Tôi xem “Dead Poets Society” (Tên Việt: “Cộng đồng những nhà thơ chết”, “Hội thi nhân quá cố”, “Cộng đồng thi sĩ quá cố”) cách đây 5 năm. Lúc ấy, tôi đã chán nản với văn chương, bởi nghĩ thầm “Thời nay ai mà đọc văn chương” nữa và nghĩ rằng có lẽ mình nên chấm dứt con đường ấy của mình. Thế nhưng, tình cờ, bật TV lên trong một ngày nhạt nhẽo, tôi đã gặp bộ phim này với gương mặt của người diễn viên tôi yêu thích – Robins William. Bộ phim tạo ra một không gian văn chương mà ở đó nhân vật chính là thầy dậy văn chương Anh John Keating và những cậu học trò trẻ tuổi. Bằng một tình yêu văn chương say đắm của mình, thầy Keating đã đánh thức khả năng cảm nhận văn chương, sự say mê cuộc đời và tinh thần tự do ở những chàng trai trẻ.
Ấn tượng đầu tiên khi nhìn những chàng trai trẻ trong phim đó là vẻ ngoài ngây thơ, ngơ ngác mà ẩn chứa một lòng khao khát, tò mò đến mức hồi hộp. Trong đầu tôi lập tức bật lên mấy câu thơ của Huy Cận:
“Chân non dại ngập ngừng từng bước nhe
Tim run run trăm tình cảm rụt rè
Tuổi mười lăm gấp sách lại, lắng nghe
Lòng mới mở giữa tay đời ấm áp”
(“Tựu trường”)
Những gương mặt ấy, mở đầu phim, phải tỏ ra nghiêm túc để nghe về những điều luật của trường học, phải ngoan ngoãn một cách chán nản để theo học tiếng Latin, Toán học, Hóa học… Những chàng trai trẻ ấy khi vì ký túc xá dù vui vẻ với nhau những cũng thu lại mỗi người một góc riêng, kìm hãm giấc mơ của mình để vừa lòng bố mẹ. Giữa những chuỗi ngày ấy, thầy Keating đã xuất hiện với một chân dung khác hẳn. Keating khiến cho tất cả những người học trò ấy đều cảm thấy kỳ quặc vì thầy vừa đi vừa huýt sáo, thầy bắt học trò gọi mình là “O Captain! My Captain” (Tên một bài thơ của Walt Whitman). Hơn thế nữa, Keating ngay từ buổi đầu tiên đã truyền cảm hứng cho những học trò của mình một thông điệp: “Carpe, carpe diem, seize the day boys, make your lives extraordinary.” (“Carpe, Carpe diem, nắm bắt từng ngày hỡi các chàng trai, hãy biến cuộc đời của các em trở nên phi thường)
Đỉnh điểm của sự kỳ quặc, đó là khi Keating gọi đống lý thuyết văn chương sử dụng để đo đạc “độ hay của tác phẩm” được viết trong sách giáo khoa là “nhảm nhí” giữa lớp và bắt học sinh phải xé tan nát chúng. Tất cả các học sinh đều vô cùng ngỡ ngàng, sợ hãi xen lẫn thích thú. Xem chừng, cái cảm giác muốn đập tan mọi khuôn khổ của trường học đều nằm sâu bên trong các chàng trai trẻ. Không chỉ có vậy, thầy Keating thúc đẩy tính cá nhân và sự tự do của những cậu trai trẻ bằng việc cho họ tập đi tự do. Đi tự do theo cách của mình, kể cả đó là cách ngớ ngẩn, chính là một trong những phương pháp để đập phá khuôn khổ vốn dĩ đã được cài đặt vào não trạng của học sinh bằng thói quen xếp hàng. Đến đây, tôi lại nhớ đến video clip “Another brick in the wall” của Pink Floyd. Trong clip ấy, những em bé học sinh phải đi theo hàng, bước đều bước trên một cỗ máy. Keating còn khuyến khích học trò của mình trèo lên bàn để nhắc nhở học trò rằng cần phải nhìn thế giới theo nhiều cách khác nhau. Đó chính là khởi nguồn của sự bất tuân. Phải chăng, chỉ những con người bất tuân mới có thể cảm nhận được văn chương và thi ca.
Trong không khí kỳ quặc đến phi thường ấy, khi những cậu học sinh đã được trải nghiệm cảm giác thoải mái, tự do, đó là lúc Keating nói về thi ca. Ông không đọc văn chương bằng thứ giọng chán ngắt mà biến tấu giọng dựa trên nhịp điệu cảm xúc của tác phẩm. Ông để những đứa trẻ vừa đá bóng, vừa nghe giao hưởng, vừa đọc thơ. Ông ngấm ngầm chuyển cho học trò cuốn sách ghi chép lại những vần thơ hay của William Shakespeares, Henry David Thoreau, Walt Whitman, Paoblo Neruda… Vậy là những chàng trai trẻ cứ đêm đêm đến một hang động, đọc thơ và thổi saxophone cho nhau nghe bên ngọn lửa. Có lẽ, đây là những giây phút vui vẻ nhất, say đắm nhất, tự do nhất của những chàng trai. Và lẽ đương, một khi đã quen với say đắm, với tự do, làm sao có thể chấp nhận được những khuôn khổ ngớ ngẩn và chán ngắt.
