“Good morning! And in case I don’t see you, good afternoon, good evening and goodnight!”
Bất cứ khán giả nào theo dõi “The Truman Show” trên TV sẽ không thể quên được câu nói cửa miệng của anh chàng Truman này vào mỗi sáng. Truman có một cô vợ xinh đẹp làm y tá tại bệnh viện, một công việc văn phòng bình thường, một ngôi nhà với đầy đủ tiện nghi, một bà mẹ ở riêng và một anh bạn thân làm nhân viên siêu thị. Cuộc sống của Truman cứ thế trôi đi, mỗi ngày anh phải đối mặt với một hoặc nhiều vấn đề khác nhau, quanh quẩn trong khu phố thị nơi anh sinh sống. Đó là một cuộc sống bình thường, cuộc sống mà bất cứ người trưởng thành nào cũng đang và sẽ trải qua: Sinh ra, lớn lên, lấy vợ, đi làm. “The Truman Show” đã đem đến cho khán giả truyền hình những thước phim chân thực nhất về cuộc đời của Truman Burbank, từ khi anh còn đang ở trong bụng mẹ, cho đến cái ngày bỗng dưng có một “vật thể lạ” được cho là mảnh vỡ từ máy bay rơi xuống khu phố nơi Truman sống.
“The Truman Show” là tên một chương trình truyền hình thực tế, tường thuật trực tiếp về cuộc đời của một người đàn ông tên Truman Burbank. Bộ phim “The Truman Show” lại có phạm vi rộng hơn, bao quát cả chương trình TV đó lẫn hoạt động của những nhân vật khác: Các diễn viên, đạo diễn chương trình, khán giả trước màn ảnh,… Tức là, bộ phim là một thế giới rộng hơn, nơi chúng ta – những người xem tồn tại thực – đang chứng kiến cuộc đời của Truman qua màn hình TV hoặc máy tính, và theo dõi cách anh ta vật lộn với cuộc đời được người khác tạo dựng nên như thế nào.
Khi ông đạo diễn Christof ấp ủ thực hiện một chương trình truyền hình thực tế chân thực nhất, ông đã đưa ra một quyết định táo bạo: “Tạo ra” Truman Burbank, một người có thật, không phải diễn viên, không hề biết gì về chương trình truyền hình thực tế nào, cũng không biết thế giới anh ta sống thực chất chỉ là một phim trường. Tóm lại, Christof không tìm một diễn viên, ông tìm một con người, và khao khát làm chương trình truyền hình thực tế xoay quanh cuộc đời của một con người.
Để phục vụ ý tưởng đó, Christof đã dàn dựng cả một phim trường lớn với hàng trăm diễn viên tình nguyện theo đuổi dự án này, và trong hàng trăm đứa trẻ chưa ra đời, ông “chọn” lấy Truman, đặt máy quay kể từ lúc cậu còn trong bụng mẹ. Truman được sinh ra, nuôi dạy, cho đi học như bất kỳ đứa trẻ nào, chỉ là tất cả những việc cậu làm, những gì cậu nói, đều được ghi hình lại và phát sóng trên TV để khán giả trên toàn thế giới có thể xem được. “The Truman Show” của Christof thu hút được lượng theo dõi đông đảo từ người xem, và ai cũng đều yêu quý Truman cả. Thậm chí, chính chúng ta, những khán giả đang theo dõi toàn bộ câu chuyện, cũng thấy yêu quý Truman bởi những gì anh làm, những câu anh tự nói với bản thân mỗi sáng khi nhìn vào gương,… Nhìn vào Truman, ai cũng thấy một phần của bản thân trong đó. Chính vì lẽ ấy mà “The Truman Show” được yêu thích và đánh giá cao đến vậy.
Một cuộc đời sắp đặt trước – Sự đảm bảo cho “tính thực tế” của chương trình?
Trên thực tế, toàn bộ những gì xung quanh Truman đều do một tay đạo diễn Christof sắp xếp. Cả một phim trường rộng lớn được dựng nên: trường học, bệnh viện, khu vui chơi, biển,… với đầy đủ các chức năng của nó, cùng với những diễn viên sẵn sàng dành cả cuộc đời họ cho một chương trình duy nhất này. Máy quay được đặt ở mọi địa điểm, và khán giả có thể quan sát Truman từ mọi góc quay, trong phòng vệ sinh hay ở ngoài đường, khi Truman ngồi thư viện hay khi anh lén lút xé tờ báo tại bàn làm việc. Nhất cử nhất động đều được ghi lại, đảm bảo một chương trình thực tế “thực tế” nhất trong lịch sử.
