Home Uncategorized Tương lai của thế giới mới hay tại sao Việt Nam không có các siêu phẩm như Game of Thrones, The Lord of the rings, Harry Potter?

Tương lai của thế giới mới hay tại sao Việt Nam không có các siêu phẩm như Game of Thrones, The Lord of the rings, Harry Potter?

Nếu cho rằng việc tạo dựng một thế giới hư cấu trong văn chương, điện ảnh… chỉ đơn thuần là nhặt nhạnh những điều huyền

Book Hunter

16/08/2019

Nếu cho rằng việc tạo dựng một thế giới hư cấu trong văn chương, điện ảnh… chỉ đơn thuần là nhặt nhạnh những điều huyền ảo ở nơi này một ít, nơi kia một chút và nếu cho rằng thể loại giả tưởng chỉ là một nhánh rất nhỏ của văn học thì e là sẽ phải rất lâu sau này chúng ta mới dám nói đến nền công nghiệp văn hóa.

Sau khi bộ phim Game of Thrones (tạm dịch: Cuộc chiến vương quyền) kết thúc với những tranh cãi chằng chịt, khán giả lại thấp thỏm chờ đợi phần mới nhất của series The Expanse (tạm dịch: Cuộc mở rộng) – bộ phim được xem như Cuộc chiến vương quyền trên vũ trụ, sẽ được phát hành cuối năm nay. Nếu cân đo về mánh khóe chính trị, sự xảo trá của các nhân vật, có lẽ cả hai bộ phim trên đều không thể sánh với series House of Cards cả về thủ đoạn lẫn tư duy chính trị. Thế nhưng, Game of Thrones The Expanse lại mang trong mình thứ “vàng mười” có thể khiến khán giả phải mê mẩn: một thế giới mới.

Xây dựng những vùng đất giả tưởng

Game of Thrones được xây dựng dựa trên tiểu thuyết The Song of Ice and Fire của nhà văn Geogre R. R. Martin và The Expanse chuyển thể trên tiểu thuyết cùng tên của tác giả James S. A. Corey. Thoát ly hoàn toàn với những gì chúng ta vốn biết về Trái Đất và con người, cả hai tác phẩm xây dựng những vùng đất mới, đặt tên cho chúng, tạo nên khí hậu riêng biệt, tiền tệ, tài nguyên mới, nền chính trị khác nhau… Các yếu tố này được xây dựng logic ngay từ ban đầu để có thể tác động mạnh mẽ đến hệ thống đạo đức – công lý, thậm chí tính cách, mục đích sống của chủng loài ở mỗi vùng đất. Kỹ thuật này được gọi là world-building (tạm dịch: xây dựng thế giới).

Một thế giới hư cấu được xây dựng chặt chẽ không chỉ khiến công chúng nảy sinh những phức cảm sợ hãi – phấn khích khi tiến vào vùng đất mới còn giúp người đọc mường tượng ra những cuộc chiến khốc liệt tranh giành tài nguyên, quyền lực mà tác giả cung cấp dữ liệu ban đầu. Có thể hình dung điều này trong Game of Thrones khi tác giả xây dựng vùng đất phương Bắc quanh năm tuyết phủ và thường xuyên đối mặt với đội quân xác sống. Khí hậu nơi đây khiến con người trầm mặc, ít nói, chỉ tin tưởng vào những người thân quen đã vào sinh ra tử và luôn chuẩn bị chu đáo từ lương thực cho cuộc sống mùa đông khắc nghiệt cho đến chiến lược của mỗi trận đánh. Logic vận hành này được tác giả sử dụng xuyên suốt tác phẩm, tạo nên tâm tính nhân vật và những cuộc lật đổ ngoại thích.

