Home Chơi (Đã) “Vô chính phủ” (thì) phải ầm ĩ: Sự ra đời của Punk

(Đã) “Vô chính phủ” (thì) phải ầm ĩ: Sự ra đời của Punk

Ba mươi năm “Punk rock”: lại một kiểu đề tài lịch sử dễ dàng trôi tuột qua tay ta mà không được ghi nhận, nếu như không hiện hữu một vài định nghĩa cụ thể. Một trong những định nghĩa đó là của Steven Van Zandt, trước kia là một nhạc sĩ nhạc rock được chú ý vừa phải dưới cái tên “Little Steven”, còn bây giờ thì là một diễn viên trong vai ông chủ dễ mến của một hộp đêm và đồng thời là thủ lĩnh mafia mang tên Silviotrong bộ phim truyền hình nhiều tập Mỹ The Sopranos.
Trong đời tư thì Van Zandt điều khiển một chương trình phát thanh rađiô thực thụ về Punk rock (www.littlestevensundergroundgarage.com). Và là một người cẩn thận, nên ông ta cũng có một định nghĩa khá tốt cho việc xác định những loại nhạc nào nhất thiết phải có mặt trong một chương trình chuyên về Punk, nói chính xác thì có đúng ba loại nhạc: 1. Nhạc của ban The Ramones [1] , 2. Nhạc của các ban nhạc đã có ảnh hưởng đến The Ramones, 3. Nhạc của các ban đã chịu ảnh hưởng của The Ramones.
Sẽ không bao giờ có một Rock ‘n’ Rock đích thực nữa
Đấy có thể là một định nghĩa dễ hiểu về Punk rock. Định nghĩa này xem Punk rock như là một dòng chảy ngầm bên dưới dòng nhạc rock ‘n’ roll Mỹ, đầy tính sơ khai, trải dài từ vô số những phiên bản khác nhau của bài “Louie, Louie”, bản nhạc thường được hát ở các cuộc vui trong khuôn viên đại học, qua bản “Psycho” ngơ ngáo đầy nghệ thuật (ban The Sonics) và “Surfin’ Bird” đậm phong cách đa-đa của thời cao trào (ban The Trashmen) và cuối cùng tiếp qua nhiều nhạc sĩ Rock ga-ra [2] của những năm sáu mươi cho đến ban nhạc The Stooges. Cái dòng chảy thường bị khinh bỉ nhưng luôn luôn hiệu lực này đã trở thành có tính định hướng là nhờ ban The Ramonesvới cái “mỹ học của sự khước từ” còn quyết liệt hơn nữa của nó; dòng chảy này đã trồi lên thật ngắn ngủi trên bề mặt của dòng chính (mainstream) để rồi sau đấy lại lặn xuống dưới – và mãi đến tận hôm nay nó vẫn không chịu từ bỏ đòi hỏi làm một loại rock ‘n’ roll thật sự – thật sự theo nghĩa vì đã không bị gọt tỉa.
Nếu như tất cả chúng ta đều có thể đồng ý với định nghĩa nêu trên, thì không những lẽ ra ta đã phải ăn mừng 30 năm nhạc Punk vào mấy tháng trước (đĩa hát đầu tiên của The Ramones đã xuất hiện đầu năm 1976), mà hẳn chúng ta cũng đã không bao giờ có một phong trào Punk, đã không bao giờ có một hay nhiều nội dung tinh thần và những cuộc tranh cãi về thế giới quan. Không hư vô chủ nghĩa, nhưng cũng sẽ không có rock against racism (rock chống phân biệt chủng tộc), không có trào lưu tân trạng huống (neo-situationisme) [3] và không có những tranh cãi về RAF [4] và “lãng mạn đen” [5] (black romantic), về những xu hướng tình dục ra ngoài khuôn thước và mốt thời trang như là một high art. Thay vào đó, Punk cùng lắm đã chỉ có thể trở thành một khái niệm về một phong cách nghệ thuật có thẩm quyền cho nhiều thứ và có thể được kết hợp đa dạng, như Soul hay là Funk, thường một lúc nào đấy sẽ bị lãng quên, để rồi sau đó lại được tái lăng-xê trở lại; về nguyên tắc, như là một kế hoạch bền chắc mang tính nhân học (anthropological) và không hề có một tham vọng kiểu “cách mạng văn hoá” hay lịch sử gì to tát, đầy tính chất Mỹ và phi lịch sử, như nhạc Country & Western.
