Một người nhện tuổi teen, phải đứng giữa lựa chọn trách nhiệm gánh vác thế giới và sống một cuộc đời bình thường – Đây có vẻ là đề tài không được yêu thích lắm khi mà khán giả ngày nay say đắm với những suy nghĩ “so deep”. Để tỏ ra “deep”, người ta phải xem những bộ phim quằn quại, những mưu mô tính toán, những giả định về thế giới mà ngay cả chính những người phát biểu ra chúng cũng không hiểu rõ. Đề tài của những bộ phim người nhện nhí dường như quá tầm thường để làm vừa ý những bộ não rỗng tuếch thích lên gân để tạo lấy vài nếp nhăn.
Đơn giản đi!
Từ “Spider man: Homecoming” (2016) cho đến “Spider man: Far from home” (2019), người nhện làm tròn một vai diễn duy nhất: gây cười cho thế giới – một thế giới quá căng thẳng với những thứ người lớn “so deep”. Đòi hỏi trải nghiệm “so deep” ở dòng phim siêu anh hùng là một đòi hỏi lố bịch. Giữa một thị trường phim mà ngay cả phim nhí nhố như “Sabrina: Cô phù thủy nhỏ” cũng có thể được dựng lại thành dòng phim kinh dị giật gân, thì anh chàng người nhện là một trải nghiệm thú vị, nhẹ nhàng, giống như đi giữa mùa hè nắng nóng được ăn một cái kem ngon lành vậy, không thực đỡ khát, nhưng khoan khoái.
Ngay từ đầu, chuỗi phim người nhện nhí này đã xác định một phân khúc thị trường cho mình, xây dựng kịch bản theo phong cách rất Disney, và không cố cài cắm những thông điệp tuyên truyền chính trị rẻ tiền như nữ quyền hay chống phân biệt chủng tộc, cũng không đi sâu vào những âm mưu chính trị. Bài toán mà người nhện nhí phải giải quyết, đó là với tâm trí non nớt đối diện kẻ địch đầy mưu mô, làm sao phân biệt được thực hư, thiện ác, làm sao biết đặt lòng tin đúng chỗ. Giải trí – chỉ cần vậy thôi!
Và bởi vì những vấn đề của người nhện được khai thác hài hước một cách tự nhiên, lãng mạn một cách tự nhiên, trên nền cảnh quay những thành phố tráng lệ và cổ kính của châu Âu như Venice, Praha, Luân Đôn, kết hợp các khúc nhạc kinh điển, nên “Spider man: Far from home” đáng để xem đối với tôi hơn những bộ phim lên gân như “Us” hay “Ký sinh trùng”.
Các bạn biết không, nếu các bạn xem các phim “so deep” quá nhiều, các bạn sẽ thấy có một vấn đề rằng các nhà làm phim “deep, deep nữa, deep mãi” thì cũng lặp đi lặp lại những cái “deep” của mình. Họ càng cố đi sâu, họ càng rơi vao “triangle” của sáng tạo. Nếu phải lặp đi lặp lại những bộ phim “so deep” với trạng thái căng thẳng thì thà rằng chọn lựa một phim giải trí, một phim như thể một thứ “pulp fiction” còn hơn. Ít ra, chúng mang lại tiếng cười vô não, những màn tình cảm tuổi teen mà chúng ta đã quên phắt.
Khi tôi bước vào rạp chiếu phim cùng chồng mình, cả rạp chiếu phim chỉ toàn là các cháu tuổi teen, chắc chỉ vài sinh viên đại học. Tất cả đều cười rộn. Không có lời bình luận, không có những chia sẻ “so deep”, không có những trạng thái cảm xúc bi thương. Bộ phim mang cho ta một khoảnh khắc vui vẻ, rồi thoảng qua. Và tôi lại về với những công việc nghiêm túc nhàm chán của một cuộc đời nhàm chán một cách nghiêm túc.
Nếu một bộ phim giải trí không mang lại cho người xem trạng thái ấy, bộ phim ấy có vấn đề. Tôi không thích cách người ta lợi dụng giải trí để cài cắm các ý tưởng, các thông điệp, đặc biệt là các thông điệp chính trị. Tôi đã viết đủ nhiều về những bộ phim giải trí mang nhiều thông điệp khác nhau, đủ để thấy sự “bất thiện” trong đó. Hãy cứ để giải trí là giải trí, và nếu muốn truyền đạt điều gì đó, hãy làm một bộ phim nghiêm túc, nghiêm túc đến mức không cần phải sử dụng các chiêu trò câu dẫn sự chú ý người xem. Nhưng công nghiệp làm phim mà, tuyên truyền giúp tăng “view”, và giải trí cũng giúp tăng “view”, còn người xem thì vẫn cố muốn mình tỏ ra “so deep”.
Hà Thủy Nguyên