Còn chưa đầy 1 tháng nữa là tròn 5 năm Book Hunter. Còn nhớ lúc ấy, Book Hunter chỉ là một nhóm nhỏ, cùng nhau xem phim và thảo luận. Bộ phim đầu tên là “Accepted”, chiếu đúng vào 20 tháng 11 năm 2011. Bộ phim kể về một nhóm bạn không được chấp nhận trong các trường đại học, bởi họ quá khác biệt, thế nên họ đã lập một ngôi trường riêng, với chương trình học riêng. Bộ phim ấy đại diện cho những điều tôi mong muốn và kỳ vọng ở những người bạn đã tới tham dự cùng tôi ngày ấy. Buổi đầu đó có hơn 20 người tham dự. Rồi sau đó rơi rớt dần còn có 6 người. 6 người ban đầu ấy, đến khi Book Hunter chính thức ra mắt, còn lại 3 người (bao gồm cả tôi). Thế là 3 người chúng tôi cùng nhau xây dựng nội dung Book Hunter, tổ chức các sự kiện, đương đầu với mọi công kích từ xung quanh, mọi khó khăn tài chính. Rồi đến khi, một số các cơ hội và lời mời gọi xuất hiện, 1 người trong số 3 người ấy cũng ra đi vì chạy theo ước vọng khác. Thế nhưng, những người bạn mới cũng xuất hiện, và có lẽ, có cùng tầm nhìn với tôi. Họ là những người coi Book Hunter như một ngôi nhà thứ hai bên cạnh gia đình mình, nơi họ có thể thoải mái thể hiện sự điên rồ hay những suy nghĩ kỳ quặc, nơi họ có thể thử nghiệm mọi ý tưởng và mô hình mà bản thân tâm đắc. Hiện nay, tính cả tôi nữa, Book Hunter có 7 người. 7 người để làm tất cả các công việc: làm bài vở cho Book Hunter, Phía Trước, Phụ Nữ Thượng Lưu, Hang Cáo và một số dự án đánh lẻ khác; dịch sách; tổ chức sự kiện; cùng nghiên cứu về một số chủ đề; xây dựng hệ thống bán sách (và sắp tới có thể sẽ xuất bản sách); viết tiểu thuyết, văn chương; dạy học; truyền bá một số phong trào xã hội …v…v… Còn rất nhiều các công việc không tên khác.
Hơn 4 năm vừa qua, Book Hunter hoàn toàn làm việc phi lợi nhuận và không theo bất cứ phe cánh hay thế lực nào. Chúng tôi kiếm tiền bằng các dự án kịch bản truyền hình, để rồi lại dồn tất cả công sức vào Book Hunter. Đến nay, Book Hunter đã rất phát triển, được rất nhiều người yêu quý, và cả ghen tị, ghét bỏ, phỉ nhổ. Nhưng Book Hunter đã hoàn thành được vai trò của mình. Và bây giờ, đã đến lúc Book Hunter phải phát triển hơn nữa, nên bắt đầu làm một số hoạt động lợi nhuận. Điều đó đồng nghĩa với việc chúng tôi đã gắn cuộc đời mình với Book Hunter và chấp nhận mạo hiểm bằng cách từ bỏ những con đường dễ dàng kiếm tiền nhờ làm bồi bút viết thuê cho các chương trình ngớ ngẩn.
Nhiều bạn hỏi tôi, mục đích của Book Hunter là gì? Khi có chủ đề nào gây tranh luận trên Book Hunter, sẽ có bạn hoài nghi rằng “Họ không ngu thế đâu nhưng sợ rằng họ có mục đích khác”. Thậm chí có người viết viết cả một bài với chủ đề “Book Hunter đã lập trình tư duy giới trẻ như thế nào”. Kể cũng buồn cười, mục đích của Book Hunter luôn luôn rất rõ ràng. Tôi đã không có ít tuyên ngôn về điều này. Tôi nghĩ rằng những người đó, họ chưa từng đọc một bài nào tử tế trên Book Hunter mà chỉ đọc những bài gây tranh cãi. Nhân đây, tôi cũng xin liệt kê ra mấy mục đích của tôi và bạn bè khi thành lập Book Hunter.