Nhưng ngoài ra còn có một khái niệm Punk khác: “I am an antichrist, I am an anarchist” (“Tôi là một kẻ chống Chúa, tôi là một kẻ vô chính phủ”) – khái niệm này lên tiếng chỉ bằng hai câu, mà mục tiêu đề ra không cách gì có thể vượt quá được nữa. Đó là những lời đầu tiên của phong trào Punk. Tính đến hôm nay thì những lời nhạc này – được công bố lần đầu trong đĩa nhạc đơn (single) “Anarchy in the UK” của ban The Sex Pistols – đã xuất hiện được 30 năm. Single này đã mở ra một phong trào – và phong trào này đã có đóng góp của mình vào sự phát triển văn hoá phương Tây với những nội dung có chủ đích của nó. Nó cũng là một phản đề bác bỏ cái dự thảo của luồng văn hoá alternative [6] và của những người cánh tả mới sau này, những kẻ tin rằng: những gì họ đã không đạt được trên lãnh vực chính trị thì có thể bù đắp được bằng việc tự xây dựng nên những cấu trúc văn hoá cho riêng mình.
Cuộc chiến trên hai mặt trận của văn hoá Pop
Punk là một phản đề đối địch với nền văn hoá của “thế hệ già hơn mười tuổi”, nhưng cái phản đề này vẫn còn một vài bộ phận tứ chi rảnh rỗi, để có thể gây ra những vết thương lâu lành ở tầng lớp quyền uy còn già cỗi hơn nữa. Punk chiến đấu trong một cuộc chiến hai mặt trận và làm một cuộc thao diễn chiến lược phức tạp nhất, mà oái ăm thay, lại dưới danh nghĩa của tính sơ khai và sự tiết chế (primitiveness & reduction). Rất mau sau đấy nó thẩm thấu và hoà chảy vào lãnh vực nghệ thuật và các khuynh hướng khác nhau của những luồng văn hoá cá biệt, hoặc xuống cấp thành một kiểu folklore thành thị. Nhưng trước khi như thế, thì nó cũng đã có được vài năm lừng lẫy.
Chúng ta có thể quên câu đầu tiên của “Anarchy in the UK”: Làm một kẻ chống Chúa – đó thực ra chỉ là vấn đề riêng tư của ca sĩ Johnny Rotten thuộc ban The Sex Pistols, người đã chịu sự giáo dục theo Công giáo. Còn ngoài ra thì thời đó Thiên chúa giáo không phải là một vấn đề, xúc phạm tín đồ Thiên chúa giáo là một công việc mang lại hơi quá nhiều ân huệ, mà có lẽ thời buổi bây giờ mới lại đáng để bỏ công. Quan trọng hơn là câu kia, cái “từ chìa khoá” tuyệt đối của toàn bộ văn hoá Punk: Chủ nghĩa vô chính phủ.
