“Cáo là một con sói ngậm hoa” – lấy ý từ câu “A fox is a wolf sends flowers” của Ruth Brown
Đầu năm 2016, tôi và một số người bạn bắt đầu chạy trang Hang Cáo ( https://hangcao.info/ ). Đây vừa là trang tạp chí chuyên đề, vừa là hệ thống điểm sách và bán sách của chúng tôi. Ngoài ra, chúng tôi còn có group “Hang Cáo – Không gian văn hóa tinh hoa” ( https://www.facebook.com/groups/hangcao/ ) trên facebook, nơi chúng tôi giới thiệu những tác phẩm hay, những hoạt động khuếch trương và quảng bá văn hóa tinh hoa. Công việc thuần túy tri thức này liệu có liên quan gì đến loài cáo ?
Nếu mở đầu vào Hang Cáo, bạn sẽ thấy dòng chữ « Thế giới tĩnh lặng tại đây ». Đó chính là bầu không khí chúng tôi muốn tạo ra cho người đọc. Từ khi có Internet và đặc biệt là Facebook, người đọc đã bị nhiễm não trạng tăng động, chỉ muốn đọc kiểu « fast content » (nếu món nội dung đó có thêm thứ gia vị uốn éo của câu chữ, thì họ sẽ càng thích). Giống như việc các bạn ăn mỳ ăn liền đã quá lâu, vị giác của bạn sẽ bị hỏng, thì việc đọc các nội dung « fast content » cũng thế. Một ngày nào đó, nếu tỉnh táo, bạn sẽ thấy rằng bạn không còn tư duy sâu được nữa, mà chỉ thích thú với những điều vụn vặt và lối đánh đu câu chữ để làm hài lòng độc giả của những tác giả thị trường. Nếu đã bị đồng hóa bởi đám đông thích khoe mẽ, bạn sẽ thấy những thứ sách thị trường ấy là cao cấp, là chân lý. Nếu bạn đã bị đồng hóa, chúng tôi đành chịu. Còn nếu bạn nhận thấy rằng có vẻ như lối đọc sách của mình có vấn đề, có thể tham khảo Hang Cáo của chúng tôi với một trạng thái thật tĩnh lặng. Chúng tôi ưa thích những người tĩnh lặng hơn những « fan cuồng ».
Nhiều người bạn phàn nàn tôi : « Tại sao lại là cáo ? Đó là loài vật khôn lỏi và độc ác mà ? » hoặc « Nghe cái tên Hang Cáo ghê chết đi được ! »… Tôi chỉ cười. Cười bởi vì người ta chỉ biết đến cáo qua những câu chuyện ngụ ngôn và chí dị chí quái, qua những định kiến của người đời nhìn về loài vật này.
Định kiến lớn nhất phải kể đến những câu chuyện về Hồ ly tinh ở Á Đông. Hồ ly tinh thường được miêu tả là những chàng trai, cô gái đẹp đẽ nhưng gian xảo, chuyên hại người. Nhân vật Hồ ly tinh bị lên án nhiều nhất là Đát Kỷ trong câu chuyện « Phong Thần diễn nghĩa ». Người ta đều cho rằng vì Đát Kỷ mà cơ đồ nhà Ân Thương mới sụp đổ. Người ta không nghĩ rằng, một người con gái dù có được sủng ái đến đâu cũng không thể khuynh loát triều chính. Triều chính hẳn phải mục ruỗng từ lâu, nên mỹ nhân chỉ cần vuốt nhẹ cơ đồ cũng có thể sụp đổ. Mục ruỗng là do đám vua chúa, triều thần kém cỏi, sao có thể đổ cho hồ ly tinh. Tác giả « Phong Thần diễn nghĩa » chắc chắn là đã nhiễm nặng quan điểm « trọng nam khinh nữ » của người thời xưa. Đến sau này, tác giả Bồ Tùng Linh đã viết về những cô nàng Hồ ly với một thái độ nhân văn và công bằng hơn. Ông nhìn ra phẩm chất chung thủy, trọng tình trọng nghĩa của Hồ ly tinh mà đến con người miệng cả bồ kinh luân cũng không thể sánh được.
