Home Uncategorized Các chương trình Idea Hunting 2014 của Book Hunter

Các chương trình Idea Hunting 2014 của Book Hunter

Năm 2014 đánh dấu bước phát triển ổn định của Book Hunter sau 3 năm hoạt động (20/11/2011). Cùng với việc mở rộng hợp tác, Book Hunter

Năm 2014 đánh dấu bước phát triển ổn định của Book Hunter sau 3 năm hoạt động (20/11/2011). Cùng với việc mở rộng hợp tác, Book Hunter đã đẩy mạnh chương trình Idea Hunting với các chủ đề đa dạng hơn. Sau đây là danh sách những buổi Idea Hunting trong năm 2014, các bạn đã tham gia hoặc theo dõi được bao nhiêu buổi?
Idea Hunting cho giới trẻ
1. Trực giác và quyết định vô thức
Hunter Lê Duy Nam
Trong cuốn sách Gut Feelings: The Intelligence of the Unconscious (2008), Gerd Gigerenzer cho biết: Khi xây dựng một hệ thống dự đoán tương lai, chúng ta gặp phải vấn đề đó là sự bất định. Thế giới chúng ta đang sống bản chất là một sự hỗn loạn. Khi chúng ta nhìn vạn vật ở tầm vĩ mô, có vẻ như chúng cố định và chắc chắn theo một cách nào đó. Nhưng khi chúng ta bắt đầu nhìn chúng ở tầm vi mô, mọi thứ bắt đầu trở nên ngẫu nhiên. Ở mức hạt cơ bản, chúng ta không thể sử dụng các quy luật xác định để mô tả các đối tượng hay các trạng thái của chúng. Sự chắc chắn bị thay thế bởi các mô hình xác suất. Thế giới của chúng ta không bao giờ có thể được dự đoán một cách chính xác 100%. Nó chỉ đúng trong thế giới lý tưởng. Ví dụ, trong thực tế không hề có các vật thể tương ứng với các hình thù toán học như đường thẳng, điểm, vòng tròn, vô cùng…vân vân. Vậy mà chúng ta lại dùng những định nghĩa trừu tượng này để mô tả thế giới. Cho nên chúng ta có thể nói chẳng có gì là hoàn hảo và mọi thứ đều có thể xảy ra. Và tất cả những dữ liệu ta có, chúng ta không thể phân biệt được đâu là dữ liệu có ích và đâu là dữ liệu vô ích, do đó hệ thống phỏng đoán phức tạp của chúng ta có thể làm việc kém hơn cả một hệ thống đơn giản. Và đó đó, đôi khi những luật lệ phỏng đoán đơn giản lại là phương án tốt nhất.
2. Tại sao tình dục lại nguy hiểm
Hunter Hà Thủy Nguyên
Thực ra Tình dục không thú vị cũng không nguy hiểm, nó không linh thiêng cũng chẳng tội lỗi. Tình dục liên tục bị đẩy từ thái cực này sang thái cực khác chỉ bởi chính những quan niệm bị cài đặt trong tâm trí con người. Nhiều nhà Cách mạng tình dục hay những người hô hào tự do Tình dục cho rằng giải phóng cho cơ quan sinh dục có thể đưa con người đến tự do tư tưởng, nhưng thực ra chỉ những người tự do tư tưởng mới có đời sống Tình dục đúng nghĩa. Cảm giác khoái lạc, trạng thái Thiên Đường, hóa ra lại không phải do cơ quan sinh dục quyết định, mà lại do chính não bộ quyết định, hoặc thậm chí những phần sâu hơn thế, tinh thần của con người quyết định.
3. Nguyên mẫu anh hùng trong mỗi chúng ta
Hunter: Đỗ Hoàng Tùng
Ở Việt Nam, có quá ít người biết đến khái niệm nguyên mẫu anh hùng. Nhưng ở phương Tây, đây là một khái niệm tương đối phổ biến trong xã hội. Bởi đây là một nguồn năng lượng rất mạnh mẽ trong tâm hồn, sự hiểu biết về nó giúp người ta có thể lý giải được rất nhiều vấn đề nhức nhối đang hằng ngày diễn ra. Chẳng hạn sự thờ ơ, lãng đạm trước cái xấu, cái ác – một thực trạng đáng báo động trong xã hội ta, là biểu hiện của sự thui chột của nguyên mẫu anh hùng trong tâm hồn con người. Hay việc mỗi đêm, hằng trăm thanh niên quay cuồng trong các sàn nhảy, phóng xe điên rồ trên đường phố là biểu hiện của hình thái tự hành, khi họ không dám đối diện với những vấn đề trong cuộc sống của mình. Hay việc ngày càng có nhiều đối tượng vị thành niên hảo ác với những hành vi rất manh động, táo tợn. Đa số các em nhỏ này đều là những nạn nhân của bạo hành gia đình, gia đình tan vỡ… Tất cả những biểu hiện trên đều cho thấy xã hội ta đang rất lúng túng trong việc nuôi dưỡng cho vị anh hùng bên trong mỗi người. Sự lúng túng này là điều hiển nhiên vì chúng ta thiếu hiểu biết và thường hành động một cách vô thức. Hệ quả là rất nhiều người đã trở thành nạn nhân của chính mình.
4. “Câu chuyện vô hình” – Sự trỗi dậy của con người cá nhân
Hunter Hà Thủy Nguyên
Trong thời kỳ chiến tranh, tập tiểu luận triết học đầu tiên ra đời: “Câu chuyện vô hình”(1943) “Câu chuyện vô hình” là một tập tiểu luận kỳ dị nói về sự chuyển dịch kỷ nguyên của vũ trụ dẫn đến sự chuyển dịch mới trong sự phát triển của loài người. Từ đám đông, những con người cá nhân trỗi dậy, đánh thức phần tinh thần Titan mạnh mẽ từ việc tìm về cội nguồn cổ xưa và sau đó là chặng đường hòa nhập với toàn thể bằng việc trải nghiệm khổ đau và gìn giữ điều thiêng liêng.