Người ta đã có thể mong muốn một chủ nghĩa vô chính phủ kiểu gì ở thời điểm 1976? Thí dụ như ở Đức thì “kẻ vô chính phủ” đã là một tên gọi phổ biến cho những thành viên của tổ chức RAF“những tay bạo động vô chính phủ” là cụm từ rập khuôn mà các đài truyền hình thường sử dụng mỗi khi tường trình về những người này. Người ta nghĩ rằng: “những người cộng sản vũ trang” (và những thành viên RAF cũng tự xem mình là những người như thế) có thể được coi như là một sự nâng cấp trong thể so sánh từ ngữ đối với “những người cộng sản bình thường”, cụm từ ám chỉ những đảng viên cộng sản chấp nhận hiến pháp và đang nằm hiền lành đâu đấy trong những chi bộ địa phương của đảng DKP [7] . “Kẻ vô chính phủ” như là một phép so sánh đắc ý. Hắn ta cũng là một kẻ không chịu thoả mãn với những thứ mà những người cộng sản mong muốn, là một kẻ hoàn toàn không chịu công nhận bất cứ một loại quyền lực nào, quyền lực của Đảng cũng không. Ngoài ra những vị cao niên trong chúng ta có thể còn nhớ rằng, vào thời gian cuối thế kỷ 19, thì “kẻ vô chính phủ” là từ đồng nghĩa với kẻ đặt bom, và bà hoàng Sissi [8] đã chết trong bao xót thương là bởi bàn tay của một kẻ như thế.
Những “người mặc áo len đan thô” [9] hơi nghiện cần sa
Mặt khác thì có những người theo chủ nghĩa vô chính phủ hiện hữu thực sự, và – trước đây (cũng như hiện nay) – đó là những kẻ đáng yêu, tạng đa cảm, “mặc áo len đan thô” và hơi nghiện cần sa; sách họ đọc là những bài viết về cuộc nội chiến Tây Ban Nha của Augustin Souchy [10] và Thượng đế và nhà nước của Bakunin [11] , qua ấn bản được nhuộm đen đặc biệt dành cho những người vô chính phủ trong một loạt sách của nhà xuất bản Rowohlt, và đấy cũng là cuốn sách duy nhất đã được in bên cạnh một bộ toàn tập của Kropotkin [12] trong sê-ri sách này.
Ngoài ra thì họ mong muốn một thế giới khác, mà những nét cơ bản của nó tương đồng với những tư tưởng chống độc đoán của “phong trào sinh viên” [13] , nhưng nó không hề bị làm thương tổn bởi các tương quan với chủ nghĩa cộng sản và những chế độ phi pháp tồn tại trên thực tế của chủ nghĩa này. Những người vô chính phủ này thường xuyên lên tiếng than phiền, khi đài truyền hình hay những tờ báo lớn loan tin rằng một cuộc mưu sát nào đó của RAF là do “những kẻ vô chính phủ” chủ mưu.
Nhưng chính cái hỗn hợp này đã bảo đảm cho sự thành công của “chữ A được khoanh tròn” [14] trên khắp thế giới vào thời đại Punk: Đó là “chủ nghĩa không tưởng”không hề bị hoen ố – và chính tư tưởng này tự nó cũng thích để cho người ta nhầm lẫn với cái “tinh thần sẵn sàng bạo động”. Người ta có thể cùng một lúc vừa thiện vừa ác, vừa nguy hiểm vừa có tính chính đáng, tất cả đều dưới danh nghĩa của chữ A lớn. Duy chỉ còn câu hỏi là: không biết những tư tưởng này bắt nguồn từ lời ca và những động tác của các ban nhạc Punk – mà trước hơn hết là ban nhạc Punk đầu tiên và nổi tiếng nhất, The Sex Pistols – hay cái chủ nghĩa không tưởng vô chính phủ này đã lơ lửng đâu đó trong không khí từ những tháng ngày của phong trào hippie.
Tất cả những gì mà Johnny Rotten mong muốn
Ngược lại, những điều mới mẻ mà Rotten phát biểu cần đến chủ nghĩa vô chính phủ như cần một bệ phóng, nhưng là để vươn tới một phê phán còn cực đoan hơn, mặc dù hiếm khi những phê phán này được hiểu trọn vẹn. Và không lâu sau đó thì Rotten đã phát biểu trong một bài hát, rằng thí dụ như anh ta muốn bắn gục những khách bộ hành; sau đấy thì tự chữa lại rằng, thật ra anh chàng chẳng biết mình muốn gì. Để rồi tiếp ngay sau đó lại nói, anh ta biết cách làm thế nào để thực thi được điều ấy.