Xem phim, sẽ có không ít người xem thấy cuộc đời của Truman Burbank “quen quen”, không phải chỉ từ quá trình anh ta được sinh ra và lớn lên, làm một công việc bình thường như bao người, mà còn bởi hình như hoàn cảnh của Truman đã được nhắc đến ở đâu đó rồi. Thú thật, khi theo dõi phim, tôi không khỏi liên tưởng đến Vườn địa đàng nơi Chúa đã tạo ra Adam và Eva cùng lời hứa hẹn sẽ cung cấp hạnh phúc cho đôi bạn trẻ, chỉ cần đôi bạn đừng có động vào trái cây cấm ở giữa khu vườn. Một vườn địa đàng đủ đầy mọi thứ, cũng chẳng khác cái phim trường rộng lớn tiện nghi vật chất là bao, còn Truman Burbank cũng có nét tương đương “cụ tổ của loài người” Adam. Thế là, bằng việc chiếu một chương trình truyền hình thực tế, Christof đã tạo dựng lại được một “vườn địa đàng” thời hiện đại, và một lần nữa, đưa loài người về với “thế giới hạnh phúc” mà khi xưa Chúa đã trừng phạt bằng cách đẩy Adam và Eva đi.
Tuy nhiên, không giống với Adam hay Eva, Truman không cảm thấy sung sướng gì trong cái “vườn địa đàng” này. Anh nhận ra có điều gì đó kì lạ đang diễn ra, mọi người đang hành xử không ổn, còn Truman thì dù cố gắng đến mấy cũng không thể rời đi được khỏi thành phố anh đang sống. Bằng một thứ sức mạnh “siêu nhiên” nào đó, cứ mỗi lần Truman định bỏ đi, thì xe ô tô hỏng, xuồng chìm, biển nổi bão going lớn. Dường như “cả vũ trụ” đều hợp sức lại để ngăn cản ý định của Truman.
Khi nhìn bộ phim như một hệ thống những biểu tượng, dẹp các ý nghĩa tôn giáo sang một bên, chúng ta vẫn có thể hiểu được toàn bộ ý nghĩa của chúng.
Nếu coi phim trường của Christof là đại diện cho cuộc sống bình thường mà chúng ta đang sống, thì mọi thứ diễn ra trong đó đều do một tay đạo diễn Christof sắp đặt, và vì là một người bình thường, lại chỉ đặt mục tiêu tạo ra một cuộc sống “sát với thực tế”, nên ông ta cũng chỉ tạo ra một cuộc sống bình thường, nơi mà bất cứ ai an phận đều có thể an toàn sống được. Trung thực mà nói, cuộc sống ấy cũng chẳng khác cuộc sống đa số chúng ta đang có là bao. Công việc ổn định, cô vợ chăm lo cho gia đình, những người hàng xóm thân thiện; thỉnh thoảng, sẽ có vài vấn đề xảy ra, nhưng cũng chỉ là vài ba vấn đề cỏn con được ông chúa nào đó đem đến để ta không cảm thấy đời ta quá bằng phẳng.
Còn nếu một ngày nào đó, bạn muốn rời khỏi vòng an toàn của cái phim trường khổng lồ kia, thì lúc đó mới là ngày khó khăn thực sự ập đến. Bởi giờ đây mới là thời điểm “cả thế giới” quay lưng chống lại bạn: Người thân sẽ kêu gào rằng bạn đã thay đổi theo chiều hướng xấu đi, người luôn ủng hộ bạn đi tìm tự do “bỗng dưng” mất tích, mọi phương tiện có thể di chuyển được đều đồng loạt hỏng đúng lúc, và khi trốn được khỏi đất liền, biển chợt nổi giông bão như muốn nhấn chìm cả bạn và ước muốn ra bên ngoài của bạn. Nhiều người gọi đó là vận xui, và họ không để ý nhiều đến chúng. Không giống như việc con người thầm tạ ơn đấng siêu hình nào đó khi đem lại may mắn cho mình, người ta ít khi nghĩ rằng vận xui cũng là một yếu tố do đấng siêu hình ấy tạo ra. Những ý nghĩ xuôi chiều khiến đa số con người tin rằng họ được Thượng Đế phù hộ khi tuân thủ ý muốn của ông ta, mà quên mất rằng họ cũng có thể bị “trừng phạt” khi làm trái ý Thượng Đế. Trong trường hợp của Truman, bạn sẽ nhận ra rằng những vận xui anh ta gặp đều là những gì được tạo ra là để ngăn cản anh ta đi theo cuộc đời mà anh ta TỰ CHỌN, và đôi khi, để đi theo sự tự do lựa chọn ấy, Truman sẽ phải chấp nhận đánh đổi bằng cả mạng sống của chính mình. Trên thực tế, phim trường của Christof giống một cái lồng nhốt hơn là một không gian hoàn hảo cho sự sống. Sứ mệnh cuộc đời của Truman Burbank vốn không phải là trở thành nhân vật của một chương trình truyền hình trước sự chứng kiến của hàng ngàn, hàng triệu người, mà là thoát khỏi cái lồng nhốt kia, tự mình làm chủ cho cuộc đời của mình.
Với nhiều người, một cuộc đời được sắp đặt từ trước là tất cả những gì mà họ mong muốn, và họ chấp nhận sống trong cuộc đời ấy để có thể tránh đi mọi khó khăn, đau khổ, áp lực ập đến trong đời. Những con người ấy mưu cầu một cuộc sống bình yên, kể cả đó là một thứ bình yên giả tạm. “Bình yên” là một khái niệm sáo rỗng. Bạn sẽ không bao giờ có được “bình yên” nếu bạn tự quyết định cuộc đời của bản thân, chấp nhận rủi ro và đi theo con đường mà chính bạn đã vạch ra. “Bình yên” chỉ tồn tại khi người ta chấp nhận trở thành một con rối trong tay kẻ khác, giao phó toàn bộ cuộc đời mình cho một hay một vài người (có thể là bố mẹ, thầy cô, người tình, cũng có thể là một thế lực siêu nhiên nào đó…).