Buổi Idea Hunting "Tại dao tình dục lại nguy hiểm", đông nhất từ trước tới nay, người đến dự phải ngồi đất thay vì ngồi ghế.
Buổi Idea Hunting “Tại dao tình dục lại nguy hiểm”, đông nhất từ trước tới nay, người đến dự phải ngồi đất thay vì ngồi ghế.

5. “Signal and the Noise” – Khiêm tốn để dự đoán tốt hơn
Hunter Nguyễn Phương Mạnh
Dự đoán là hoạt động quan trọng và cũng dễ sai sót, vì nó kết nối giữa thực tế và thế giới như chúng ta thấy. Nate Silver, tác giả cuốn sách cho rằng chúng ta không thể đưa ra dự đoán hoàn toàn khách quan, mà sẽ luôn bị ảnh hưởng bởi góc nhìn chủ quan. Khi chúng ta quá tự tin, dự đoán của chúng ta lại kém chính xác đi, gây ra hậu quả to lớn. Những điều gây ra sự quá tự tin này gồm có bản chất của con người, sự quá tải thông tin, cơ chế hoạt động của thị trường. Để dự đoán tốt hơn, chúng ta cần phương pháp tư duy mới, đối mặt với sự không hoàn hảo của con người. Nate Silver đưa ra phương pháp tư duy xác suất Bayes và một số giải pháp kèm theo, giúp con người đưa ra các dự báo chính xác hơn.

6. Văn học giả tưởng – Một tiến trình đi tìm thực tại khác (Thực hiện lại chương trình năm 2013)

Hunter Hà Thủy Nguyên
7. Các mô hình tổ chức bang phái trong tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung
Hunter Nguyễn Phương Mạnh
Tiểu thuyết Kim Dung không chỉ là tiểu thuyết kiếm hiệp giải trí đơn thuần, mà ẩn chứa trong đó là những triết lý, những học thuyết, những điển hình xã hội đặc sắc. Trong số đó, thông qua các tổ chức bang hội, giáo phái mà ông đưa vào tiểu thuyết của mình, chúng ta có thể học hỏi thêm về nhiều mô hình tổ chức và các chức năng của mô hình ấy.
8. “Y khoa tâm thể” – Sứ mênh hòa hợp với vũ trụ
Hunter Phạm Khánh Hòa
“Y Khoa Tâm Thể” là một bài nói chuyện của Tiến sỹ người Mỹ gốc Ấn Deepak Chopra về cách nhận thức cuộc sống. Từ góc nhìn y khoa về cơ thể con người ở cấp độ tế bào và nguyên tử, ông dẫn dắt con người ta đến với những câu hỏi về sự tồn tại. Nối tiếp bằng những lập luận dựa trên hiểu biết về vũ trụ và lượng tử, Deepak Chopra dười như đưa ra được một lập luận kín kẽ và đầy thuyết phục về linh hồn, về thượng đế, về tồn tại.