Punk rock yêu thích “hành động”, mà điều này cũng chẳng nên thay đổi. Lý do để hành động không phải vì việc “chỉ ngồi nói nhăng nhít” là một chuyện nhàm chán, mà vì chỉ có “hành động” mới khiến cho tất cả những hời hợt vô nghĩa được phơi bầy ra ánh sáng. Ông bầu của ban The Sex Pistols là một người đứng tuổi có tên Malcolm McLaren, ông là khách giao du trong chốn kinh doanh âm nhạc cũng như trong môi trường Paris trí thức cuối những năm 60, và ông muốn thử nghiệm với ban nhạc của mình vài ý tưởng của cái phong trào “trạng huống” hầu như đã chìm vào quên lãng ở thời điểm 1976. Trong những thử nghiệm đó có những hành động gây tranh cãi, như buổi chơi nhạc trên một chiếc tàu trên dòng sông Themse để phá rối lễ kỷ niệm nhậm chức của nữ hoàng và những cuộc phỏng vấn truyền hình không mấy thân thiện. Trong một bức ảnh do nhiếp ảnh gia Hà Lan Ed van der Elsken chụp trước một nhà hàng, nơi lui tới thường xuyên của những người thuộc phong trào “trạng huống” vào những năm 50, người ta đã có thể nhận ra cái ngoại hình và cái “ngôn ngữ thân xác” nhạo báng-hung hãn của ban The Sex Pistols sau này.
Duy cái “phần bản quyền” của từng người trong cuộc thì thường được đánh giá quá cao. McLaren được tôn lên như là một Svengali [15] thiên tài, Rotten thì được xưng tụng thành một Rimbaud [16] , và điểm nổi bật trong tiểu sử cuộc đời ngắn ngủi đến kỳ lạ của Sid Viciou[17] (anh chàng đã bị bà mẹ hippie của mình bỏ bê) đến hôm nay vẫn còn cống hiến trọn vẹn chất liệu cho các nhà văn như Michel Houellebecq [18] . Đấy đã là những nền móng mà trên đó ngôi thánh đường của sự tự huỷ hoại đã hình thành, và những “giáo phận” của nó giờ đây phân tán trên khắp các thành phố lớn phương Tây. Tất cả bọn họ – như những hoạt động về sau sẽ chỉ ra – không có gì nhiều hơn để cống hiến ngoài cái trực cảm họ đã dành cho những giờ phút định mệnh của năm 1977: Stammheim [19] hay lễ kỷ niệm lên ngôi của nữ hoàng [20] v.v.
Chỉ riêng cái số phận của Glen Matlock là khá thú vị, anh chàng này là “nhạc sĩ thực thụ” duy nhất trong số các thành viên của The Sex Pistols (anh ta là người sáng tác tất cả các bài hát của ban). Nhưng vì “nhạc sĩ thực thụ” đã trở thành thừa thãi – bởi vì cùng với Punk nền nhạc Pop đã phát triển lên thành “nghệ thuật” của những động tác múa may của truyền thông và của những hoạt động có tính toán chiến lược – nên người ta đã đóng một “dấu ấn răn đe” thông qua Matlock, kẻ tự nhận là fancủa Paul McCartney. Trước khi album nhạc đầu tiên được thu thanh, Matlock đã bị khai trừ ra khỏi ban nhạc và thay vào đấy bằng một tay chơi ghi-ta bass tệ nhất hòn đảo (Anh), một “thiếu niên” gây nhiều tranh cãi và trầm tĩnh: Sid Vicious.