Trong quan niệm xưa, Hồ ly tinh ban đầu chỉ để ám chỉ loài cáo. Sau đó, chẳng hiểu vì lý do gì, loài chồn, lửng cũng được xếp vào đây. Tập tính sinh học của cáo và chồn, lửng khác hẳn nhau. Chồn và lửng cùng thuộc họ Chồn. Họ Chồn là giống loài sống thủy sinh, thường ở những vùng trũng và ẩm thấp. Ngược lại, cáo thuộc họ Chó, thường thích sống ở những nơi cao ráo, sạch sẽ. Sự đánh đồng này đã khiến người ta có những nhận định sai lầm về loài cáo chăng ?
Nếu bạn đọc về cáo, bạn sẽ thấy rằng, trong họ Chó, đây là loài duy nhất không đi theo đàn và không thể thuần hóa. Cáo thường đi một mình, hoặc theo từng cặp, từng gia đình. Nhưng chủ yếu là đi thành cặp. Điều này rất khác với chó và sói. Hơn nữa, cáo rất khó để thuần hóa, tức là loài cáo tự thân đã có phẩm chất thuần chủng, không dễ gì hòa lẫn với những động vật khác. Chỉ có gần đây, các nhà khoa học Liên Xô mới lai ghép được cáo và chó để tạo ra giống mới, thân thiện với con người hơn. Phải thừa nhận, chính quyền và các nhà quản lý Liên Xô là bậc đại tài trong việc phá vỡ những gì độc đáo và thuần chủng, giống như họ đã làm với các trí thức Nga vậy. Bởi vậy, cáo là loài động vật « Độc Lập ».
Cáo không ăn những thức ăn bẩn thỉu và dư thừa như linh cẩu. Những thứ nó ăn thường sạch sẽ và tươi ngon. Tôi luôn đánh giá rằng, ai biết chọn đò ăn ngon để tận hưởng, không vì cái dạ dày của mình mà vì trạng thái tinh thần của mình, người đó có thể gọi bằng hai chữ « Tinh Tế ». Thời nay chẳng còn được mấy người đâu.
Trong các quốc gia, biết tôn trọng trí tuệ của loài cáo phải nói đến người Nhật. Mặc dù trong truyền thuyết Nhật Bản, có không ít vụ quân đội kéo nhau đi giết Hồ ly chín đuôi, Hồ ly tinh vẫn là biểu tượng của văn hóa tâm linh nước này, và được người Nhật gọi mấy tiếng « Hồ tiên » Zenkou. Đây là vị thần giúp con người trấn áp tà khí, mang lại phúc lành, lại có thể giúp con người có được các hiểu biết về nông nghiệp, công nghiệp và sự giàu có. Trí tuệ của Hồ tiên như vậy được thể hiện ở 3 khía cạnh : Thứ nhất là sự trong lành, thứ hai là sự hữu ích, thứ ba là sự khôn ngoan. Đó là phẩm chất « Trí Tuệ » mà chúng tôi muốn xây dựng ở Hang Cáo.
Ba giá trị « Độc lập, Tinh tế, Trí Tuệ » của loài Cáo – ba giá trị mà tôi, các bạn của tôi muốn đạt đến, cũng là ba giá trị chúng tôi mong đợi ở Việt Nam. Nhưng đường còn dài lắm, người ta giờ đây vẫn còn ghét cáo, thì còn rất lâu mong muốn mới thành hiện thực.
Với những ai đã thích thú với website hangcao.info , chúng tôi mong muốn rằng, đó sẽ là nơi các bạn tìm thấy sự tĩnh lặng. Tĩnh lặng luôn đi cùng với « Độc lập, Tinh tế, Trí tuệ » – Những điều các bạn có thể sẽ ít khi gặp được trên Internet.
Hà Thủy Nguyên