Một buổi Idea Hunting thông thường ở Book Hunter ... có màu sắc ngả ngốn
Một buổi Idea Hunting thông thường ở Book Hunter … có màu sắc ngả ngốn

9. “Tôi tự học”
Hunter Elnino
“Tôi Tự Học” là cuốn sách viết về kinh nghiệm tự học của cụ Thu Giang Nguyễn Duy Cần. Thu Giang Nguyễn Duy Cần là một học giả với những tri kiến sâu rộng, đúng theo mô tả của người xưa là “Trên thông thiên văn, dưới tường địa lý” và cũng hiểu biết sâu sắc về nhân tình thế thái. Ông không chỉ nắm vững nền tảng kiến thức phương Đông mà còn cả phương Tây. Trong buổi này, Book Hunter không chỉ giới thiệu về cuốn sách mà còn qua đó đúc kết từ kinh nghiệm của ông những phương pháp tự học, các nền tảng kiến thức cần được xây đắp cho phát triển cá nhân
10. Hệ thống ngữ pháp và chữ viết – Điểm cốt lõi để tiếp cận các ngôn ngữ
Hunter Nguyễn Đức Anh
Trong buồi Idea Hunting này, diễn giả nói về những thứ kỳ quặc nhất với chúng ta- ngoại ngữ, và tạo ra một cố gắng để đơn giản hoá và de-foreignise, làm chúng ta gần gũi hơn các loại ngôn ngữ trên thế giới. Dù cho là ngôn ngữ có hệ thống được cho là phức tạp nhất như Phạn hay Hung (dĩ nhiên tôi không dám phân tích tiếng Phạn), thì chỉ với những nỗ lực cố gắng nhìn vào cả văn hoá và ngữ pháp ta sẽ thấy không xa lạ hay khó lắm. Phạm vi sẽ được đề cập trong buổi này bao gồm: Một số hệ thống chữ viết tiêu biểu; Một số hệ thống ngôn ngữ tiêu biểu bao gồm độ phổ của ngôn ngữ (số lượng – độ tập trung theo vùng miền của người nói) cho đến một chút phân tích về quá trình hình thành nên ngôn ngữ đó và hệ thống ngữ pháp. Sau cùng, là thử giải một đoạn văn bản trong ngôn ngữ được chọn.
11. Mặc cảm Pygmalion trong thơ ca
Hunter: Hà Thủy Nguyên
Pygmalion là một nhân vật trong thần thoại Hy Lạp. Chàng vốn là một điêu khắc gia tuyệt hảo và đã sáng tạo nên bức tượng nàng Galatea bằng ngọc thạch. Nhưng chàng quá yêu bức tượng của mình mà không đoái hoài đến những người phụ nữ bằng xương bằng thịt…
Pygmalion đã trở thành thuật ngữ cho một thuật ngữ cho phân tâm học trong việc nghiên cứu văn học và nghệ thuật. Trong thơ ca, mặc cảm Pygmaleon chi phối rất nhiều bên trong tiềm thức của các thi sĩ. Nội dung này sẽ được khảo sát trên một số nhà thơ Việt Nam ở phong trào Thơ Mới như Đinh Hùng, Vũ Hoàng Chương, Bích Khê, Hàn Mặc Tử…
12. Sự phát triển của xu hướng Kinh tế chia sẻ và ảnh hưởng tới xã hội
Hunter Nguyễn Phương Mạnh