punk_rock_means_freedom_by_miyavik
Punk Rock có nghĩa là tự do yêu thích và chấp nhận những gì bạn muốn, nếu đó là đam mê

 
 
Tinh thần của các luồng văn hoá cá biệt
Không, điều mà ban The Sex Pistols phát biểu đầu tiên không phải là ý tưởng của một trong những người tham gia “kế hoạch”. Đó là tinh thần của sự phát triển lịch sử của tất cả những luồng văn hoá cá biệt và đối đầu (sub- & counterculture). Mỗi đoạn nhạc đều kết thúc với ước muốn: “I wanna be Anarchy.” Không phải tôi mong muốn “vô chính phủ” như là một hình thức tổ chức chính trị, mà là cái ước muốn: “Vô chính phủ” chính là tôi.
Vượt lên trên tất cả mọi hình thức biểu cảm, điều mà Punk (trào lưu Anh) biết rõ và không thể tán tụng hoặc cố tình gạt bỏ là “tính đã-bị-mua” và “tính có-thể-mua”của tất cả mọi thể hình văn hoá. “Shopping scheme” (mô hình mua sắm) là cái mà Rotten nhận ra ở khắp mọi nơi; những “chuyến nghỉ hè rẻ tiền trên sự khốn cùng của những người khác”, đấy là thứ mà người ta cũng có thể mua được ở khắp mọi nơi (ở đây Rotten liên tưởng đến những chuyến đi đến quê hương nhạc Reggae của vài người bạn); tất cả mọi nỗ lực nghệ thuật đều mang dạng vẻ của một món hàng, những điều này được thế hệ Punk trải nghiệm như là một điều tồi tệ kệch cỡm nhưng chẳng thể né tránh được của cuộc hiện tồn. “I am a cliché” (Tôi là một bản rập khuôn), nữ ca sĩ Poly Styrene của ban X-Ray Spex đã hét lên như thế, “We are all prostitutes” (Tất cả chúng ta đều là điếm), là câu trả lời của ban The Pop Group.
Không có một phương thuốc “thoát ly thực tế” nào có thể giúp chống đỡ được điều bất hạnh này, ma túy không giúp được và sự lãng mạn cũng không (hai thứ rồi lại sẽ thịnh hành trong những năm tám mươi), mà chỉ còn cách khăng khăng ôm chặt lấy sự “bán tống bán tháo” chính mình. Người ta không còn có thể là “một” với chính mình. Kẻ nào chống lại chủ nghĩa tư bản tiêu thụ, thì kẻ đó cũng tự chống lại chính bản thân. Dẫu vậy người ta vẫn cứ nhất định phải làm điều đó. Hai cái “bản ngã” đấu tranh với nhau này – cái “đã bị mua” và cái “tuyệt vọng vì thực trạng ấy” – tạo thành một hỗn âm mà sự ầm ĩ inh tai của nó chỉ có thể gột tả được bằng hình ảnh “vô chính phủ”, một kiểu “vô chính phủ hướng nội”. Và kiểu “vô chính phủ” này còn tốt lành hơn mọi sự tự lừa dối.
Ban The Ramones đã trưởng thành không cần The Sex Pistols 
Đối với “Little Steven” Van Zandt thì có lẽ nhóm The Sex Pistols không thuộc về trào lưu Punk, bởi vì họ đã không có ảnh hưởng lên The Ramones và ngược lại họ cũng không bị ảnh hưởng bởi The Ramones. Quá lắm họ chỉ có thể đã chịu ảnh hưởng bởi một người “gần gũi” với ban nhạc này, người đã từng có một thời gian chơi chung với Dee Dee Ramone trong một ban nhạc: ban The Heartbreakers. Đấy chính là Richard Hell. Anh chàng này là người duy nhất trong trào lưu Punk Mỹ đã có cố gắng để mang lại cho Punk một “nội dung”.