Những chàng trai “tim non dại” ấy đã nổi loạn. Không phải biểu tình đập phá. Sự nổi loạn đơn giản chỉ là sống hết mình. Khi một chàng trai dám đi theo giấc mơ diễn kịch của mình chứ không muốn làm kỹ sư, bác sĩ, đó là nổi loạn. Khi một chàng trai dám vượt qua mọi khó khăn cản trở để đến với người mình yêu, đó là nổi loạn. Khi một chàng trai dám cất lên tiếng dữ dội từ sâu thẳm bên trong mình, đó chính là nổi loạn. Đúng như lời giảng của thầy Keating: “Các chàng trai, các em phải cố gắng tìm kiếm tiếng nói riêng của mình. Bởi vì còn chờ gì nữa mà không bắt đầu, không thể chắc chắn rằng sau này các em còn có thể tìm thấy. Như Thoreau nói: “Hầu hết những người đàn ông đều sống trong sự yên tĩnh đến tuyệt vọng” Đừng chần chừ nữa! Hãy phá tung!”
Qua bộ phim, chúng ta có thể tìm thấy cho mình câu trả lời về mục đích thật sự của văn chương, mà thi ca là một phần trong đó. “Chúng ta không đọc thơ viết thơ vì nó dễ thương. Chúng ta đọc thơ và viết thơ bởi vì chúng ta là thành viên của loài người. Và loài người được lấp đầy bởi đam mê. Và Y học, Pháp luật, Kinh doanh, Kỹ thuật đều là những đeo đuổi cần thiết để duy trì sự sống. Nhưng thơ ca, vẻ đẹp, tình yêu, đó là những gì xứng đáng để ta sống vì chúng. Một trích dẫn từ Whitman: “Ồ tôi, ồ cuộc sống!… trong những câu hỏi lặp đi lặp lại, của đoàn tàu vô tận không có niềm tin… của những thành phố đầy những kẻ ngốc, có gì tốt đẹp ở đây. Ồ tôi, ồ cuộc sống?” Đó chính là câu trả lời. Giờ thì các em đang ở đây, cuộc sống luôn tồn tại và có bản sắc riêng, hãy mạnh mẽ lên và các em sẽ góp vào đó câu thơ của mình. Thế đó, mạnh mẽ lên và góp vào câu thơ của mình. Câu thơ đó sẽ là gì?” Mục đích cao nhất của văn chương, theo những gì thầy Keating dậy, không phải sự cứu rỗi, mà là thúc đẩy. Không phải ve vuốt sự nhân văn giả dối mà mở rộng các phạm vi của nhân tính, chắp thêm đôi cánh cho con người để bay tới tự do. Và bởi thế, các thế lực muốn kiểm soát xã hội không bao giờ muốn văn chương được cất lên tiếng nói của mình. Giáo hội Công giáo đã từng coi văn chương và nhiều ngành nghệ thuật khác là quỷ dữ cần bị bài trừ. Cách mạng văn hóa Trung Quốc đã tiêu diệt văn chương bằng bần cùng hóa và tra tấn tinh thần. Vụ án Nhân Văn – Giai Phẩm và Xét lại ở Việt Nam đã đẩy văn chương đích thực vào tù ngục, bị cô lập và tẩy chay. Đến nay, văn chương tưởng như đã an toàn. Không, truyền thông đã đẩy văn chương vào một xó, rẻ rúng nó, làm nó biến chất thành một thứ quái vật. Nhưng không, văn chương vẫn cứ là văn chương. Và truyền thông lại ca ngợi những thứ mạo nhận văn chương.
Tác giả kịch bản của bộ phim “Dead Poets Society” hẳn phải thấm thía thân phận của văn chương một cách sâu sắc. Sau tất cả những giây phút đam mê nhất, đẹp đẽ nhất, là cái chết của một chàng trai trẻ đã dám nổi loạn đi theo tiếng gọi của nghệ thuật. Cậu chết bởi cảm thấy rằng cuộc đời này sẽ không cho phép cậu được cất lên tiếng nói bay bổng của riêng mình. Rằng cuộc đời này sẽ trói buộc cậu trong trật tự xã hội. Và một con người, nếu không thể là chính mình thì còn sống làm gì nữa!
Còn Keating, người thầy say mê với văn chương ấy bị đuổi khỏi trường học. Lần gặp mặt cuối cùng của Keating với những người học trò của mình, ông bước đi trong buồn bã. Nhưng rồi, tiếng gọi “O captain my captain” vang lên. Những người học trò của ông đã đứng lên bàn, như một lời chào từ biệt, như một lời hứa hẹn rằng: Chúng em sẽ không quên những điều này! Chúng em sẽ nhìn thế giới theo nhiều cách khác nhau! Chúng em sẽ không cúi đầu! Chúng em sẽ có một cuộc sống phi thường!
Hà Thủy Nguyên
Trailer phim:
https://youtu.be/wrBk780aOis