chúa trong đền thờ của hội Hiệp sĩ Dòng Đền, giống Jerome đối với hội kín của hắn. Các nghi lễ thờ dê thường đẫm máu, nhuốm màu dục tính, và thường được các tín đồ cho rằng đó là sự giải phóng bản năng con người. Đặt tên Gotham cho thành phố giả tưởng này là một sự lộn ngược trong cái nhìn về tội ác: Những kẻ phạm tội không phải là cái vài cá nhân ác độc giữa bầy người ngoan như cừu, mà cái ác luôn tồn tại và ngập tràn, chỉ có một vài cá nhân nhỏ nhoi cố để vươn lên, tách mình khỏi bầy đàn ác độc. Và muốn thế, những cá nhân ấy không thể kích động mầm ác trong mình bằng cách tiêu diệt cái ác ở bên ngoài xã hội. Bởi vì, như Friedrich Nietzsche khẳng định rằng đấu tranh với quỷ dữ thì ắt sẽ có ngày trở thành quỷ dữ.
Hà Thủy Nguyên