Lần đầu tiên biết đến “Long thành cầm giả ca” là năm 2010. Năm đó, tôi mới vào lớp 10, bắt đầu học thơ Nguyễn Du. Đó cũng là năm kỉ niệm 1000 năm Thăng Long, trên TV có nhiều chương trình kỉ niệm đại lễ ấy. Cùng năm ấy, tôi xem trên TV được một đoạn giới thiệu phim “Long thành cầm giả ca”, và nghe Nhật Kim Anh đọc bài thơ cùng tên của Nguyễn Du. Tôi vẫn luôn ghi nhớ ấn tượng về lần đầu nghe thơ và nghe về bộ phim ấy, nhưng đến mười năm sau, 2020, tôi mới thu xếp để xem phim.
Nói về phim “Long thành cầm giả ca”, có lẽ báo chí, blog đã nói, viết rất nhiều. Cuộc đời của Nguyễn Du, cuộc đời của cô Cầm là chủ đề được khai thác và bàn luận nhiều nhất. Vì vậy, tôi sẽ chẳng bàn đến chuyện đời cá nhân của hai nhân vật ấy trong bài viết này nữa. Điều tôi ấn tượng nhất với “Long thành cầm giả ca” là những yếu tố văn hóa mà biên kịch và nhà làm phim đã dày công thể hiện, để rồi từ đó, cả một thời kỳ lịch sử đầy biến động hiện ra trước mắt tôi, vừa náo loạn, vừa tang thương, lại vừa như một áng cổ thi buồn bã.
Cầm xuất hiện trong không gian quen thuộc của làng quê Bắc Bộ, với cây đa, giếng nước, và lũ trẻ con đang chơi đùa, hát hò câu hát tắm nước giếng làng sẽ tương tư. Tương tư là gì nhỉ? Câu hỏi ấy của Cầm tưởng chừng dễ trả lời, vậy mà Cầm đã phải dành cả một đời để thấu hiểu nó…
Không chỉ là bộ phim về cuộc đời của một con người. Văn hóa cổ truyền Việt Nam thấm đẫm trong từng thước phim, từ cảnh học đàn, luyện thanh, cho đến cảnh nam thanh nữ tú gặp nhau giữa chợ. Có lẽ vì đang học ngành Văn học dân gian nên tôi để ý nhiều hơn đến những khung cảnh ấy chăng? Chợ trong văn hóa dân gian không xô bồ, hỗn loạn như chợ hiện đại, mà là một không gian để người ta gặp gỡ, mua bán, giao lưu với nhau. Hiếm có một phim Việt Nam nào thể hiện được khung cảnh chợ cổ truyền ấy tốt như “Long thành cầm giả ca”. Và cũng hiếm có một phim nào khắc họa được cuộc đời của những cô đào hát, từ thuở học nghệ cho đến lúc tàn hoa, vừa cụ thể, chân thực, lại vừa lãng mạn, bi thương như “Long thành cầm giả ca”.
Một điều khác khiến tôi cảm thấy ưng ý ở bộ phim là cách đạo diễn trải dài câu chuyện trong suốt ba thời đại: từ thời Lê Mạt đến thời Tây Sơn, và kết thúc khi Gia Long nắm quyền. Cả một quãng thời gian dài như vậy có lẽ không hợp để làm phim điện ảnh, và nhiều người cũng chê phim đã quá dài dòng và không có điểm nhấn, nhưng đây lại là điểm mà tôi thấy thích ở “Long thành cầm giả ca”. Bởi khi đặt cuộc đời nhân vật vào cả một quãng thời gian dài như vậy, người ta mới có thể nhận ra mọi thứ đã đổi thay đến mức nào, bãi bể hóa thành nương dâu, Tố Như đau đớn khi gặp lại cô Cầm, hay cô Cầm từ ca nữ nức tiếng kinh thành xưa nay chỉ còn là một cô đào già nua, xấu xí,… đó chính là bãi bể hóa thành nương dâu.
Trong phim, cảnh gây ấn tượng nhất cho tôi là cảnh cô Cầm hát giữa buổi tiệc của nhà Tây Sơn. Buổi tiệc ấy có sự tham gia của cả Tố Như, Nguyễn Nễ, và quan quân Tây Sơn. Cũng ở phân cảnh này, đạo diễn và biên kịch đã khắc họa rõ nét sự khác biệt giữa những danh sĩ quý tộc Lê-Trịnh với quan quân Tây Sơn con buôn, thô lỗ. Trong khi cô Cầm hát, những danh sĩ như Tố Như, Nguyễn Nễ yên lặng thưởng thức nghệ thuật, nhẹ nhàng nhấp rượu; còn quan quân Tây Sơn lại ồn ã chuyện trò, nốc rượu như uống nước, thậm chí còn liên tục ném tiền lên phía Cầm. Chỉ một chi tiết ấy thôi là đủ để người xem nhận ra sự khác biệt giữa triều thần thời Lê-Trịnh với quân đội Tây Sơn, giữa những con người biết trân trọng âm nhạc, trân trọng nghệ thuật, biết thưởng thức, và biết trân trọng con người; với những con người chỉ biết cười hỉ hả và coi con người, tài nghệ như một món hàng có thế mua bán được. Lúc đó, Tố Như nhìn quan quân Tây Sơn, lặng lẽ và không giấu nổi sự thảng thốt. Có lẽ, đến lúc đó, ông cũng đã nhận ra lựa chọn không ra phò Tây Sơn là hợp lý.