Lý do đầu tiên khi tôi thành lập Book Hunter vì tôi khó chịu với hệ thống giáo dục mà tôi đã phải trải qua suốt thời thơ ấu. Mặc dù thành tích học của tôi chả đến nỗi nào, cũng có giải thưởng này nọ, đúng nghĩa “thầy yêu bạn mến”, thế nhưng, ngay từ đầu tôi đã cảm thấy có cái gì đó “sai sai”. Cái “sai sai” ấy, đến khi học đại học tôi mới nhận ra. Đó là mọi hệ thống giáo dục, dù tốt đến đâu đi chăng nữa, đều cố gắng đồng hóa con người chúng ta. Giáo dục không phải để khiến con người trở nên tốt đẹp hơn mà để cố gắng biến con người trở thành những cỗ máy hoạt động theo thang bậc: sinh ra, lớn lên, đi làm, kiếm tiền, đẻ con rồi lại bắt con cái mình lặp lại chu trình ấy. Về căn bản, trong tất cả các chương trình học, hệ thống chỉ cần con người biết đọc, biết viết, biết cách tương tác cộng đồng, còn lại, đáng lẽ người ta nên được tự do lựa chọn.
Lý do thứ hai đó là tôi bực bội với thị trường sách Việt Nam lúc bấy giờ. Các bạn tưởng tượng, một khi các bạn đã đi ăn ở nhà hàng 5 sao với chất lượng thượng lưu, rồi sau đó bạn lập tức phải quay về với canteen trong ký túc xá trường đại học, thái dộ của tôi và thị trường sách là vậy đó. Xung quanh toàn sách làm giàu, sách kỹ năng sống, sách kinh doanh rẻ tiền… trong khi đó những cuốn sách thực sự có giá trị thì nằm lăn lóc, bụi bám đầy. Và vì thế, website Book Hunter ra đời. Một tham vọng không hề nhỏ của chúng tôi: định hình lại thói quen đọc sách của người Việt.
Nhưng nhìn sâu hơn, lý do then chốt của việc thành lập Book Hunter và sẵn sàng bỏ hết tâm sức, tiền bạc vào đó để duy trì hoạt động, không chỉ là giáo dục hay thị trường sách, đó là chúng tôi luôn cảm thấy không thể chấp nhận được một xã hội mà mọi người đều phải cố giống nhau và tuân thủ những thứ giống nhau, đến mức mà sự giống nhau ấy trở thành việc “đương nhiên phải thế”. Bởi vậy, Book Hunter luôn đưa những bài để lật ngược mọi niềm tin, mọi trào lưu, mọi mô hình… như một sự gợi ý rằng, chúng ta có thể nghĩ khác đi so với những gì đang được bày ra trước mắt. Và để đạt mục đích ấy, chúng tôi viết về tất cả các đề tài: chính trị, giáo dục, tôn giáo, văn chương, khoa học, công nghệ …v…v…
Đến đây chắc sẽ có bạn nghĩ rằng tại sao chúng tôi có thể bỏ nhiều công sức để khiến các bạn nghĩ khác đi như vậy? Các bạn hãy thử nghĩ xem? Thử động não đi? Đừng đem lối sống và tư duy của mình ra để soi chiếu người khác rồi “suy bụng ta ra bụng người”. Nếu bạn thật sự hiểu được tại sao chúng tôi lại điên rồ như thế, các bạn có thể liên lạc với Book Hunter, và biết đâu chúng ta có thể cùng nhau để đập tan thứ trật tự lặp đi lặp lại này.
Hà Thủy Nguyên
