Khi quay “Kong” tại Việt Nam, các khán giả Việt không giấu nổi tự hào vì các cảnh đẹp nước mình trở thành một trong các trường quay của Holywood. Thế nhưng, khi phim được công chiếu tại các rạp, không ít các khán giả tỏ ra bực bội về bộ phim. Phản ứng này liệu có phải thái quá trước một bộ phim bom tấn mà đáng lẽ phải nhận được sự trầm trồ của khán giả hay không? Tôi xin phép được đưa ra một vài lý giải về phản ứng chê bai của khán giả Việt đối với “Kong”.
Thứ nhất, “Kong” (2017) không giống “King Kong” (2005), thậm chí là đi theo một hướng hoàn toàn khác. Nếu “King Kong”(2005) là một câu chuyện tình sến súa ướt sườn sượt giữa King Kong và cô diễn viên tóc vàng hoe có vai trò như búp bê trang trí thì “Kong” là một bộ phim thuần túy hành động. Nếu các nhân vật nam chính trong “King Kong” đều là đám người làm phim tìm kiếm điều mới lạ thì các nhân vật nam chính trong “Kong” có chuyên môn hơn, họ đều là nhà khoa học hoặc là binh lính. Nếu nữ chính trong “King Kong” là một diễn viên cố gắng mọi tạo hình để thể hiện vẻ đẹp cơ thể thì ở “Kong”, nữ chính lại là một nhà báo phản chiến muốn truy tìm mọi bí mật đằng sau các quyết định của chính quyền Mỹ. Nếu thái độ của đám người trong “King Kong” là coi vị vua rừng già này như một con vật trong rạp xiếc thì trong “Kong” đám người có hai thái độ: hoặc sợ hãi tới mức muốn tiêu diệt, hoặc muốn tận dụng sức mạnh của Kong để tiêu diệt các nguy cơ khác từ bên ngoài. Nếu trong “King Kong”, cô gái tóc vàng hoe và King Kong hình thành mối tình sâu kín và King Kong hành xử như soái ca chết vì gái, thì Kong trong bộ phim mới này xuất hiện như một vị vua cô độc giữa rừng già không hề động “thất tình lục dục”. Người xem mong chờ mối tình sến súa ấy sẽ một lần nữa tái hiện trong “Kong”, nhưng không, Kong đối với em tóc vàng chỉ là cứu giúp mà thôi. Nếu xem kỹ bộ phim, bạn sẽ thấy rằng Kong luôn cứu giúp các con thú có vú (ví dụ như người và trâu); nó sẽ tiêu diệt đám bò sát, nhuyễn thể và tất cả những gì tàn phá lãnh thổ của nó. Cô nhà báo phản chiến là đại diện cho những con người nhận thức được giá trị của Kong và sẵn sàng hợp tác để tiêu diệt các mối đe dọa từ thằn lằn xương sọ. Sự khác biệt về hướng đi mới của “Kong” với cốt truyện cũ vốn dĩ đã ăn sâu trong tâm trí khán giả chính là lý do khiến không ít người buông một chữ “nhạt” đối với phim. Nếu gạt bỏ đi sự thích thú với các màn sến súa và tận hưởng những màn đánh nhau hài hước và kỹ xảo hoành tráng thì các bạn sẽ thấy đây là bộ phim mãn nhãn.
Thứ hai, “Kong” quả thực là sự xúc phạm đến lòng tự tôn dân tộc của người Việt. Những người Việt xuất hiện trong phim đều là gái làng chơi và dân cờ bạc ăn quịt hoặc thổ dân dưới sự bảo hộ của Kong. Vậy các bạn muốn người Việt xuất hiện như thế nào? Một nhà khoa học khám phá về các sinh vật huyền bí và lòng Trái Đất? Không đủ khả năng. Một anh lính với đầy đủ kỹ năng để xông pha vào cuộc chiến chống các sinh vật khổng lồ? Bạn muốn chứng kiến con thằn lằn khạc ra hộp sọ của người Việt không? Các bạn cũng sẽ chửi theo cách khác thôi. Và đương nhiên, người Việt không thể làm diễn viên chính vì chẳng người Việt nào đủ tiền đầu tư vào phim bom tấn Holywood. Chấp nhận sự thật đi các bạn ạ! Quốc gia nào có tiền đầu tư sẽ có phần trong nhân vật chính. Nếu muốn được làm nhân vật chính, hãy làm “Kong” phiên bản Việt Nam. Đại diện cho người Việt là gái làng chơi và dân cờ bạc ăn quịt thiết nghĩ cũng không có gì là thái quá. Nhóm thổ dân cũng là một đại diện cho cái nhìn của người phương Tây về dân Việt nói riêng và các nhóm dân cư khu vực Đông Nam Á nói chung. Đó là những người thân thiện nhưng man rợ và mọi hành động đều mang tính cộng đồng chứ không có tính cá nhân. Điều ấy cũng không có gì sai dù là phiến diện. Tuy nhiên, xin các bạn nhớ cho rằng, bối cảnh Đảo Đầu Lâu trong cốt truyện là một đảo hoang ở Nam Thái Bình Dương chứ không phải Việt Nam. Các cảnh vịnh Hạ Long, Ninh Bình chỉ là mượn cảnh rừng núi khu vực này để mô tả cho đảo Đầu Lâu mà thôi.