Cụm từ nền kinh tế chia sẻ (sharing economy) có lẽ còn rất mới mẻ với nhiều người nhưng kỳ thực nó đang là một xu hướng công nghệ/kinh tế phát triển rất nóng trên thế giới trong khoảng 5-6 năm trở lại đây. Hai gương mặt đại diện ưu tú cho xu hướng này như Airbnb và Uber đang là những cái tên rất hot trong giới công nghệ hiện nay. Đặc điểm chính của các mô hình các công ty trên là chúng đều dựa trên sự chia sẻ tài sản giữa người dùng với nhau. Người có nhu cầu đi lại, tìm chỗ ở… sẽ tìm trên mạng lưới do công ty cung cấp một người khác đang có xe, có phòng phù hợp và muốn chia sẻ, cho thuê. Công ty đứng giữa kết nối hai người sẽ thu một khoản nhỏ chi phí nếu hai bên giao dịch thành công với nhau. Điểm lợi với người muốn sử dụng dịch vụ là họ sẽ có thêm rất nhiều lựa chọn phong phú, và thường sẽ phải trả chi phí thấp hơn so với dịch vụ của công ty cho thuê ô tô, khách sạn chuyên nghiệp. Còn người cho thuê tài sản của mình có thể tăng thêm thu nhập từ những tài sản ít hoặc không sử dụng tới. Do việc làm mờ đi tính tư hữu và sử dụng tài sản chung như vậy cho nên kinh tế chia sẻ còn có một tên gọi khác đó là “kinh tế cộng tác” (collaborative economy)
13. Tập thơ “Lửa thiêng” của Huy Cận – Mang mang thiên cổ sầu
Hunter Hà Thủy Nguyên
Nhà thơ Huy Cận (1919-2005) là một trong số những đỉnh cao của Phong trào Thơ Mới. Thơ của ông không mang màu sắc tình tứ, lãng mạn của tình yêu trai gái mà mang một sắc màu “nỗi sầu thiên cổ” hiếm hoi trong Phong trào Thơ Mới. “Nỗi sầu thiên cổ” của ông đánh dấu một bước chuyển trong chủ đề và bút pháp của phong trào Thơ Mới, đó là chuyển từ lối dãi bày, kể lể cá nhân, sang hình thức tượng trưng và lặn sâu vào cõi hư vô của tâm trí. Tập thơ “Lửa thiêng” không chỉ là tập thơ có giá trị nhất của thời kỳ Thơ Mới, mà còn ẩn chứa trong đó “chiếc linh hồn ngọc” của Huy Cận, mà sau này đã dần bị che khuất khi bắt đầu tham gia Cách mạng, và trở thành Bộ Trưởng, thành Đại biểu Quốc hội, thành Viện sĩ Viện hàn lâm thơ thế giới… Đến với tập thơ “Lửa Thiêng” chúng ta rơi vào một cõi mênh mang, vô định. Một nỗi buồn tiếc nhớ điều gì đó không thể lý giải, một nỗi tiếc nhớ Thiên Đường bị đánh mất. Nhà phân tâm học siêu thức Roberto Assagiolie cho rằng, những trạng thái như trên chính là tiếng gọi của phần siêu thức.
14. Nhìn lại thơ Tố Hữu – Bi kịch của niềm tin
Hunter Hà Thủy Nguyên
Tố Hữu (1920-2002) là nhà thơ tiêu biểu của nền văn học Xã hội Chủ nghĩa ở Việt Nam. Không chỉ là một nhà thơ, ông là một nhà chính trị, thông qua thơ ca để truyền tải những cảm hứng chính trị của mình. Xung quanh tên tuổi của ông, nhiều vinh quang nhưng cũng nhiều điều tiếng. Thơ ca của ông là tượng trưng cho niềm tin vào Đảng Cộng Sản và cuộc Cách mạng Xã hội chủ nghĩa, nhưng ẩn sau đó vẫn là những bi kịch tâm lý trước thực trạng không thể trốn tránh. Chính Tố Hữu đã viết:
“Ôi đâu phải qua đêm dài lạnh cóng
Mặt trời lên là hết bóng sương mù
Ôi đâu phải qua đoạn đường lửa bỏng
Cuộc đời ta bỗng chốc hóa Thiên đường”
 