Richard Hell là người đầu tiên để mái tóc chĩa lông nhím và không chỉ đã chơi trong những ban nhạc có dính đến hút sách như The Heartbreakers mà cũng đã từng chơi chung với Tom Verlaine trong ban Television. Điều khác biệt nhỏ giữa anh ta và Rotten dầu vậy vẫn là một khác biệt có tính quyết định: Bản nhạc được ưa thích “Blank Generation” của Hell chỉ là một phóng tác mang màu sắc hư vô chủ nghĩa của một bài hát rẻ tiền, thành công trong những năm 50: “The Beat Generation”. Cũng nhưTom Verlaine và Patti Smith [21] Hell đã đi tìm một sự tiếp nối từ những luồng văn hoá đối đầu của quá khứ và thiết kế một kiểu văn hoá của mình – Punk – như là một cách làm sâu sắc thêm luồng văn hoá của những người beatnik [22] và bô-(h)ê-miên.
Người ta không thể tìm thấy cái kiểu an ủi bằng lịch sử như thế ở The Sex PistolsJohnny Rotten không cất tiếng từ miền hoả ngục – một địa điểm quen thuộc của những bi kịch phương Tây và của những cuộc xung đột văn hoá – mà từ “miền xấu xí” tuyệt đối của hàng hoá. Không có sự cứu rỗi nào đến từ nơi ấy.
 

Diedrich Diederichsen là phê bình gia nhạc Pop quan trọng nhất ở Đức. Cuốn sách mới nhất của ông có tên: Musikzimmer (Nxb KiWi). 

Trần KH. dịch
Bản tiếng Việt © 2006 talawas 


[1]The Ramones, ban nhạc Punk rock Mỹ ra đời năm 1974 tại Queen/New York, cùng với 2 ban nhạc Anh The Sex Pistols và The Clash là 3 ban nhạc quan trọng nhất của phong trào Punk. Tương truyền rằng ban nhạc bốn người đến từ New York này chịu “trách nhiệm” cho việc bùng dậy của phong trào Punk tại Anh. Người ta bảo là tất cả những nhạc sĩ Punk quan trọng nhất của Anh sau này đều có mặt tại buổi trình diễn của The Ramones vào ngày 4 tháng 7 năm 1976 tại Roundhouse (London); tháng 9 cùng năm, một Festival nhạc Punk kéo dài hai ngày được tổ chức lần đầu tiên tại Anh. Ban The Ramones tồn tại khá lâu, mãi đến năm 1996 mới giải tán (Tất cả chú thích đều của người dịch).
[2]“Rock ga-ra”, phong trào nhạc sinh hoạt ngoài dòng chính tại Mỹ, chủ yếu ở Texas và California, xuất hiện giữa những năm 60 và có tên gọi như thế vì họ thường tập dượt trong những nhà để xe, được xem là tiền thân âm nhạc nguyên thuỷ của những ban nhạc theo xu hướng Punk xuất hiện ở Anh/Mỹ trong những năm 70 sau đó.
[3]Situationisme (Internationale situationniste), một phong trào cực đoan xuất hiện trước tiên ở Pháp và sau đó lan qua một số nước khác của Tây Âu (1957-1972), mà khuôn mặt trung tâm là Guy Debord với tuyên ngôn và những phát triển lý thuyết cho phong trào. Họ nêu nghi vấn về xã hội tư bản mà trong đó con người càng ngày càng bị biến thành một kẻ tiêu thụ, họ chỉ trích và chế nhạo qua tờ tạp chí của phong trào toàn bộ tầng lớp chính trị-văn hoá-nghệ thuật “ưu tú” của thời bấy giờ. Một ý niệm quan trọng của phong trào này là sự hội nhập của nghệ thuật vào đời sống thường nhật. Họ tìm cách phát triển và thử nghiệm những ý niệm mỹ học, qua đó hình thành những “trạng huống” mà ở đó con người có thể trao đổi bình đẳng, tự do sáng tạo và tự quản lý lấy chính mình mà không chịu một áp lực nào, chính đời sống trở thành tác phẩm nghệ thuật. Trên bình diện chính trị, tư tưởng của phong trào này được thể hiện phần nào qua cuộc nổi dậy của sinh viên Pháp tháng 5 năm 1968; và những ý niệm nghệ thuật của nó có thể nhận ra ở nhũng nghệ sĩ avant-garde như Nam June Paik (1932-2006) trong trào lưu Fluxus hoặc ở Joseph Beuys (1921-1986) với nhũng performances (Aktionskunst) của ông. Trong âm nhạc, dấu vết của trào lưu này còn hiện ra ở phong trào Punk rock.
