Đến hẹn lại lên, năm nào Marvel cũng cho ra mắt một bộ phim siêu anh hùng. Năm ngoái, “Doctor Strange” đã ra mắt và mang lại cho người xem nhiều suy nghĩ dù kịch bản phim khá dở, không xứng đáng với tầm vóc mà đáng lý ra nó phải có. Khác với những siêu anh hùng đã được lên phim khác, Dr Strange có được siêu năng lực nhờ vào các thực tập tâm linh chứ không phải qua đột biến gen hay tác động từ ngoài hành tinh. Bởi thế, các lý thuyết đặt ra trong Dr Strange chắc hẳn sẽ thu hút những ai thích thú với các đề tài như quyền năng, các thực tại khác, các chiều không gian, dòng thời gian, … Đây cũng là những vấn đề mà các tôn giáo và các giáo phái tâm linh đề cập đến rất nhiều.
Nói một cách trung thực, cả bộ phim như một bài thuyết giáo về lý thuyết tâm linh, ngoài ra thì nội dung không có gì. Bộ phim cố đơn giản hóa trong việc lý giải về việc dịch chuyển không gian-thời gian, thế giới linh hồn, thời gian bất biến, sự vĩnh cửu…v…v… Trong việc đơn giản hóa này, phim đã thành công. Những thứ được thuyết giảng rất đủ hấp dẫn để người ta tin vào. Tuy nhiên, bỏ qua sự nhạt nhẽo trong cốt truyện thì thái độ của Dr Strange với việc thực tập tâm linh và với những Kẻ Cuồng Tín, hay kẻ thống trị Không gian Tối cũng đáng để chúng ta suy nghĩ. Khi xem phim, tôi vừa xem vừa thốt lên “What the fuck”, bởi nó phản ánh quá trung thực các lầm lạc trên con đường thực tập tâm linh mà đám đông cuồng tín hiện nay đang hướng tới.
Dr Strange cũng như đa số mọi người, tìm đến với con đường huyền bí là do các tổn thương, có thể là thân xác, có thể là tâm lý. Khi tiếp cận con đường huyền bí, họ phải học cách dùng ý chí của mình để hàn gắn các tổn thương. Thế nhưng, có những người, họ mượn lực từ thực tại khác để dùng năng lượng ấy chữa trị cho bản thân. Mâu thuẫn lớn nhất trong phim chính là giữa những người muốn thực tập tâm linh bằng cách tự luyện tập và những người muốn có quyền năng lớn thông qua việc mượn lực từ không gian khác.
Những người tự rèn luyện và chăm chỉ thực tập, đương nhiên, tiến trình sẽ chậm hơn, nhưng an toàn hơn. Ancient One, người hướng dẫn(guru) cho Strange luôn thúc ép những đệ tử của mình phải tuân thủ việc tránh xa các cấm thuật và phải đi bài bản từng bước một. Ancient One đã từng có một đệ tử rất thông minh là Kaecilius, thế nhưng, hắn đã kết nối và lấy năng lượng từ Không gian tối, triệu tập đệ tử và làm phản chống lại hệ thống tâm linh của Ancient One. Khi Strange xuất hiện cùng với trí thông minh tuyệt đỉnh của mình, Ancient One lập tức nhớ đến sai lầm của bà khi đã đào tạo một người rất thông minh trở thành bậc thầy của những phép thuật. Bà đã từ chối một người rất thông minh như Strange. Thậm chí, luôn ngăn cản về lên án cách học tri thức cổ xưa và luyện tập của anh ta. Đây là một rắc rối mà một số bậc thầy mắc phải khi hướng dẫn đệ tử của mình. Hoặc họ quá thích thú trước trí tuệ của một đệ tử xuất sắc đến mức thúc đẩy cái Tôi của đệ tử, hoặc họ quá kìm hãm trí tuệ ấy bằng cách cố gắng thuần hóa đệ tử cùng một phương pháp với những người bình thường khác. Đương nhiên, Strange không chấp nhận việc phải học hỏi và luyện tập một cách “rùa bò” như thế. Một khi đã nhận thức được linh hồn của mình, anh đã để cho linh hồn một đời sống học hỏi riêng với các hoạt động song song cùng sự vận hành của cơ thể. Việc này hiển nhiên tiết kiệm nhiều thời gian hơn các bài học dành cho đám đông.