Big Idea Hunting dành cho mentor
Qúy vị có thể xem tại kênh Youtube Book Hunter
1. Kurt Godel với định luật bất toàn và hệ quả triết học
Diễn giả: Ký giả khoa học/Nhà giáo Phạm Việt Hưng
Ký giả khoa học Phạm Việt Hưng chia sẻ về Định lý bất toàn của Kurt Godel, người đã được tờ tạp chí danh tiếng Times bình chọn là nhà toán học lớn nhất thế kỷ 20. Định lý bất toàn (incompleteness theorem), là một định lý được giới khoa học so sánh với thuyết tương đối của Einstein và nguyên lý bất định của Heisenberg. Định luật này quả thực đã làm đảo lộn những giấy phút cuối của thế kỷ 20 khi sự kiện Y2K tạo ra sự cố dừng khiến cho những người đã từng phủ nhận nó phải kinh ngạc.
2. “Vẫy vào vô tận” – Bi kịch của những nhà canh tân
Diễn giả/Tác giả: PGS/Nhà phê bình văn học Đỗ Lai Thúy
Trong tập tùy bút “Vẫy vào vô tận”, Đỗ Lai Thúy khắc họa chân dung của các học giả của nước ta, bao gồm: Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Phan Khôi, Nhất Linh, Đinh Gia Trinh, Văn Tâm, Hoàng Ngọc Hiến, Đặng Nghiêm Văn, Hà Văn Tấn, Nguyễn Tài Cẩn, Đặng Tiến, Nguyễn Văn Trung, Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn Khắc Dương. Họ đều là những học giả hàng đầu trong thời đại của mình nhưng mỗi người lại mang trong mình một bi kịch, mà bi kịch lớn nhất là những tư tưởng của họ, cách họ nghĩ, cách họ hành động… có phần nào không tương thích với thời đại họ sống. (Mà nếu có tương thích thì đó cũng chỉ là bề ngoài khiên cưỡng).Không chỉ khắc họa chân dung học thuật, Đỗ Lai Thúy còn cho độc giả thấy một sự chuyển dịch hệ hình học thuật trong giới học giả. Lý thuyết chuyển dịch hệ hình của ông chúng ta đã được biết đến trong tập tiểu luận phê bình “Thơ như là mỹ học của cái Khác”.
3. “Nguồn gốc kinh tế của thể chế độc tài và dân chủ”
Diễn giả: Tiến sĩ Nguyễn Quang A
Trong cuốn sách này, hai tác giả Acemoglu và Robinson đã đưa ra những lý thuyết và sử dụng thống kê từ nhiều nguồn tin cậy để chứng minh cho lý thuyết của họ. Một cuốn sách nhỏ nhưng mang lại cho chúng ta một bức tranh lớn bao trùm lịch sử kinh tế của toàn thế giới trong vài chục năm trở lại đây. Các khái niệm được cuốn sách này nhắc đến bao gồm: giáo dục, chênh lệch giàu nghèo, dân chủ, tái phân phối, đảo chính…
4. “Nguồn gốc người Việt người Mường”
Diễn giả/Tác giả Tạ Đức
Với cuốn sách này, Nhà nghiên cứu Tạ Đức đã có một cuộc khảo sát các tư liệu khảo cổ, sử học, phong tục tập quán, ngôn ngữ… để truy tìm về cội nguồn xa xưa của người Việt và những bước thiên di của người Việt xa xưa. Trong công trình nghiên cứu của mình, ông đã cung cấp cho người đọc các kiến thức nền tảng về nguồn gốc và đặc trưng của nền văn hóa Phùng Nguyên và lý giải tại sao dân cư thuộc nền văn hóa này lại di dân tới Việt Nam. Sau đó ông lý giải tại sao lại hình thành tên gọi Việt, sự hình thành nước Xích Qủy, nước Việt Thường, nước Văn Lang, nước Âu Lạc và nền văn hóa Đông Sơn.
5. Nhân trị và Pháp trị (Chương trình phối hợp với Tạp chí Phía Trước)
Diễn giả: Nhà nghiên cứu độc lập Nguyễn Hoài Vân
Trước hết, diễn giả Nguyễn Hoài Vân trình bày văn tắt thế nào là Nhân trị và thế nào là Pháp trị theo cách hiểu của người xưa. Sau đó, ông bước sang sự phân định các yếu tố có tính cách tương đối “Nhân” và tương đối “Pháp” trong các trào lưu tư tưởng hiện đại. Rồi, để cho vấn đề được thêm rõ nét, ông phân tích hai mô hình tổ chức xã hội tiêu biểu là tư bản và xã hội chủ nghĩa dưới cách nhìn “Nhân” và “Pháp”. Từ đó,  chúng ta mới rút tỉa vài ưu và kuyết điểm chính yếu của nhân cũng như Pháp trị. Ngoài ra, cũng cần thiết phải phân biệt khái niệm “Pháp trị” của phương Đông và khái niệm “pháp trị dân chủ” trong nhà nước phương Tây.
6. Kế thừa di sản định cư trong kế hoạch phát triển
Diễn giả: Nhà báo Trần Trung Chính
