Home Xem TÂM LÝ HỌC TRONG HỘP BÚT CHÌ MÀU
Xem

TÂM LÝ HỌC TRONG HỘP BÚT CHÌ MÀU

Minh Hùng

05/03/2019

Giống như những nốt nhạc góp lên dãy phím đàn, hay những chữ cái tạo thành bảng chữ cái, màu sắc cũng góp phần dựng xây lên cảm xúc của chúng ta. Chẳng phải ngẫu nhiên mà trong tiếng Anh, tên của màu sắc cũng dùng để miêu tả tâm trạng, như trong cách nói “feeling blue” hay “seeing red”. 
Mỗi sắc màu kết nối một cách tinh tế với một mạng lưới những trải nghiệm, những liên kết. Một số màu kết nối đến những thứ rất riêng, rất cá nhân: màu vàng nào đó gợi ta nhớ đến căn bếp của người bà đã mất, hoặc đôi ủng ta mang khi còn nhỏ. Nhưng nhiều màu khác thì mang những ý nghĩa phổ quát hơn. Khám phá những mối liên kết mà màu sắc gợi ra trong ta là một cách để hiểu thêm chính mình, và, cũng quan trọng không kém, qua đó ta có thể biết cách biểu lộ chính bản thân mình với mọi người xung quanh.
Màu vàng: Hy vọng
Màu vàng vô tư và tự tin. Nó không cần phòng thủ, không cần tự vệ. Nó như một tấm khiên chống lại tuyệt vọng và cảm giác xấu hổ. Nó muốn hút lấy sự chú ý của ta, như một đứa trẻ hạnh phúc vui sướng khi trở thành trung tâm của mọi thứ. Đôi khi, năng lượng từ màu vàng mang tính áp chế, nhưng cũng giống như sứ giả nổi tiếng nhất của nó – quả chanh – có rất ít thứ nó không giúp nâng cao lên. 
Nhà thơ người Đức Johann Wolfgang von Goethe yêu màu vàng và xem nó là màu sắc của một thái độ tràn đầy hy vọng nhẹ nhàng đối với đời sống. Ông sở hữu một bộ sưu tập gồm 20 chiếc áo gilê màu vàng, và luôn kết hợp chúng cùng quần màu trắng – bởi ông cũng thích sự êm đèm trầm ổn.

Joseph Mallord William Turner, Light and Colour (Goethe’s Theory), 1843

Màu cam: Sức sống
Màu cam trưởng thành hơn một chút, mạnh mẽ và mang tính đe dọa nhiều hơn hàng xóm và cũng là anh em của nó, màu vàng. Nó gần như ám chỉ một điều gì đó đáng sợ. Ta hay thấy nó ở nội tâm sục sôi của mặt trời. Tuy nhiên khi dùng ở mức vừa phải, nó giống như một sự tập trung năng lượng và sức sống, thứ mà ta thường thiếu trong tâm trí và tình cảnh của mình. 
Phủ màu cam lên toàn bộ căn phòng, chiếc xe, lá cờ hay quần áo là một điều mạo hiểm, bởi nó có thể quá chói và ám ảnh, nhưng nếu chối bỏ lợi ích thường có của màu này thì cũng thật sai lầm. Ta nên học cách sắp xếp để khiến màu cam biểu hiện cho một cuộc sống cân bằng.
Màu đỏ dịu: Tính phiêu lưu
Một sắc đỏ dịu và sáng sẽ mang tính phiêu lưu, mang dấu ấn của trí khôn, và thậm chí cả một sự nhẫn tâm nữa. Nó không quá bận tâm đến những điều người khác nghĩ. 
Màu đỏ dịu này là thuốc bổ trong trường hợp ta đang quá lo lắng về ý kiến của người khác. Màu đỏ dịu không quá khắc nghiệt, nó độc lập. Nó thích dẫn đầu hơn là theo sau. Màu này thường xuất hiện ở những biểu ngữ, khi người ta thấy họ có thể làm chủ cả thế giới (hoặc một phần của nó).

Jean-Auguste Dominique Ingres, Bonaparte, First Consul, 1804

Màu đỏ thẫm: Quyền lực
Khi Napoleon lên ngôi Hoàng đế Pháp năm 1804, ông mặc một chiếc áo choàng nhung đỏ lộng lẫy. Đó là màu của ngôi vua, của quyền lực, của sự hoành tráng rực rỡ, của hình thức nghi lễ. Màu đỏ thẫm đồng thuận với uy quyền, ủng hộ ý tưởng về sự trưởng thành. Đó là màu sắc của sự quyết đoán và an tâm, nó có tác dụng như một lời nhắc nhở về thái độ đòi hỏi khắt khe hơn, nhất là trong trường hợp ta do dự ngập ngừng bởi những sai lầm hoặc bất hạnh. 
Màu đỏ thẫm lên tiếng thay cho thứ thái độ rất Napoleon đang ẩn sẵn trong tâm hồn mỗi người.
Màu tím: Sự mơ hồ lưỡng thể
Màu tím là thứ màu đỏ đang chuyển dần sang xanh biển. Nó giữ mỗi thứ một chút, và gợi nhớ cả hai màu này, thế nên nó bí ẩn, mơ hồ, gợi cảm. Các nghệ sĩ Phục hưng thích thú việc miêu tả các thiên thần đang bận rộn công việc vặt vãnh giữa trời và đất, và họ tả thiên thần mang áo tím. 
Màu này gợi lên cho họ ý tưởng về một sự “quá độ” vô hạn, nó không đe dọa, không hề nguy hiểm, một nơi đâu đó chúng ta luôn hướng về nhưng lại luôn nằm ngoài tầm mắt.