Ảo tưởng lớn nhất của những người thực tập tâm linh được phản ánh qua cách thức của Kaecilius. Kaecilius vì mong muốn có được sự bất tử và quyền lực vĩnh hằng nên đã chấp nhận “trở thành Một”, mà cụ thể là trở thành công cụ của Không gian Tối. Con đường này của hắn ta rất gần với những lời truyền đạo theo kiểu “Trở thành Một với Toàn Thể”, “Nhập làm Một với Đạo”… Đương nhiên, chúng ta chưa biết “Toàn Thể” hay “Đạo” là gì, mà nếu có trường hợp người thực tập tâm linh trải nghiệm cảm giác “Nhập làm Một” với cái gì đó thì cũng không chắc đó có phải thứ tốt đẹp mà mình đang hướng tới hay không, hay đơn giản là một mớ hỗn độn và đen tối mang cái danh Toàn thể. Thậm chí, không ít trường phái còn có các bài tập kết nối với Toàn thể để lấy năng lượng từ đó, nhằm chuyển hóa thực tại xung quanh. Bộ phim cũng đề cập đến vấn đề này khi tạo ra nhóm Kẻ Cuồng Tín của Kaecilius với những quyền năng lấy được từ Không gian Tối, mà ở đây gọi là Một. Thậm chí, Ancient One cũng lấy năng lượng từ Không gian Tối này để có quyền lực thay đổi và kiểm soát các thực tại, cũng như duy trì sự bất tử của mình. Không ít người đã lấy năng lượng từ Không gian Tối để nhanh chóng đạt được điều mình muốn. Và đúng như Mordo nói: “Có nợ thì phải trả”. Một khi đã mượn lực từ bất cứ thế lực nào thì cũng đến lúc bạn sẽ phải trở thành công cụ cho thế lực ấy. Đó chẳng phải là lý thuyết về nghiệp của các trường phái tâm linh Ấn Độ? Người ta nghĩ rằng tham sân si ở đời thường tức là mất nghiệp, nhưng có ai nghĩ rằng việc vay mượn từ một đấng nào đó bên ngoài sự hiểu biết của chúng ta, cũng chính là tạo nghiệp. Thậm chí, nghiệp này không dễ trả như thứ nghiệp đời thường. Chúng ta lấy năng lượng từ một thế lực nào đó để hàn gắn các tổn thương của chúng ta, để biến chúng ta thành người có năng lượng tốt, để vẽ bùa đọc chú mong cầu kiếm nhiều tiền, để cầu xin sự thành công…v…v… ; tất cả đều là sự ngu xuẩn để đưa đẩy chúng ta vào một thứ nghiệp mà chúng ta chỉ có thể dùng linh hồn mình để trả. Nói theo ngôn ngữ của phương Tây, đó là “giao ước với quỷ”. Và một khi bạn không còn linh hồn, bạn sẽ giống như Kaecilius và đồng bọn, trở thành công cụ để không gian tối có thể xâm nhập thế giới của chúng ta. Càng nhiều người kết nối với các thế lực kiểu này thì quyền lực của chúng ở thế gian càng mạnh.
