Không chỉ là một họa sĩ nổi danh thế kỷ XVII, Peter Paul Rubens (1577 – 1640) còn là một nhà ngoại giao được phong tước bởi cả vua Philip IV của Tây Ban Nha lẫn vua Charles I của Anh, một học giả uyên bác nghiên cứu khoa học nhân văn, một cố vấn thân cận cho đức vua, một hiệp sĩ đáng kính, một nhà sưu tầm nghệ thuật tâm huyết. Thật khó để giới thiệu hết về những thành tựu trên nhiều lĩnh vực của con người đa tài này. Tại Foxspirit, chúng tôi xin giới hạn nội dung lại trong hội họa, lĩnh vực mà Rubens được coi như “một trong những họa sĩ quan trọng nhất và có ảnh hưởng nhất mọi thời đại” (theo Wendy Beckett).
Gọi Rubens là “danh họa cung đình” không phải để nhấn mạnh đến quyền thế chính trị trong tay ông, mà là bởi trước ông, không có họa sĩ phương Tây nào có được sự bảo trợ đầy quyền lực như Rubens cả. Ông là một trong số những họa sĩ hiếm hoi có thể sống thong dong bằng thu nhập từ chính nghề họa sĩ của mình. Được học hành bài bản trong một gia đình quý tộc, tài năng phi thường của Rubens sớm bộc lộ và được các quân vương châu Âu thời bấy giờ đặc biệt tán thưởng. Ông liên tục được đặt hàng vẽ tranh từ phía các triều đình, chủ yếu là tranh về đề tài tôn giáo, tranh lịch sử, tranh thần thoại, hoặc vẽ chân dung.
Có được chỗ dựa chính trị vững chắc, Rubens sử dụng các tác phẩm của mình như một vũ khí hữu hiệu để cải biến xã hội. Rất nhiều bức vẽ của ông về đề tài tôn giáo có mục đích bảo vệ niềm tin tôn giáo của mình, chống lại cuộc Cải cách tôn giáo đang diễn ra thời bấy giờ. Một số bức tranh khác là để thực hiện sứ mệnh ngoại giao nối lại nền hòa bình đã rạn nứt giữa Tây Ban Nha và Anh. Rubens vẽ bức “Nỗi kinh hoàng của chiến tranh” khi vua Charles I gần như sắp tuyên chiến với Tây Ban Nha, và để khuyên ngăn các vị quân vương đừng dấy lên các cuộc chiến tương tàn đẫm máu, ông vẽ bức “Thảm sát người vô tội”.
Không kể đến những hiệu quả chính trị xã hội từ những bức vẽ ấy, chất lượng nghệ thuật của nó đã khiến các họa sĩ bấy giờ phải kinh ngạc. Cần phải nói thêm bối cảnh hội họa giai đoạn này, sau khi Michelangelo qua đời, những chuẩn mực cái đẹp Phục Hưng, vốn đặc trưng bởi sự cân đối, vững vàng, tĩnh tại, trang nhã thoát tục đã không còn tìm ra được người duy trì xứng đáng. Rubens dẫu vô cùng ngưỡng mộ Leonardo da Vinci, nhưng sớm đã bắt đầu những thử nghiệm mới mẻ so với tiêu chuẩn thời bấy giờ. Cái đẹp với ông là ở sự kịch tính của khoảnh khắc hành động, là cảm xúc được biểu hiện mạnh mẽ với những mảng màu tương phản rõ rệt, cùng với đó, chủ đề tranh cũng bắt đầu đi vào những lĩnh vực giản dị hơn, có khi còn miêu tả kỹ lưỡng những ham muốn trần tục của con người. Ngay cả khi khai thác những chủ đề cổ điển, Rubens vẫn luôn truyền vào đó những chuyển động mạnh mẽ hoa mỹ và sức sống mãnh liệt. Những cách tân của Rubens đó đã có ảnh hưởng lớn đến lớp họa sĩ châu Âu trong cả thế kỷ XVII và nửa đầu thế kỷ XVIII, gây dựng nên một phong trào hội họa mà ngày nay chúng ta gọi là hội họa Baroque với nhiều tác phẩm có giá trị.
Để lại hơn 1000 tác phẩm vô giá với đa dạng các thể loại, đề tài khác nhau, Peter Paul Rubens trở thành nhân vật bản lề của những thay đổi trong dòng chảy hội họa châu Âu cho đến tận ngày nay. Dưới đây là một số tác phẩm nổi tiếng nhất của ông.
#1. Những bức tranh phong cảnh
Miracle of Saint Hubert, vẽ cùng Jan Bruegel năm 1617
The Château Het Steen with Hunter, năm 1635–1638
Landscape with Milkmaids and Cattle, 1618
#2. Những bức tranh về thần thoại
The Birth of the Milky Way, 1636–1637
Nymphs filling the horn of plenty, 1615
#3. Tranh vẽ cho Nữ hòang Pháp Marie de’ Medici
Maria de’ Medici’s arrival in Marseille
The Education of the Princess
The Flight from Blois
#4. Những bức tranh chủ đề tôn giáo
The Virgin of the Immaculate Conception, 1626–1628
The Holy Family 1630
King Solomon, 1617
Samson and Delilah, 1609–1610
Cáo Tập Sự