Gia Linh
Bài đăng trên báo Văn hóa Nghệ An
Những phố sách được dựng lên, những hội chợ sách thường xuyên được tổ chức, những lời kêu gọi đọc sách từ người nổi tiếng… tất cả đều nhằm mục đích kích thích văn hóa đọc tại Việt Nam trong nhiều năm qua với khoản chi phí lớn và truyền thông rầm rộ. Tuy nhiên, hiệu quả thực sự của các hoạt động này vẫn chưa có đo đạc chính xác. Trong bối cảnh ấy, những chuyển biến nhỏ lẻ hơn và mang tính chiều sâu hơn vẫn đang diễn ra và góp phần đặt nền móng mới cho sự phát triển văn hóa đọc tại Việt Nam.
Những cộng đồng độc giả mạnh mẽ và có uy tín
Internet đã đưa các độc giả đến với nhau và liên kết thành những cộng đồng lớn, có tiếng nói độc lập và mạnh mẽ ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường sách. Nhóm độc giả đầu tiên và liên tục góp tiếng nói giúp định hình thị trường đọc là Book Hunter. Book Hunter bắt đầu hoạt động công khai vào năm 2013 và ngay từ ngày đầu hoạt động đã liên tục tổ chức các sự kiện giới thiệu và bàn luận những cuốn sách “khó đọc” nhưng cần thiết với giới học thuật Việt Nam (không chỉ tiếng Việt mà cả tiếng Anh). Bằng các hoạt động này, Book Hunter đã đưa “sách khó” đến với giới trẻ và khuyến khích giới trẻ tiếp cận các dòng sách nghiên cứu và văn học kinh điển thay vì chỉ đọc sách dạy làm giàu và tiểu thuyết ngôn tình. Không những vậy, Book Hunter còn lên tiếng bảo vệ các tác giả và dịch giả bị công kích một cách bất công, và phanh phui những vụ việc vi phạm bản quyền. Đầu năm 2019, Book Hunter cùng một số nhóm và cá nhân khác đã phát động phong trào Lì xì sách thay vì lì xì tiền. Đây là hoạt động có ý nghĩa nhằm thay đổi hành vi và thái độ của cả phụ huynh và trẻ em.
Sau Book Hunter, rất nhiều cộng đồng độc giả khác được hình thành, mà nổi bật nhất là Trạm Đọc và Cộng đồng đọc sách tinh hoa. Với hình thức hoạt động mở rộng hơn tới tất cả các chủ đề và thể loại sách, Trạm Đọc và Cộng đồng đọc sách tinh hoa nhanh chóng có được số lượng người đọc đông đảo. Họ phát động phong trào Đọc sách phong cách vào năm 2016 và lan tỏa tinh thần yêu sách đến giới trẻ. Khuyến khích các thành viên của cộng đồng viết các review ngắn và đăng trên group facebook Cộng đồng đọc sách tinh hoa cũng thúc đẩy độc giả đọc sâu thay vì đọc lướt và mở rộng tranh luận giữa các độc giả. Cùng với Book Hunter và Trạm Đọc – Cộng đồng đọc sách tinh hoa, các cộng đồng khác như Bình Thư quán, ZZZReview… cũng từng ngày tự nguyện thầm lặng để đưa tri thức đến với các độc giả.
Cộng đồng độc giả là nhân tố quan trọng trong quá trình phát triển của văn hóa đọc. Sự phát triển của cộng đồng độc giả cho thấy độc giả không chỉ là những người thụ hưởng thành quả của tác giả và dịch giả mà đã góp phần vào nâng cao chất lượng của sách. Những độc giả thông minh luôn đòi hỏi các tác giả và dịch giả liên tục nâng cao năng lực làm việc của mình.
Những cuốn sách không chiều lòng độc giả
Best-seller, sách dạy làm giàu, tiểu thuyết ngôn tình… không còn là những thể loại thống trị thị trường đọc như giai đoạn trước 2012 nữa. Thay vào đó là sự lên ngôi của những cuốn sách “khó đọc” bao gồm sách nghiên cứu, sách triết học, sách văn học kinh điển… Thị trường đã được phân khúc rõ ràng: một bên là những cuốn sách giải trí đại chúng và một bên là những cuốn sách giúp độc giả gia tăng hiểu biết. Sự phân chia này được vạch rõ bởi chính những cộng đồng độc giả và ngay cả các đơn vị xuất bản và phát hành sách, dù cho các kênh phân phối vẫn đang tiếp tục để thị trường sách ở tình thế vàng thau lẫn lộn.
Chỉ trong một thời gian ngắn từ năm 2013 đến nay, các thương hiệu sách “khó đọc” đã liên tiếp được ra đời góp phần cùng Nhà xuất bản Tri Thức, Đông Tây và Nhã Nam nâng cao văn hóa đọc, như: Dân Trí với các sách nghiên cứu lịch sử Việt Nam, Tao Đàn với các sách văn học kinh điển, Sao Bắc với tủ sách đọc chậm, Domino Book với những cuốn sách kinh điển về chính trị và giáo dục, Thăng Long với sách nghiên cứu văn hóa, Omega Book với những cuốn sách dịch thuật lớn về lịch sử và chính trị thế giới, Book Hunter với Tủ sách kiến tạo và những kiệt tác văn chương trên thế giới… Một trong các thử thách mà các đơn vị xuất bản phải đương đầu đó là cạnh tranh về giá với các sách đại chúng trong khi lại chỉ được in với số lượng ấn bản ít vì lượng độc giả của các dòng sách chưa nhiều. Do đó, cho đến nay, những đơn vị xuất bản này vẫn tồn tại trong tình trạng lỗ hoặc hòa vốn, và chủ yếu in sách “khó đọc” chỉ vì đam mê.
Đây là một cú lội ngược dòng của dòng sách “khó đọc”. Trong khi độc giả ngày càng ít đọc sách thì những cuốn sách “khó đọc” lại được in ra ngày càng nhiều hơn, không phải để kiếm lợi nhuận mà một phần là vì đam mê, một phần nhằm mục đích duy trì thói quen đọc nghiêm túc ở độc giả và phục vụ nhu cầu của những độc giả thông minh. Bằng đủ mọi cách sinh tồn, những cuốn sách “khó đọc” vẫn tiếp tục được xuất bản, thách thức thị hiếu đại chúng đang ngày một xuống cấp, quả thực là điểm sáng ít được truyền thông về văn hóa đọc để ý.
Kết luận
Những chuyển mình của văn hóa đọc tại Việt Nam gần đây cho thấy tín hiệu đáng mừng. Văn hóa đọc đang được nâng cao không phải bởi lượng mà bởi chất, dù vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Những tín hiệu này đồng thời cũng cho thấy các nguồn vốn đầu tư cho văn hóa đọc cần được phân phối hợp lý hơn: thay vì đầu tư dàn trải vào cơ sở hạ tầng (như tổ chức hội chợ sách hay xây phố sách) thì có thể giúp đỡ những đơn vị xuất bản sách và thẩm định sách.