Một ảo tưởng khác không thể không nhắc đến đó là thái độ với cái chết và thời gian. Ancient One có một đời sống bất tử, nhưng bà ta có sứ mệnh đó là bảo vệ thế giới này. Kaecilius cố đạt đến bất tử không vì sứ mệnh gì, mà chỉ vì bản thân mình. Ancient One cuối cùng cũng nhận ra một chân lý đơn giản rằng “Có nợ thì phải trả”, và chấp nhận cái chết của thể xác để bảo toàn được sự vĩnh cửu của linh hồn. Kaecilius và đồng bọn, đến cuối cùng cũng được như ý nguyện, trở thành Một với thứ hư vô của hỗn độn. Sai lầm của Ancient One hay Kaecilius đều đến từ nỗi sợ với thời gian và vòng tuần hoàn của thế giới. Họ sợ phải chết, họ sợ sự lặp đi lặp lại của vòng thời gian. Họ cố duy trình một tình trạng vĩnh cửu nào đó ở thế giới này nên đã bị cuốn hút bởi Không gian Tối, thứ thực tại bên ngoài vòng thời gian. Họ tin rằng thứ ở bên ngoài sự sống chết chính là một điều đáng để vươn tới? Điều này có quen không? Các tôn giáo đều hướng tới điều này! Tuy nhiên, thời gian chính là điều đáng quý nhất của con người. Bởi thời gian trôi đi chính là biểu hiện cho sự sống, sự vận động, cho sự nhận thức. Nơi không có thời gian, tức là không có nhận thức, không có vận động và không có sự sống. Cái chết không đáng sợ, nó đơn giản chỉ là bên kia của sự sống mà thôi. Bạn đi tìm sự bất tử ở đâu đó, trong khi chính linh hồn của mình vốn dĩ đã bất tử rồi, lại là điều bạn quên mất. Hiểu được quyền lực của Thời gian, Dr Strange đã dùng chính Thời gian để chiến thắng Không gian Tối. Strange để thời gian lặp đi lặp lại trong Không gian Tối đến mức chính hắn không thể chịu đựng được. Điều kẻ bất tử sợ hãi nhất, chính là mọi thứ liên tục lặp đi lặp lại và những kẻ tưởng như vượt qua vòng quay thời gian ấy vẫn trở thành công cụ của một thứ vòng lặp do chính chúng ta tạo ra. Điều đáng tiếc của bộ phim, đó là ý tưởng này không được nhấn mạnh đúng với ý nghĩa triết học mà nó đáng ra phải thể hiện.
Tất cả những ảo tưởng trên con đường thực tập tâm linh ấy, Dr Strange đều tránh được, tại sao? Trước hết bởi anh ta không vì bị lóa mắt trước quyền năng mà quên đi giá trị thực thụ của mình, không dễ khuất phục trước Ancient One như những người khác. Trước sau, anh ta vẫn giữ một thái độ hoài nghi kiêu ngạo có được nhờ khả năng xử lý thông tin vượt trội mà anh ta có được từ cuộc sống xuất sắc của mình. Cũng nhờ thế, anh ta có những hệ chuẩn mực riêng. Dù không thể lấy lại đôi tay vàng của mình, nhưng anh ta cũng không dễ dàng đàm phán, chỉ bời vì anh ta nhìn thấy các hành vi và thái độ xấu xa của Kaecilius. Cho dù lý lẽ của hắn có giống của Strange đến đâu, anh chỉ so sánh dựa trên những hành vi và biểu hiện (Một cách hài hước, tác giả đã để cho Strange chê vẻ ngoài xấu xí của Kaecilius). Và hơn thế nữa, sau rất nhiều đổ vỡ và đau đớn, anh nhận ra rằng chấp nhận thất bại và nỗi đau là điều cần thiết. Tất cả thất bại hay đau đớn đều chỉ là thứ bên ngoài, cho nên lặp đi lặp lại đến bao nhiêu lần cũng đều trở nên vô nghĩa. Anh ta sẵn sàng với mọi thứ lặp đi lặp lại và sử dụng chính thời gian để chiến thắng những kẻ bất tử. Quan trọng hơn cả, Dr Strange là một người ý thức bản thân rất cao, cao đến mức không bao giờ quỳ gối trước thế lực nào. Mở đầu bộ phim, ai cũng nhắc anh ta rằng thế giới không phải lúc nào cũng xoay quanh anh ta. Để rồi, đến cuối cùng, anh ta trở thành người bảo vệ và kiểm soát vòng quay của thế giới. Điều này có không tưởng với loài người của chúng ta? Các bạn có thể thử để biết! Chống chỉ định với những kẻ mượn lực từ thế giới khác.
Từ phong trào New Age đến nay, những phong trào tập Thiền, thực tập tâm linh ngày càng nở rộ và phong phú, cùng với đó là đủ thứ tích hợp và pha trộn. Bộ comic “Doctor Strange” được sáng tác năm 1963, giai đoạn cực thịnh của phong trào New Age, chắc hẳn cũng chịu ảnh hưởng ít nhiều từ phong trào này. Tuy nhiên, tác giả đã có cái nhìn rất khác với đa số các giáo phái tâm linh thời đó, và cái nhìn ấy được thể hiện qua thái độ của Strange. Nếu ai đó cho rằng bộ phim là một thứ quảng bá cho các lý thuyết về tâm linh và tôn giáo, thì hẳn những người ấy đã nhầm. Ngược lại, đó là lời tuyên chiến với các thế lực tâm linh đen tối với đủ các lý lẽ cám dỗ.
Hà Thủy Nguyên