Paolo Veronese, The Dream of Saint Helena, 1570

Màu xanh da trời nhạt: Sự rõ ràng
Đây là sắc màu của bầu trời buổi sớm quang mây – dường như ở phía bắc, hay ở vùng núi non. Đây là màu của sự năng động. Nó vui vẻ, không sợ hãi, sẵn sàng đối mặt với tất cả những thứ bạn đã bỏ qua. Bóng tối, sai lỗi, nghi ngờ, do dự… tan biến khi có màu xanh da trời nhạt. Nó chẳng bao giờ tàn nhẫn, mà luôn tràn đầy thiện chí vui vẻ. Nó luôn rõ ràng và hợp lý. Nó thích những mệnh đề ngắn gọn trực tiếp. Nó muốn bạn dọn sạch bàn làm việc.
Màu xanh da trời đậm: Kỷ luật
Đây là màu của trật tự và kỷ luật. Nó nhắc ta không bao giờ bỏ cuộc, luôn tìm khả năng hồi phục trở lại. Nó kiên quyết, đáng tin cậy. Màu xanh da trời đậm không thể bị lấn át. Nó gắn với những nhiệm vụ chủ chốt, những điểm quan trọng. Nó luôn hướng tầm mắt tới kết quả sau cùng. Mạnh mẽ hơn là khắc nghiệt, dũng cảm hơn là dữ tợn, đây là thứ màu của văn minh và sự chỉ huy. Đó là thứ quyền lực trong tay mình, mang tính xây dựng và bảo vệ. Đó là màu sắc của một người cha chân chính.
Màu xanh lá nhạt: Sự ôn hòa lành mạnh
Màu xanh lục nhạt tạo cảm giác tươi mới, tự nhiên về một sự ôn hòa lành mạnh. Nó được gọi ra khi ta biết ơn nhiều hơn là ghen tị. Khi ta không cần phải hạ thấp người khác để thấy mình tốt hơn, khi ta hứng thú với việc tìm hiểu sự việc tiến triển tốt như thế nào hơn là phàn nàn về hành vi của người khác. 
Ta có thể dùng màu này để tập trung năng lượng của mình vào làm việc – thay vì đổ lỗi cho người khác về thất bại của mình, hay nghi ngờ sức mạnh bản thân.

Paul Cézanne, Etang des Soeurs at Osny, 1875

Màu xanh lá đậm: Chủ nghĩa hiện thực
Một màu xanh lục bớt tươi hơn, sâu lắng hơn sẽ hướng đến chủ nghĩa hiện thực. Từ này thường được liên tưởng một cách ảm đạm là nó chống lại hy vọng, nhưng thực ra, nó nuôi một thứ hy vọng trưởng thành hơn và thực tế hơn. Cảm xúc này gợi lên cho chúng ta rằng mọi việc đều khó khăn, nhưng phần khó nhất ta sẽ vượt qua, rằng ta có thể tốt và ổn, rằng ta có thể xoay xở và giải quyết được bất chấp những thỏa hiệp và thất vọng không thể tránh khỏi. Đây là thứ hy vọng không mù quáng, hy vọng tạo lập bằng hiểu biết đúng đắn về những rắc rối ở đời, nhưng vẫn không hề lùi bước. Nó kéo ta lại với sự điều độ, kiên nhẫn và tiết chế.
Màu nâu nhạt: Êm ái dịu dàng
Màu này chẳng muốn thu hút sự chú ý về mình. Nó mang ý thức về thời gian trôi qua, và cảm thấy sức mạnh của thời gian. Nó ưa sự tĩnh lặng. Nó thường trầm tư và nhẹ nhõm. Nhưng nó không muốn ru ta ngủ. Màu nâu nhạt là người bạn của ta khi ta cần bình tĩnh lại, tránh những kích thích từ bên ngoài, để cho giọng nói nhỏ nhẹ thầm thì ở thế giới nội tâm ta có thể lên tiếng, để những ký ức, những liên kết xa vời trong khoảnh khắc bắt đầu một tư duy mới, có thể nảy nở.