Nói tới định cư, là nói đến lịch sử cư trú của một quần thể người trong một không gian lãnh thổ được xác định. Và muốn tác động vào nó bằng các kế hoạch, hay quy hoạch, để thiết lập môi trường cư trú mới, cần trả lời được ít nhất các câu hỏi đơn giản : -1 Những con người ở đó đang sống ổn định bằng gì vậy? -2 Bằng những cách tác động nào để họ tiếp tục sống ổn định, có thu nhập cao hơn, hạnh phúc hơn? Các hoạt động quy hoạch ở nước ta đang trực tiếp ảnh hưởng đến sự định cư của hàng triệu người vốn sống ổn định qua hàng trăm, hàng nghìn năm – rồi tiếp tục thay đổi trạng thái sống của họ bằng việc lập nên các khu đô thị mới. Và trả lời câu hỏi trong số các di sản văn minh Việt, có di sản định cư không? Nó có ý nghĩa gì cho hôm nay, nếu được kế thừa?
7. Quyền lưc đỉnh núi và cá tính người H’mông
Diễn giả/Tác giả: Nhà nghiên cứu độc lập Nguyễn Mạnh Tiến
“Những đỉnh núi du ca” là tác phẩm nghiên cứu về cá tính H’mông của nhà dân tộc học hoạt động độc lập Nguyễn Mạnh Tiến. Cuốn sách phân tích các dữ kiện dân tộc học về H’mông từ nhiều phương diện, nhằm lý giải các đặc điểm bản chất trong tâm thức H’mông, tộc người sống ở những đỉnh núi cao. Từ đó, xác lập bộ từ khóa làm thành “cá tính H’mông” trong lịch sử: tâm thức lưu vong – tâm thức di dân – tâm thức mồ côi, ám ảnh Hán, tự vẫn, nổi loạn, tự do, mộng mơ, tình yêu, tự trị tộc người, quyền lực miền núi. Thông qua nghiên cứu trường hợp H’mông, nghiên cứu tiến hành thảo luận các vấn đề về miền núi Việt Nam từ cái nhìn giải Việt tâm luận và phê phán chủ nghĩa dân tộc cực đoan trong quan sát về các xã hội miền núi. Từ đó, cuốn sách đưa đến mô hình núi trong các quan sát về Việt Nam.
8. “Lý thuyết trò chơi và chuyển đổi dân chủ: Mô hình Tây Ban Nha”
Diễn giả/Dịch giả: Tiến sĩ Nguyễn Quang A
Tây Ban Nha là một nước quân chủ, năm 1873 nền cộng hòa thứ nhất được lập ra nhưng bị lật đổ năm 1874; nền cộng hòa thứ hai được lập ra năm 1931 nhưng đã bị lật đổ bởi cuộc nội chiến đẫm máu 1936-39 và sau đó trên danh được khôi phục nhưng thực chất đã là chế độ độc tài hoàn toàn của một người, Tướng Franciso Franco. Franco chết năm 1975 và sau cái chết của ông đã là một quá trình chuyển đổi từ 1976 đến 1981 khi nền dân chủ được thiết lập hoàn toàn; và quá trình chuyển đổi này là nội dung của cuốn sách. Cuốn sách của Josep M. Colomer này là  cuốn thứ 6 trong tủ sách của Tiến sĩ Nguyễn Quang A về kinh nghiệm chuyển đổi từ chế độ độc tài sang các chế độ dân chủ của các nước Đông Âu, Nam Phi và Tây Ban Nha, trong đó có Hungary (cuốn số 14), Ba Lan và Nam Phi (các cuốn số 24, 25, 26 và 27)
9. Di sản chiến tranh ở Việt Nam
Diễn giả: Chuck Searcy
Đây là buổi chia sẻ đầy xúc động của một cựu chiến binh Mỹ ở Việt Nam. Hiện nay, ông đang làm việc ở Việt Nam, từng ngày gỡ từng quả mìn, quả bom mà quân đội Mỹ đã rải trên khắp nước ta.  Ông bày tỏ nỗi đau trước những mất mát sau chiến tranh, nhưng hơn cả thế, những việc làm của ông cho thấy rằng chiến tranh đã qua đi nhưng nỗi đau thì không dễ gì xoa dịu. Ông cũng bày tỏ sự phẫn nộ với những mưu đồ bành trướng của chính phủ Mỹ đã gây ra nhiều tấm thảm kịch trên thế giới.
10. Sự giới hạn của kiến thức và trí tuệ
Diễn giả: Frederik Larbarthes
Kiến thức và trí tuệ luôn là chuẩn mực trong đời sống của loài người hàng nghìn năm nay. Thế nhưng, kiến thức và trí tuệ cũng có những giới hạn của chúng. Chúng giúp chúng ta sinh tồn, nhưng không giúp ta sống hòa hợp với nhân loại, vạn vật và vũ trụ. Trong buổi trò chuyện này,  ông Frederick Larbarthes nói về sự giới hạn của kiến thức, trí tuệ, đồng thời cùng nhau khám phá xem có điều gì bên ngoài sự giới hạn đó. Bên kia giới hạn đó chính là tình yêu và Thượng Đế, khi mọi thứ đều có sự kết nối với nhau.
 