Thứ ba, cái kết của phim thực sự là rất nhạt. “Happy ending” cho các nhân vật chính. Kong tiếp tục làm vua rừng già sau khi chiến thắng con thằn lằn đầu sọ. Cô phóng viên phản chiến và anh chàng lính Anh lưu lạc làm nghề dẫn đường, cô nàng Trung Quốc không hiểu xuất hiện để làm gì và chàng khoa học gia trẻ tuổi da đen , những anh lính theo phe các nhà khoa học, ông lính già lạc trên đảo hoang Marlow… đều an toàn trở về. Thậm chí, cảnh cuối cùng của bộ phim là cảnh đoàn tụ của Marlow theo mô tuýp “như chưa hề có cuộc chia ly”, quả thực là không để lại ấn tượng sâu sắc nào. Cái kết đã làm tụt hứng người xem vốn đang hào hứng với những màn mãn nhãn đầu phim.
Mặc dù phim chỉ mượn rừng núi Việt Nam để dựng cảnh đảo Đầu Lâu, nhưng những gì xuất hiện trong phim lại liên quan không ít đến văn hóa Việt Nam. Tục xăm mình ở thổ dân không chỉ đến từ thổ dân châu Mỹ mà dân Việt cũng có tục xăm mình. Các vua nhà Trần có tục xăm mình, chỉ sau thời Trần Anh Tông tục xăm mình của các vua Trần mới được gỡ bỏ. Nhiều tộc người ở Việt Nam cũng đều có tộc xăm mình như một cách giao tiếp với thần thánh và chống lại ma quỷ. Nếu các bạn để ý sẽ thấy rằng các sinh vật huyền bí xuất hiện trong phim đều có trong các biểu tượng trên trống đồng Đông Sơn. Đây là một điều đáng ngạc nhiên: con trâu (trâu rừng bị mắc kẹt được cô nhà báo cứu), con chim nước (mấy anh lính chê “chim gì mà xấu thế”), con cá sấu (thằn lằn đầu sọ có thân và đầu giống với cá sấu), con khỉ (hình tượng của Kong). (Tìm hiểu thêm về vấn đề này qua sách “Nguồn gốc và sự phát triển của trống đồng Đông Sơn”, tác giả Tạ Đức: https://www.bookhunterlyceum.org/san-pham/nguon-goc-va-su-phat-trien-cua-trong-dong-dong-son/ ) Không rõ việc sử dụng các biểu tượng này là vô tình hay hữu ý, nhưng không khí quen thuộc của mảnh đất Việt được thể hiện một cách hoang sơ vô tình khiến người xem quên mất dữ liệu về vị trí của đảo Đầu Lâu theo cốt truyện vốn là hòn đảo phía Nam Thái Bình Dương.
Phim “Kong” được quay ở Việt Nam, chúng ta cũng đừng nên lấy đó làm tự hào. Những cảnh sắc chúng ta ca ngợi như vịnh Hạ Long hay non nước Ninh Bình chẳng qua cũng chỉ để làm nền cho môt hòn đảo hoang có cái tên ghê rợn là “Đầu Lâu”. Ấn tượng chủ yếu về cảnh sắc này là vùng đầm lầy hoang dã với các con vật hung dữ. Xem phim, chúng ta không thấy được vẻ đẹp hùng vĩ của phim, bởi những ngọn núi tại khu vực Hạ Long hay Ninh Bình đều chỉ là núi thấp, và núi cũng không cao hơn Kong được bao nhiêu. Chúng ta nên xem “Kong” như một trường hợp để học hỏi. Đoàn làm phim đã có những cách quay rất thông minh. Trong phim, tất cả các dấu vết lổn nhổn của văn hóa dở quê dở tỉnh ở các khu vực này đều bị xóa bỏ một cách đáng kinh ngạc và thay bằng cảnh rừng núi hoang dã. Vậy thì, ta có thể rút ra kết luận rằng không khó cho Việt Nam để có thể quay một cảnh sắc thiên nhiên ở nước ta.
Tô Lông