[4]RAF, chữ viết tắt của Rote-Armee-Fraktion (Đội Hồng Quân), tổ chức khủng bố cực tả tại Tây Đức, hậu thân của nhóm Baader-Meinhof (tên của hai thủ lĩnh) xuất hiện vào khoảng 1968-1970. Vào năm 1972 thì hầu như toàn bộ “hạt nhân nòng cốt” của tổ chức này đều bị bắt. RAF chỉ là một nhóm chính trị quá khích tương đối nhỏ (với nhiều cảm tình viên dấu mặt và ngoài ra có liên hệ với nhiều nhóm khủng bố ở các nước khác) nhưng gây nhiều tranh cãi, không chỉ trong những trí thức cánh tả Tây Đức thời bấy giờ.
[5]Black romantic, một luồng văn hoá cá biệt (subculture) xuất hiện ở những nước phương Tây, bao gồm chủ yếu những người trẻ có xu hướng lý tưởng và lãng mạn hoá những hình ảnh của thời Trung cổ, thành hình từ phong trào Punk đầu những năm 80. Đặc điểm nhận diện của họ là quần áo toàn màu đen với những trang sức kim loại và hình xăm lộ liễu.
[6]Alternative movement, phong trào hình thành từ những năm 70 ở phương Tây, chủ yếu là do những người trẻ, từ chối những hình thức sống cũng như tổ chức sinh hoạt đã tồn tại trong xã hội kỹ nghệ phát triển, và tìm cách tự định đoạt, chọn lựa một hình thức kinh tế-xã hội-chính trị khác cho cuộc sống của mình và qua đó hình thành một kiểu văn hoá alternative. Những người thuộc phong trào này thường đồng thời cũng có tham gia trong các phong trào bảo vệ môi trường hoặc trong phong trào hoà bình… và về mặt chính trị thì thường là cảm tình viên (hoặc thành viên) của Đảng Xanh. Ở Âu châu, có thể nói Tây Đức là nước có phong tràoalternative mạnh nhất.
[7]DKP (Deutsche Kommunistische Partei), tên Đảng Cộng sản tại Tây Đức, hoạt động lệ thuộc vào Đảng cộng sản mang tên “Đảng Xã hội Thống nhất Đức” (SED) của Đông Đức thời bấy giờ.
[8]“Sissi” , tên gọi của Elisabeth (von Österreich-Ungarn) (1837-1898), nữ hoàng Hung/hoàng hậu Áo, vợ của hoàng đế Áo Franz Joseph I. Năm 1898, bà bị ám sát chết bởi một người vô chính phủ Ý tại Genève.
[9]Cụm từ ám chỉ những người không chịu sống thoả hiệp với những định chế xã hội/chính trị mà số đông tuân thủ (như những người vô chính phủ, những người thuộc phong trào alternative…) – mà “áo len đan thô” có thể là một trong những đặc điểm nhận diện.
[10]Augustin Souchy (1892-1984) người Đức, là một người vô chính phủ và chống quân phiệt. Cuộc đời (khổ hạnh) của ông là một cuộc du hành qua khắp các địa điểm “nóng” của thế giới, trước hơn hết như là một thành viên tích cực của chủ nghĩa công đoàn vô chính phủ quốc tế.
[11]Michail A. Bakunin (1814-1876), nhà cách mạng Nga và lý thuyết gia của phong trào vô chính phủ.