Seminar (Kết hợp với Nhà xuất bản Tri Thức)
10374491_592627427508680_3071805504298388677_n
Seminar tại NXB Tri Thức, các Hunter đã phải trở thành “thanh niên nghiêm túc”

 
1. Albert Einstein – Một cuộc đời, một ý tưởng 
Hunter Nguyễn Phương Mạnh phối hợp cùng nhóm Tinh thần Khai Minh
Albert Einstein là nhà bác học nổi tiếng với học thuyết tương đối và các khám phá khác trong lĩnh vực vật lý. Tuy nhiên ông cũng tham gia vào nhiều hoạt động xã hội, nhân đạo trên thế giới. Ông thường được mời đưa ra phát biểu về những vấn đề không liên quan tới thuyết vật lý hay toán học. Vị trí của Einstein trong xã hội giúp ông có thể nói và viết thẳng thắn, thậm chí chỉ trích vào thời điểm mọi người phải im lặng trước các thế lực cực đoan. Các bài viết, diễn văn, tuyên bố, thư từ của Albert Einstein về các chủ đề triết học, chính trị, đạo đức, giáo dục… được tổng hợp trong cuốn sách “Thế giới như tôi thấy” – xuất bản tại Việt Nam bởi NXB Tri Thức.
2. Giải mã biểu tượng cổ xưa trong “Câu chuyện vô hình & Đảo” của Hamvas Béla (Thực hiện lại nội dung Idea Hunting: “Câu truyện vô hình” – Sự trỗi dậy của con người cá nhân)
Dịch giả Nguyễn Hồng Nhung, Cư sĩ Minh Đạt, Hunter Hà Thủy Nguyên
3. Dữ liệu lớn: Sự chuyển dịch trong khoa học và xã hội
Hunter Trần Sơn, Hunter Nguyễn Phương Mạnh, Hunter Nguyễn Quốc Cường
Dữ liệu lớn (Big Data) đang tạo ra một sự chuyển dịch tư duy và ảnh hưởng của nó tới khoa học và xã hội ra sao. Đặc trưng cơ bản của Big Data chính là việc tư duy theo kiểu thống kê và dự đoán, vốn đã ra đời từ lâu và không phải điều gì xa lạ với đa số chúng ta. Tuy nhiên chỉ khi công nghệ phát triển, với việc tạo ra, thu thập, lưu trữ, xử lý và chia sẻ dữ liệu trở nên dễ dàng với giá thành rẻ, việc phân tích và dự đoán mới thực sự chứng minh được sự ưu việt của mình trong thực tế. Mặc dù mới ra đời nhưng trào lưu Big Data đang được mọi người đặc biệt chú ý, và được kỳ vọng có thể tạo ra một cuộc chuyển dịch tư duy lớn trong mọi mặt của đời sống, từ khoa học, kinh tế tới chính trị, văn hóa, xã hội…
4. Tiến trình chuyển đổi nhận thức trong tôn giáo
Hunter Hà Thủy Nguyên, Hunter Nguyễn Vũ Hiệp, Hunter Nguyễn Ngọc Sơn
Tôn giáo xuất hiện từ bao giờ và tại sao lại xuất hiện, đến nay vẫn là một câu hỏi lớn không thể tìm được lời đáp. Nếu kinh tế chi phối đời sống bên ngoài, thì tôn giáo chi phối đời sống bên trong. Mỗi tôn giáo khác nhau lại có các cách thức chi phối đời sống tinh thần của cả xã hội theo các cách khác nhau. Nghiên cứu về lịch sử tôn giáo chính là nghiên cứu về sự chuyển dịch nhận thức do tôn giáo quy định lên xã hội con người, đồng thời tìm hiểu về các yếu tố định cư khác nhau ảnh hưởng tới nhận thức tôn giáo của các cộng đồng. Đây nhất thiết là một quá trình song hành.
5. “Súng, vi trùng và thép”: Vấn đề chi phối vận mệnh các dân tộc
Hunter Nguyễn Quốc Cường
“Súng, Vi trùng và Thép” là tác phẩm đoạt giải thưởng Pulitzer của Jared Diamond – một công trình phân tích cơ chế vận hành căn bản của tiến trình văn hóa trong quá khứ của nhân loại, và trả lời thoả đáng cho các câu hỏi: Vì sao một số dân tộc này lại có thể chinh phục, xâm chiếm lãnh thổ của các dân tộc khác đã có mặt từ trước ở các lục địa xa xôi? Jared Diamond đã đi đến những góc cạnh khác nhau trong lịch sử hình thành nhân loại: từ việc chuyển hoá từ săn bắt hái lượm sang làm nông, đến việc dựa trên những chứng cứ khoa học để khảo sát việc các loài thực vật và các loài động vật đã phát triển và được thuần hoá ở mỗi nơi khác nhau ra sao, rồi vì nguyên nhân nào mà khu vực Á-Âu lại phát triển nhanh hơn khu vực châu Mĩ, những phát kiến và nhu cầu của con người có quan hệ ra sao, v.v.. Và phần diễn giải từ những góc cạnh khác nhau như thế mới chính là điểm quan trọng và mạnh mẽnhất mà Jared Diamond muốn mang lại cho người đọc, chứ không phải chỉ đơn thuần cung cấp những câu trả lời.
*Phối hợp với Salon Café thứ Bảy
Với sự giúp đỡ của Salon Café thứ Bảy, Book Hunter đã có 2 chương trình được tổ chức lại là:
– Văn học giả tưởng – Một tiến trình đi tìm thực tại khác
– Tiến trình chuyển đổi nhận thức trong tôn giáo