Có thể nói, world-building là một chuỗi thử nghiệm của tác giả với các hệ thống đạo đức – công lý trong đời thực, từ các chế độ quân chủ, dân chủ cho đến lý thuyết công lợi, tư lợi… đều được tác giả “”phân phát” cho các chủng loài. Vì vậy, tranh cãi của công chúng đối với tác phẩm world-building không phải là tranh cãi về các mánh khóe, thủ thuật làm phim và viết lách mà là những biện giải triết học và tranh luận về tính thực tiễn của chúng.

Bên cạnh những yếu tố học thuật kể trên, tác phẩm world-buiding là đặc trưng của nền công nghiệp văn hóa với sự liên kết, mở rộng của nhiều lĩnh vực khác nhau như văn học, điện ảnh, trò chơi điện tử, truyện tranh, chế tạo mô hình…  Khởi nguồn từ tiểu thuyết The Lord of the Rings (tạm dịch: Chúa tể của những chiếc nhân), các tác phẩm điện ảnh, trò chơi được ra đời. Cũng có sản phẩm dựa trên nền tảng nhân vật, cấu trúc thế giới của tác phẩm gốc để tạo nên hướng đi riêng như phần cuối của series Game of Thrones mới được phát hành. Hay như trò chơi mô hình Warhammer 40K là một điển hình của công nghiệp văn hóa khi bán cho công chúng những câu chuyện.

Warhammer 40K chỉ là một bộ sưu tập các mô hình nhân vật nhưng đằng sau là một thế giới đồ sộ với hàng trăm chủng tộc, hành tinh chiến đấu với nhau bởi những lợi ích đan cài chặt chẽ. Thế giới của Warhammer 40K có thể mở rộng đến vô hạn không phải dựa vào sự ngẫu hứng của đội ngũ tác giả mà nhờ những nền tảng ban đầu đã được thiết lập.

“Những tác phẩm thế giới hư cấu xuất sắc sẽ có ảnh hưởng lớn tới các ngành văn hóa đại chúng khác như truyện tranh, game, phim ảnh. Bởi vì thứ cả 3 ngành ấy thiếu nhất chính là… kịch bản. Họ chỉ có những thiết kế rời rạc, những chuỗi hành động thiếu sức sống. Con người thường có xu hướng thích thú với thế giới hư cấu hơn thế giới thực và ngày càng muốn nó thực hơn, hoặc thực theo các cách khác nhau, và nếu muốn vậy, thì cần trí óc tưởng tượng không phải chỉ riêng nhà văn, mà của những nhà kiến tạo thế giới.” – nhà văn Hà Thủy Nguyên phân tích.

Với khả năng liên kết giữa học thuật và các lĩnh vực văn hóa, tác phẩm world-building là “mỏ vàng” của các nhà sáng tạo. Thay vì phát triển những tác phẩm đơn lẻ, giới sáng tạo có thể hợp tác để cùng tạo ra một vũ trụ mới, điều chỉnh thành nhiều sản phẩm và lôi kéo sự chú ý, tranh luận của công chúng, kể cả các học giả.

Đường khó cho tác giả trẻ

Không thế nói ở Việt Nam không có nền văn học, điện ảnh hư cấu. Nhờ cảm hứng của Harry Potter, văn chương hư cấu Việt Nam đã nảy nở rất nhanh. 3 trong số 9 tác phẩm đoạt giải Văn học tuổi 20 lần VI cuối năm 2018 cũng là văn học giả tưởng.

Thế nhưng, nhìn chung các tác phẩm văn học hư cấu Việt Nam không tập trung xây dựng thế giới mà chủ yếu xoay quanh các tình tiết, cao trào; tư duy về nhân vật dù bước vào thế giới mới hay nghịch hành thời gian thì vẫn không thoát khỏi logic thông thường của thế giới cũ – tức Trái Đất. Điều này không chỉ hạn chế khả năng phát triển tác phẩm mà còn vắt kiệt tác giả, khiến họ loay hoay với cốt truyện, tình tiết.