[12]Pjotr A. Kropotkin (1842-1921), nhà cách mạng Nga và là gương mặt quan trọng nhất của phong trào vô chính phủ cộng sản.
[13]Chỉ những cuộc nổi dậy của sinh viên trong những năm 60 ở Tây Âu, ban đầu có nội dung là những đòi hỏi cải tổ đại học, sau đó biến thành những chống đối mang nội dung xã hội và chính trị khuynh hướng thiên tả, mà chiến tranh Việt nam là một đề tài nóng.
[14]Chữ A lớn nằm trong vòng tròn vẽ bằng màu đen là ký hiệu tượng trưng của những người theo chủ nghĩa vô chính phủ.
[15]Svengali, tên một nhà thôi miên, nhân vật hư cấu trong tiểu thuyết “Trilby” (1894) của nhà văn Anh George du Maurier, đã trở thành biểu tượng ngôn ngữ cho một kẻ độc đoán luôn muốn có ảnh hưởng (nhiều lúc với ác ý) lên một người khác.
[16]Arthur Rimbaud (1854-1891), nhà thơ Pháp.
[17]Sid Vicious (1957-1979), thành viên của ban The Sex Pistols, chết (trẻ) vì dùng heroin quá liều.
[18]Xem Hạt cơ bản (Les particules élémentaires) của M. Houellebecq
[19]Stammheim đã đi vào lịch sử nước Đức như một một từ đồng nghĩa cho những tranh cãi hình luật trong tương quan với chủ nghĩa khủng bố của nhóm RAF. Nhà tù ở Stuttgart-Stammheim được xây dựng đặc biệt kiên cố và canh gác nghiêm ngặt (với một toà án ngay trong khuôn viên nhà tù) chỉ để giam những thành viên nguy hiểm nhất của RAF đã bị bắt. “Mùa thu nước Đức năm 1977” là đỉnh điểm của sự leo thang bạo động và đồng thời cũng là thời điểm bi thảm của nhóm RAF. Để gây sức ép nhằm đòi trả tự do cho các thành viên RAF đang ngồi tù chung thân tại Stammheim, tháng 9/1977 Chủ tịch Hịêp hội liên bang kỹ nghệ Đức Hanns Martin Schleyer đã bị bắt cóc và tháng 10 sau đó thì một máy bay của hãng Lufthansa Đức đã bị bốn khủng bố quân Palestine cướp. Ngày 18/10 đội quân đặc biệt GSG9 của Đức đã đột nhập vào máy bay tại Mogadishu và giải phóng được các con tin. Liền sau đó thì 3 thành viên RAF ở StammheimBaader, Ensslin, Raspe đã tự tử (nữ thủ lĩnh Ulrike Meinhof thì đã tự tử trước đó hơn một năm cũng tại Stammheim), các cảm tình viên của RAF không tin vào nguồn tin chính thức này của nhà nước và cho là 4 đồng chí của họ đã bị giết. Một ngày sau đó người ta tìm thấy xác của Hanns Martin Schleyer tại Alsace (Pháp).
[20]Đúng vào dịp lễ kỷ niệm 25 năm ngày nữ hoàng Anh Elisabeth II lên ngôi, tháng 5 năm 1977 ban The Sex Pistols đã cho phát hành đĩa nhạc single “God save the Queen”, một bản nhạc chống quân chủ với lời lẽ thô tục. Đĩa single này bán rất chạy nhưng lại bị các cơ sở truyền thông tẩy chay.
[21]Patti Smith (sinh năm 1946), nữ ca sĩ nhạc rock người Mỹ, cũng là người viết ca khúc, viết báo, nhà văn và hoạ sĩ.
[22]Beatnik, chỉ những người thuộc một trào lưu phản kháng hậu bán thập niên năm mươi tại Mỹ(Beatgeneration), mà những đại diện văn chương của nó là: nhà thơAllen Ginsberg và các nhà văn Jack Kerouac và William Burroughs