Idea Hunting: Thực tại trong ca khúc của Phạm Duy

Idea Hunting là chuỗi chương trình giới thiệu và thảo  luận các ý tưởng, tác phẩm, nghiên cứu... do Book Hunter tổ chức với phong cách trẻ trung, thân thiện để tiếp cận các nội dung mang tính hàn lâm. Chương trình Idea Hunting "Thực tại trong ca khúc của Phạm Duy" được tổ chức vào ngày 21-2-2016 tại Pirata Cafe 30A Phan Bội Châu. Diễn giả: Nguyễn Vũ Hiệp. Dẫn chương trình: Hà Thủy Nguyên. “Vang vọng một thời”, tập sách mà Phạm Duy

Book Hunter

23/02/2016

Sách cấm có phải là sách hay?

"Có lẽ điều chúng ta nên đọc là tiêu chuẩn “sách cấm và sách hay”, và sự phân biệt nghiêm khắc hai loại sách ấy – như nhà văn “có nhiều sách cấm” nhất Trung Quốc là Diêm Liên Khoa đã nhấn mạnh trong bài viết dưới đây. Ít nhất bạn sẽ hiểu rõ vì sao tác giả chưa bao giờ cảm thấy “có nhiều sách cấm nhất” là một lời ngợi khen đối với ông." Trung Quốc có một câu nói rất phổ biến:

Book Hunter

04/03/2019

Idea Hunting: Một thế hệ lạc lõng ở Việt Nam, có hay không?

Cộng đồng Book Hunter bắt đầu có sức lan tỏa từ chùm bài "Thế hệ lạc lõng" do nhà văn Hà Thủy Nguyên viết . Chùm bài nhận được nhiều sự đồng cảm từ giới trẻ, đồng thời cũng gặp nhiều ý kiến phản đối. Tuy nhiên, "Một thế hệ lạc lõng ở Việt Nam, có hay không?" vẫn là chủ đề đáng để chúng ta bàn luận. Thế hệ này được xác định là những đứa trẻ sinh ra vào khoảng những năm 1985 đến
le-nam

Lê Nam

22/01/2015

TỰ DO VÀ BÌNH ĐẲNG TRONG TIẾP CẬN TRI THỨC – VẤN ĐỀ CHỦ CHỐT ĐỂ CẢI THIỆN NỀN HỌC THUẬT

Tự do trí tuệ và Tự do học thuật là những yếu tố căn bản trong việc xây dựng một chiến lược nhân tài của quốc gia, nhưng nếu tri thức không được tiếp cận một cách tự do và bình đẳng thì những khái niệm vừa được nêu ra chỉ là những ngôn từ sáo rỗng. Trong cả tự do trí tuệ hay tự do học thuật đều bao hàm ba kiểu quyền lợi: quyền tiếp cận, quyền lựa chọn và quyền biểu đạt.

Online Workshop: PHƯƠNG PHÁP SÁNG TÁC VĂN CHƯƠNG

Đa số người đọc đều cho rằng sáng tác văn chương là công việc thuần túy tự nhiên và chỉ cần viết thuận theo cảm xúc là đủ. Thế nhưng, sáng tác văn chương đòi hỏi ở người viết nhiều hơn thế, bao gồm: sự hiểu biết, các quan niệm thẩm mỹ, vốn sống, vốn từ phong phú, cách tư duy vấn đề khác lạ, khả năng rung cảm tinh tế…v…v… Đó là các vấn đề chúng tôi mong muốn chia sẻ với các bạn

Book Hunter

16/04/2017