Không phải tác phẩm world-building nào trên vài ngàn, chục ngàn trang cũng sẽ trở thành tác phẩm xuất sắc nhưng những kiệt tác như The Song of Ice and Fire, The Expanse đều có khả năng vượt xa con số này hoặc như trò chơi Warhammer 40K có độ dày cốt truyện khó đong đếm nổi. Chỉ riêng việc xây dựng thế giới mới với hệ sinh thái và logic vận hành riêng đã có thể ngốn đến cả ngàn trang xuyên suốt tác phẩm.

Nhà văn Hà Thủy Nguyên cho rằng sở dĩ các cốt truyện khoa học viễn tưởng của phương Tây có thể được cấu trúc một cách chặt chẽ với những thế giới hư cấu sinh động là bởi có một truyền thống hư cấu các thế giới từ thời các thần thoại, sử thi, và sau đó là các tiểu thuyết… Tại Việt Nam, chúng ta không có một lịch sử của hư cấu dày dặn như vậy.

“Những hư cấu của người Việt mà chúng ta biết đến nay thường vụn vặt, thiếu liên kết và những diễn biến phức tạp. Cũng từ đó mà dẫn đến các tác phẩm của Việt Nam thường là thơ, truyện ngắn, bút ký. Trước thế kỷ 18, Việt Nam không hề có tiểu thuyết, và chỉ đến đầu thế kỷ 20 mới có tiểu thuyết hiện đại. Cho đến nay, nền tiểu thuyết Việt Nam vẫn còn ở mức độ sơ khai. Hãy thử so sánh với nền tiểu thuyết lâu đời của phương Tây. Không phải những cuốn tiểu thuyết hư cấu về thế giới khác ban đầu đã hoàn hảo, nhưng các thế hệ nhà văn sau lại học tập các yếu tố từ các nhà văn trước. Cứ thế, những thế giới hư cấu nổi tiếng của phương Tây hiện nay đều là một quá trình cải tiến từ các thế giới trước đó. Do đó, các tác phẩm hư cấu về thế giới mới ở Việt nam hiện nay, theo tôi, chỉ là một bản sao chép nhiều lỗi của các thế giới hư cấu phương Tây chứ chưa thể sánh được về độ logic và đầy đặn.” –  nhà văn Hà Thủy Nguyên chia sẻ.

Chị cũng nhận định giải pháp duy nhất cho văn học world-buidling ở Việt Nam chỉ có thể là tác giả phải học hỏi nhiều hơn, suy nghĩ nhiều hơn và kiểm tra xem mỗi ý tưởng đến với mình có thật là của mình không hay là do mình bị ảnh hưởng từ tác phẩm hoặc sản phẩm nào khác.

Thảo luận về tác phẩm hư cấu ở Việt Nam, biên kịch, đạo diễn Việt Linh phân tích góc độ quản lý văn hóa: “Ở các nước phát triển, trẻ con được giáo dục trong môi trường sáng tạo từ bé, nơi trí tưởng tượng được cổ vũ, hoan nghênh nên khi lớn lên con người dễ tiếp nhận, sáng tạo ra những thế giới khác biệt, lôi cuốn, không câu nệ thực tế.  Còn ở ta, quan niệm nghệ thuật phản ánh hiện thực đã ăn sâu tiềm thức, mọi hư cấu dễ bị phản ứng, quy kết tiêu cực. Không ít lãnh đạo văn hóa, nhà báo không phân biệt chi tiết, nhân vật của phim truyện và phim tài liệu nên nhiều ý tưởng, nhiều phim bị chết oan. Đó là lý do các nhà văn ta vẫn ngần ngại bỏ công vào thể loại văn học kỳ bí. Phim ảnh, trò chơi điện tử thiếu sáng tạo… là hệ quá kéo theo”.