Trong lịch sử, Nguyễn Du cũng không khuông phò Tây Sơn. Ông lang bạt tìm minh chủ, để rồi cuối cùng đầu quân cho Nguyễn Ánh. Cũng dưới triều Gia Long Nguyễn Ánh, Nguyễn Du được thỏa chí của mình. Ở đây, tôi không bàn đến tính đúng – sai của quân Tây Sơn hay quân nhà Nguyễn, mà chỉ cân nhắc về việc, Nguyễn Du lựa chọn không chịu đi theo Tây Sơn là có lý do của riêng ông. Và lý do ấy đã được giải thích phần nào trong “Long thành cầm giả ca” rồi.
Thực tế, bộ phim không chỉ thể hiện rõ nét nét văn hóa cổ truyền của người Việt, mà còn dựng lại được cả một thời kỳ dài binh lửa loạn lạc, mà những người có tài nghệ như Tố Như, cô Cầm phải mang số phận long đong, lận đận. Tài nghệ ư? Đàn hát, văn chương thơ phú ư? Tất cả đều là những điều vô nghĩa lý trước họa binh đao. Kiêu binh kinh thường tài nghệ, e sợ người tài. Quân Tây Sơn không biết thế nào là tài nghệ, càng không khiến được nhân tài trong nước tin tưởng. Và trong cơn binh lửa ấy, những cuộc hạnh ngộ ngắn ngủi rồi cũng đến ngày biệt ly. Ai biết, đời người được mấy lần hạnh ngộ, nhưng cuộc đời của Tố Như lại có quá nhiều đoạn biệt ly…
“Tự nhiên nhớ lại hai mươi năm trước
Bên hồ Giám trong dạ tiệc ta đã thấy nàng
Thành quách đã chuyển, người cũng đổi thay
Nương dâu trở thành biển cả đã nhiều
Cơ nghiệp Tây sơn cũng đà tiêu tán
Sót lại đây còn người múa ca.
Thấm thoắt trăm năm có là bao
Cảm thương chuyện cũ dùng áo thấm nước mắt
Ta từ Nam trở lại, đầu bạc trắng
Trách làm sao được sắc đẹp cũng suy tàn.
Hai mắt trừng lên tưởng nhớ chuyện xưa
Thương cho đối mặt mà chẳng nhìn nhận ra nhau.”
(Long thành cầm giả ca, Nguyễn Du)
Nguyễn Du thương tiếc cô Cầm, hay là thương tiếc chính mình, thương tiếc cả một thời đại “dập dìu tài tử giai nhân” đây? Quân Tây Sơn chiếm đóng, tàn phá nhà cửa ruộng vườn của cả họ Nguyễn ở Tiên Điền, đến lúc ăn chơi thì cũng chẳng biết đến cái thú thưởng hoa, thưởng nhạc. Dù thời Lê-Trịnh xã hội có rối ren, thì văn hóa vẫn ở đà phát triển. Nhưng đến thời Tây Sơn, mọi thứ lại chững lại, chẳng còn văn hóa, chẳng còn cả những lối ứng xử giao đãi lịch sự giữa người với người. Nguyễn Du viết “Long thành cầm giả ca”, có thể là nhìn người nhớ lại tình xưa. Nhưng biên kịch và đạo diễn “Long thành cầm giả ca” làm phim, có lẽ còn là để khắc họa một Nguyễn Du trông người lại nghĩ đến thân, và nghĩ đến cả một thời kỳ thành Thăng Long nhộn nhịp, vui tươi ca hát. Cô Cầm trong phim ấy, chắc hẳn chẳng phải cô Cầm trong thực tế, mà là hóa thân của Thăng Long đã trải mấy đời hoạn nạn trong mắt nhân vật Nguyễn Du thôi!
Đối với tôi, “Long thành cầm giả ca” xứng đáng được coi là phim kinh điển của nước nhà. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, khi xu hướng làm phim dã sử, lịch sử đang được nhiều người quan tâm, thì “Long thành cầm giả ca” lại càng nên được biết đến nhiều hơn. Làm một bộ phim lịch sử, điều quan trọng là tái hiện lại được cả một không gian quá khứ, với những con người xưa cũ, mang hồn điệu, âm hưởng của từng thời kỳ. Xét về tiêu chuẩn này, “Long thành cầm giả ca” đã làm rất tốt. Bộ phim còn chạm đến được cảm xúc tiếc thương, u buồn, và nỗi tiếc thương ấy trở thành một khúc vĩ thanh âm ỉ mãi trong lòng người xem. Tiếc thương cho con người trong tao đoạn lửa binh, tiếc thương cho những nghệ nhân phải trải qua binh đao khói lửa, và tiếc cho cả một thời đại mà đám đông sẵn sàng bức hại cả những nhân tài…