John Constable, Cenotaph to the Memory of Sir Joshua Reynolds, 1833-6

Màu nâu đậm: Lòng tự trọng
Tự trọng thì không cần phải cố gắng gây sự chú ý. Tự trọng là khi bạn hiểu chắc chắn về bản thân mình – bạn biết rõ mình là ai, mình bảo vệ cái gì, ủng hộ cái gì. Đây là màu của một chiếc bàn gỗ gụ cổ kính, với chiếc đồng hồ đều đặn đếm thời gian gần đó. Thời gian chậm rãi và vô tận, nên thái độ ở đây không gấp, không vội. Nâu đậm không phải màu của sự bận rộn, mà nó là bóng mát thoải mái của đất đen trong một ngày ẩm ướt. Không quyến rũ, nhưng tốt lành sâu sắc và mang tới sự an tâm. Màu nâu đậm vững chắc và đáng tin cậy.
Màu đen: Uy tín, thầm quyền
Đây là sắc màu trường cửu của thời trang và cả sự gian trá trong thế giới hiện đại. Màu đen mạnh mẽ, không ảo tưởng. Nó bỡn cợt tính hoài nghi yếm thế. Đây là sắc độ ít ngây thơ nhất, ít trẻ con nhất của màu sắc. 
Ta cần màu đen khi cần giữ cái đầu lạnh, ta đã thấy quá đủ nên không bị phân tâm nữa. Nó nhắc ta trở nên khắc nghiệt hơn, đòi hỏi nhiều hơn và quyết đoán hơn một chút. Màu đen là màu của sự tinh gọn.

Có thể nhiều người trong chúng ta chưa từng có một hộp bút chì màu đẹp đẽ khi còn là trẻ con. Tuy nhiên với đời sống trưởng thành, ta nên có một hộp, bởi với việc chọn màu sắc phù hợp, ta có thể tự tay điều chỉnh một loạt những tâm trạng và nguồn cảm hứng trong đời sống của mình.
Thay vì tiếp chuyện người khác, việc đôi khi mang đến kết quả tệ hơn, ta có thể nói chuyện với các sắc màu: lần lượt nhìn vào từng cây bút trong hộp bút chì màu và xem nó gợi lên điều gì trong ta. 
Khi tự vấn về tâm trạng của ta lúc này, ta có thể hãm bớt những nghĩ ngợi và tự chọn lấy một cây bút, vẽ vời với nó, nhớ rằng lựa chọn ấy có thể cho ta biết tâm trạng thực sự của mình đang thế nào.
 
Nguồn: The School Of Life
Minh Hùng dịch
Bài đã đăng trên Ipick.vn

“Nghệ thuật và Vật lý” – Một tiến trình tương tác thay đổi tư duy của Văn minh phương Tây

Tên sách: Nghệ thuật và Vật lý – Những cái nhìn tương đồng về không gian, thời gian và ánh sáng Tác giả: Leonard Shlain NXB Tri Thức – 2012 Số trang: 562 trang Tiến trình của sách: Tác giả đưa ra sự tương đồng của Vật lý và Nghệ thuật về mặt Không gian – Thời gian – Ánh sáng. Mỗi khi một nhà khoa học nghi ngờ về thực tại và tìm được cách lập luận hoặc minh chứng cho điều họ suy

Tội phạm: hoàn cảnh hay bản chất?

  BookHunter: Những ngày gần đây, truyền thông đại chúng liên tục đưa tin về các vấn đề cướp - giết - hiếp... Dường như tội ác đang tràn lan khắp nơi. Trong khi dư luận đang tranh cãi về sự suy đồi đạo đức và lỗ hổng của luật pháp, thì thực tế lại chưa có tranh luận nào đi sâu vào tâm lý tội phạm. Chính vì vậy, chúng tôi xin giới thiệu một cuốn sách nghiên cứu về chủ đề này.  Bài viết

Chúng ta là những nhân vật giả tưởng do chính mình tạo ra

Chúng ta vẫn luôn tưởng tượng và tranh cãi với nhau về đời sống nội tâm của các nhân vật văn học với ý thức rằng chẳng có sự thật nào về có động cơ và niềm tin của họ cả. Lẽ nào đời sống nội tại của chính chúng ta cũng chỉ là những tác phẩm hư cấu?       Các dữ liệu cho thấy rằng những câu chuyện về động cơ, niềm tin và giá trị mà chúng ta tự sự với

Tại sao bạn nên vẽ tranh thay vì chụp ảnh

Mỗi khi bắt gặp một thứ gì thú vị, một cảnh nào tươi đẹp, trong con người xuất hiện động lực thôi thúc muốn đoạt lấy và lưu giữ nó – nghĩa là, trong thời đại ngày nay, chúng ta sẽ thường rút điện thoại ra và chụp ảnh. Dù giải pháp trên trông có vẻ cũng lý tưởng, nhưng có hai vấn đề lớn khi ta chụp ảnh.  Thứ nhất, khi đã rút điện thoại lên chúng ta dường như bận rộn chụp ảnh

Minh Hùng

03/09/2018

“Đất” của Lý Trực Sơn: Tự nhiên trừu tượng

Họa sĩ Lý Trực Sơn đến với sơn mài để chạm tới những đường cong siêu thực của thực tại, một giai đoạn của sự tròn đầy. Nhưng viên mãn không phải là điều một nghệ sĩ đeo đuổi, ông đã “nở trong hư không” với giấy dó và màu nước, kết hợp giữa những vết loang tự nhiên của vật liệu đầy biến ảo với những xuất thần của cái nhìn thế giới: trừu tượng. Trừu tượng luôn biểu hiện những cái ẩn tối