The Truman Show – Không ai có quyền quyết định cuộc đời người khác
Có một nhân vật sẽ được đem ra mổ xẻ trong phần này, đó là đạo diễn Christof. Cái tên của ông ta khiến tôi liên tưởng đến Jesus Christ. Thế nhưng dù có sự tương đồng trong cái tên Christof vẫn chỉ là Christ-of, và suy cho cùng, ông ta cũng chỉ là một con người, không hơn.
Tại khu vườn địa đàng nhân tạo này, Christof có vai trò như Chúa. Thế giới của Truman là thế giới do một tay ông tạo ra, toàn bộ cuộc sống của Truman cũng do một tay ông sắp đặt, và ông cũng là người luôn luôn dõi theo nhất cử nhất động của Truman. Tuy nhiên, tất cả những yếu tố đó không khiến Christof có quyền quyết định cuộc đời cũng như hướng đi về sau của chàng trai trẻ Truman Burbank. Hành động của Christof, ngay từ ban đầu, đã là một hành động vi phạm quyền tự do cá nhân của người khác. Ông xin phép người mẹ để được phép quay phim toàn bộ cuộc đời người con, trong khi đáng nhẽ chính Truman phải là người được biết về dự án ấy thì lại là người duy nhất hoàn toàn không biết gì. Nói cách khác, Truman bị tước đi cái quyền làm chủ cuộc đời, không hề biết rằng bản thân đang sống trong cuộc đời đã được dựng sẵn.
Một trong những cảnh gây ấn tượng nhất đối với tôi là khi Truman vượt qua được tất cả những bão giông nhân tạo, chạm tay vào bức tường xanh xanh màu đường chân trời, cũng là bức tường ngăn cách phim trường với thế giới tự do bên ngoài. Truman khi đó vừa ngơ ngác, vừa cảm thấy tức cười, hóa ra tất cả những gì anh trải qua trước đây chỉ là một màn dàn dựng công phu của đội ngũ làm phim. Chính khi Truman chuẩn bị mở cánh cửa bước ra ngoài, từ trên cao phía mặt trời đang chiếu sáng, nơi có những vầng mây trắng xốp vẫn bay bay, có tiếng gọi: “Truman…”. Tiếng nói của Christof từ trên cao vọng xuống, qua micro nghe trầm trầm như giọng của một vị cha già, khuyên nhủ Truman hãy quay lại thế giới của ông, vì rằng “Ta đã theo dõi con từ lúc con còn trong bụng mẹ… Cả thế giới đang theo dõi con”. Nhưng Truman, anh ta không được theo dõi chính mình, và rõ ràng, dù có đặt camera khắp nơi, Christof vẫn không thể nào đặt được camera trong đầu Truman Burbank để thấu hiểu được cảm xúc, suy nghĩ của anh, để biết rằng điều tồi tệ nhất không phải là sống trong một thế giới đầy những điều bất toàn. Điều tồi tệ nhất là bị tước mất quyền lựa chọn thế giới mình sẽ sống. Đôi khi, một vài người nào đó sẽ nhân danh tình yêu thương để ép buộc chúng ta phải làm theo ý họ, nhưng đó chỉ là một sự nhân danh trắng trợn, bởi tình yêu thương thật sự sẽ để người ta tự do chọn lựa cuộc đời của chính mình. Không ai có đủ thẩm quyền để quyết định cuộc đời thay người khác, dù người đó có là Chúa, hay là một vị đạo diễn tài ba tâm huyết với nghề, hay thậm chí là người đã sinh ra ta. Đó là thông điệp mà các nhà làm phim “The Truman Show” muốn đem lại cho khán giả của họ.
Bỏ lại sau lưng cả một phim trường ngổn ngang, cùng với hàng triệu khán giả theo dõi truyền hình trên toàn thế giới, Truman Burbank mỉm cười, cúi chào, và bước qua cánh cửa đen ngòm. Truman, kể từ giây phút đó, đã trở thành “true man” (con người thực thụ). Cũng kể từ giây phút đó, chương trình thực tế dài nhất trong lịch sử đi vào hồi kết, bộ phim “The Truman Show” cũng khép lại. Chúng ta sẽ không còn nhìn thấy Truman trên TV, Truman cũng không còn bị nhốt trong thế giới chật chội “Quanh quẩn mãi vẫn vài ba dáng điệu/ Tới hay lui cũng chừng ấy mặt người” nữa. Nhưng cũng từ đây, ta có thể bắt gặp Truman ở nơi của những con người đủ can đảm để giành lấy tự do, bởi chỉ có những con người cùng khao khát tự do mới có thể tìm thấy và gặp được nhau.
“In case I don’t see you, good afternoon, good evening, and goodnight!”
Nguyễn Hoàng Dương