Có thể xem các tác phẩm xây dựng thế giới mới là một con đường vô cùng gian truân đối với những tác giả trẻ. Dẫu kỹ thuật world-building có thể được hướng dẫn rất nhiều ở các blog cá nhân và các nghiên cứu văn học, điện ảnh, người trẻ (Việt Nam và thế giới) vẫn rất khó để sáng tạo ra những tác phẩm hư cấu xuất sắc bởi chúng đòi hỏi những nghiên cứu kỹ lưỡng về triết học, chính trị, tâm lý. Thiếu vắng nỗ lực, kiên nhẫn và chiều sâu học thuật, một tiểu thuyết hư cấu vài ngàn trang có thể vẫn không hơn gì một câu chuyện cổ tích truyền miệng.

Mai Thụy

Tác giả cho phép Book Hunter đăng phiên bản đầy đủ chưa bị cắt xén khi đăng trên Tuổi Trẻ.

Cộng đồng Người tiêu dùng cần biết về GMO

Cộng đồng “Người tiêu dùng cần biết về GMO” được thành lập từ năm 2014, từ 4 thành viên quản trị ban đầu, trải qua nhiều sóng gió, đến nay đã có số thành viên lên đến hàng chục ngàn. Group được thành lập trong bối cảnh thông tin về giống cây trồng biến đổi gen không được công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Link group Người tiêu dùng cần biết về GMO: https://www.facebook.com/groups/681945315232877/?fref=ts Các bài viết do group

Book Hunter

21/04/2017

Khóa học “Phương pháp phê phán văn bản”

Khóa học “Phương pháp phê phán văn bản” cung cấp cho bạn kĩ năng phân tích, đánh giá các văn bản thường gặp nhằm rút ra được thông tin hữu ích, chính xác. Nội dung của khóa học bao gồm phương pháp phân tích và đánh giá nội dung câu văn, đoạn văn, bài viết, kĩ năng cơ bản để đánh giá độ tin cậy của dữ liệu thống kê và nghiên cứu, và các thủ đoạn thuyết phục, tuyên truyền cần đề phòng. Khóa

Book Hunter

01/01/2017

Online Workshop Học tiếng Anh qua văn chương Anh – Mỹ

Luyện tập qua các tác phẩm văn chương Anh – Mỹ kinh điển là cách giúp người học nhanh chóng cải thiện các kỹ năng đọc – viết nhanh nhất, đồng thời giúp các bạn gia tăng những trải nghiệm cảm xúc, thói quen tư duy và chiêm nghiệm triết lý. Online Workshop HỌC TIẾNG ANH QUA VĂN CHƯƠNG ANH – MỸ là khóa học độc đáo do Book Hunter và phụ trang Tiếng Anh học thuật tổ chức, kết hợp giữa luyện kỹ năng

Book Hunter

13/05/2017

Năm 2016 của Book Hunter: Năm KIẾN TẠO

Mở đầu cho một giai đoạn phát triển mới của Book Hunter, chủ đề hoạt động năm nay của Book Hunter sẽ là: KIẾN TẠO. Chúng tôi xin phép được giới thiệu một số thay đổi cho hoạt động trong năm 2016. Rất mong quý vị và các bạn ủng hộ và tham gia cùng Book Hunter. Về các hoạt động hội thảo Trong năm 2015, Book Hunter tạm thời ngừng tổ chức các buổi Idea Hunting. Nhưng năm 2016, hoạt động này sẽ được

Book Hunter

08/01/2016

Sách hay trong nước tuần 12 tháng 7 đến 18 tháng 7.2021: Việt Nam vận hội, Cuộc thập tự chinh thứ nhất… và chương trình tặng sách mùa dịch

Sau 2 tuần sôi động với nhiều đầu sách thú vị, đến tuần này, thị trường sách có phần trầm lắng hơn. Tuy nhiên, thị trường sách không vì trầm lắng mà kém đi độ "chất". Mời các bạn tham khảo những cuốn sách hay và sự kiện thú vị trong tuần: Sách học thuật thú vị 1.“Việt Nam vận hội” do Nhã Nam phát hành Trích từ giới thiệu sách của Nhã Nam Là sử gia hàng đầu thế giới về sử Việt và

Trần Cúc

19/07/2021