Bên cạnh một loạt các buổi Idea Hunting dồn dập và hại não trong năm 2014, Book Hunter còn có rất nhiều các sự kiện thú vị (có lẽ là vì năm Con Ngựa nên các Thợ Săn cũng khá… “tăng động”.
1. Book Hunter hợp tác với Nhà xuất bản Tri Thức
Khi GS Chu Hảo, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ, Giám đốc NXB Tri Thức, đến dự Idea Hunting “Kurt Godel, định luật bất toàn và hệ quả triết học của nó” do Thày giáo Phạm Việt Hưng trình bày ông đã bắt đầu để ý đến Book Hunter. Sau đó không lâu, nội dung buổi Idea Hunting “Câu chuyện vô hình – Sự trỗi dậy của con người cá nhân” được dịch giả Nguyễn Hồng Nhung gửi đến email của giáo sư Chu Hảo, từ đó ông đã đề nghị Book Hunter tham gia các buổi review sách tại NXB Tri Thức.
Những buổi Seminar này nhằm mục đích giới thiệu và thảo luận xung quanh ý tưởng của các cuốn sách hay. Diễn giả của chuỗi sự kiện này đa phần đều là những bạn trẻ của Book Hunter.
Hai buổi Seminar đáng chú ý phải kể đến 2 chủ đề: “Dữ liệu lớn: Sự chuyển dịch trong khoa học và xã hội” (Diễn giả: Trần Mai Sơn, Nguyễn Quốc Cường, Nguyễn Phương Mạnh) và “Tiến trình chuyển đổi nhận thức trong tôn giáo” (Diễn giả: Hà Thủy Nguyên, Nguyễn Vũ Hiệp, Nguyễn Ngọc Sơn)
2. “Lời kêu gọi Việt Nam trỗi dậy” và chùm bài “Việt Nam trỗi dậy”
Khi Trung Quốc cắm dàn khoan HD981 ở biển Đông, Book Hunter đã lên tiếng kêu gọi các bạn trẻ hãy “trỗi dậy”, không phải để bạo động, mà để tăng sức mạnh của nước ta bằng kinh tế, chính trị, văn hóa, khoa học, công nghệ… để đòi lại Hoàng Sa – Trường Sa cho Việt Nam.
Lời kêu gọi đã nhanh chóng lan tỏa trong giới trẻ, có sức ảnh hưởng tới hệ thống báo chí chính thống nhà nước và hệ thống truyền thông chống chính quyền.
3. Lên tiếng tham gia cuộc tranh luận trên Văn hóa Nghệ An xoay quanh cuốn sách “Nguồn gốc người Việt người Mường” của nhà nghiên cứu Tạ Đức
Khi cuốn sách “Nguồn gốc người Việt người Mường” được xuất bản và tổ chức giới thiệu ở Trung tâm văn hóa Pháp, ông Bùi Xuân Đính và một số học giả đã lên tiếng phản đối các luận điểm lịch sử của ông Tạ Đức cho rằng người Việt trước kia sống ở lưu vực sông Trường Giang, Trung Quốc. Lúc bấy giờ, tinh thần chống Trung Quốc đang lên cao, nên các luận điểm khoa học của ông Tạ Đức bi quy chụp nhiều vấn đề về chính trị.
Book Hunter đã mời nhà nghiên cứu Tạ Đức nói chuyện trong một buổi Idea Hunting “Nguồn gốc người Việt người Mường”. Sau đó vài ngày, ông Bùi Xuân Đính đã có bài mạt sát ông Tạ Đức và bôi nhọ ông Tạ Đức thuê Book Hunter quảng bá cuốn sách. Book Hunter đã lên tiếng bảo vệ tự do học thuật và quyền lên tiếng của độc giả bằng các bài viết dăng trên Văn hóa Nghệ An.
4. Các trận “Settle of Catan” nảy lửa
“Settle of Catan” là một boardgame của Đức, được đánh giá là có khả năng định hình tư duy trong thế kỷ 21. Book Hunter đã nhanh chóng tổ chức các buổi chơi “Settle of Catan” cho thành viên vào thứ 7 hàng tuần. Thông qua boardgame này, các thành viên đã bộc lộ tính cách, suy nghĩ, cảm xúc theo nhiều cách ấn tượng, với các giải pháp “chỉ có thể là người Việt Nam”.
5. Website Book Hunter bị hacker tấn công
Vào khoảng tháng 9, tháng 10/2014, website của Book Hunter liên tục bị tấn công. Mặc dù tìm mọi cách khắc phục sự cố nhưng chỉ trong vòng 12 tiếng, website lại bị tấn công. Các hunter đã quyết định: Để kệ cho hacker tấn công đến khi chán, trong thời gian này cả đội sẽ “Into the wild”.
Các thành viên của Book Hunter đã thực hiện các chuyến đi Ninh Bình, Ba Vì, dọc đường Hồ Chí Minh lên Con Cuông (Nghệ An)
6. Tổ chức kỷ niệm 10 năm viết văn của Admin Hà Thủy Nguyên
Book Hunter đã tổ chức buổi Kỷ niệm 10 năm viết văn của Admin Hà Thủy Nguyên. Buổi kỷ niệm có sự có mặt của Tiến sĩ Nguyễn Quang A, Phó giáo sư Đỗ Lai Thúy, Giáo sư Chu Hảo, Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, Nhà nghiên cứu dân tộc học Nguyễn Mạnh Tiến, cùng các thành viên đã và đang tham gia Book Hunter từ năm 2011 đến nay. Đặc biệt, khi mỗi người nói hình dung của mình về Ad Hà Thủy Nguyên thì rốt cuộc chính đương sự cũng không biết mình là ai.
